Hai mẹ con sản phụ nhập cảnh trái phép từ Campuchia đến Bệnh viện Từ Dũ khám bệnh
Ngày 28/4, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết vừa qua trên địa bàn có 2 trường hợp mẹ con nhập cảnh trái phép từ Campuchia đến Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) chữa bệnh nhưng không khai báo yếu tố dịch tễ, khiến 40 nhân viên y tế phải cách ly, xét nghiệm.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện hai trường hợp nhập cảnh trái phép trên và 40 nhân viên y tế có liên quan đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với COVID-19.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, hai trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào An Giang bằng chèo xuồng qua sông, sau đó đến Bệnh viện Từ Dũ khám khám và điều trị bệnh. Tuy về TP Hồ Chí Minh ngày 20/4, nhưng phải đến 6 ngày sau hai người này mới khai báo nhập cảnh trái phép. “Qua hai trường hợp này, chắc chắn sẽ còn nhiều trường hợp nguy cơ khi khai báo y tế không chính xác”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, TP Hồ Chí Minh không phải tuyến đầu giáp biên với nước bạn nhưng Bộ Công an đánh giá thành phố luôn là một địa bàn hết sức đặc biệt. Bởi hiện nay, có một số đối tượng không phải nhà chuyên gia hay nhà đầu tư nhưng được doanh nghiệp bảo lãnh nhập cảnh vào Việt Nam. Việc quản lý đi lại của họ rất khó khăn và khi phát hiện, rất khỏ xử lý và trục xuất. TP Hồ Chí Minh có nhiều doanh nghiệp nên cần phải tăng cường kiểm tra để quản lý.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đã thành lập tổ chuyên ngành, trong đó có Sở Ngoại vụ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế… xem xét, kiểm tra chặt chẽ để xác định đúng đối tượng chuyên gia hay nhà đầu tư được nhập cảnh vào TP Hồ Chí Minh làm việc hay không.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong một tháng qua, Thành phố phát hiện 108 người nhập cảnh trái phép. Sắp tới, Thành phố sẽ có khu cách ly dành cho những người nhập cảnh trái phép tại huyện Nhà Bè.
Công an TP Hồ Chí Minh thông tin về sàn đầu tư lừa đảo trên mạng
Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì các loại tội phạm trên không gian mạng cũng phát triển mạnh mẽ. Loại tội phạm này rất phức tạp và khó phát hiện do tính ẩn danh cao.
Báo cáo tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công An TP Hồ Chí Minh cho biết, chiều 23/4 đơn vị có tiếp nhận các đơn tố cáo của nhiều người dân về việc bị sàn đầu tư Coolcat lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo lời kể của các nạn nhân, họ đã bị thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. Thủ đoạn của sàn đầu tư Coolcat là kêu gọi người dân bỏ tiền “thật” vào đầu tư trên mạng “ảo” và được hưởng lãi suất từ 5-10%/ngày theo dạng gói đầu tư bảo hiểm có sinh lời. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày đầu tư thì sàn này bị “sập” và khiến người đầu tư rơi vào cảnh “trắng tay”.
Theo đại tá Nguyễn Sỹ Quang, hiện ngành công an đã và đang tiếp nhận nhiều vụ việc liên quan đến các sàn đầu tư “ảo” như sàn Coolcat và đang tiến hành điều tra, xác minh để xử lý triệt để các loại tội phạm này. Tuy nhiên, tội phạm trên không gian mạng rất phức tạp và khó phát hiện do tính ẩn danh cao. Cụ thể, việc xác định người nào là chủ tài khoản của các sàn đầu tư “ảo” trên không gian mạng rất khó, đòi hỏi ngành công an phải có nghiệp vụ, chuyên môn giỏi về công nghệ thông tin… Sắp tới, xu hướng lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các sàn đầu tư “ảo” sẽ còn phát triển, đó còn là xu hướng bởi ngày nay công nghệ thông tin phát triển khá mạnh mẽ. Vì vậy, muốn ngăn chặn loại tội phạm này rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng như: ngành công an, ngành công nghệ thông tin, các nhà mạng viễn thông… với những thông tin cánh báo, cảnh giác cụ thể và có các dự báo về tình hình này nhanh nhất.
“Trước mắt, ngành công an kêu gọi người dân cần nâng cao tính cảnh giác khi tham gia vào các hội nhóm, gia nhập vào không gian mạng với các lời mời gọi đầu tư sinh lời nhanh, kiếm tiền dễ… Ngoài ra, khi người dân phát hiện sàn giao dịch đầu tư nào trên mạng có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho ngành công an để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với các đơn vị tuyên truyền truyền thông, cần đẩy mạnh thông tin truyền thông trên các kênh chính thống, mạng xã hội để người dân cảnh giác và giữ minh tránh xa các lời chào mời đầu tư trên mạng…”, đại tá Nguyễn Sỹ Quang khuyến cáo thêm.
Các chuyên gia Ấn Độ mắc COVID-19 được cách ly nghiêm túc
5 ca mắc COVID-19 ghi nhận tại khách sạn Như Nguyệt 2 (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) gồm: 4 ca là chuyên gia người Ấn Độ, 1 ca là nhân viên khách sạn bị lây từ chuyên gia đã được cách ly nghiêm túc.
Liên quan đến ca lây nhiễm COVID-19 từ chuyên gia Ấn Độ, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch, cách ly y tế và tiêm vaccine phòng COVID-19 của Bộ Y tế tại Yên Bái, ngày 28/4, bà Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế Yên Bái cho biết: Đến thời điểm hiện tại, Khách sạn Như Nguyệt 2 (TP Yên Bái) đã ghi nhận 5 ca dương tính gồm: 4 ca là chuyên gia người Ấn Độ, đã được cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh và 1 ca là nhân viên khách sạn, lây nhiễm từ chuyên gia. Cả 5 trường hợp trên đều đã được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Đông Anh, Hà Nội). Tại đây còn 7 trường hợp người Ấn Độ và 1 cán bộ y tế vẫn đang tiếp tục thực hiện cách ly tập trung.
Lãnh đạo Sở Y tế Yên Bái cũng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 4 khách sạn được chỉ định làm khu cách ly tập trung người nước ngoài như: Khách sạn Như Nguyệt 3, Khách sạn Như Nguyệt 2, Khách sạn Phương Thuý, Nhà khách Trường Sơn (đều thuộc TP. Yên Bái). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Yên Bái mới sử dụng Khách sạn Như Nguyệt 2 làm nơi cách ly tập trung cho chuyên gia. Tính đến ngày 28/4, khách sạn này đã thực hiện cách ly 222 lượt chuyên gia.
Về việc lo ngại liệu có lỗ hổng trong công tác cách ly tại khách sạn, theo bà Lê Thị Hồng Vân, trong việc kiểm soát việc nhập cảnh với các chuyên gia từ nước ngoài tới, có 3 khâu quan trọng nhất là: Quy trình xét duyệt hồ sơ cho phép chuyên gia, quy trình cách ly và quản lý chuyên gia sau cách ly tập trung đều đang được thực hiện nghiêm túc.
Phát hiện 5 thuyền viên nhập cảnh trái phép trên vùng biển Kiên Giang
Ngày 28/4, thông tin từ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (đóng trên địa bàn thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cho biết, đơn vị đã phát hiện 2 phương tiện cùng 5 người Việt Nam từ nước ngoài về nhập cảnh trái phép vào vùng biển Phú Quốc.
Cụ thể, lúc 17 giờ ngày 27/4, Tổ công tác trên tàu cảnh sát biển 3002 đã kiểm tra con tàu mang biển kiểm soát LA - 04509 kéo theo sà lan đặt cẩu mang biển kiểm soát LA - 06426 có dấu hiệu khả nghi đang hành trình từ Campuchia về vùng biển của thành phố Phú Quốc.
Tại thời điểm kiểm tra trên tàu có 5 thuyền viên đều là công dân Việt Nam đang làm việc ở Campuchia. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nước láng giềng nên họ tìm cách nhập cảnh trái phép về Việt Nam qua đường biển từ Phú Quốc để về thành phố Hà Tiên.
Tổ công tác đã lập biên bản, đồng thời dẫn giải các phương tiện trên về bàn giao cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng An Thới (thành phố Phú Quốc) để tiếp tục điều tra. Các thuyền viên đã được đưa đi cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế thành phố Phú Quốc theo quy định.
Phát hiện bãi gỗ lậu số lượng lớn dưới lòng hồ thủy điện Sê San 4
Một bãi gỗ rừng quy mô lớn vừa được phát hiện dưới lòng hồ thủy điện Sê San 4, thuộc xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
Tại hiện trường, hàng trăm lóng gỗ đủ chủng loại, đủ kích cỡ nằm la liệt từ trên bờ xuống dưới sông. Những cây gỗ lớn được xẻ hộp theo quy cách, phần thừa còn lại được tận dụng làm nguyên liệu phục vụ hệ thống lò than thủ công nằm ngay sát chân bãi tập kết này.
Lợi dụng việc thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng, người dân đã tự ý tổ chức trục vớt gỗ trái phép tại khu vực lòng hồ thủy điện. Điều đáng nói, những bãi tập kết gỗ này còn trà trộn cả gỗ rừng được khai thác ở các khu vực lân cận. Gỗ tròn sau khi tập kết về đây được sơ chế rồi vận chuyển vào bờ tiêu thụ.
Đại tá Trần Thanh Bình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết, trên địa bàn xã Ia O, khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 có khoảng 10 đảo và các đảo đều cách bờ từ 4 km đến 5 km. Chính vì thiếu phương tiện đi lại nên công tác nắm tình hình của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn, vì thế mới để xảy ra hiện tượng tập kết gỗ trên các đảo. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy số lượng gỗ này có thể được các đối tượng trục vớt lên, vận chuyển đi nơi khác để tiêu thụ hoặc xẻ ra tiêu dùng, làm than củi.
Điểm tập kết này chỉ là một trong nhiều điểm gỗ lậu xung quanh khu vực sông Sê San, đoạn chảy qua ranh giới của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Khi thủy điện Sê San 4 chặn dòng, cả một khu vực rộng lớn chìm sâu trong nước đã hình thành vô số hòn đảo lớn, nhỏ. Nhiều người dân đã chọn việc trục vớt cây rừng ngập sâu dưới lòng hồ làm nghề kiếm sống. Do nằm xa khu dân cư lại bị chia cắt bởi hồ nước mênh mông, thiếu sự kiểm soát nên nhiều lâm tặc cũng chọn khu vực này làm nơi tập kết gỗ khai thác trái phép từ các khu vực lân cận.
Ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia Grai khẳng định, tại khu vực đảo nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum còn một số lượng lớn gỗ và củi. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng báo cáo tỉnh, có phương án trục vớt đưa vào bờ số gỗ lậu, tránh việc tiêu hủy tang vật cũng như phương tiện vi phạm.
Sau khi tiếp cận hiện trường, lực lượng chức năng đã thiếu kiên quyết trong khâu kiểm đếm, bảo vệ hiện trường, tạo cho lâm tặc cơ hội thuận lợi để tẩu tán lâm sản. Theo đó, phần lớn những cây gỗ có giá trị được dìm sâu xuống nước, còn những cây gỗ nằm xa trên bờ đều đã bị đốt để phi tang. Việc thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng có thể phần nào lý giải được nguyên nhân vì sao nhiều điểm tập kết gỗ quy mô lớn tại khu vực này ngang nhiên tồn tại trong nhiều năm qua.