Việt Nam có thêm 129 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, riêng Bắc Giang có 85 ca
Tính từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 15/5, Việt Nam có thêm 131 ca mắc mới COVID-19. Trong đó, ngoài 2 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh là Vĩnh Long (1 ca), Quảng Ninh (1 ca); 129 ca bệnh được ghi nhận trong nước tại 7 tỉnh, thành phố. Đây là con số mắc trong ngày cao nhất từ trước tới nay tại Việt Nam.
Thông tin 19 ca mắc ghi nhận trong nước tại các khu vực cách ly và phong tỏa của Bắc Giang (85ca), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (13 ca), Bắc Ninh (16 ca), Đà Nẵng, Vĩnh Phúc (4 ca), Lạng Sơn (2 ca), Nam Định (1 ca). Cụ thể:
BN3856 - BN3868 ghi nhận tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (4 nhân viên y tế và 9 bệnh nhân đã được cách ly trong bệnh viện từ trước).
BN3870, BN3873 - BN3874, BN3876 - BN3880 ghi nhận tại Thành phố Đà Nẵng: là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, được xét nghiệm diện rộng và đã được cách ly trước đó.
BN3871 - BN3872, BN3875, BN3881 - BN3886, BN3888 - BN3894 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, đã được cách ly từ trước.
BN3887 ghi nhận tại tỉnh Nam Định. BN3895 - BN3898 ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Phúc: là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly từ trước.
BN3899, BN3901 - BN3902, BN3904 - BN3985 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang, liên quan đến ổ dịch Công ty Hosiden và KCN Quang Châu đã được cách ly và nằm trong khu phong tỏa trước đó.
BN3900, BN3903 ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 15/5, Việt Nam có tổng cộng 2.522 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 952 ca.
Cũng trong chiều 15/5, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông tin về bệnh nhân COVID-19 tử vong thứ 36 của Việt Nam. Bệnh nhân nữ 89 tuổi (BN3839) mắc COVID-19 đã tử vong do các bệnh lý nền tăng huyết áp, đái tháo đường, xẹp đốt sống lưng đã phẫu thuật.
Bệnh nhân được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 13/5 với chẩn đoán: Viêm phổi nặng do COVID-19, suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2, tăng huyết áp nhiều năm; xẹp đốt sống thắt lưng (đã phẫu thuật bơm xi măng ngày 6/4/2021).
Bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục, dẫn lưu khí màng phổi kháng sinh, kháng virus và ECMO (hệ thống tim, phổi nhân tạo).
Bệnh nhân tử vong ngày 15/5 với chẩn đoán: Suy hô hấp, viêm phổi nặng do SARS- CoV-2, tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền sử xẹp đốt sống thắt lưng đã phẫu thuật.
Đây là ca tử vong thứ 36 của bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền tại Việt Nam.
Xuất hiện thêm ổ dịch COVID-19 tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang)
Như vậy, tính đến 12 giờ ngày 15/5, tỉnh Bắc Giang ghi nhận 3 ổ dịch COVID-19, với 177 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 32 trường hợp so với 7 giờ sáng nay. Trong số này, ổ dịch tại Công ty TNHH ShinYoung Việt Nam (thuộc Khu công nghiệp Vân Trung) và ổ dịch tại Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu) có 173 ca dương tính với SARS-CoV-2. Tổng số mẫu xét nghiệm đã lấy từ 27/4 đến nay là 47.929 mẫu. Ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam vẫn giữ nguyên 4 ca F0, 226 trường hợp F1 và 776 trường hợp F2.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết: Sau khi phân tích tình hình tăng đột biến số trường hợp mắc COVID-19 ở Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu, cơ bản những ca bệnh đều là công nhân, tỷ lệ lây ra người thân ở cùng nhà rất thấp. Do đó, môi trường lây nhiễm chủ yếu ở trong vùng lạnh như xưởng làm việc, nhà ăn, trên xe ô tô...
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách để khẩn trương khống chế, dập tắt các ổ dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp trên địa bàn; đồng thời khẩn trương, quyết liệt trong dập các ổ dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn.
UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ những trường hợp F2 cách ly tại gia đình.
200 bác sỹ tình nguyện Quảng Ninh sang hỗ trợ Bắc Giang chống dịch
Trước tình hình khẩn cấp của tỉnh Bắc Giang, sáng 15/5, 200 bác sỹ, nhân viên y tế tình nguyện của Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã xuất quân sang tỉnh Bắc Giang mang theo các trang thiết bị y tế hiện đại nhất để hỗ trợ địa phương này phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, ngày 14/5, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Công văn số 167/UBND-KGVX đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ lực lượng y tế giúp tỉnh Bắc Giang xét nghiệm COVID-19 toàn bộ công nhân, người lao động trong khu công nghiệp Quang Châu và toàn bộ địa bàn huyện Việt Yên bắt đầu từ ngày 15/5.
Cùng ngày 14/5, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Bệnh viện Việt Nam Thủy Điển Uông Bí và Sở Y tế tổ chức Đoàn công tác của ngành y tế tỉnh Quảng Ninh để hỗ trợ việc xét nghiệm COVID-19 theo đề nghị của tỉnh Bắc Giang. Đoàn công tác do một lãnh đạo Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí có kinh nghiệm phụ trách và cán bộ, nhân viên do Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí và Sở Y tế điều động.
Bác sĩ Bắc Ninh xét nghiệm gần 7.000 mẫu mỗi ngày, chạy đua chống dịch
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Bắc Ninh, phòng xét nghiệm COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh đang hoạt động hết công suất suốt 24/24 giờ. Các cán bộ xét nghiệm đang chạy đua cùng thời gian, tận dụng từng phút để thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại các ổ dịch.
Tính đến trưa 15/5, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 192 ca mắc COVID-19 tại 6/8 huyện, thị xã, thành phố với 34 ổ dịch. Đằng sau nhịp sống bình lặng, chậm lại của người dân trước “cơn bão” COVID-19 là cuộc chạy đua hối hả, “thần tốc” của ngành y tế và lực lượng chống dịch tỉnh Bắc Ninh.
Gần 1 tuần kể từ khi ghi nhận ca mắc COVD-19 tại địa phương, 3 hệ thống xét nghiệm PCR Realtime của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh đã chạy liên tục để xét nghiệm hơn 41 nghìn mẫu. Hiện 30 y, bác sỹ được huy động phục vụ công tác xét nghiệm cũng ở lại cơ quan trong suốt thời gian qua.
Bình quân mỗi ngày, có khoảng gần 7.000 mẫu xét nghiệm được thực hiện. Để thực hiện nhanh nhất, chuẩn xác nhất, 21 cán bộ xét nghiệm được chia làm 3 ca, duy trì hoạt động xét nghiệm suốt 24/24 giờ.
Giãn cách xã hội toàn huyện Yên Phong (Bắc Ninh) từ 14 giờ ngày 15/5
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngày 15/5, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Văn bản số 319/UBND-KGVX về việc giãn cách xã hội đối với toàn bộ huyện Yên Phong từ 14 giờ ngày 15/5/2021, theo Chỉ thị số 15/CT-TTg (ngày 27/3/2020) của Thủ tướng Chính phủ, để ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện văn bản trên.
Tính từ ngày 5/5 đến nay, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 192 ca dương tính với SASR-CoV-2, trong đó huyện Thuận Thành ghi nhận 161 ca, huyện Yên Phong 16 ca (trong đó riêng ngày 14/5 phát hiện 11 ca), huyện Tiên Du 5 ca, thị xã Từ sơn 2 ca, thành phố Bắc Ninh 4 ca, huyện Lương Tài 4 ca. Hiện tỉnh đã rà soát được gần 2.900 trường hợp F1, trên 22.000 trường hợp F2; đã lấy gần 87.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các trường hợp F1, F2, tại cộng đồng và các trường hợp khác.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương thần tốc truy vết, xác minh các trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân mắc COVID-19; đẩy nhanh tiến độ điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viên K cơ sở 2 Tân Triều; đồng thời thiết lập vùng cách ly y tế với 26 khu dân cư và toàn bộ huyện Thuận Thành.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh đồng ý xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp tạm trú tại các khu nhà trọ, khu ký túc xá, người kinh doanh tại các chợ đầu mối để chủ động phát hiện các trường hợp mắc COVID-19...
Bắc Ninh thành lập 2 chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19
Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định thành lập 2 chốt liên ngành cấp tỉnh nhằm kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh từ 0 giờ ngày 16/5/2021.
Theo đó, tỉnh Bắc Ninh thành lập 2 chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại đầu cầu Như Nguyệt trên đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang và điểm chốt trên cầu Yên Dũng nối với Quốc lộ 18, tại địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Tại các điểm chốt, lực lượng chức năng thực hiện kiểm soát 100% người đi từ vùng có dịch vào tỉnh Bắc Ninh, thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế, lịch sử đi lại (khuyến khích sử dụng các hình thức khai báo điện tử); Đối với các trưởng hợp đi từ vùng dịch theo thông báo của ngành y tế, chốt kiểm soát kiên quyết không cho vào địa bàn tỉnh, nếu vào cần phải vào sẽ thực hiện cách ly theo quy định.
Bên cạnh đó, các chốt sẽ kiểm soát hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe khách, xe taxi. Đối với những trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được ra vào địa bàn tỉnh nhưng cần bảo đảm các quy định cần thiết.
Hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong các KCX, KCN
Đây là yêu cầu của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại một số doanh nghiệp thuộc Khu chế xuất Linh Trung, thành phố Thủ Đức, ngày 15/5.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố cho biết, hiện thành phố có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động với khoảng 1.700 doanh nghiệp, trong đó 1/3 số này là doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Tổng số lao động hiện nay là khoảng 280.000 lao động, trong đó có khoảng 3.000 lao động người nước ngoài. Thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt tại một số tỉnh, thành phía Bắc và miền Trung. Vì thế, ngay từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, HEPZA cũng đã có sự chủ động cùng với công đoàn và các doanh nghiệp xây dựng phương án ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; tuyên truyền công nhân thường xuyên thực hiện theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC).
“Chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch trong từng đơn vị, kích hoạt các bộ chỉ số an toàn sản xuất, đánh giá của doanh nghiệp và kiên quyết chấn chỉnh, thậm chí tạm dừng hoạt động doanh nghiệp chưa đạt an toàn. Chúng tôi cũng phối hợp với HCDC và Trung tâm y tế các quận/huyện tổ chức lấy mẫu tầm soát diện rộng công nhân bên trong nhà xưởng, kể cả nơi lưu trú của công nhân”, ông Hứa Quốc Hưng cho hay.
Tính đến ngày 15/5, đã có 18.600 mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được thực hiện tầm soát tại các doanh nghiệp và đang tiếp tục triển khai. Bên cạnh đó, HEPZA cũng hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện an toàn trong sản xuất, tuyên truyền hướng dẫn cho chủ doanh nghiệp chăm lo cho người lao động khi người lao động bị cách ly hoặc nhiễm bệnh phải điều trị để người lao động yên tâm.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, mặc dù từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố chỉ ghi nhận 1 trường hợp mắc COVID-19 mới nhưng trong bối cảnh các ca nhiễm cộng đồng trên cả nước có diễn biến phức tạp, tăng hằng ngày, đã xuất hiện ổ dịch ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, do đó, tinh thần của lãnh đạo Thành phố là không được chủ quan, lơ là. Nhằm đảm bảo an toàn hơn trong sản xuất, các doanh nghiệp cần bố trí, phân luồng khu nhà ăn cho nhân viên, phân số thứ tự, ngồi cố định để tiện theo dõi; chủ động bố trí nhà cách ly tạm thời ngay trong các doanh nghiệp đề phòng xuất hiện trường hợp nghi ngờ. Doanh nghiệp cũng cần phối hợp với HEPZA và các đơn vị khác tổ chức diễn tập xử trí tình huống có dịch bệnh, vận động công nhân, người lao động nghiêm chỉnh chấp hành quy định để bảo đảm sự an toàn trong điều kiện hiện nay.
Ngành Y tế phải coi nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết
Ngày 15/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành, nhất là trong hoàn cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; đại diện một số bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Phát biểu gợi mở tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đánh giá sát tình hình thực tế, đề xuất những giải pháp trọng tâm nhằm phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, nhất là đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập trung thảo luận, đánh giá thành quả nổi bật, cũng như những hạn chế của ngành y tế trong thời gian qua; nguyên nhân khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan của những thành tựu, hạn chế; bài học kinh nghiệm; đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp đột phá để phát triển ngành y tế trong thời gian tới.
Báo cáo về tình hình dịch COVID-19 và các biện pháp triển khai trong công tác phòng, chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, số lượng các ca mắc mới COVID-19 tại Việt Nam có thể tiếp tục gia tăng, tuy nhiên, tất cả các ca mắc mới đều xác định được nguồn gốc lây nhiễm là từ các ổ dịch trước đó, đã được cách ly tập trung từ trước thông qua truy vết F1. Bên cạnh đó, có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch khác trong cộng đồng tại một số địa phương khác.
Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vaccine qua nhiều kênh khác nhau, theo đó Việt Nam đã mua, đăng ký là khoảng 170 triệu liều, trong đó số đã ký kết, có cam kết là khoảng 110 triệu liều, tuy nhiên, chưa chắc chắn về tiến độ cung cấp do phụ thuộc vào nhà sản xuất, cung cấp vaccine. Việt Nam hiện có 4 đơn vị đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có 2 vaccine đang trong giai đoạn thử lâm sàng ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, nếu nghiên cứu thành công, dự kiến năm 2022 mới có thể sản xuất, cung ứng.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam quyết tâm phòng chống, đẩy lùi dịch COVID-19, coi nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân là trước hết, trên hết; trước mắt bảo vệ an toàn, thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phấn đấu đạt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế và các cấp, các ngành liên quan tiếp tục rà soát những việc đã làm, kịp thời khắc phục những hạn chế; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về phòng, chống dịch COVID-19. Với tinh thần phòng, chống từ sớm, từ xa; kết hợp hài hòa, hợp lý giữa phòng ngự và tấn công, song lấy tấn công là chính.
Bộ đội biên phòng bắt giữ 18 người nhập cảnh trái phép
Chiều 15/5, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, lực lượng chức năng đã bắt giữ 18 đối tượng nhập cảnh trái phép và tiếp nhận 29 trường hợp khác.
Trong số những trường hợp nhập cảnh trái phép (NCTP) bị lực lượng Bộ đội biên phòng (BĐBP) tạm giữ, trên tuyến Việt Nam - Trung Quốc có 11 người chủ yếu qua các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai. Trên tuyến Việt Nam - Lào tạm giữ 1 người tại Thanh Hóa. Trên tuyến Việt Nam - Campuchia tạm giữ 6 trường hợp tại địa bàn tỉnh An Giang.
Để nhanh chóng ứng phó trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với các lực lượng tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống hoạt động xuất, NCTP và phòng chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay, nhất là tuyến biên giới.
Cũng trong ngày 15/5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng thông tin, các Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận 65 công dân Việt Nam do Trung Quốc trao trả và ngăn chặn 37 trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Những người trên (có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Vũng Tàu và Kiên Giang) đã xuất cảnh trái phép sang tìm việc làm và bị lực lượng chức năng Trung Quốc bắt giữ từ tháng 3/2021.
Đồng thời, trong quá trình tuần tra kiểm soát, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã kịp thời ngăn chặn 37 trường hợp có ý định xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Các đơn vị đã tiến hành kiểm tra y tế theo quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với các trường hợp tiếp nhận từ phía Trung Quốc và những người có ý định xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới bị ngăn chặn; hoàn tất các thủ tục pháp lý, củng cố hồ sơ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đồng thời phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang, Trùng Khánh đưa vào khu cách ly tập trung theo quy định.
Học sinh bị cách ly do dịch COVID-19 sẽ được xem xét đặc cách vào lớp 10
Liên quan đến dịch COVID-19, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, trong trường hợp tại thời điểm tổ chức kỳ thi có học sinh bị cách ly theo quy định vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ báo cáo, tham mưu UBND thành phố Hà Nội xem xét, đặc cách đối với những trường hợp cụ thể để bảo đảm quyền lợi cho học sinh.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập tại Hà Nội năm học 2021-2022 sẽ diễn ra vào ngày 10 và 11/6. Thí sinh sẽ làm 4 bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Trong đó, bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài thi; bài thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/bài thi. Đề thi các môn gồm câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình trung học cơ sở hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.
Hiện tại, thời gian tổ chức kỳ thi vẫn được giữ nguyên theo kế hoạch đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt trước đó. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tham mưu UBND thành phố xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021-2022 khi Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.
Lai Châu tạm dừng vận chuyển hành khách đến Bắc Giang, Sơn La, Điện Biên và ngược lại
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, đơn vị quản lý, khai thác bến xe thực hiện ngay việc tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách đi từ Lai Châu đến các tỉnh Bắc Giang, Sơn La, Điện Biên và ngược lại. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 12 giờ ngày 15/5.
Đối với hoạt động vận chuyển hành khách đi đến các tỉnh, thành phố không có dịch, các phương tiện vận tải hành khách được hoạt động bình thường, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19; yêu cầu hành khách đeo khẩu trang, bố trí dung dịch sát khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế, phun khử khuẩn phương tiện sau khi kết thúc hành trình. Đối với hoạt động vận chuyển hành khách có hành trình đi qua tỉnh, địa bàn tỉnh (vùng có dịch) đã được cơ quan chức năng công bố, không được dừng, đỗ để đón, trả khách.
Liên quan đến bệnh nhân 3758 tại tỉnh Điện Biên, tỉnh Lai Châu có 3 trường hợp F1 của ca bệnh trên đã được đưa đi cách ly tập trung và có kết quả xét nghiệm âm tính lần một. Gần 300 trường hợp F2, trong đó có 70 học sinh của trường Tiểu học Quyết Tiến, thành phố Lai Châu cũng đã được cách ly theo dõi tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm, tất cả đều cho kết quả ấm tính lần một.