Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Sáng 26/4/2021, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương tiếp Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc sang thăm chính thức Việt Nam.
Cũng trong sáng 26/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sang thăm chính thức Việt Nam.
Xử lý nghiêm các hãng hàng không không dùng hết slot đăng ký
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ thu hồi các chuỗi slot (kế hoạch thời gian đến hoặc đi từ một sân bay giành cho một máy bay vào một ngày giờ nhất định) không sử dụng trong 5 tuần liên tiếp của các hãng hàng không Việt Nam.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, 2 tuần đầu tiên của lịch bay mùa hè (từ 28/3 đến 11/4/2021), tỷ lệ sử dụng slot trên số slot xác nhận của các hãng đạt 94,5% tại sân bay Nội Bài và 85,3% tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Pacific Airlines, Vietravel Airlines và Vasco là 3 hãng hàng không đứng đầu danh sách không sử dụng đủ 80% slot được cấp. Cụ thể, tại sân bay Tân Sơn Nhất, tỷ lệ slot không sử dụng của Pacific Airlines chiếm cao nhất với 38,4%, tiếp đó là Vietravel Airlines, 23,8%. Tại sân bay Nội Bài, tỷ lệ không sử dụng hết slot của Vasco cao nhất với 33,3%.
Đáng lưu ý, từ 12/4 đến 18/4, tại sân bay Tân Sơn Nhất các hãng đều sử dụng gần hết slot. Duy chỉ có Pacific Airlines có 15,9% slot không sử dụng. Trong khi đó tại sân bay Nội Bài, tỷ lệ không sử dụng slot của các hãng rất thấp, riêng Vasco có tới 51,2% slot không sử dụng.
Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết đã triển khai các biện pháp giám sát chặt chẽ tình hình sử dụng đúng slot, các slot không sử dụng của các hãng, có chế tài với các hãng sử dụng slot không hiệu quả. Đặc biệt, sẽ thu hồi các chuỗi slot không sử dụng trong 5 tuần liên tiếp của các hãng hàng không Việt Nam kể từ 28/3 vừa qua.
Cảnh giác chiêu lừa đảo giả danh CSGT thông báo 'phạt nguội'
Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh vừa đưa ra cảnh báo người dân cảnh giác với chiêu lừa mới: Giả danh CSGT thông báo "phạt nguội" để chiếm đoạt tài sản.
Ngày 26/4, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết, thời gian gần đây, một số đối tượng lừa đảo đã sử dụng điện thoại để thông báo vi phạm giao thông qua hình ảnh (phạt nguội) và yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn của chúng để chiếm đoạt tài sản.
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này là sử dụng điện thoại giả danh lực lượng CSGT, cơ quan bưu điện… gọi điện đến thuê bao di động, điện thoại bàn của người dân để thông báo về việc có liên quan đến một biên lai "phạt nguội" nhằm làm cho người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân.
Sau đó, các đối tượng sẽ yêu cầu người dân kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào số tài khoản của đối tượng, hoặc cung cấp mã OTP chuyển tiền vào tài khoản của chúng để xác minh, điều tra xử lý “phạt nguội” rồi chiếm đoạt.
TP Hồ Chí Minh kích hoạt lại các biện pháp phòng chống dịch COVID-19
Tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh ngày 26/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh: Mặc dù Thành phố chưa ghi nhận có ca nhiễm mới, nhưng nguy cơ dịch COVID-19 luôn thường trực.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu kích hoạt lại toàn bộ Bộ chỉ số an toàn phòng chống dịch để vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế; đồng thời yêu cầu ngành y tế thực hiện các kịch bản trong trường hợp có các ca bệnh nếu xuất hiện trong cộng đồng, số lượng ca bệnh gia tăng và thực hiện cách ly.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh: TP Hồ Chí Minh tuyệt đối không được chủ quan, phải quyết liệt các biện pháp chống dịch COVID-19, giữ vững thành quả chống dịch trong thời gian qua. Trong thời gian tới, Thành phố cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua như kiểm tra ngẫu nhiên tại các điểm có nguy cơ lây nhiễm cao như bến tàu, bến xe…; tăng cường thực hiện tầm soát chủ động, xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng...
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch bệnh COVID-19; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn mình quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe...
Việt Nam giải trình tự gen các ca mắc COVID-19 nhập cảnh từ Ấn Độ
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Ấn Độ với sự xuất hiện của biến thể virus B.1.167 đột biến kép gây bùng phát dịch rất mạnh, theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện đang tiến hành giải trình tự gene một số ca bệnh COVID-19 nhập cảnh về từ Ấn Độ. Dự kiến trong vài ngày nữa sẽ có kết quả.
Gần đây, Việt Nam đã ghi nhận một số ca bệnh COVID-19 là chuyên gia nhập cảnh từ Ấn Độ. Các trường hợp này đều đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly điều trị.
Về biến chủng kép của virus đang lưu hành tại Ấn Độ, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết: Để biết được các ca bệnh COVID-19 nhập cảnh có nhiễm biến thể đột biến kép từ Ấn Độ hay không, cần phải giải trình tự gen để xác định. Việc tiến hành giải trình tự gen của những người nhập cảnh vào Việt Nam giúp có cơ sở đánh giá để đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.
Theo đó, biến chủng kép này có tốc độ lây lan rất nhanh. Tuy nhiên, nếu không để lọt mầm bệnh ra cộng đồng sẽ không đáng lo ngại. Muốn vậy, các biện pháp siết chặt hơn nữa công tác quản lý người nhập cảnh và an toàn tại khu cách ly là rất quan trọng.