Chiều 22/5, Việt Nam có thêm 73 ca mới mới COVID-19 trong cộng đồng
Tính từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 22/5, Việt Nam có thêm 73 ca mắc mới COVID-19 (BN5014-5086), đều là ca mắc ghi nhận trong nước; trong đó Bắc Giang 39 ca, Bắc Ninh 25 ca, Lạng Sơn 2 ca, Điện Biên 2 ca, Thanh Hóa 2 ca, Đà Nẵng 1 ca, Hải Dương 1 ca, Thái Nguyên 1 ca.
Như vậy, trong ngày 22/5, Việt Nam ghi nhận thêm 145 ca mắc mới, gồm 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội và 143 ca ghi nhận trong nước.
Tính đến 18 giờ ngày 22/5, Việt Nam có tổng cộng 3.605 ca ghi nhận trong nước và 1.481 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 2.035 ca.
Hiện có 4 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An) qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 179.006 người.
Đà Nẵng tiếp tục xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 52.300 lao động
Ngày 22/5, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có kế hoạch về việc tiếp tục thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Việc xét nghiệm này nhằm sớm phát hiện người mắc COVID-19 đang làm việc tại các khu công nghiệp, đặc biệt những trường hợp mắc COVID-19 không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng để khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, không để dịch COVID-19 lây lan trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao và trên địa bàn thành phố.
Việc lấy mẫu sẽ thực hiện từ ngày 24 đến 26/5/2021 theo cách lấy mẫu gộp 10 mẫu và xét nghiệm bằng phương pháp Realtime –PCR. Đối tượng là tất cả người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đối với người có biểu hiện ho; sốt; đau họng; khó thở; mệt mỏi, đau người, ớn lạnh… hoặc viêm phổi trong 14 ngày gần đây nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm thì cần được hướng dẫn đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ cao, gồm: Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, Khu công nghiệp Liên Chiểu, Khu công nghiệp Đà Nẵng, Khu công nghiệp Hòa Cầm, Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và Khu công nghệ cao. Tổng số lao động hiện đang làm việc tại các Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao là 65.444 người.
Trước đó, toàn bộ người lao động làm việc tại Khu công nghiệp Đà Nẵng, Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đã được xét nghiệm SARS-CoV-2 từ ngày 12 - 17/5 là 13.100 lao động. Số lao động còn lại sẽ được tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 là 52.322 người lao động đang làm việc tại Khu công nghệ cao và 4 Khu công nghiệp còn lại.
Bắc Giang số hoá thông tin lấy mẫu xét nghiệm
Các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xây dựng sẵn cho Bắc Giang một bộ quy trình chuẩn về công tác lấy mẫu xét nghiệm, biểu mẫu nhập danh sách lấy mẫu rất nhanh, tránh sai sót, có thể thống nhất cho cả tỉnh.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, thời gian qua, công tác lấy mẫu xét nghiệm của tỉnh còn nhiều bất cập, ảnh hưởng tốc độ xét nghiệm, truy vết ca bệnh… Cách thức tiến hành tại các điểm lấy mẫu chưa thống nhất, mỗi nơi một kiểu, một phương thức khác nhau. Nhiều điểm người dân tụ tập lộn xộn, chưa tuân thủ giãn cách an toàn, các lực lượng chức năng ít xuất hiện, hỗ trợ cho quá trình lấy mẫu. Thời gian, địa điểm phối hợp lấy mẫu chưa tốt, mất thời gian cho cả đoàn xét nghiệm và cả người dân.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp lực lượng y tế cơ sở với nhân viên vẫn chưa tốt. Dữ liệu hiện vẫn còn ghi bằng giấy, chưa cập nhật kịp thời. Việc tổng hợp còn thủ công nên còn nhiều khó khăn, chậm, thiếu thông tin quan trọng về dịch tễ.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu đưa ra quy trình thống nhất trên toàn tỉnh phục vụ Công tác chuẩn bị, nhập thông tin khi tiến hành xét nghiệm COVID-19 tại cộng đồng phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng, điều tra dịch tễ, áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 24/5/2021.
Theo đó, các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xây dựng sẵn một bộ quy trình hướng dẫn bằng hình ảnh slide rất sinh động và dễ hiểu. Trong đó có hướng dẫn bố trí khu lấy mẫu được vẽ thành sơ đồ dễ hiểu từ khâu đón tiếp, bố trí, sắp xếp xét nghiệm hết sức khoa học, đã được chuẩn hóa và đảm bảo hạn chế lây nhiễm chéo, đảm bảo tốt sự phối hợp giữa lực lượng hỗ trợ và lực lượng xét nghiệm.
Hướng dẫn đã được lập thành quy chuẩn khá cụ thể từ lựa chọn địa điểm đến từng quy định đảm bảo linh hoạt áp dụng cho nhiều địa phương, an toàn cho những nhân viên y tế, trang thiết bị cần thiết để phục vụ việc thu nhận thông tin. Đặc biệt, việc ghi chép thủ công đã được số hóa.
Trước đó, Bộ phận thường trực tại Bắc Giang cũng đã phối hợp với địa phương để thành lập nhóm bộ phận quản lý và báo cáo số liệu xét nghiệm, đảm bảo việc đẩy nhanh tối đa xét nghiệm, thực hiện mã hóa và trả kết quả nhanh, chính xác.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đã chỉ đạo đơn vị cần áp dụng công nghệ thông tin trong việc nhập liệu, mã hoá nhằm đẩy mạnh số lượng xét nghiệm và đặc biệt phải trả kết quả sau 24 giờ. Ngoài ra, cần lên ngay kế hoạch và triển khai lấy mẫu lại cho F1 tại các khu cách ly, khu công nghiệp với phương pháp lấy mẫu đến đâu thì tổng hợp số liệu đến đó.
Hai cơ sở của Bệnh viện K bắt đầu khám chữa bệnh trở lại từ ngày 24/5
Từ ngày 24/5, Bệnh viện K cơ sở Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp hết cách ly và tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh trở lại bình thường.
Theo thông tin từ Bệnh viện K, dự kiến từ ngày 24/5, Bệnh viện K cơ sở Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp sẽ chính thức hoạt động trở lại.
PGS.TS Lê Văn Hợi, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện K cho biết: "Với toàn bộ người bệnh, người nhà, người bệnh tại hai cơ sở hết cách ly, đã đủ tiêu chuẩn ra viện, sẽ được cho ra viện. Những bệnh nhân đã ổn định được chuyển xuống tuyến dưới, người bệnh nặng được tiếp tục theo dõi 24/24. Trước khi đón bệnh nhân trở lại, Bệnh viện sẽ tiếp tục phun khử khuẩn, vệ sinh thêm lần nữa cho toàn bộ 2 cơ sở để bảo đảm an toàn cho người bệnh".
Cũng theo PGS.TS Lê Văn Hợi, trong hơn nửa tháng qua, toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động của các cơ sở đã hết sức nỗ lực triển khai các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt như: Thực hiện chống nhiễm khuẩn, xét nghiệm thần tốc, thực hiện giãn cách, nhanh chóng khống chế dịch trong bệnh viện... Hiện tất cả cán bộ y tế, người lao động, người bệnh, người nhà trong Bệnh viện đã được xét nghiệm ít nhất 3 lần, nhóm nguy cơ cao được xét nghiệm tới 4 - 7 lần.
Khi phát hiện có ca bệnh COVID-19 tại cơ sở Tân Triều, Bệnh viện đã ngay lập tức cách ly y tế cả 3 cơ sở của Bệnh viện để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đến nay các ca mắc COVID-19 đều chỉ được phát hiện ở cơ sở Tân Triều, không phát hiện ca bệnh nào tại 2 cơ sở Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp. Tại 2 cơ sở Phan Chu Trinh và cơ sở Tam Hiệp, những người cách ly cũng đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, đến nay đã có thể dỡ bỏ cách ly.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, với những người bệnh, người nhà trở về địa phương từ các 2 cơ sở trên mặc dù đã an toàn, tuy nhiên tại các địa phương vẫn có thể có những ca bệnh tiềm ẩn, các trường hợp F1 trong cộng đồng nên khi trở về vẫn cần tiếp tục thực hiện đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để đảm an toàn phòng chống dịch.
Cần Thơ không được lơ là, mất cảnh giác với dịch COVID-19
Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi làm việc với ngành y tế thành phố Cần Thơ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn ngày 22/5.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thành phố Cần Thơ là trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ kết nối sân bay quốc tế Cần Thơ với các địa phương khác và rất gần với Campuchia, nơi đang diễn ra tình hình dịch bệnh COVID-19 hết sức phức tạp, khó lường. Nếu dịch bệnh xảy ra, lãnh đạo và nhân dân thành phố cũng cần bình tĩnh, tránh hoang mang, xử lý không khôn khéo, ảnh hưởng đến mọi mặt phát triển...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành y tế Cần Thơ cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp quyết liệt, khẩn trương, kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với ngành y tế ở khu vực, với các trường đại học, các trung tâm y tế khám chữa bệnh để thực hiện tốt vai trò phòng, chống dịch bệnh, những nhiệm vụ đột xuất bất ngờ cũng như nhiệm vụ thường xuyên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu công tác phòng chống dịch tại các khu công nghiệp cần được lưu ý với việc phát hiện sớm, cách ly nhanh, xét nghiệm tích cực. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là "chống dịch như chống giặc", huy động mọi nguồn lực để chống dịch. Ngành y tế thành phố Cần Thơ cũng cần chuẩn bị thật tốt trang thiết bị, vật tư, y tế, sinh phẩm, các công cụ xét nghiệm theo phương châm "4 tại chỗ"...