Chuẩn bị phương án ứng phó sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch sau một thời gian 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 13/8, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng: Khi thực hiện giãn cách xã hội nhất thiết phải thực hiện nghiêm, thực chất; tuyệt đối tránh tình trạng hình thức, “chặt ngoài, lỏng trong”. Khi đã thực hiện giãn cách xã hội (ở mức độ nguy cơ cao nhất theo Quyết định 2686 của Ban Chỉ đạo và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ) phải đảm bảo đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”.
Cùng với công tác chống dịch ở các điểm nóng, các ý kiến thống nhất kinh nghiệm bảo vệ vững chắc vùng xanh an toàn, đồng thời bao vây, thu hẹp vùng nguy cơ cao (vùng cam), rất cao (vùng đỏ) của các địa phương đã triển khai trong thời gian qua. Trong bối cảnh dịch xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước, cần thực hiện nghiêm túc phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phát hiện những người đến, về từ địa phương khác.
Các lực lượng xử lý nghiêm người đến, về từ địa phương khác không khai báo và chính quyền cấp cơ sở khi không nắm được, không thực hiện các biện pháp quản lý y tế đối với những người này. Để bảo đảm người dân không ra khỏi nhà trừ trường hợp thật cần thiết, các địa phương chủ động chuẩn bị phương án vận hành hệ thống phân phối hàng hóa, lương thực, thực phẩm bảo đảm thông suốt, trong đó những người thực hiện giao hàng phải được xét nghiệm định kỳ, tiêm vaccine, có dấu hiệu nhận diện, mã QR Code…
Trong công tác xét nghiệm, các ý kiến cho rằng, từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, năng lực “rà đi, soát lại” nhiều lần trên diện rộng chưa đủ; có tình trạng một số địa phương lạm dụng xét nghiệm nhanh, “ngại” xét nghiệm RT-PCR. Vì vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị, công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm khoa học, hiệu quả, tiết kiệm.
Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nếu cần xét nghiệm tầm soát cộng đồng ở những thời điểm nhất định, phải thực hiện lấy mẫu đại diện gia đình, xét nghiệm mẫu gộp; dành nguồn lực xét nghiệm để tăng tần suất đối với khu vực bệnh viện, các đối tượng nguy cơ cao (phải di chuyển ra khỏi nhà), người cao tuổi, có bệnh nền…; trong đó, chú ý hướng dẫn người dân tự lấy mẫu để giảm tải cho lực lượng y tế.
Trong công tác điều trị, các ý kiến cho rằng, kinh nghiệm từ Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam cho thấy, phải tách riêng khu tiếp nhận ban đầu đối với người mắc COVID-19 không có triệu chứng, chưa được coi là bệnh nhân; từ đó có phương án chăm sóc phù hợp về thể chất và tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng.
Đồng thời, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho các tầng điều trị bên dưới để cấp cứu, xử trí kịp thời những trường hợp diễn biến nặng rất nhanh, có đủ nhân lực, thuốc, oxy y tế, trang thiết bị theo quy định để bảo đảm số giường điều trị thực chất. Điển hình, một số địa phương đã chủ động trang bị hệ thống oxy tập trung ngay tại trung tâm y tế tuyến huyện.
Thêm 9.150 ca mắc mới
Từ 18 giờ ngày 12/8 đến 18 giờ ngày 13/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.180 ca nhiễm mới, trong đó 30 ca nhập cảnh và 9.150 ca trong nước. Như vậy, số ca nhiễm ghi nhận trong nước trong 24 giờ qua giảm 503 ca so với cùng thời điểm của ngày hôm trước, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh giảm 310 ca, Bình Dương giảm 212 ca, Đồng Nai giảm 263 ca. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 255.748 ca nhiễm, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.601 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 251.753 ca, trong đó có 89.964 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Cả nước có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu. 8 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Quảng Trị, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là Thành phố Hồ Chí Minh (140.539 ca), Bình Dương (39.592 ca), Long An (13.232 ca), Đồng Nai (12.047 ca), Đồng Tháp (4.621 ca). Trong ngày 13/8, cả nước có 3.593 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 92.738 ca. Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế, số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 511 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca.
Chiều 13/8, Tiểu ban Điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo, trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 275 ca tử vong (từ số 4814-5088). Trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (223 ca), Bình Dương (25 ca), Tiền Giang (8 ca), Đồng Tháp (4 ca), Bến Tre (3 ca), Bình Thuận (3 ca), Đồng Nai (3 ca), Long An (3 ca), Khánh Hòa (2 ca), Cần Thơ (1 ca).
Dịch đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài
Đánh giá, nhận định những bài học kinh nghiệm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, diễn biến tình hình dịch COVID-19 rất phức tạp và kéo dài, nặng nề, nhất là đối với Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số địa phương khác.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, 3 yếu tố “cực kỳ quan trọng” mà tầng điều trị thứ 2 phải chuẩn bị là oxy y tế, thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm. “Nếu làm tốt công tác điều trị ở tầng này sẽ giảm số ca chuyển nặng, khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Bộ Y tế đã liên tục ban hành văn bản yêu cầu, nhắc nhở, đôn đốc và hướng dẫn cụ thể các địa phương “phải đảm bảo oxy cho điều trị ở tầng 2”. Do đó, các địa phương khẩn trương rà soát lại nhu cầu số lượng oxy điều trị, bồn chứa oxy, bình lớn chứa oxy… ở các cơ sở y tế thuộc tầng 2.
“Đây là tầng điều trị vô cùng quan trọng, do đó các địa phương phải đặc biệt chú trọng tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế thuộc tầng 2 để đảm bảo có thể thực hiện được các kỹ thuật cao nhất khi cần. Đối với tầng 2, Bộ Y tế khuyến cáo nên sử dụng máy thở dòng cao (HFNC) trong điều trị, máy thở không xâm nhập… và một số trang thiết bị khác mà nhân viên y tế có thể kiểm soát được”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.
Về thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm, Bộ trưởng nhấn mạnh, cùng với oxy y tế, các cơ sở ở tầng điều trị thứ 2 phải luôn có thuốc kháng đông và kháng viêm; phải cho bệnh nhân sử dụng sớm để giảm mức độ nặng. Tới đây Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình điều trị tại nhà thí điểm, sử dụng thuốc Molnupiravir - một trong những thuốc được đánh giá là giảm nhanh nồng độ SARS-CoV-2.
Thời gian tới, Bộ Y tế tập trung tổ chức, đôn đốc triển khai Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; tiến hành đánh giá và dự báo nguy cơ theo 4 mức (“nguy cơ rất cao”, “nguy cơ cao”, “nguy cơ”, “bình thường mới”) cho từng địa bàn, từ cấp xã đến cấp tỉnh, có tính tới các yếu tố khu vực liên xã, liên huyện, liên tỉnh để có giải pháp xét nghiệm, cách ly, phong tỏa, tiêm vaccine… phù hợp với điều kiện thực tế.
Nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường hoạt động của các Tổ COVID-19 cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, các lực lượng tập trung bao vây, thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”, bóc tách nhanh F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế số ca F0 tăng nhanh, giảm thiểu tử vong để đưa sớm trở về trạng thái “bình thường mới”. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 13/8, thế giới ghi nhận hơn 206,4 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 4,3 triệu ca tử vong. Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, Việt Nam ghi nhận 252.896 ca, trong đó, 255.748 ca mắc trong nước (chiếm khoảng 99% tổng số ca), 92.738 người đã khỏi bệnh, 5.088 ca tử vong. Trong vòng 25 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; 20 ngày thành phố Hà Nội giãn cách xã hội; 21 ngày tại Phú Yên; 6 ngày tại Khánh Hòa…, cả nước ghi nhận 201.582 ca mắc.
Sẵn sàng trước diễn biến mới của dịch COVID-19
Tỉnh Hải Dương vừa hoàn thiện việc lắp đặt và sẵn sàng đưa vào hoạt động Trung tâm Hồi sức cấp cứu tích cực (ICU) điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng. Trung tâm này được đặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương, hiện có 10 giường bệnh, 2 máy thở chức năng cao, 1 máy lọc máu và nhiều thiết bị hỗ trợ thở ô-xy, hệ thống trang thiết bị thông khí, hội chẩn trực tuyến, hệ thống camera giám sát và theo dõi các chỉ số sinh tồn tới từng giường bệnh.
Trước đó, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã giao các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch thành lập 4 trung tâm hồi sức cấp cứu tích cực đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương, Bệnh viện Phổi Hải Dương và Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương để đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
UBND tỉnh Hải Dương cũng đã xây dựng kế hoạch dự phòng, điều trị đáp ứng 3 cấp độ dịch COVID-19 từ dưới 1.000 đến 5.000 trường hợp mắc; từ có 20.000 đến có 50.000 người cách ly y tế; phân 4 tầng trong việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục nâng công suất xét nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương và các cơ sở y tế tại Hải Dương đạt 10.000 mẫu đơn (100.000 mẫu gộp) mỗi ngày; đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều trị 3.000 bệnh nhân COVID-19.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, ngày 13/8, tỉnh ghi nhận thêm 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 gồm 1 trường hợp ở xã Kim Xuyên (huyện Kim Thành), 1 trường hợp ở phường Tân Bình (thành phố Hải Dương) và 2 trường hợp ở xã Quốc Tuấn (huyện Nam Sách).
Từ ngày 27/4 đến nay, Hải Dương ghi nhận 160 trường hợp mắc COVID-19; có 99 trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương, Bệnh viện Nhi Hải Dương và Trung tâm Y tế các huyện Nam Sách, Gia Lộc, Kim Thành, Tứ Kỳ và thành phố Chí Linh. Hải Dương hiện có 15.839 trường hợp cách ly, trong đó, 1.689 trường hợp cách ly tập trung, 14.088 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Dự thảo Nghị quyết các giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 89/NQ-CP về thông qua Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp miễn, giảm thuế, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Chính phủ quyết nghị, thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 theo đề nghị của Bộ Tài chính tại các văn bản số 136/TT-BTC ngày 9/8/2021, số 79/BC-BTC ngày 10/8/2021, số 9141/BTC-CST ngày 13/8/2021, khi đã được giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến các Thành viên Chính phủ. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 2 cho phép bổ sung dự thảo Nghị quyết nêu trên vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2021, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bộ Tài chính khẩn trương gửi hồ sơ dự thảo Nghị quyết cho Bộ Tư pháp để hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Chính phủ cũng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 2 về dự thảo Nghị quyết nêu trên để cho ý kiến và thông qua theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Tư pháp và Thủ trưởng cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.