Tổng hợp COVID-19 ngày 21/8: Bình Dương có số ca mắc cao nhất nước; siết chặt 'ai ở đâu ở yên đó'

Ngày 21/8, Việt Nam ghi nhận 11.321 ca mắc COVID-19 mới. Đáng chú ý, Bình Dương đã vượt TP Hồ Chí Minh về số ca mắc mới với trên 4.500 ca. Để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, sớm đưa cả nước trở về trạng thái “bình thường mới”, Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội... thực hiện nghiêm “ai ở đâu ở yên đó”.

Bình Dương dẫn đầu ca mắc mới

Từ 18 giờ 30 phút ngày 20/8 đến 18 giờ ngày 21/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.321 ca nhiễm mới; trong đó có 22 ca nhập cảnh và 11.299 ca ghi nhận trong nước với 7.428 ca trong cộng đồng, số còn lại là trong khu cách ly, phong toả.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở khu vực nguy cơ. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý, Bình Dương dẫn đầu ca mắc mới với 4.505 ca, nguyên nhân do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 2.118 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19; tiếp đến là TP Hồ Chí Minh với 4.084 ca, Tiền Giang 589 ca, Đồng Nai 551 ca, Long An 393 ca... 

Như vậy, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 2.767 ca; Bình Dương tăng 2.400 ca, TP Hồ Chí Minh tăng 709 ca, Tiền Giang tăng 222 ca, Đồng Nai giảm 135 ca, Long An tăng 26 ca... Ngoài ra, trong ngày đã có 7.272 bệnh nhân khỏi bệnh.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 20/8 là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới. 

Trong ngày, Bộ Y tế cũng ban hành Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 về việc Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà. TP Hồ Chí Minh cũng triển khai Hệ thống tra cứu thông tin người bệnh COVID-19 thông qua việc kết nối thông tin bệnh nhân trên hệ thống quản lý bệnh viện, cơ sở điều trị để cung cấp cho gia đình bệnh nhân có thể tra cứu được tình trạng người thân của mình, nhắn tin đến người nhà bệnh nhân khi tình trạng bệnh của họ thay đổi.

Bình Dương "khóa chặt" 11 phường có ca mắc F0 dày đặc

Với ca mắc COVID-19 ngày càng tăng cao với tổng số trên 66.000 ca từ đợt dịch thứ 4, Bình Dương bắt đầu áp dụng việc "khóa chặt" 11 phường trên địa bàn tỉnh trong 15 ngày, kể từ ngày 22/8. Đây là 11 phường có số ca F0 dày đặc, gồm 7 phường của thị xã Tân Uyên (Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp, Tân Hiệp) và bốn phường của thành phố Thuận An (Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa). 

Trong thời gian "khóa chặt", người dân không được ra khỏi nhà, không được đi chợ, lực lượng quân đội sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm đến tận nơi cho người dân.

Chú thích ảnh
Lực lượng đoàn viên thanh niên thuộc Tỉnh đoàn Bình Dương hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tìm F0 trong cộng đồng trên địa bàn thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN

Theo Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương, số ca F0 những ngày qua tăng cao là do tỉnh đang thực hiện chiến lược xét nghiệm diện rộng đợt 2 trong cộng đồng. Điều đó chứng tỏ, tỉnh đã đánh giá đúng nguy cơ dịch bệnh, rà soát đúng đối tượng, không để bị sót, lọt F0 trong cộng đồng. Nếu tỉnh tăng cường các biện pháp chống dịch mà không phát hiện được ca bệnh thì coi như các biện pháp chống dịch của tỉnh không hiệu quả.

Lực lượng quân sự tỉnh Bình Dương đã xây dựng xong hệ thống khu cách ly và bệnh viện dã chiến nhằm đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo tháp 3 tầng. Sự chuẩn bị này giúp bảo đảm kịch bản 100.000 ca mắc COVID-19. 

Bình Dương cũng đã được Cục Dự trữ phía Nam xuất kho trước 8,3 nghìn tấn gạo để phát cho người dân và sẽ ưu tiên cho 2 địa phương nói trên bắt đầu từ ngày mai. Sau khi xuất kho 8,3 nghìn tấn gạo đợt đầu, Bình Dương sẽ được Cục Dự trữ phía Nam xuất kho thêm hơn 3 nghìn tấn gạo đợt 2. Tổng hai đợt sẽ hơn 11 nghìn tấn.

TP Hồ Chí Minh xây dựng 'pháo đài' chống dịch

Mặc dù trong ngày 21/8, Bình Dương dẫn đầu ca mắc mới nhưng là số ca được bổ sung những ngày trước. Do đó, TP Hồ Chí Minh vẫn được xem là nơi có số ca mắc mới cao nhất cả nước. Để có thể hạn chế lây nhiễm và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng một cách nhanh nhất, từ 0h ngày 23/8 đến ngày 6/9, TP Hồ Chí Minh tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, trong đó yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện việc "ai ở đâu ở yên đó".

Chú thích ảnh
Số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao, chiếm trên 83% tổng ca mắc trong ngày. Ảnh: Đan Phương

Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố yêu cầu nhà cách ly nhà; tổ dân phố, tổ nhân dân cách ly tổ dân phố, tổ nhân dân; khu phố, ấp cách ly khu phố, ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn; thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao ("vùng cam”, “vùng đỏ”) để tham gia công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội, duy trì các Tổ tự quản bảo vệ "vùng xanh", đi chợ thay cho người dân…

Trong thời gian giãn cách này, TP Hồ Chí Minh cũng tăng cường các biện pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong; chú trọng đẩy nhanh công tác xét nghiệm toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ” bằng phương thức test nhanh, mẫu gộp… 

Với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của thành phố, của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố   sẽ thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 00 giờ ngày 23/8/2021.

Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn thực hiện theo Công văn số 2718/UBND-VX ngày 15/8 của Ủy ban nhân dân thành phố, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định. 

Riêng lực lượng shipper tạm ngưng hoạt động tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện gồm: Quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn. Đối với các quận, huyện còn lại thì shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận và có dấu hiệu nhận dạng riêng.

Bảo đảm chăm sóc y tế và cung ứng hàng hóa thiết yếu

Về cung ứng thực phẩm cho nguời dân trong thời gian trên, trong “vùng xanh”, “vùng vàng” (vùng nguy cơ), TP Hồ Chí Minh chia 2 nhóm gồm nhóm người dân có điều kiện chưa cần sử dụng sự hỗ trợ thì được đi chợ 1 lần/tuần, nhóm người dân khó khăn còn lại được nhận gói hỗ trợ do Tổ công tác đặc biệt cấp phát trực tiếp.

Chú thích ảnh
Người dân hãy ở nhà, chính quyền sẽ mang hàng hóa đến phục vụ tận nhà cho người dân. Ảnh: Hoàng Tuyết

Đối với nhóm “vùng cam”, “vùng đỏ”, Thành phố cũng phân thành 2 nhóm gồm người dân có điều kiện chưa cần sự giúp đỡ thì Tổ công tác đặc biệt sẽ đi chợ thay, người dân trả tiền, thời gian 1 tuần/lần; nhóm người dân còn lại cũng sẽ nhận gói hỗ trợ như ở “vùng xanh”, “vùng vàng”. Thành phố đã cung cấp cho các phường, xã, thị trấn gần 3.000 địa chỉ đi chợ, trong trường hợp địa bàn thiếu hàng hóa, các cơ quan chức năng đưa xe lưu động mang hàng hóa tới để người dân mua.  

Với các hộ dân nghèo, khó khăn, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ (miễn, giảm tiền điện nước); chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn…

Gần 300 bác sĩ, học viên Quân y lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch

Để có thể thực hiện tốt việc áp dụng các biện pháp giản cách xã hội nghiêm ngặt trong thời gian từ 23/8 - 6/9, đã có gần 300 bác sĩ, học viện Quân y lên đường vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam hỗ trợ chống dịch. 

Chú thích ảnh
295 bác sỹ, quân y đã đến TP Hồ Chí Minh chiều 21/8. Ảnh: ML

Chiều ngày 21/8, lực lượng hỗ trợ đã đến TP Hồ Chí Minh. Đoàn công tác gồm có 295 thành viên, tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động, trong đó có 113 bác sỹ, 2 cán bộ và 180 học viên năm thứ tư, do Đại tá Nguyễn Anh Tuấn làm Trưởng đoàn.

Công việc cụ thể của 60 tổ quân y lưu động là tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vaccine, quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý, chăm sóc các trường hợp F0, cách ly, điều trị tại gia đình; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.

Trong ngày, Cục CSGT xuất quân tăng cường chống dịch COVID-19 cho TP Hồ Chí Minh. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, các cán bộ chiến sĩ tăng cường lần này đã được tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, xét nghiệm âm tính.

Từ 21 - 23/8, dự kiến sẽ có khoảng 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh để phục vụ công tác phòng, chống dịch theo đường hàng không.

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6 giờ ngày 6/9

Trong khi đó tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Công điện hoả tốc số 19/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 vào chiều 21/8.

Chú thích ảnh
TP Hà Nội tiếp tục giãn cách đến 6 giờ ngày 6/9/2021. Ảnh: TTXVN

Cũng giống như TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó” nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội.

Ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch, mỗi người dân Thủ đô là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, thôn, xóm, cơ quan, doanh nghiệp… là một pháo đài chống dịch.

Lãnh đạo TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị siết chặt việc cấp và quản lý giấy đi đường cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, đảm bảo đúng đối tượng và quy định của Thành phố; chịu trách nhiệm trước chính quyền Thành phố và pháp luật trong trường hợp vi phạm quy định nêu trên gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp )
Tổng hợp COVID-19: Từ ngày 23/8 TP Hồ Chí Minh thực hiện ‘ai ở đâu ở yên đó’, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 6/9
Tổng hợp COVID-19: Từ ngày 23/8 TP Hồ Chí Minh thực hiện ‘ai ở đâu ở yên đó’, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 6/9

Ngày 20/8, cả nước ghi nhận 10.657 ca mắc mới và đã có 12.756 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, từ ngày 23/8 người dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”. Thành uỷ Hà Nội đồng ý chủ trương tiếp tục giãn cách xã hội đến 6 giờ ngày 6/9/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN