Thêm 175 ca mắc COVID-19 trong ngày 26/6
Như vậy, Việt Nam hiện có tổng cộng 13.515 ca mắc COVID-19 ghi nhận trong nước và 1.760 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 11.945 ca, trong đó có 3.363 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 13 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Vĩnh Phúc, Hải Dương.
Có 12 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Hòa Bình, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, An Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Cần Thơ.
Từ ngày 29/4 đến nay đã xét nghiệm cho 6.692.198 lượt người.
Ngày 26/6, có thêm 188 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Số ca âm tính với SARS-CoV-2 là 534 ca. Số ca điều trị khỏi là 6.137 ca.
TP Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, từ ngày 26/6 đến ngày 30/6, người dân tại 5 quận, huyện có nhiều ca mắc COVID-19 gồm quận Tân Phú, Quận 8, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn sẽ được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, với chỉ tiêu 500.000 mẫu/ngày.
Các quận, huyện còn lại phân bổ theo nguy cơ và cũng lấy mẫu giám sát cộng đồng từ ngày 1/7 với số lượng 500.000 mẫu/ngày.
Đến nay, TP Hồ Chí Minh có tổng số mẫu xét nghiệm đã thực hiện cho tất cả các nhóm từ đợt dịch đầu tiên là 851.816 mẫu (tính đến 20 giờ ngày 26/5). Trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 26/5 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện xét nghiệm tổng cộng 1.113.933 mẫu.
Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 38.165 trường hợp đang thực hiện cách ly, trong đó có 11.528 trường hợp đang cách ly tập trung, 26.637 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sắp tới Thành phố sẽ sử dụng test nhanh quét ngay tại vùng có ổ dịch, áp dụng đối với các trường hợp tiếp xúc gần. Sau khi có kết quả test nhanh, nếu dương tính sẽ cách ly ngay, sử dụng RT-PCR mẫu đơn; với người âm tính, sẽ xét nghiệm mẫu gộp thêm 1 lần nữa.
TP Hồ Chí Minh thêm bệnh viện dã chiến chuyên điều trị COVID-19
Ngày 26/6, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ xây dựng bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 và nâng tổng số giường điều trị lên 10.000 giường.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ trưng dụng ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (số 1 Lê Quý Đôn, khu đô thị Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, phường Đông Hòa, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương) với quy mô 1.000 giường trở thành “Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1” và ký túc xá Khu A của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (khu phố 6, phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) với quy mô 4.000 giường trở thành “Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2”.
Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 26/6. Trong khi đó, tùy tình hình số ca mắc mới, Bệnh viện dã chiến thu dụng điều trị COVID-19 số 2 sẽ đi vào hoạt động khi có yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh .
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, Sở Y tế đã chủ động triển khai kế hoạch ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 trong tình huống TP Hồ Chí Minh có 5.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 bằng cách chuyển đổi công năng của một số bệnh viện quận, huyện và bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Thành phố trở thành các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 với quy mô tổng cộng 5.000 giường và đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, trước tình hình số ca mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố đã vượt qua con số 2.000 trường hợp và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, việc bổ sung thêm các bệnh viện dã chiến chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc các trường hợp đang được cách ly (F1) chuyển sang F0 nhưng không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ (chiếm khoảng 80%) là rất cần th
Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 7.713 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h00 ngày 26/6, Quỹ đã tiếp nhận được 7.713 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi). Số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 343.694 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp.
Hiện nay, Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã mở 21 tài khoản tiếp nhận cho 3 loại tiền VND, USD, EUR tại Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước và 6 ngân hàng thương mại gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, HDBank, Agribank và TPBank.
Việc quản lý, sử dụng quỹ, mở tài khoản tiền gửi Kho bạc Nhà nước được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, số tiền ủng hộ được Kho bạc Nhà nước tổng hợp và thông tin rộng rãi hằng ngày.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc kỳ vọng, quỹ sẽ huy động sức mạnh toàn dân để tạo nên kỳ tích mới trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch.
Theo Bộ trưởng, trong cuộc chiến với COVID-19, Đảng và Nhà nước đặt ra mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng và việc này cần duy trì hàng năm. Nhưng kinh phí mua vaccine rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.
Chia nhỏ điểm tiêm phòng COVID-19, tiêm theo giờ
Liên quan đến chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh tập trung quá đông, Bộ Y tế đã có khuyến cáo phải chia nhỏ các điểm tiêm vaccine COVID-19, tổ chức tiêm theo giờ, không để tụ tập quá đông người trong một thời điểm vì có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Theo kế hoạch, ngày 26/6 là ngày tiêm vét cuối cùng của chiến dịch tiêm chủng tại TP Hồ Chí Minh. Công tác tiêm chủng vẫn đang được gấp rút triển khai nhằm đảm bảo tiến độ như kế hoạch.
Từ ngày 19/6, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho số lượng lớn các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ theo hình thức chiến dịch tiêm chủng với tổng 806.000 liều trong 5 ngày. Tuy nhiên, tốc độ triển khai tiêm tại TP Hồ Chí Minh khá chậm khi đến 24/6 Thành phố mới chỉ tiêm chưa hết một nửa lượng vaccine phân bổ. Bộ Y tế đã gửi công văn đề nghị TP Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai tiêm chủng ngay số vaccine được cấp.
Từ ngày 24/6, Thành phố đã điều chỉnh tiến độ tiêm chủng. TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện để đạt tiến độ được như dự kiến, sau khi có sự điều phối chặt chẽ, quản lý người đến tiêm theo khung giờ (1 đội tiêm thực hiện 25 người/giờ).
Trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng vừa qua, người dân tại TP Hồ Chí Minh đã hưởng ứng việc đi tiêm chủng. Tuy nhiên, tại các điểm tiêm lại xảy ra tình trạng người dân tụ tập quá đông làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây nhiễm khi dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc trong cộng đồng.
Nhận định về tiến độ và tình hình triển khai tiêm vaccine COVID-19 hiện nay, nhất là việc quá đông người tại các điểm tiêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Chúng tôi đánh giá khâu chuẩn bị và kịch bản cho công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 đã có những trục trặc ban đầu. Đây là lần đầu tiên triển khai, nên chắc chắn không thể nào trơn tru được; TP Hồ Chí Minh cũng đã có những thay đổi trong cách thức thực hiện, thay đổi về quy trình, tổ chức điểm tiêm chủng vaccine COVID-19. Hy vọng trong thời gian ngắn nữa, TP Hồ Chí Minh sẽ đảm bảo tốc độ tiêm theo yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ".
"Bộ Y tế cũng đã đề nghị các địa phương khác khi tổ chức chiến dịch phải chia khung giờ để tiêm; đồng thời phải chia nhỏ điểm tiêm để đảm bảo giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch để tránh lây nhiễm dịch bệnh tại khu vực này", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 27/6
Ngày 26/6, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh Phú Yên từ 0 giờ ngày 27/6 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tỉnh Phú Yên tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của nhân dân, quyết tâm cao, nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan; tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế tỉnh chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị y tế đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời, Sở Y tế tỉnh tổ chức tiếp nhận các thiết bị xét nghiệm và khẩn trương khai thác phục vụ công tác xét nghiệm đáp ứng nhu cầu truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch; tổ chức điều trị tốt các ca bệnh xác định, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ chuyên môn của tuyến trên.
Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát yêu cầu khai báo y tế; khẩn trương truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Tổ chức cách ly y tế theo quy định, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung và lây lan ra cộng đồng; mở rộng các cơ sở cách ly tập trung hoặc triển khai mới đảm bảo tiếp nhận cách ly với số lượng lớn.
Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19, từ ngày 23- 26/6, tỉnh Phú Yên đã ghi nhận 20 ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Tất cả các trường hợp trên đều liên quan đến BN 13.960. Đến nay, tỉnh Phú Yên đã truy vết được 280 trường hợp F1 và 754 trường hợp F2. Tỉnh Phú Yên đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ test xét nghiệm COVID-19, huy động toàn bộ nguồn nhân lực trong ngành Y tế để hỗ trợ các địa phương đang có dịch; đồng thời vận động toàn bộ người dân thực hiện khai báo y tế.