Ngày 9/5, Việt Nam có 77 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng tại 8 tỉnh, thành phố
Tính đến 18 giờ ngày 9/5, Việt Nam ghi nhận 87 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 77 ca cộng đồng tại 8 tỉnh, thành phố.
Trong số 87 ca mắc mới (BN3246 - BN3332) có 10 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại: Hà Tĩnh (1), Tiền Giang (2), Vĩnh Long (5), Hà Nội (1), Quảng Trị (1) và 77 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (26), Bắc Ninh (15), Hà Nội (11), Hưng Yên (2), Hoà Bình (2), Đà Nẵng (17), Huế (2), Quảng Nam (1), Quảng Trị (1).
Cụ thể, 10 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh gồm: 3258, 3265, 3266, 3267, 3269, 3270, 3271, 3272, 3275, 3328.
77 ca ghi nhận trong nước gồm: Ca bệnh từ BN3246-BN3252, BN3284, BN3286-BN3287, BN3289, BN3296, BN3314-BN3327 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang là F1 của BN3243.
Ca bệnh 3259, 3260 ghi nhận tại tỉnh Hưng Yên. Ca bệnh 3261 ghi nhận tại Bệnh viện K.
Ca bệnh 3262, 3268 ghi nhận tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ca bệnh 3273, 3274 ghi nhận tại tỉnh Hòa Bình. Ca bệnh 3276 ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam.
Ca bệnh từ BN3277- BN3283, BN3285, BN3288, BN3290- BN3295 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh. Ca bệnh 3329 ghi nhận tại tỉnh Quảng Trị.
Tại TP Đà Nẵng, ca bệnh 3297, 3298 là F1 của BN3219; ca bệnh 3299 là F1 của BN3086; ca bệnh 3300, 3307, 3301, 3302, 3303, 3304, 3305, 3306, 3309, 3310, 3311, 3312, 3313; ca bệnh 3308 là F1 của BN3086; các BN3301- BN3306, BN3309- BN3313, có liên quan dịch tễ với ổ dịch tại Thẩm mỹ viện AMIDA, thành phố Đà Nẵng.
Ghi nhận tại Hà Nội, ca bệnh 3330 là F1 của BN3108; 3331 là F1 BN3022; ca bệnh 3253, 3263, 3264, 3332 (là F1 của BN3181); BN3254-BN3257 là F1 của BN3200, BN3201. .
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 51.554 người, trong đó:Cách ly tập trung tại Bệnh viện 876 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 24.464 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 26.214 người.
Như vậy, tính đến hiện tại, trong đợt dịch mới riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã ghi nhận 61 ca mắc COVID-19, Bệnh viện K ghi nhận 12 ca mắc, chưa kể các ca liên quan tại các địa phương.
Chủng virus biến thể B1.167.2 (từ Ấn Độ) tại các ổ dịch Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình
Qua giải trình tự gen các mẫu ca bệnh ở Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình cho thấy các mẫu đều là chủng virus SARS-CoV-2 biến thể B1.167.2 (từ Ấn Độ).
Theo thông tin từ Bộ Y tế, để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là việc xác định nguồn gốc các biến thể của virus SARS-CoV-2, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành giải trình tự gene các mẫu do các địa phương gửi về ở những bệnh nhân mắc COVID-19.
Cụ thể, số mẫu giải trình tự gene chiều ngày 9/5/2021 do các tỉnh gửi về gồm: Hưng Yên (2 mẫu), Hà Nội (1 mẫu), Thái Bình (5 mẫu). Kết quả cho thấy, 8 mẫu trên đều thuộc biến thể B1.167.2 thuộc biến thể của Ấn Độ.
Trước đó, Bộ Y tế cũng ghi nhận kết quả lấy mẫu xét nghiệm tại ổ dịch ở Hà Nội, Hải Dương cũng ghi nhận các biến chủng virus SARS-CoV-2 từ Anh và Ấn Độ.
Phát hiện 33 đối tượng nhập cảnh trái phép
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, ngày 9/5, lực lượng chức năng đã phát hiện 86 người nhập cảnh, trong đó, đối tượng nhập cảnh trái phép là 33 người.
Trong đó, trên tuyến Việt Nam - Trung Quốc có 13 người nhập cảnh trái phép chủ yếu qua đường mòn, lối mở tại Cao Bằng, Hà Giang. Trên tuyến Việt Nam - Campuchia cũng đã phát hiện 20 trường hợp nhập cảnh trái phép qua tuyến biên giới các tỉnh Bình Phước, Đồng Tháp, An Giang.
Cũng trong ngày 9/5, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, lực lượng chức năng và Bộ đội biên phòng đã làm thủ tục xuất nhập cảnh cho 2.825 người; trong đó nhập cảnh là 1.369 người, xuất cảnh là 1.456 người. Trên tuyến Việt Nam - Lào đã làm thủ tục xuất nhập cảnh cho 2.357 người.
Dứt khoát xử lý người đứng đầu địa phương nếu để dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng
Ngày 9/5, sau khi đi kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại một số tỉnh biên giới Tây Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp từ đầu cầu tỉnh An Giang với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, một số bộ, ngành liên quan và lãnh đạo 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam gồm: An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An và Tây Ninh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 29/4 đến 12 giờ ngày 9/5, nước ta đã ghi nhận 257 ca mắc COVID-19 tại 26 địa phương, đơn vị và có nguy cơ tiếp tục có nhiều ca nhiễm mới; tình hình dịch lây lan nhanh, đa nguồn lây, đa ổ dịch và các chủng virus lây lan nhanh hơn các lần trước.
Đối với các tỉnh biên giới, tình hình xuất nhập cảnh trái phép, chỉ trong 1 tuần qua có 24.000 trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam từ 3 quốc gia láng giềng; trong đó 515 trường hợp nhập cảnh trái phép. Đây chỉ là con số nắm bắt giữ được, còn con số người nhập cảnh trái phép có thể cao hơn.
Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết đã cùng đoàn công tác đi kiểm tra biên giới và một số địa phương khu vực Tây Nam Bộ. Theo đó, tại các địa phương, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hết sức quyết liệt, quản lý chặt chẽ biên giới, các chốt kiểm soát được bố trí dày đặc, tăng cường lực lượng liên hợp…
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, hiện nay các địa phương ngăn chặn khá tốt tình trạng nhập cảnh trái phép, tuy nhiên áp lực rất lớn. Các lực lượng chức năng phải căng mình kiểm soát nên rất vất vả, vì vậy cần phải tiếp tục tăng cường nhân lực, phương tiện, hỗ trợ vật chất, kịp thời động viên tinh thần đối với các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nêu một thực trạng khác là người nước ngoài nhập cảnh trái phép từ phía Bắc đi vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tìm đường sang Campuchia, do đó, cần phải xử lý triệt để, chủ động ngăn chặn, triệt phá các đường dây nhập cảnh trái phép…
Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình hình dịch COVID-19 hiện rất phức tạp, nguy cơ lây lan ra toàn quốc là rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có sự chủ động, tích cực, cảnh giác. Mặc dù vậy, vẫn có địa phương lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không chuẩn bị các kịch bản cho phù hợp. Do đó Thủ tướng khẳng định, nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng không kiểm soát được, trì trệ trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội mà do nguyên nhân chủ quan thì dứt khoát phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp trong những ngày gần đây. Một số tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... dịch diễn biến phức tạp; một số tỉnh phía Nam có nguy cơ rất cao như Khánh Hòa, Lâm Đồng...
Về nguyên nhân, theo Thủ tướng, thứ nhất là do dịch bệnh lây lan từ người nhập cảnh vào; cộng với tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thậm chí thực hiện phòng, chống dịch không đúng quy chế, không đúng quy trình, không đúng nguyên tắc. Nguyên nhân thứ hai là đa nguồn lây, đa ổ dịch, biến thể mới của SARS-CoV-2 gây lây nhiễm rất nhanh, khó lường, xảy ra trên diện rộng. Nguyên nhân thứ ba là các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan, đơn vị mời chuyên gia nước ngoài vào nhưng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện nghiêm quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế. Nguyên nhân thứ tư là tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp ở các nước láng giềng gây áp lực, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta lớn. Việc kiểm soát đường biên giới rất khó khăn, vì điều kiện đường biên giới khu vực Tây Nam dễ tạo điều kiện cho người qua lại trái phép nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập qua biên giới rất lớn.
Thủ tướng cho rằng, nếu dịch xảy ra trên phạm vi cả nước, thì ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, ổn định chính trị, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2021, việc kết thúc năm học 2020-2021... Vì vậy, các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí Thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, hướng dẫn của Bộ Y tế… về công tác phòng, chống dịch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với tinh thần "thần tốc, thần tốc hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; tích cực, tích cực hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa; thành công, thành công hơn nữa".
Thủ tướng chỉ đạo, các ngành, địa phương phải phát hiện sớm, xét nghiệm diện rộng, truy vết thần tốc, cách ly thật nhanh, điều trị tích cực, bàn giao, quản lý sau điều trị chặt chẽ, giải quyết dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới, nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức tốt công tác khắc phục hậu quả, phát triển kinh tế, xã hội; Các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, nhất là nhập cảnh và cư trú trái phép, xử lý đối tượng cư trú trái phép, chống buôn lậu qua biên giới…
Thủ tướng nhấn mạnh phải chuẩn bị cho kịch bản cả nước có 30.000 người nhiễm và điều trị trên toàn quốc, khi nguy cơ đã hiện hữu. Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị phải xây dựng kịch bản cụ thể cho cấp, ngành, đơn vị mình ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp đánh giá nguy cơ, mức độ lây nhiễm COVID-19
Trước đó ngày 4/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; hoàn thiện bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá nguy cơ, mức độ lây nhiễm dịch COVID-19 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam hoan nghênh các thành viên Ban Chỉ đạo, lực lượng các cấp, các địa phương trong nhưng ngày qua đã bước vào “trận chiến” căng thẳng; kiên trì nguyên tắc khi phát hiện ra các ca mắc mới, thần tốc truy vết, cách ly, khoanh vùng.
"Đến nay, tình hình dịch bệnh còn phức tạp nhưng cơ bản vẫn đang kiểm soát", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nêu rõ, khác với ba đợt dịch trước, đợt dịch lần này có từ cả "bên trong và bên ngoài", trong khi đó, áp lực từ biên giới Tây Nam lớn, biến thể virus mới từ Ấn Độ lây lan nhanh hơn, nặng hơn. "Vì thế chúng ta phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc lại yêu cầu chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người mắc COVID-19 trong phiên họp Ban Chỉ đạo trước, Phó Thủ tướng khẳng định: “Không phải chúng ta dự báo sẽ có 30.000 người mắc COVID-19, mà tính đến trường hợp này để sẵn sàng chuẩn bị, đồng thời phấn đấu không bao giờ xảy ra tình huống đó”, Phó Thủ tướng nói.
Theo kết quả rà roát các trung tâm cách ly của quân đội, dân sự, quy trình bàn giao với nơi nhận người sau khi cách ly của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc mặc dù các quy trình này đã được Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế hướng dẫn đầy đủ; là một trong những nguyên nhân dẫn đến đợt dịch này. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, cá nhân hóa trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc. Qua báo cáo rà soát của các cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, từ 0 giờ ngày 4/5, tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả trường hợp đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính).
Nhắc lại nhiệm vụ ngăn chặn người nhập cảnh trái phép qua biên giới trong phiên họp Ban Chỉ đạo trước, Phó Thủ tướng lưu ý nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trong nước từ người nhập cảnh hợp pháp (do công tác cách ly tập trung và quản lý y tế sau cách ly không tốt) và từ những người nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới.
"Chúng ta hết sức nâng cao cảnh giác, nếu để dịch bệnh xuất hiện trong nước lẫn xâm nhập từ bên ngoài thì rất phức tạp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi bộ đội biên phòng, chính quyền, đoàn thể tất cả các tỉnh biên giới tiếp tục tăng cường kêu gọi nhân dân, tiếp tục cùng với chính quyền quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép, gây họa cho cộng đồng.
Rà soát, truy vết liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2
Trong tuần qua cũng là những ngày căng thẳng của các bệnh viện tuyến đầu khi hàng loạt các y, bác sĩ mắc COVID-19.
Cụ thể, ngay sau khi xuất hiện ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, các cơ quan y tế đã phối hợp với bệnh viện thực hiện rà soát, tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ 827 nhân viên y tế, học viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có mặt tại bệnh viện.
Kết quả ghi nhận đến chiều 6/5 có 42 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, còn lại âm tính. Trong các trường hợp dương tính Hà Nội có 8 ca, 33 ca còn lại là của các địa phương khác. Với tinh thần thần tốc, truy vết, cách ly, khoanh vùng, điều trị hiệu quả, hàng loạt địa phương đã triển khai các biện pháp cụ thể.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã quá tải
Trong vòng 10 ngày tới, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại huyện Đông Anh (Hà Nội) không còn khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân COVID-19. Do đó, ngành y tế Hà Nội đã điều tiết các bệnh viện khác của Hà Nội tiếp nhận 11 F0 của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều để tránh quá tải ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 đã quá tải, 11 bệnh nhân COVID-19 được chuyển sang Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị.
Đối với các ca F0 mới mắc COVID-19 của Hà Nội, Sở Y tế sẽ điều tiết đưa đến bệnh viện Thanh Nhàn và đảm bảo cách ly tuyệt đối an toàn cho các bệnh nhân đang nằm điều trị tại đây. Đối với 169 trường hợp F1 liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, ngành y tế Hà Nội đã có phương án cách ly tập trung. Riêng 68 ca F1 là nhân viên y tế, Hà Nội có phương án đảm bảo sức khỏe, tinh thần vật chất cho các bác sĩ tuyến đầu.
"TP Hà Nội sẽ mở thêm các khu cách ly tập trung ở bệnh viện dã chiến Đông Anh và Sơn Tây, sẵn sàng cho phương án có 300 ca bệnh với 15.000 trường hợp phải cách ly", bà Trần Thị Nhị Hà cho biết.
Cách ly y tế Bệnh viện K Trung ương
Trong khi đó, ngày 7/5, bệnh viện K đã ghi nhận tổng số 11 ca dương tính với virus SARS-CoV-2; Bệnh viện đã chủ động lên phương án điều trị, chăm sóc cho người bệnh tại 3 cơ sở đang cách ly y tế.
Hiện tại đã có 169 F1 của 11 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Bệnh viện quyết tâm trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện ca dương tính, sẽ thần tốc xét nghiệm được toàn bộ hơn 4.000 người bệnh, người nhà người bệnh, cán bộ nhân viên y tế, người lao động tại các cơ sở của bệnh viện. Hiện Bệnh viện K đã chủ động lên phương án điều trị, chăm sóc cho những người bệnh hiện đang cách ly tại 3 cơ sở. Thuốc, vật tư y tế, nhu yếu phẩm hàng ngày sẽ của hơn 4.000 người cách ly sẽ được đáp ứng đầy đủ.
Theo đó, với người bệnh điều trị ngoại trú, các bác sỹ điều trị sẽ liên hệ với người bệnh và trao đổi với cơ sở y tế địa phương để hướng dẫn, theo dõi, điều trị cho người bệnh, hạn chế tối đa vấn đề gián đoạn trong điều trị cho tất cả người bệnh ung thư. Đối với người bệnh ngoại trú đến kỳ tái khám, các bác sỹ đã trao đổi và hướng dẫn người bệnh đi khám tại các cơ sở điều trị ung bướu.
Bệnh viện K cũng đang cần được hỗ trợ thêm khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ... và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho hơn 4.000 người gồm 1.700 bệnh nhân, 1700 người nhà và hơn 600 cán bộ y tế đang cách ly trong bệnh viện. Trước đó, sáng ngày 7/5, ngay ghi nhận 10 trường hợp người bệnh và người nhà người bệnh tại 1 khoa điều trị dương tính với virus SARS-CoV-2, Bệnh viện K đã quyết định cách ly y tế toàn bộ 3 cơ sở của bệnh viện, khử trùng toàn bộ khuôn viên Bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế và các thứ trưởng được tiêm vaccine phòng COVID-19
Trước đó, ngày 6/5, Bộ trưởng Bộ Y tế và các thứ trưởng, cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Các lãnh đạo Bộ Y tế và những người thực hiện tiêm chủng đều cho biết sức khỏe của họ sau tiêm đều hoàn toàn bình thường.
Theo đó, Việt Nam đã tiêm cho 675.956 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.
Theo ghi nhận, có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… và thường hết sau 24 giờ. Tỷ lệ này thấp so với các nước trên thế giới. Cho đến nay, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam được triển khai an toàn.
Một trường hợp tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tuy nhiên, tối 7/5, Bộ Y tế cho biết một trường hợp tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Đó là nữ nhân viên y tế, 35 tuổi, đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu. Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Bác sĩ Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, trước khi tiêm vaccine tại điểm tiêm ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu sáng 6/5, nữ nhân viên y tế này đã được khám sàng lọc và giải thích về các phản ứng sau tiêm.
Sau khi tiêm, bệnh nhân có phản ứng sốc và đã được Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu xử lý theo đúng phác đồ. Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu đã kết nối hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang và Bệnh viện Chợ Rẫy để kịp thời được tư vấn xử lý. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển về tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang. Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cử các chuyên gia hồi sức tích cực đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang để hỗ trợ cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong ngày 7/5/2021.
Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã gọi điện chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình, người thân của nữ nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch y tế tỉnh An Giang.
Xử phạt 10 triệu đồng một trường hợp F2 không chấp hành cách ly tại nhà
Ngày 8/5, ông Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một trường hợp trốn cách ly y tế tại nhà.
Theo đó, trường hợp bị phạt là Võ Nhật Trường, 35 tuổi, ngụ thôn Suối Nghệ, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức do có hành vi trốn tránh việc áp dụng các biện pháp cách ly y tế của UBND xã Suối Nghệ. Mức xử phạt là 10 triệu đồng theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 11, của Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Du khách hủy tour du lịch hè vì lo ngại dịch bệnh COVID-19
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, các công ty du lịch TP Hồ Chí Minh đang "đứng ngồi không yên" trước tình trạng hàng loạt khách hủy tour. Có công ty đã bị hủy tới 80% tour trong tháng 5 này.
Theo thống kê của các công ty du lịch tại ở TP Hồ Chí Minh, hiện có rất nhiều khách đặt tour dịp cuối tháng 5 và tháng 6, 7 đã hủy, hoãn hoặc dời sang thời điểm khác. Trong khi đây chính là những tháng cao điểm phục vụ các tour du lịch dịp hè.
Hoàn vé máy bay cho hành khách bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Các hãng hàng không nội địa như Vietjet, Vietnam Airlines, Bamboo Airways đều đã công bố chính sách hỗ trợ đổi, hoàn vé cho hành khách bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và không thể thực hiện được chuyến bay.
Cụ thể, từ ngày 10/5, Vietnam Airlines hỗ trợ đổi, hoàn vé đối với vé mua có hành trình hoàn toàn nội địa. Các vé có ngày bay từ 1/5-31/5/2021 (trừ vé có hạng đặt chỗ thuộc nhóm Phổ thông tiết kiệm) được phép thay đổi ngày bay 1 lần miễn phí trong hiệu lực sử dụng của vé. Chính sách này được áp dụng nếu hành khách không thực hiện chuyến bay đã đặt chỗ và thông báo hủy chỗ ít nhất 3 tiếng trước giờ khởi hành.
Nếu hành khách hủy chỗ không đúng quy định, Vietnam Airlines sẽ áp dụng phí đổi vé và phí bỏ chỗ theo điều kiện giá vé. Trong trường hợp đổi sang chuyến bay hết hạng đặt chỗ tương ứng, hành khách có thể phải trả thêm chênh lệch giá vé và thuế, phí, phụ thu phát sinh.
Đối với hành khách muốn chi hoàn vé về hình thức thanh toán ban đầu, Vietnam Airlines sẽ tiến hành chi hoàn sau 3 tháng kể từ ngày bay cuối cùng ghi trên vé nếu vé có điều kiện được phép chi hoàn. Đối với hành khách có nhu cầu hoàn vé, Vietnam Airlines miễn phí hoàn cho hành khách lựa chọn hình thức hoàn sang voucher với 100% giá trị hoàn vé.
Vietjet cũng sẽ hỗ trợ khách hàng hoàn vé trực tuyến đối với các chuyến bay có hành trình khởi hành từ ngày 8/5-31/5. Có 4 đối tượng khách gồm: F0, F1 và F2 có xác nhận của cơ quan chức năng; người có chứng minh hoặc xác nhận có liên quan đến khu vực phong tỏa của cơ quan thẩm quyền; thành viên tổ cơ động phòng chống dịch; người được chính quyền địa phương yêu cầu cách ly tại nhà do có di chuyển từ vùng dịch trở về sẽ được Vietjet miễn phí hoàn bảo lưu định danh với khách có tên trên vé.
Về phía Bamboo Airways, hãng áp dụng quy định hoàn tiền đối với trường hợp đủ điều kiện. Khách đoàn sẽ được hoàn vé về tài khoản bảo lưu, tiền hoàn sẽ được sử dụng để thanh toán cho các đoàn phát sinh kế tiếp có thời gian bay không vượt quá 31/12/2021. Với vé xuất qua kênh bán của các đối tác và đại lý, tiền hoàn được lưu chuyển về tài khoản đại lý trong vòng 90 ngày kể từ ngày đại lý gửi yêu cầu cho hãng bằng email.
Với hành khách thuộc khu vực bị phong tỏa, cách ly, hãng sẽ áp dụng đổi ngày bay, giờ bay và hành trình hoặc miễn phí đổi tên, hoàn vé. Với địa phương không có quy định rõ thời hạn phong tỏa cách ly, hãng này sẽ tính là 21 ngày kể từ ngày cập nhật khu vực bị phong tỏa, cách ly tại phụ lục.
Khởi tố, tạm giam đối tượng đứng tên thuê nhà cho người nhập cảnh trái phép
Ngày 3/5, nguồn tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trần Thị Phương Thảo, Ou Guo Pei (người Trung Quốc) và Đinh Thị Huệ về hành vi Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép.
Trước đó, ngày 20/4, qua nắm bắt nguồn tin và công tác nắm địa bàn, Tổ công tác của Công an quận Thanh Xuân phối hợp với lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an thành phố Hà Nội) bất ngờ kiểm tra số nhà 464 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) phát hiện 5 người Trung Quốc có nhiều dấu hiệu nghi vấn nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, 5 người Trung Quốc không xuất trình được hộ chiếu, thị thực nhập cảnh.
Quá trình xác minh, Tổ công tác xác định, căn nhà này do Trần Thị Phương Thảo (sinh năm 1999 trú tại xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) thuê của bà Nguyễn Thị T từ tháng 12/2020 để ở và phục vụ kinh doanh mỹ phẩm tại tầng 1. Tổ công tác đã yêu cầu Trần Thị Phương Thảo và 5 người Trung Quốc về trụ sở Công an phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) để làm rõ sự việc. Ngay sau đó, Cơ quan An ninh điều tra (Công an thành phố Hà Nội) đã kịp thời có mặt tiếp nhận vụ việc để giải quyết theo thẩm quyền.
Theo tài liệu của cơ quan công an, trong vụ việc này, Trần Thị Phương Thảo được hưởng lợi số tiền khoảng 140 triệu đồng và Đinh Thị Huệ hưởng lợi 4 triệu đồng. Hành vi của các đối tượng có nguy cơ làm lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, cần phải được ngăn chặn triệt để, kịp thời. Hiện vụ việc đang được Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ.