Quân đội bảo đảm quân y, chủ động chống dịch cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, bên cạnh việc tăng cường lực lượng y tế chi viện cho các tỉnh, thành phố phía Nam, Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) đã xây dựng phương án bảo đảm quân y trong phòng chống dịch COVID-19 nhằm chủ động giữ an toàn cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các đơn vị trong toàn quân phối hợp chặt chẽ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc chiến phòng chống dịch, lên phương án bảo đảm quân y cho Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, trên địa bàn Hà Nội, quân đội đã huy động tổng quân số hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có trên 400 người tham gia 22 chốt phòng chống dịch COVID-19; triển khai 3 điểm cách ly công dân với 1.233 người đang cách ly. Lực lượng vận chuyển công dân về các khu cách ly tập trung gồm 23 xe và trên 30 cán bộ, chiến sĩ, tính từ ngày 1/4/2021 đến nay đã vận chuyển 14.656 người.
Cùng với đó, quân đội huy động 143 tổ lấy mẫu xét nghiệm; lập 7 phòng xét nghiệm với 25 máy xét nghiệm RT-PCR thực hiện nhận mẫu và xét nghiệm cho người dân Hà Nội với công suất hơn 10.000 mẫu/ngày; từ ngày 11/8, đã xét nghiệm 134.557 mẫu, phát hiện 24 mẫu dương tính. Quân đội cũng huy động lực lượng quân y, lập 38 tổ tiêm vaccine và 13 tổ hồi sức cấp cứu, đã tiêm được hơn 14.000 mũi vaccine.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103 và Bệnh viện Bỏng quốc gia sẽ sẵn sàng triển khai 300-500 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch ở mỗi bệnh viện. Bệnh viện Quân y 354, 105 và Viện Y học Cổ truyền Quân đội, sẵn sàng mỗi cơ sở triển khai 300-500 giường bệnh điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ vừa và nặng; đồng thời tăng cường 135 tổ lấy mẫu, 82 tổ tiêm, 27 tổ hồi sức khi Hà Nội có nhu cầu.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, đối với các tỉnh phía Bắc, cùng với việc sẵn sàng tăng cường, hỗ trợ hàng trăm tổ tiêm, tổ lấy mẫu xét nghiệm và tổ hồi sức, toàn quân dự kiến triển khai hơn 21.000 giường điều trị bệnh nhân ở các cấp độ bệnh nhẹ, vừa, nặng và nguy kịch.
Quân đội xác định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, sẵn sàng ứng phó với tình huống 500.000 người mắc COVID-19 và nhiều hơn.
Việt Nam ghi nhận thêm 4.331 bệnh nhân khỏi bệnh
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 293.301 ca nhiễm, đứng thứ 77/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 171/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.983 ca nhiễm). Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 289.276 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 6 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng. Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang. Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là: TP Hồ Chí Minh (156.386 ca), Bình Dương (49.833 ca), Long An (15.579 ca), Đồng Nai (14.502 ca), Bắc Giang (5.795 ca).
Trong ngày 17/8, có thêm 4.331 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi là 111.308 ca; số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 600 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca.
Ngày 17/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 331 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (285 ca), Bình Dương (12 ca), Long An (9 ca), Tiền Giang (7 ca), Đồng Nai (6 ca), Cần Thơ (4 ca), Đồng Tháp (3 ca), Bến Tre (1 ca), Bình Định (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Vĩnh Long (1 ca). Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 17/8 là 6.472 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Trong ngày 16/8, cả nước có 592.104 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 15.271.562 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.869.728 liều, tiêm mũi 2 là 1.401.834 liều.
Bộ Y tế cho ý kiến về đề xuất tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi
Ngày 17/8, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Bình Dương về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi.
Trong văn bản, Bộ Y tế cho biết đã nhận được công văn của Sở Y tế tỉnh Bình Dương về việc xin chủ trương tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi. Sau khi xem xét, Bộ Y tế kết luận: Việc lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19; Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 và Công điện số 1168/CĐ-BYT ngày 7/8/2021 của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, cần ưu tiên tiêm trước cho các địa bàn, khu vực đang có dịch và tiêm ngay cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, nhân viên đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam và lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (các nhà đầu tư, doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nhóm đảm bảo lưu thông, cung cấp hàng hóa thiết yếu,...).
Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đối tượng được tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Với số lượng vaccine hạn chế hiện nay, cần tập trung ưu tiên tiêm cho các đối tượng nêu trên. Trong trường hợp có điều chỉnh về lứa tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn sau.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.575 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, ngày 17/8, số dư Quỹ vaccine phòng COVID-19 là 8.575 tỷ đồng đã bao gồm ngoại tệ quy đổi của 518.022 tổ chức, cá nhân đóng góp.
Ban quản lý Quỹ cho biết, Ban đã xuất quỹ thanh toán 188 tỷ đồng mua vaccine nên số dư Quỹ còn là 8.387 tỷ đồng. Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 hàng ngày thực hiện công khai số dư quỹ và danh sách các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ cho quỹ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Thông tư số 41/2021/TT-BTC ngày 2/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn Quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và chế độ kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng COVID-19 Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, để tiêm phòng COVID-19 cho 75 triệu dân, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine với tổng kinh phí là 25.200 tỷ đồng.