Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp đánh giá nguy cơ, mức độ lây nhiễm COVID-19
Ngày 4/5 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; hoàn thiện bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá nguy cơ, mức độ lây nhiễm dịch COVID-19 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam hoan nghênh các thành viên Ban Chỉ đạo, lực lượng các cấp, các địa phương trong nhưng ngày qua đã bước vào “trận chiến” căng thẳng; kiên trì nguyên tắc khi phát hiện ra các ca mắc mới, thần tốc truy vết, cách ly, khoanh vùng.
"Đến nay, tình hình dịch bệnh còn phức tạp nhưng cơ bản vẫn đang kiểm soát", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nêu rõ, khác với ba đợt dịch trước, đợt dịch lần này có từ cả "bên trong và bên ngoài", trong khi đó, áp lực từ biên giới Tây Nam lớn, biến thể virus mới từ Ấn Độ lây lan nhanh hơn, nặng hơn. "Vì thế chúng ta phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc lại yêu cầu chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người mắc COVID-19 trong phiên họp Ban Chỉ đạo trước, Phó Thủ tướng khẳng định: “Không phải chúng ta dự báo sẽ có 30.000 người mắc COVID-19, mà tính đến trường hợp này để sẵn sàng chuẩn bị, đồng thời phấn đấu không bao giờ xảy ra tình huống đó”, Phó Thủ tướng nói.
Theo kết quả rà roát các trung tâm cách ly của quân đội, dân sự, quy trình bàn giao với nơi nhận người sau khi cách ly của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc mặc dù các quy trình này đã được Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế hướng dẫn đầy đủ; là một trong những nguyên nhân dẫn đến đợt dịch này. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, cá nhân hóa trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc. Qua báo cáo rà soát của các cơ quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo, từ 0 giờ ngày 4/5, tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả trường hợp đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính).
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 4/5, Bộ Y tế rà soát lại quy định, có văn bản hướng dẫn, gửi tất cả các địa phương, trung tâm cách ly để quán triệt việc bàn giao giữa trung tâm cách ly với địa phương (có người hoàn thành cách ly về cư trú), tiếp nhận, quản lý chặt chẽ trong 14 ngày, kể từ khi hoàn thành cách ly tập trung. Dự kiến, các trung tâm, địa phương căn cứ thực hiện theo hướng dẫn từ ngày 5/5.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quy định, hướng dẫn, văn bản đã đầy đủ, tuy nhiên các địa phương, trung tâm cách ly tập trung phải thực hiện nghiêm túc. "Tuyệt đối không được để tình trạng trong thời gian theo dõi, giám sát y tế sau cách ly mà lại tiếp tục đi tụ tập đông người, ăn uống, đến những nơi công cộng, không giữ nguyên tắc phòng dịch, để lây lan ra cộng đồng cực kỳ nguy hiểm", Phó Thủ tướng cho biết.
Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường giám sát dịch bệnh trong cộng đồng, trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ huy động lực lượng giám sát của cộng đồng; qua thông tin báo chí, sự giám sát của nhân dân để cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ về những nơi phòng, chống dịch tốt và chưa tốt. “Khi chưa có dịch, tuyệt đối không được lơ là. Đến nay, dịch bệnh xuất hiện phải rất bình tĩnh, thực hiện khoanh vùng, dập dịch sớm nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc lại nhiệm vụ ngăn chặn người nhập cảnh trái phép qua biên giới trong phiên họp Ban Chỉ đạo trước, Phó Thủ tướng lưu ý nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trong nước từ người nhập cảnh hợp pháp (do công tác cách ly tập trung và quản lý y tế sau cách ly không tốt) và từ những người nhập cảnh trái phép ở khu vực biên giới.
"Chúng ta hết sức nâng cao cảnh giác, nếu để dịch bệnh xuất hiện trong nước lẫn xâm nhập từ bên ngoài thì rất phức tạp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi bộ đội biên phòng, chính quyền, đoàn thể tất cả các tỉnh biên giới tiếp tục tăng cường kêu gọi nhân dân, tiếp tục cùng với chính quyền quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép, gây họa cho cộng đồng.
Việt Nam có thêm 1 ca COVID-19 cộng đồng tại Đà Nẵng
Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 4/5, Việt Nam ghi nhận thêm 11 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 1 ca cộng đồng tại Đà Nẵng.
Tính đến 18 giờ ngày 4/5, Việt Nam có tổng cộng 1.608 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 38 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 40.505 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 561 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 22.522 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 17.422 người.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 74 ca.
Tạm thời chưa cho những người đã đủ 14 ngày cách ly ra về
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tạm thời chưa giải quyết cho những người đã đủ điều kiện hết cách ly (14 ngày) ra khỏi khu cách ly tập trung.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có thông báo khẩn, yêu cầu các Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả của quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả các trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính).
Theo Cục Y tế dự phòng, việc thực hiện yêu cầu trên là do thời gian gần đây có 1 số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn ghi nhận dương tính với virus SASR-CoV2, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Các địa phương bắt đầu thực hiện từ 0 giờ ngày 4/5/2021 và chờ cho tới khi có thông báo mới của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
Từ 0 giờ ngày 5/5, Hà Nội tạm dừng hoạt động các địa điểm giải trí, thể thao
Chiều 4/5, Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của TP Hà Nội họp giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo.
Tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại Hà Nội, cộng dồn từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 5 ca mắc ngoài cộng đồng là các trường hợp BN2911, BN2927, BN2928, BN2985, BN2986.
Ban Chỉ đạo chống COVID-19 của TP Hà Nội yêu cầu tạm dừng các cơ sở massage, spa, rạp chiếu phim, tạm dừng hoạt động tại các sân vận động... từ 0 giờ ngày 5/5/2021.
Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội hiện nay có nguy cơ lây lan ở mức rất cao bởi các lý do: Hà Nội đã ghi nhận 5 trường hợp mắc mới ngoài cộng đồng; bên cạnh đó, 3 ca mắc tại quán bar Sunny tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc có liên quan đến địa bàn Hà Nội, lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc với nhiều người. Vì vậy, dự báo, khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới. Thời gian gần đây còn có một số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn ghi nhận dương tính SASR-CoV- 2 làm lây lan dịch bệnh.
Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo chống COVID-19 của TP Hà Nội yêu cầu tạm dừng các cơ sở massage, spa, phòng tập gym, rạp chiếu phim, tạm dừng hoạt động tại các sân vận động... hạn chế tối đa các sự kiện tập trung đông người không cần thiết, các bữa liên hoan ăn uống đông người (đám cưới, đám giỗ, sinh nhật, khai trương...). Thời gian tạm dừng các hoạt động trên bắt đầu từ 0 giờ ngày 5/5/2021.
Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Triệu tập 12 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Theo kế hoạch, sáng 5/5, Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (viết tắt là Công ty Nhật Cường).
Vụ án này có tổng số 15 bị cáo, trong đó có 8 bị cáo làm việc tại Công ty Nhật Cường gồm: Nguyễn Bảo Ngọc (sinh năm 1980, Giám đốc tài chính), Trần Ngọc Ánh (sinh năm 1974, Phó Tổng Giám đốc), Đỗ Quốc Huy (sinh năm 1983, Giám đốc bán hàng), Nông Văn Lư (sinh năm 1985, nhân viên), Hoàng Văn Phong (sinh năm 1990, Trưởng ngành hàng Apple), Mai Tiến Dũng (sinh năm 1983, Trưởng ngành hàng điện thoại cũ), Bùi Quốc Việt (sinh năm 1970, nhân viên), Nguyễn Thị Bích Hằng (sinh năm 1972, Kế toán trưởng). Có 2 bị cáo làm việc tại Công ty Nhật Cường Quảng Châu (Trung Quốc) là Trần Tất Khoa (sinh năm 1981, Giám đốc) và Lê Hoài Phương (sinh năm 1987, nhân viên).
Ngoài ra, còn có 5 bị cáo gồm: Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1988, trú tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội), Ngô Đức Tùng (sinh năm 1991, trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội), Phạm Văn Hiệp (sinh năm 1970, trú tại phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền, Hải Phòng), Đỗ Văn Dũng (sinh năm 1973, trú tại xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng) và Ngô Tuấn Sửu (sinh năm 1976, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn).
Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về 2 tội: “Buôn lậu” (theo quy định tại Điều 188, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015) và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” (theo quy định tại Điều 221, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015). Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” (theo quy định tại Điều 221, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015). Mười ba bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Buôn lậu” (theo quy định tại Điều 188, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015).
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, từ tháng 1/2014 đến tháng 5/2019, Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) đã trực tiếp và chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên công ty thực hiện hành vi giao địch, mua bán trái phép tổng số 2.502 đơn hàng với 255.311 sản phẩm (gồm các loại điện thoại di động, máy tính, máy nghe nhạc, đồng hồ thông minh…) có tổng giá trị thanh toán hơn 2.927 tỷ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hồng Công (Trung Quốc). Sau đó, Huy đã trực tiếp liên hệ, thỏa thuận thuê các đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép từ Hồng Công về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ, giúp sức cho Bùi Quang Huy thực hiện hành vi buôn lậu tổng số 52.811 sản phẩm, tổng trị giá hơn 307 tỷ đồng.
Hiện, Bùi Quang Huy cùng một số bị can khác trong vụ án đang bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can, khi bắt được sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 1 tuần.