Hôm nay (26/6) theo kế hoạch là ngày tiêm vét cuối cùng của chiến dịch tiêm chủng tại TP Hồ Chí Minh. Công tác tiêm chủng vẫn đang được gấp rút triển khai nhằm đảm bảo tiến độ như kế hoạch.
Từ ngày 19/6, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho số lượng lớn các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ theo hình thức chiến dịch tiêm chủng với tổng 806.000 liều trong 5 ngày. Tuy nhiên, tốc độ triển khai tiêm tại TP Hồ Chí Minh khá chậm khi đến 24/6, TP mới chỉ tiêm chưa hết một nửa lượng vaccine phân bổ. Bộ Y tế đã gửi công văn đề nghị TP Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai tiêm chủng ngay số vaccine được cấp.
Từ ngày 24/6, Thành phố đã điều chỉnh tiến độ tiêm chủng. TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện để đạt tiến độ được như dự kiến, sau khi có sự điều phối chặt chẽ, quản lý người đến tiêm theo khung giờ (1 đội tiêm thực hiện 25 người/giờ).
Trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng vừa qua, người dân tại TP Hồ Chí Minh đã hưởng ứng việc đi tiêm chủng. Tuy nhiên tại các điểm tiêm lại xảy ra tình trạng người dân tụ tập quá đông làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây nhiễm khi dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc trong cộng đồng.
Nhận định về tiến độ và tình hình triển khai tiêm vaccine COVID-19 hiện nay, nhất là việc quá đông người tại các điểm tiêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Chúng tôi đánh giá khâu chuẩn bị và kịch bản cho công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 đã có những trục trặc ban đầu. Đây là lần đầu tiên triển khai, nên chắc chắn không thể nào trơn tru được; TP Hồ Chí Minh cũng đã có những thay đổi trong cách thức thực hiện, thay đổi về quy trình, tổ chức điểm tiêm chủng vaccine COVID-19. Hy vọng trong thời gian ngắn nữa, TP Hồ Chí Minh sẽ đảm bảo tốc độ tiêm theo yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ".
Bộ Y tế cũng đã có khuyến cáo TP Hồ Chí Minh phải chia nhỏ các điểm tiêm, phải tiêm theo giờ, không để tụ tập quá đông người trong một thời điểm, làm tăng nguy cơ lây nhiễm tại điểm tiêm đó.
"Bộ Y tế cũng đã đề nghị các địa phương khác khi tổ chức chiến dịch phải chia khung giờ để tiêm; đồng thời phải chia nhỏ điểm tiêm để đảm bảo giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch để tránh lây nhiễm dịch bệnh tại khu vực này", Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Về tình hình dịch COVID-19 tại khu vực phía Nam, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế rất lo ngại và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 vào các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam là rất lớn; bởi tại một số khu công nghiệp đã có ca nhiễm. Do đó, ưu tiên của các địa phương hiện nay là phải kiểm soát tốt tình hình dịch tại các khu công nghiệp.
Đối với TP Hồ Chí Minh, có thể tiếp tục xuất hiện những ca lây nhiễm tại cộng đồng nhưng không phát hiện được nguồn lây vì dịch đã đi qua một số chu kỳ lây nhiễm nên việc việc tìm ra nguồn lây rất khó khăn. Hiện nguy cơ lây nhiễm vào các khu công nghiệp rất lớn vì TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là Bình Dương có mật độ công nhân lao động lớn, trong khi đó điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt tại nơi lưu trú rất chật hẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lây nhiễm COVID-19 tại khu vực này.
Vì vậy, Bộ Y tế đã đặt trọng tâm trong phòng chống dịch tại khu vực này, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh lân cận có khu công nghiệp phải tăng cường tất cả các biện pháp phòng, chống dịch tại khu công nghiệp. Đặc biệt, việc lây nhiễm tại khu vực ăn uống, lưu trú của công nhân… dẫn đến có nhiều hình thái lây nhiễm như: Giữa các công ty với nhau, giữa người trong các công ty.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành những hướng dẫn chi tiết về phòng chống lây nhiễm tại khu vực này, với các kịch bản: Chưa có ca mắc, khi có 1 ca mắc, và khi có nhiều ca mắc... Trên cơ sở đó, các địa phương áp dụng theo hướng dẫn này của Bộ Y tế để thực hiện.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có những biện pháp ứng phó đã tương đối sớm, kịp thời và chủ động. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã trao đổi với TP Hồ Chí Minh về việc phải thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, dù theo Chỉ thị 15 hay Chỉ thị 16 cũng không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, tình trạng giao lưu đi lại giữa các khu vực lẫn nhau, có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
"Cần phải đảm bảo phòng dịch “chặt cả bên ngoài và chặt cả bên trong”, có như thế mới có thể kiểm soát được tốc độ lây nhiễm tại đây", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
TP Hồ Chí Minh cũng phải triển khai chặt quyết liệt hơn các biện pháp về xét nghiệm và phải xét nghiệm trên từng quy mô phù hợp. Bộ Y tế đã có hướng dẫn khu vực nào cần xét nghiệm toàn dân, khu vực nào chỉ xét nghiệm những đối tượng nguy cơ… Bên cạnh đó, không riêng TP Hồ Chí Minh mà các địa phương khác cũng phải tăng cường xét nghiệm; đây là mấu chốt quan trọng để kiểm soát dịch nhanh hay chậm. Khi xét nghiệm ra ca dương tính với SARS-CoV-2, cần ngay lập tức đưa mầm bệnh, nguồn lây ra khỏi cộng đồng, mới có thể nhanh chóng chặn nguồn lây.
"Hiện Bộ Y tế cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh tăng cường tầm soát tất cả những người đến các cơ sở y tế, bao gồm cả những bệnh nhân và những người có yếu tố nguy cơ… Các địa phương khác cũng cần thực hiện tương tự và không nên ngần ngại thực hiện giãn cách theo từng quy mô phù hợp với tình hình dịch. Trong trường hợp cần thiết thì thực hiện phong toả, nhưng phải thật nghiêm" Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.