Hà Nội hỗ trợ 5.100 lao động tự do gặp khó khăn do dịch COVID-19

Ngày 12/8, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, Viện LIGHT tổ chức tọa đàm trực tuyến “Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”.

Chú thích ảnh
Tọa đàm triển khai chính sách hỗ trợ lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội cho biết: Tính đến ngày 12/8, các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội đã ra quyết định hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với kinh phí trên 215 tỷ, trong đó, đã thực hiện được gần 144 tỷ đồng. Trong số này, nhóm lao động tự do (khu vực không có giao kết hợp đồng lao động) đã được các quận, huyện hỗ trợ cho hơn 5.100 người với trên 7,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Dân cho biết: Với các nhóm đối tượng khác thì ít vướng mắc về thủ tục nhưng với nhóm lao động do thì phản ánh từ cơ sở gặp nhiều vướng mắc trong xác định đối tượng, số lần hỗ trợ, xác nhận cư trú và xác nhận không lĩnh trợ cấp tại nơi thường trú để tránh trường hợp trục lợi chính sách.

“Cụ thể về đối tượng áp dụng theo Khoản 1, Điều 3 Luật Việc làm quy định: “Người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc”. Lao động đó cư trú hợp pháp trên địa bàn và đang mất việc làm trong khoảng thời gian từ 1/5 đến 31/12/2021 và được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần trong khoảng thời gian này”, ông Dân cho biết.

Về thủ tục nhận hỗ trợ với nhóm lao động tự do, ông Nguyễn Hồng Dân cho biết: Lao động điền thông tin theo mẫu. Với trường hợp xác nhận cư trú và tạm trú, lao đông xin xác nhận từ công an phường xã bởi theo Luật Cư trú có hiệu lực từ 1/7/2021 cư dân có thẻ căn cước công dân có gắn chip không cần phải xuất trình hộ khẩu, giấy tạm trú mà việc xác nhận này sẽ do công an phường, xã thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, với người tạm trú có giấy xác nhận không lĩnh tiền hỗ trợ tại nơi thường trú để tránh việc hưởng 2 lần, trục lợi chính sách. Quy trình xét duyệt thì tại phường xã cũng phải có Hội đồng xét duyệt, công khai danh sách nơi xét duyệt”, ông Nguyễn Hồng Dân cho biết.

Trao đổi về vấn đề thủ tục nhận hỗ trợ, bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT cho biết: Từ đợt hỗ trợ năm 2020 và phản ánh từ các nhóm câu lạc bộ lao động di cư, khó khăn nhất với lao động tự do là thủ tục về nơi thường trú (quê) để xin giấy xác nhận không hưởng hỗ trợ mà hưởng tại nơi tạm trú. Do đó, để tạo điều kiện cho lao động tự do, nhất là lao động tạm trú được hưởng chính sách hỗ trợ thì có thể cho phép người dân viết cam kết chỉ nhận nơi tạm trú và không nhận nơi khác. Chính quyền sẽ gửi thông báo này về nơi thường trú để chính quyền cơ sở nơi thường trú không đưa vào dánh sách hỗ trợ nữa, tránh trường hợp nhận 2 lần.

Đề xuất này cũng là gỡ khó cho nhiều phường xã tại Hà Nội bởi đang thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại xin giấy xác nhận sẽ khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Hồng, Trưởng phòng LĐTBXH quận Cầu Giấy cho biết: Việc xin giấy xác nhận từ nơi thường trú để chỉ nhận hỗ trợ nơi tạm trú khiến nhiều lao động tự do chưa nhận được hỗ trợ, vì đang trong thời gian giãn cách. Vì vậy, các phường trên địa bàn quận linh động chấp nhận hình thức xác nhận qua zalo, mail…

Do đó, để giải quyết tình trạng thủ tục này, hệ thống dữ liệu kết nối, chỉ cần nhập dữ liệu đối tượng nhận hỗ trợ vào hệ thống, nếu trùng sẽ cảnh báo để cơ quan chức năng kiểm tra, hậu kiểm.

Tiếp thu ý kiến tạo thuận lợi hơn cho lao động tự do được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Hồng Dân cho biết sẽ báo cáo các ý kiến đóng góp từ cơ sở để trình UBND thành phố có hướng giải quyết.

Còn theo Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, bên cạnh các chính sách hỗ trợ theo gói 26.000 tỷ, các cấp hội phụ nữ tổ chức quyên góp, vận động các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm tham gia các chương trình hỗ trợ lao động gặp khó khăn, nhất là lao động tự do.

Chú thích ảnh
XM/Báo Tin tức
Dịch COVID-19 đã khiến 1,4 triệu lao động tự do không có việc làm
Dịch COVID-19 đã khiến 1,4 triệu lao động tự do không có việc làm

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội LĐTBXH), dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đã tác động lớn đến nhóm lao động tự do (khu vực phi chính thức) và khiến 1,4 triệu người rơi vào trạng thái dễ tổn thương do không có việc làm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN