Tổng hợp COVID-19 ngày 12/8: Thúc đẩy sản xuất vaccine phòng COVID-19 'made in Vietnam'

Ngày 12/8, dư luận trong nước đặc biệt quan tâm đến những thông tin: Dự kiến tháng 9, Việt Nam có thể sản xuất được vaccine; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ lao động tự do khó khăn...

Tháng 9, Việt Nam có thể có vaccine sản xuất trong nước

Sáng 12/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 để tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất vaccine phòng COVID-19 ở trong nước.

Chú thích ảnh
Đội ngũ y tế quận Đống Đa (Hà Nội) bố trí nhân lực tại nhiều địa điểm để xét nghiệm diện rộng cho cư dân. Ảnh: TTXVN

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có 5 cuộc họp về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc và các trang thiết bị khác phục vụ chống dịch. Bên cạnh đó, Thủ tướng đã có nhiều chuyến thăm, động viên và kiểm tra các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với vấn đề sản xuất vaccine trong nước.

Cùng với đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó ban hành Nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19, tháo gỡ cơ bản những vướng mắc liên quan tới thủ tục cấp phép lưu hành thuốc, vaccine và ban hành các chính sách đặc thù khác.

Tuy nhiên, nếu còn vướng mắc phải tiếp tục tháo gỡ thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý ngay, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét, quyết định. Tại cuộc họp, Bộ Y tế và các bên liên quan đã báo cáo cụ thể về tình hình, tiến độ, kết quả chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước.

Cụ thể là việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu, phát triển; vaccine COVIVAC do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, phát triển; việc chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài để sản xuất trong nước (vaccine ARCT-154 của Hoa Kỳ do Vingroup thực hiện); vaccine của Công ty Shionogi (Nhật) do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và VABIOTECH triển khai; vaccine Sputnik-V (Nga) do VABIOTECH và Công ty DS-Bio triển khai)…

Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả chúng ta cần cố gắng, quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa mục tiêu cuối cùng là Việt Nam sớm có vaccine tự sản xuất. Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vaccine sản xuất trong nước. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, lao động của các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, nhà quản lý, nhà sản xuất, cũng là sản phẩm chung của cả nước, của dân tộc, của lòng dân, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh, quyết tâm của con người Việt Nam trong bối cảnh khó khăn theo tinh thần “biến nguy thành cơ”, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vươn lên, khẳng định và trưởng thành, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế đất nước.

Ngày 12/8, cả nước ghi nhận 9.667 ca nhiễm mới

Trong ngày 12/8, cả nước ghi nhận 9.667 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 9.653 ca ghi nhận trong nước.

Tính đến chiều ngày 12/8, Việt Nam có 246.568 ca nhiễm trong đó có 2.395 ca nhập cảnh và 244.173 ca nhiễm trong nước.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 242.603 ca, trong đó có 86.371 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Đơn giản thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Quyết định 1089/QĐ-BKHĐT thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Chú thích ảnh
Người dân phường Văn Chương (Hà Nội) xếp hàng đăng ký xét nghiệm COVID-19 (ảnh chụp chiều 12/8). Ảnh: TTXVN

Về nhóm thủ tục hành chính lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nội dung rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính bao gồm: Thủ tục đề nghị hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn (cấp Bộ và cấp tỉnh); thủ tục đăng ký vào mạng lưới tư vấn viên; thủ tục hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Tổng hợp lợi ích của phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giúp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính từ 926,6 triệu đồng xuống còn 521,2 triệu đồng, tỷ lệ cắt giảm chi phí là 43,75%.

Về nhóm thủ tục hành chính lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nội dung rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính gồm: Thủ tục cam kết hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thủ tục về nghiệm thu hoàn thành các hạng mục đầu tư, nhiệm vụ được hỗ trợ; thủ tục giải ngân khoản vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ.

Đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương

Trước yêu cầu cấp bách, tăng cường năng lực hồi sức tích cực, cứu chữa ca bệnh nặng và giảm thiểu tử vong, chiều 12/8, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp Tổng Công ty Becamex IDC chính thức đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex.

Bệnh viện có quy mô 437 giường, chuyên nhiệm vụ thu dung hồi sức, cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng nặng, các bệnh nhân nguy kịch.

Tại buổi công bố vận hành bệnh viện, Bộ Y tế đã phân công Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tham gia Ban Lãnh đạo, phụ trách chuyên môn, giữ vai trò Giám đốc Y khoa của Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương và huy động nguồn nhân lực y tế đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện này.

Bình Định ưu tiên vaccine phòng COVID-19 cho công nhân và người lao động

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn và để duy trì sản xuất, ổn định phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Định sẽ ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho lực lượng công nhân, người lao động.

Ngày 12/8, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đã yêu cầu UBND tỉnh và các sở, ngành, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 dành ưu tiên việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân và người lao động trên địa bàn tỉnh từ nguồn vaccine được cung ứng sắp tới.

Ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, tuy ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp và khó khăn, nhưng tỉnh luôn ưu tiên tất cả cho tuyến đầu chống dịch. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua đã cố gắng giữ ổn định tâm lý cho công nhân, lao động, giữ vững sản xuất, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ngoài việc ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, lao động, mỗi doanh nghiệp phải có phương án phòng, chống dịch cụ thể, chi tiết.

Từ khi phát hiện ca dương tính đầu tiên với SARS-CoV-2 vào ngày 28/6 đến nay, tình hình dịch COVID-19 tại Bình Định diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn dân và hệ thống chính trị, tỉnh Bình Định xử lý khoanh vùng, dập dịch, bảo đảm tương đối an toàn. Riêng thành phố Quy Nhơn, khi dịch diễn biến phức tạp, trong vòng 5 ngày, các lực lượng phòng, chống dịch đã test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho toàn dân. Tính đến trưa 12/8, toàn tỉnh có 428 ca mắc COVID-19.

Hà Nội hỗ trợ 5.100 lao động tự do gặp khó khăn do dịch COVID-19

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: Tính đến ngày 12/8, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã ra quyết định hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với kinh phí trên 215 tỷ, trong đó, đã thực hiện được gần 144 tỷ đồng. Trong số này, nhóm lao động tự do (khu vực không có giao kết hợp đồng lao động) đã được các quận, huyện hỗ trợ cho hơn 5.100 người với trên 7,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Dân cho biết: Với các nhóm đối tượng khác thì ít vướng mắc về thủ tục nhưng với nhóm lao động do thì phản ánh từ cơ sở gặp nhiều vướng mắc trong xác định đối tượng, số lần hỗ trợ, xác nhận cư trú và xác nhận không lĩnh trợ cấp tại nơi thường trú để tránh trường hợp trục lợi chính sách.

XM/Báo Tin tức
Hà Nội hỗ trợ 5.100 lao động tự do gặp khó khăn do dịch COVID-19
Hà Nội hỗ trợ 5.100 lao động tự do gặp khó khăn do dịch COVID-19

Ngày 12/8, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, Viện LIGHT tổ chức tọa đàm trực tuyến “Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN