Tổng hợp COVID-19 tuần từ 9-15/8: Bí thư cấp ủy phải trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch

Những thông tin thời sự về COVID-19 tuần từ 9-15/8 thu hút sự quan tâm của dư luận gồm: Bí thư cấp ủy phải trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch; nhiều địa phương tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 275.044 ca nhiễm; năm ‘chưa’ trong phòng chống dịch COVID-19 ở các địa phương; mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine Pfizer.

Bí thư cấp ủy phải trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19

Ngày 15/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác phòng chống dịch COVID-19 với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và triển khai thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được gần 1 tháng, một số địa phương áp dụng các quy định ở mức cao hơn Chỉ thị 16, có địa phương sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức, điều hành, thêm một số biện pháp thiết thực, hiệu quả, sát với tình hình. Do đó, công tác phòng chống dịch COVID-19 đã đạt được kết quả tích cực bước đầu. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, công tác phòng chống dịch COVID-19 chưa đạt được mục tiêu đề ra.   

Thường trực Chính phủ tổ chức cuộc họp này nhằm đánh giá lại những việc thực hiện Chỉ thị 16 tại các địa phương để đánh giá về những gì đã làm được, những gì chưa làm được, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trên cơ sở đó bổ sung những giải pháp, biện pháp nhằm phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội và các Chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Lời kêu gọi của Tổng Bí thư về phòng, chống dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, sau 26 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các địa phương này ghi nhận 216.719 ca mắc, số ca mắc mới sàng lọc cộng đồng đã bắt đầu xu hướng giảm tại một số địa phương.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị, địa phương tập trung thảo luận, phân tích tình hình, những hạn chế, nguyên nhân và đưa ra mục tiêu, biện pháp, lộ trình cụ thể phòng chống dịch, nhiều ý kiến xác đáng, sát với thực tế. Đồng thời kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số biện pháp, giải pháp nhằm phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các ngành, địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh có các ổ dịch lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... đã thực hiện Chỉ thị 16 đã đạt được một số kết quả tích cực. Điều đó cho thấy để có kết quả cao trong phòng chống dịch, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất, chuyên sâu, mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán; có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; sự tham gia, ủng hộ và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của toàn nhân dân và doanh nghiệp; sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa, nhịp nhàng, có hiệu quả giữa các lực lượng, cơ quan, đơn vị, địa phương, với tinh thần tất cả vì sức khỏe, lợi ích quốc gia dân tộc; sự chủ động trong công tác chuẩn bị hậu cần ở mức cao nhất, có phương án phù hợp, thực chất, khả thi…

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, có nơi nghiêm trọng. Do đó nhiệm vụ cao nhất lúc này vẫn là phòng, chống dịch, song những nơi an toàn thì tổ chức sản xuất, với phương châm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Vì vậy, Thủ tướng chỉ đạo, tại các địa phương đang có dịch và thực hiện giãn cách xã hội, Bí thư cấp ủy phải trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch; các đồng chí Phó Bí thư phụ trách từng mảng công việc cụ thể. Các địa phương phải thành lập ngay Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch, trong đó, Chủ tịch UBND cùng cấp làm Chỉ huy trưởng và có bộ phận thường trực hoạt động 24/7...

Nhiều địa phương tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Tối 15/8, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn khẩn về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, bắt đầu từ từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết 15/9 theo nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó".Theo đó, từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày, TP Hồ Chí Minh tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của các nhóm được phép hoạt động theo Công văn 2468, 2522 và 2523. Tuy nhiên, Thành phố cho phép thêm các nhóm đối tượng được hoạt động: Cơ sở sản xuất thực phẩm (như bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu...); tổ chức hành nghề công chứng; công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ, bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư; bảo hiểm (chỉ thực hiện hoạt động liên quan đến giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng), phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân.

Ngày 15/8, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản gửi UBND TP Phan Thiết về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP Phan Thiết theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng chống dịch COVID-19. Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Phan Thiết đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 14/8, thành phố Phan Thiết đã tập trung triển khai các biện pháp giãn cách xã hội theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, huy động toàn bộ lực lượng thực hiện truy vết, điều tra dịch tễ, khoanh vùng, đưa đi cách ly các trường hợp liên quan đến ca bệnh. Tuy nhiên, dịch chưa được kiểm soát triệt để, vẫn còn khả năng phát sinh thêm nhiều ca nhiễm mới trên địa bàn thành phố.

Để thực hiện bằng được mục tiêu sớm khống chế, xử lý dứt điểm dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân; xét đề nghị của UBND TP Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố hết ngày 22/8 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố Phan Thiết tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm kiểm soát, khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

 Ngày 15/8, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành văn bản về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thêm 10 ngày. Thời điểm bắt đầu áp dụng từ 0 giờ ngày 16/8 đến hết ngày 25/8. Trong thời gian giãn cách xã hội, người dân được yêu cầu không ra đường trong khoảng thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau. Tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm việc công bố số điện thoại đường dây nóng UBND cấp xã, Y tế, Công an để đảm bảo mọi người dân trên địa bàn đều được hỗ trợ kịp thời về y tế, an ninh trật tự và sinh hoạt thiết yếu khi có yêu cầu.

 Ngày 15/8, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có quyết định số 1320/QĐ-UBND về việc kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh Bạc Liêu, kéo dài là 7 ngày kể từ 0 giờ ngày 16/8, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Tỉnh Bạc Liêu cũng giao cho các cơ quan đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành.

 UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 31/8. Sau 30 ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm đi, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 13.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 93 ca tử vong. Cùng với đó, tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo 1 trong 3 phương án gồm: “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm” và linh hoạt cùng lúc áp dụng 2 phương án trên...

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 275.044 ca nhiễm

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 275.044 ca nhiễm, đứng thứ 78/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.798 ca nhiễm).

Chú thích ảnh
Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN.

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 271.037 ca, trong đó có 99.730 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 5 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình. Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.

Trong đợt này, có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là: TP Hồ Chí Minh (149.286 ca), Bình Dương (43.979 ca), Long An (14.399 ca), Đồng Nai (13.616 ca), Bắc Giang (5.795 ca). Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi là 102.504 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 589 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 18 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến 15/8 là 5.774 ca, xếp thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 59 người tử vong do COVID-19).

Năm ‘chưa’ trong phòng chống dịch COVID-19 ở các địa phương

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm, triệt để các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” tại nhiều địa phương thực hiện chưa triệt để; thiếu chủ động, có sự lúng túng, e ngại khi triển khai mua sắm các vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu về xét nghiệm, có tình trạng thiếu trang thiết bị ở một số cơ sở điều trị. 

Một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và một bộ phận người dân còn có tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến dịch bệnh, không thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, triển khai chưa triệt để các biện pháp đảm bản an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất, kinh doanh. Khó khăn trong việc đáp ứng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” do dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp thiếu nguồn lực duy trì hoạt động; khó khăn trong công tác thu hoạch, thu mua nông, thủy sản đã đến kỳ thu hoạch.

Chưa có sự thống nhất trong quy định của các địa phương đối với việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa dẫn đến có tình trạng ùn ứ hàng hóa, ách tắc giao thông liên tỉnh.  

Công tác tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả ở một số địa bàn chưa thực hiện tốt dẫn đến việc trả kết quả chậm, do vậy, không kịp thời phát hiện các trường hợp F0 để đưa ra khỏi cộng đồng làm giảm lây nhiễm và tổ chức cách ly, khoanh vùng, làm tăng tốc độ lây nhiễm và tăng nhanh số ca mắc trong thời gian ngắn. Công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị chưa thực sự hiệu quả dẫn đến người bệnh được chuyển tuyến muộn ở một số nơi, làm giảm cơ hội cứu chữa.  

Việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa đáp ứng được tiến độ mong muốn ngoài nguyên nhân do nguồn cung vaccine còn hạn chế. Ngoài ra, có các nguyên nhân chủ quan do một số địa phương chậm và thực hiện phê duyệt kế hoạch tiêm chủng theo đợt. Thiếu trang thiết bị bảo quản vaccine đối với các loại vaccine có tiêu chuẩn bảo quản khác nhau.

Công tác điều phối tiếp nhận, vận chuyển vaccine từ kho bảo quản về địa phương chưa thật sự đồng bộ, chặt chẽ. Có tâm lý e ngại việc tổ chức tiêm chủng tại các khu vực đang cách ly, phong tỏa và một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của các loại vaccine dẫn đến xuất hiện hiện tượng chờ, chọn loại vaccine tiêm chủng.

Các ứng dụng công nghệ thông tin có sẵn nền tảng, nhưng chưa được thực hiện đồng bộ. Nhiều phần mềm được xây dựng, triển khai tuy nhiên tính ứng dụng trong thực tế hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, công tác điều hành, triển khai hoạt động công nghệ thông tin tại các địa phương, cơ sở còn chưa hiệu quả do điều phối chưa tốt, thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu.

Để thực hiện quyết liệt, triệt để hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch nhằm phấn đấu đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh như tại nội dung Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8 của Chính phủ; đồng thời để nhanh chóng ổn định tình hình, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự xã hội và tiếp tục phấn đấu đạt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng thời gian tới các địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; thống nhất trong lãnh đạo chỉ đạo. Huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch. Đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt; chỉ đạo tốt, tuân thủ tốt, thực hiện tốt trong điều hành, quản lý công tác phòng, chống dịch ở các cấp trên địa bàn.  

Mua bổ sung gần 20 triệu liều vaccine Pfizer 

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Cụ thể, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua bổ sung 19.998.810 liều vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 của Chính phủ về mua vaccine phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer.  

Trước đó, ngày 30/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1022/QĐ-TTg về bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.570 tỷ đồng

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, số dư Quỹ vaccine phòng COVID-19 hiện là 8.570 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi), tổng số cá nhân, tổ chức đóng góp là 514.390. Ban quản lý Quỹ cho biết, ngày 11/8 đã xuất quỹ thanh toán 143 tỷ mua vaccine nên số dư Quỹ còn là 8.427 tỷ đồng.

Để bảo đảm minh bạch, công bằng, Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã công khai đầy đủ các đơn vị, tổ chức, bao gồm cả những đơn vị đã chuyển tiền hoặc đã cam kết nhưng sẽ chuyển sau. Các đơn vị doanh nghiệp đã chuyển tiền đóng góp đều có xác nhận rõ ràng, thống kê đầy đủ. Từ nay đến cuối năm, theo kế hoạch sẽ tiêm được cho 75 triệu dân, nguồn lực cần khoảng 25.200 tỷ đồng; trong đó, ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỷ đồng và cần thêm khoảng 11.000 tỷ đồng.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 ngày 14/8: Đồng bộ giải pháp chống dịch; Đà Nẵng và Nha Trang cách ly toàn xã hội
Tổng hợp COVID-19 ngày 14/8: Đồng bộ giải pháp chống dịch; Đà Nẵng và Nha Trang cách ly toàn xã hội

Ngày 14/8, Việt Nam ghi nhận 9.716 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, thêm 4.247 bệnh nhân khỏi bệnh, tuy nhiên tiềm ẩn F0 vẫn còn nhiều trong cộng đồng. Vì thế, việc đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, bao phủ vaccine trong cộng đồng hiện đang là việc làm cấp bách. Trong đó, nhiều địa phương đã tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ; riêng Đà Nẵng và Nha Trang thực hiện cách ly toàn xã hội trong 7 ngày để kịp thời truy vết và ngăn ngừa dịch lây lan. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN