Tổng hợp COVID-19 ngày 23/6: TP Hồ Chí Minh có số ca mắc COVID-19 mới cao nhất nước

Ngày 23/6, cả nước ghi nhận 220 ca mắc COVID-19 mới, riêng TP Hồ Chí Minh có 152 ca, trong đó đáng lưu ý có 21 ca phát hiện qua sàng lọc và đang được điều tra dịch tễ; khẩn trương hoàn thiện thông tư cấp phép lưu hành khẩn cấp vaccine phòng COVID-19; kiểm soát người về từ các địa bàn có người mắc COVID-19 trong cộng đồng và đẩy nhanh việc tiêm vaccine COVID-19 ở các địa phương là những tin nổi bật trong ngày 23/6.

Ngày 23/6, cả nước ghi nhận 220 ca mắc COVID-19

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế thông tin đầy đủ về vaccine cho giáo viên gồm hạn sử dụng và loại vaccine được tiêm là Astrazeneca. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Từ 18 giờ ngày 22/6 đến 6 giờ ngày 23/6, Việt Nam có 55 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 45 ca trong khu cách ly, phong toả. Các ca mắc mới COVID-19 (BN13728-13782) đều là ca ghi nhận trong nước, gồm TP. Hồ Chí Minh (51 ca), Bắc Giang (2 ca), Nghệ An (2 ca).

Thông tin cụ thể tại đây.

Từ 6 giờ đến 12 giờ ngày 23/6, Việt Nam ghi nhận 80 ca mắc mới COVID-19; riêng TP Hồ Chí Minh 40 ca, Bình Dương 23 ca, Hưng Yên 4 ca, Lào Cai 2 ca, Long An 2 ca, Bắc Kạn 1 ca...

Thông tin cụ thể tại đây.

Từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 23/6, Việt Nam có 85 ca mắc mới COVID-19, thêm 138 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Trong số 85 ca mắc mới từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 23/6, có 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh (2 ca), Kiên Giang (1 ca) và 82 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (61 ca), Đà Nẵng (6 ca), Bắc Ninh (4 ca), Long An (3 ca), Nghệ An (5 ca), Kiên Giang (2 ca), Bắc Giang (1 ca); trong đó 81 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Thông tin cụ thể tại đây.

TP Hồ Chí Minh: Thêm 152 trường hợp mắc mới, thông báo khẩn tìm người đến 3 khu chợ

Chiều 23/6, TP Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất cả nước với 152 trường hợp, trong đó đáng lưu ý có 21 trường hợp phát hiện qua sàng lọc và đang được điều tra dịch tễ.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 23/6, Thành phố ghi nhận thêm 101 trường hợp nhiễm mới COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố. Như vậy, trong 24 giờ qua, Thành phố ghi nhận 152 trường hợp nhiễm mới.

Theo đó, có 21 trường hợp phát hiện qua khám sàng lọc tại các bệnh viện cư trú tại Quận 1 (4 người), Quận 4 (1 người ), Quận 7 (1 người), Quận 8 (4 người), Quận 10 (4 người), thành phố Thủ Đức (1 người ), quận Phú Nhuận (1 người), quận Bình Tân (3 người), Quận 12 (2 người). Hiện những trường hợp này đang được điều tra dịch tễ; 131 trường hợp còn lại là các tiếp xúc của các bệnh nhân được công bố từ trước và đã được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa.

Bên cạnh đó, chiều 23/6, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra thông báo khẩn tìm người từng đến chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Sơn Kỳ và chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8). Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, hiện TP Hồ Chí Minh đã phát hiện các ca bệnh COVID-19 tại một số khu chợ đầu mối trên địa bàn thành phố và có thể lây giữa các chợ do tiểu thương đến lấy hàng, di chuyển về nơi mình buôn bán.

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đề nghị những tiểu thương tại các chợ; tiểu thương đến lấy hàng tại 3 chợ này để phân phối, bán ở các chợ khác; người dân đi 3 chợ này từ ngày 1/6 đến nay thực hiện khai báo ngay tại y tế địa phương nơi cư trú để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm COVID-19, cách ly y tế theo quy định.

Khẩn trương hoàn thiện thông tư cấp phép lưu hành khẩn cấp vaccine phòng COVID-19

Chiều 23/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vaccine COVID-19.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo việc triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19; việc xây dựng Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vaccine COVID-19. Theo đó, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng thông tư; tổ chức các cuộc họp với các đơn vị liên quan, cơ sở sản xuất, đăng ký vaccine về nội dung góp ý, những vướng mắc khi đăng ký lưu hành vaccine; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành thông tư theo hình thức rút gọn…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, với kế hoạch vaccine về trong thời gian tới (tháng 7/2021 có thể có khoảng 8 triệu liều vaccine từ các nguồn về Việt Nam); dự kiến đến quý III/2021 sẽ tiêm được cơ bản cho các đối tượng ưu tiên, trong đó đủ số lượng vaccine để tiêm cho lực lượng sản xuất.

Nhấn mạnh Bộ Y tế cần hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý 6 điểm: Đầu tiên, Bộ Y tế phải dự kiến tiến độ, số lượng, từng loại vaccine về Việt Nam để phân bổ tiêm cho các đối tượng, không chỉ đáp ứng yêu cầu chống dịch mà còn tính tới các tác động về kinh tế - xã hội, đối ngoại...

Căn cứ vào tiến độ, loại vaccine dự kiến về Việt Nam, tình hình dịch bệnh và thứ tự đối tượng ưu tiên, Bộ Y tế triển khai tiêm trên tinh thần, trước mắt bảo đảm công bằng giữa các nhóm đối tượng theo nguyên tắc tiếp cận công bằng vaccine của Liên hợp quốc; tiếp đến, công bằng giữa các đối tượng, có xem xét đến sự đóng góp của các ngành kinh tế, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch.

Trong tình hình hiện nay, Bộ Y tế phải có kế hoạch dự kiến khoảng thời gian tiêm mũi 1 và mũi 2 cũng như phương án tiêm hết mũi 1 cho số lượng lớn người dân hoặc dự trữ vaccine để tiêm đủ 2 mũi vaccine cho số lượng người ít hơn; tiêm 2 mũi là 2 loại vaccine khác nhau hay cùng một loại.

Đồng thời, Bộ Y tế nêu rõ thời điểm Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, trong đó tập trung cho những khu vực, địa phương có nguy cơ cao, các địa phương có mật độ giao lưu lớn, tập trung nhiều sản xuất công nghiệp, du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Sau khi tiêm hết cho đối tượng ưu tiên, đạt được miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế phải chuẩn bị kích hoạt cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ; định hướng mới trong triển khai tiêm vaccine.

Ngoài ra, Bộ Y tế cần đề xuất việc sử dụng kinh phí phục vụ việc tiêm vaccine từ nay đến cuối năm 2021 và thời gian tiếp theo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong lúc khan hiếm vaccine hiện nay trong tháng 7, đầu tháng 8 khi vaccine về chưa nhiều, người dân rất quan tâm các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine. Vì vậy, Bộ Y tế phải đảm bảo thực hiện tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Đối với lực lượng sản xuất, cần căn cứ vào địa bàn có nguy cơ, tránh tình trạng không công bằng giữa các đối tượng như Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý.

Kiểm soát người về từ các địa bàn có người mắc COVID-19 trong cộng đồng

Ngày 23/6/2021, Bộ Y tế ban hành công văn số 5015/BYT-MT về việc cách ly y tế đối với người đến từ vùng đang có dịch.

Trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế nêu rõ, thực hiện Công điện số 789/CĐ-TTg ngày 05/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế thực hiện “mục tiêu kép”, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo thực hiện biện pháp kiểm soát người về từ các địa bàn có trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng theo đúng các quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Theo đó, yêu cầu tất cả những người đến từ các tỉnh, thành phố ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng bắt buộc phải khai báo y tế trung thực, chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo để phân loại các đối tượng nguy cơ.

Thực hiện cách ly y tế đối với những người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc COVID-19 (F1) hoặc người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID-19 (F2).

Thực hiện theo dõi sức khỏe và yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người trong vòng 14 ngày đối với những người từng đến các địa điểm có người mắc COVID-19 ở, lưu trú, khu vực phong toả (cách ly vùng) do có trường hợp mắc COVID-19 trong thời gian theo thông báo của UBND cấp tỉnh. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.

Đối với những người không thuộc đối tượng nêu tại mục 2, mục 3 của Công văn này, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh chung theo quy định.

Bộ Y tế đề nghị UBND cấp tỉnh phối hợp thực hiện và thường xuyên rà soát, cập nhật đánh giá các mức độ nguy cơ COVID-19 theo Quyết định số 2686/QĐBCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban chỉ đạo Quốc gia.

TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19

Ngày 23/6, bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) TP Hồ Chí Minh đã làm trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế tại các điểm tiêm vaccine phòng COVID-19, gồm Trường Mầm non Hạnh Thông Tây, số 637/2A Quang Trung; Trường Mầm non Anh Đào, số 625 Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) và Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, số 99/6 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh).

Chú thích ảnh
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQVN TP Hồ Chí Minh (giữa) đi kiểm tra công tác tiêm chủng tại các điểm tiêm tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Sau khi đi khảo sát liên tục 3 ngày tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bà Tô Thị Bích Châu cho biết, công tác tiêm chủng được chuẩn bị kỹ lượng, tất cả có quy định phòng dịch nghiêm ngặt. Ban đầu, sự phối hợp giữa các lực lượng còn bối rối nhưng đến ngày thứ 2 và 3, tình hình đã được khắc phục, làm tốt hơn, không còn tình trạng ùn ứ như ngày đầu...

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay các điểm tiêm chủng đang tăng tốc, bảo đảm đúng tiến độ trong 5 -7 ngày hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế giao cho TP Hồ Chí Minh. Đợt này, TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêm gần 1 triệu liều vaccine, đạt tỷ lệ tiêm chủng khoảng 6%.

Để phục vụ cho việc tiêm chủng, ngành y tế thành phố đã huy động hơn 1.000 đội tiêm chủng đến từ các cơ sở đã được công bố đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19; tập huấn cho 4.000 đoàn viên, thanh niên, thanh niên tình nguyện về công tác hỗ trợ. Tại các điểm tiêm chủng trên toàn thành phố, ngành y tế đều có phân công bác sĩ theo dõi sức khỏe sau khi tiêm chủng cho người dân. Nếu xảy ra sự cố, người tiêm sẽ được sơ cứu và chuyển tới bệnh viện điều trị, hưởng đầy đủ các chính sách của bảo hiểm y tế trong thời gian tiêm chủng vaccine COVID-19.

Bộ Y tế yêu cầu 9 địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19

Ngày 23/6, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi UBND 9 tỉnh, thành phố gồm: Nam Định, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Tiền Giang, Lâm Đồng, Cần Thơ, Kiên Giang về việc khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, công văn của Bộ Y tế cho biết, ngày 20/5/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BYT về việc phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 3.

Ngày 14/6/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn số 4718/BYT-DP gửi các địa phương, đơn vị, trong đó đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tiêm ngay vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn hoàn thành trước ngày 18/6/2021 đảm bảo an toàn, không đợi tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 để tăng tỷ lệ tiêm chủng.

Ngày 18/6/2021, Bộ Y tế tiếp tục có Công văn số 4925/BYT-DP gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đến nay theo Báo cáo nhanh kết quả tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hàng ngày của Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của một số tỉnh, thành phố còn chậm (dưới 40%).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ triển khai, tăng tỷ lệ tiêm chủng, tập trung nguồn lực để triển khai tiêm chủng các đợt tiếp theo, Bộ Y tế đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai tiêm chủng ngay số vaccine được cấp.

Nếu đơn vị nào không hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vaccine theo chỉ đạo thì lãnh đạo các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ tướng Chính phủ.

Hai bệnh nhân COVID-19 nguy kịch hồi phục sức khoẻ kỳ diệu

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa cứu chữa thành công cho một sản phụ và một bệnh nhân trẻ tuổi mắc COVID-19 từng rất nguy kịch, hiện các bệnh nhân hồi phục sức khoẻ tốt.

Chú thích ảnh
Hai bệnh nhân COVID-19 đã thoát tình trạng nguy kịch, hồi phục sức khoẻ kỳ diệu. Ảnh: Đặng Thanh

Bệnh nhân thứ nhất là N.T. N, nữ 27 tuổi ở Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh. Ngày 27/5/2021, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR cho kết quả dương tính, và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Sau 3 ngày điều trị tại Bệnh viện Đức Giang, bệnh nhân có sốt, đi ngoài, mất vị giác, khó thở tăng dần, được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 1/6/2021.

Sau 2 ngày thở oxy-mash túi tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân vẫn khó thở nhiều, chụp CT thấy tổn thương phổi tiến triển xấu nhanh, bệnh nhân được can thiệp đặt nội khí quản, thở máy và chuyển vào đơn vị chăm sóc tích cực, Khoa Hồi sức tích cực.

Ngày 2/6, bệnh nhân được lọc máu liên tục ngay khi nhập khoa. Ngày 3/6, bệnh nhân tiếp tục được lọc máu lần thứ hai. Bệnh nhân được thở máy, chăm sóc hô hấp tích cực, sau 2 lần lọc máu, tình trạng chưa cải thiện nhiều, bác sĩ tiếp tục theo dõi sát sao, chăm sóc toàn diện, tích cực, kết hợp nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, thông khí mở phổi, tư thế nằm sấp. Đặc biệt kết hợp thêm 4 lần lọc máu hấp phụ độc tố bằng màng lọc đặc biệt.

Sau 6 lần lọc máu liên tục, kết hợp 12 ngày thở máy, đến ngày 11/6/2021 bệnh nhân được rút ống nội khí quản, chuyển thở oxy kính.

Ngày 23/6, bệnh nhân đã có thể tự thở khí phòng, thể trạng tốt, sức khỏe tinh thần ổn định và được chuyển từ khoa Hồi sức tích cực đến khoa khác để theo dõi chờ ngày xuất viện.

Bệnh nhân thứ 2 là L. T. P, nữ, 17 tuổi ở Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh. Bệnh nhân có tiền sử thai 30 tuần; xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính ngày 28/5.

Bệnh nhân được tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 3/6 trong tình trạng thở oxy kính 5 lít/phút.

Ngày 6/6, do tình trạng suy hô hấp cấp nặng, thở oxy cao tần qua máy HFNC không đáp ứng, bệnh nhân được đặt nội khí quản và thở máy, sau đó chuyển đến khoa Hồi sức tích cực. Tại khoa Hồi sức tích cực bệnh nhân được đặt chăm sóc tích cực, thở máy, lọc máu 2 lần. Đặc biệt bác sĩ Hồi sức tích cực đã kết hợp với bác sĩ sản khoa, theo dõi sát sao tình trạng thai nhi, siêu âm thăm khám hàng ngày.

Ngày 11/6, bệnh nhân tỉnh táo, cơ lực tốt, tình trạng thai nhi tốt, bệnh nhân được rút ống thở, tự thở tốt, tiếp tục dùng kháng sinh đủ liệu trình.

Ngày 23/6, bệnh nhân được thăm khám ổn định hoàn toàn về sức khỏe của cả mẹ và con.

Hiện cả 2 bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nội tổng hợp để tiếp tục theo dõi đến khi đủ điều kiện xuất viện.

Trong ngày 23/6, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng có 6 bệnh nhân COVID-19 khác khỏi bệnh, được xuất viện.

Ca tử vong thứ 70 của bệnh nhân mắc COVID-19

Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vừa thông báo về ca tử vong số 70 là BN11793, nữ, 61 tuổi, có địa chỉ tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type II, cao huyết áp.

Ngày 15/6, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, được nhập viện điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Long Định, tỉnh Tiền Giang.

Ngày 21/6, bệnh nhân xuất hiện ho, mệt, khó thở; diễn biến nặng nên được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 2 (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi) Tiền Giang với chẩn đoán: Viêm phổi do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên cơ địa đái tháo đường type II, tăng huyết áp.

Mặc dù được đội ngũ các thầy thuốc của Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang phối hợp với Bệnh viện Dã chiến tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi hội chẩn, khẩn trương điều trị tích cực, nhưng bệnh diễn biến rất nhanh, nặng trên cơ địa người cao tuổi có bệnh lý mãn tính, nên bệnh nhân không qua khỏi.

Bệnh nhân tử vong ngày 21/6. Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn trên cơ địa đái tháo đường type II, tăng huyết áp.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 22/6: Quỹ vaccine có hơn 6.800 tỷ đồng; ghi nhận thêm 244 ca mắc mới
Tổng hợp COVID-19 ngày 22/6: Quỹ vaccine có hơn 6.800 tỷ đồng; ghi nhận thêm 244 ca mắc mới

Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 22/6 thu hút sự quan tâm của dư luận gồm: Trường hợp tử vong sau tiêm vaccine COVID-19 tại Đông Anh, Hà Nội; Việt Nam đã điều trị khỏi cho 5.457 bệnh nhân; bệnh nhân COVID-19 từng 6 lần lọc máu đã khỏi bệnh ra viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN