Hà Nam thực hiện cách ly xã hội đối với xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân
Ngày 1/5, UBND tỉnh Hà Nam có Công điện số 01/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo, đối với huyện Lý Nhân, tổ chức thực hiện nghiêm các quyết định thiết lập vùng cách ly y tế phòng, chống dịch của UBND tỉnh; thực hiện các biện pháp cách ly xã hội đối với xã Đạo Lý từ 13 giờ ngày 1/5/2021 theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người đối với xã Bắc Lý, xã Chân Lý từ 13 giờ ngày 1/5/2021 theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Dừng hoạt động các nhà hàng, quán ăn uống; các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, cắt tóc, gội đầu, spa, làm đẹp trên địa bàn huyện Lý Nhân từ 13 giờ ngày 1/5/2021 đến khi có thông báo mới. Huyện Lý Nhân chủ động phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị liên quan thần tốc truy vết, dập dịch triệt để; thông tin, tuyên truyền vận động người dân trên địa bàn huyện hạn chế tiếp xúc, di chuyển trong và ngoài địa bàn huyện.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm Công văn số 1017/UBND-KGVX ngày 29/4/2021 của UBND tỉnh; yêu cầu nhân dân tạm dừng tổ chức đám cưới, đám hỏi, các buổi tiệc liên hoan, gặp mặt… và các hoạt động tập trung đông người; hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các đám hiếu và phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K; bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Ngoài ra, học sinh các cấp ở Hà Nam tạm dừng đến trường từ 3/5 đến hết 9/5/2021 để phòng, chống dịch. Đặc biệt, phải cập nhật thông tin liên quan sức khỏe của cán bộ, giáo viên, học sinh hằng ngày trong thời gian nghỉ học; chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động chuyên môn, nhất là ôn tập kiến thức cho học sinh cuối cấp kịp thời, hiệu quả, đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong thời gian học sinh không đến trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Nam yêu cầu các trường tổ chức dạy học trực tuyến (học online) dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo để đảm bảo kế hoạch dạy và học của ngành. Đến hết ngày 9/5, Sở sẽ căn cứ tình hình diễn biến của dịch bệnh để có kế hoạch tiếp theo.
TP Vũng Tàu: Đồng loạt ra quân, xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chiều 1/5, thành phố Vũng Tàu đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu du lịch, bãi biển trên địa bàn.
Theo số liệu của ngành chức năng, trong ngày 1/5, thành phố Vũng Tàu đón và phục vụ gần 100 ngàn lượt khách. Khách đến Vũng Tàu chủ yếu là tắm biển do thời tiết nắng nóng. Để phòng, chống dịch COVID-19, thành phố Vũng Tàu đã triển khai lực lượng kiểm tra, nhắc nhở du khách, người dân đeo khẩu trang khi ra đường, đến những nơi công cộng.
An Giang: Ngăn chặn kịp thời 28 người nhập cảnh trái phép bằng đường sông
Sáng 1/5, Thiếu tá Huỳnh Chiến Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) cho biết vừa phối hợp với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp) phát hiện và ngăn chặn kịp thời 28 trường hợp đi trên các thuyền gỗ và vỏ lãi (thuyền làm bằng vật liệu composite) di chuyển đến biên giới để nhập cảnh trái phép theo đường sông Tiền về Việt Nam.
Theo đó, khoảng từ 0 giờ 45 phút đến 2 giờ 30 phút ngày 1/5, tại thủy phận sông Tiền, thuộc ấp 5, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, tổ công tác Trạm cửa khẩu Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương phối hợp với tổ công tác Trạm cửa khẩu Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) tuần tra kiểm soát trên sông Tiền đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời 3 vụ việc liên quan đến 6 gia đình người Việt Nam (28 người) đi trên 14 thuyền gỗ và vỏ lãi để nhập cảnh trái phép theo đường sông Tiền về Việt Nam.
Sau khi phát hiện vụ việc, tổ công tác đã tuyên truyền, vận động, yêu cầu các trường hợp nói trên quay trở lại nơi xuất phát, tiếp tục sinh sống và tuân thủ quy định phòng, chống dịch của nước sở tại; không được nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Đồng thời, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương thông báo cho lực lượng phía nước bạn, Hội Việt kiều được biết, tiếp tục phối hợp, ngăn chặn, tuyên truyền, giải thích, không để các hộ dân nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Theo Thiếu tá Huỳnh Chiến Thắng, những hộ này là người gốc Việt, sinh sống ở nước bạn, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cuộc sống khó khăn nên định về Việt Nam. Sau khi được đơn vị tuyên truyền, giải thích, người dân đã chấp hành và quay trở lại nơi xuất phát. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác đảm bảo các quy định phòng chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.
Chiều 1/5, Việt Nam có thêm 14 ca mắc COVID-19, trong đó có 3 ca cộng đồng
Ca bệnh 2929 (BN2929) cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Đà Nẵng: Bệnh nhân nữ, 24 tuổi, công dân Việt Nam có địa chỉ tại huyện Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ca bệnh 2930, 2931, 2935 cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hồ Chí Minh. Ca bệnh 2932, 2933, 2934 cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Tĩnh.
Ca bệnh 2936, 2937, 2938 cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Ninh. Ca bệnh 2939 cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Đà Nẵng.
Ca bệnh 2940 - BN2942 (BN2940-BN2942) ghi nhận tại Hà Nam: BN2941 là F1 (bạn) của BN2899 và BN2940; BN2940 và BN2942 là F1 (vợ và ông nội) của BN2941; đều liên quan chùm ca bệnh tại Hà Nam. Hiện 3 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Tính đến 18 giờ ngày 1/5, Việt Nam có tổng cộng 1587 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 927 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 38.623 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 536 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 22.915 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 15.172 người.
Thần tốc truy vết, khoanh vùng gọn, cách ly ngay, điều trị tích cực, dập dịch triệt để
Sáng 30/4/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp đột xuất về công tác phòng, chống dịch COVID-19 do tình hình diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là tại các nước có chung biên giới với Việt Nam và tại một số địa phương trong nước.
Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo và phát biểu của đại biểu dự họp, ý kiến của hai Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến kết luận như sau:
Tại Việt Nam, sau hơn 30 ngày không ghi nhận trường hợp mắc tại cộng đồng, ngày 29/4/2021 đã ghi nhận chùm ca bệnh với 13 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch tại tỉnh Hà Nam và khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, nhất là trong khâu quản lý, giám sát y tế trong và sau cách ly tập trung đối với bệnh nhân bị nhiễm COVID-19. Đây cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến lây nhiễm trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch ở tỉnh Hà Nam từ ngày 29/4/2021.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, UBND tỉnh Hà Nam và các tỉnh, thành phố liên quan đến chùm ca lây nhiễm bệnh vừa qua, khẩn trương, thần tốc truy vết nhanh, phát hiện sớm, cách ly ngay, khoanh vùng gọn, điều trị tích cực; đồng thời kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân đã trực tiếp gây ra ổ dịch bệnh ở Hà Nam, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm “chống dịch như chống giặc”, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe của nhân dân, của cộng đồng lên trước hết để bình tĩnh và sáng suốt, chủ động và sáng tạo, tích cực và nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; trong đó tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phát hiện có trường hợp nhiễm bệnh khẩn trương thực hiện: Thần tốc truy vết nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly ngay, điều trị tích cực và dập dịch triệt để, sớm ổn định tình hình và tâm lý cho nhân dân; tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng; kiên quyết không để dịch lây lan nhanh.
Chủ động, sẵn sàng, đầy đủ lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm theo phương châm 4 tại chỗ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế, quốc phòng, công an đảm bảo hoạt động phòng chống dịch khẩn trương, kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra gián đoạn.
Phát huy vai trò của tổ phòng, chống COVID cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng; huy động sức mạnh tổng hợp, sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở địa phương, ủng hộ và tham gia phòng chống dịch trên địa bàn, nhất là sự tiên phong gương mẫu của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương.
Một học sinh lớp 7 bị tử vong do sét đánh
Tối 1/5, đại diện lãnh đạo UBND xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, trên địa bàn vừa có một học sinh lớp 7 bị sét đánh tử vong khi đang chơi cùng các bạn trên sân trường.
Trước đó, vào khoảng 15 giờ cùng ngày, khi em Hồ Văn Th. (sinh năm 2008, học lớp 7C, Trường bán trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đakrông), đang chơi bóng cùng 5 bạn khác ở sân Trường bán trú thì bị sét đánh vào lưng.
Ngay sau đó, em Th. được mọi người đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế cơ sở 2 ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông, nhưng em không qua khỏi.
Được biết, gia đình em Th. thuộc diện hộ nghèo, Th. là con thứ hai trong gia đình có 2 anh em. Hiện, gia đình em Th. đang làm thủ tục mai táng theo phong tục của địa phương.