Ngày 28/4, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết vừa qua trên địa bàn có 2 trường hợp mẹ con nhập cảnh trái phép từ Campuchia đến Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) chữa bệnh nhưng không khai báo yếu tố dịch tễ, khiến 40 nhân viên y tế phải cách ly, xét nghiệm.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện hai trường hợp nhập cảnh trái phép trên và 40 nhân viên y tế có liên quan đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với COVID-19.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, hai trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào An Giang bằng chèo xuồng qua sông, sau đó đến Bệnh viện Từ Dũ khám khám và điều trị bệnh. Tuy về TP Hồ Chí Minh ngày 20/4, nhưng phải đến 6 ngày sau hai người này mới khai báo nhập cảnh trái phép. “Qua hai trường hợp này, chắc chắn sẽ còn nhiều trường hợp nguy cơ khi khai báo y tế không chính xác”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, TP Hồ Chí Minh không phải tuyến đầu giáp biên với nước bạn nhưng Bộ Công an đánh giá thành phố luôn là một địa bàn hết sức đặc biệt. Bởi hiện nay, có một số đối tượng không phải nhà chuyên gia hay nhà đầu tư nhưng được doanh nghiệp bảo lãnh nhập cảnh vào Việt Nam. Việc quản lý đi lại của họ rất khó khăn và khi phát hiện, rất khỏ xử lý và trục xuất. TP Hồ Chí Minh có nhiều doanh nghiệp nên cần phải tăng cường kiểm tra để quản lý.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố đã thành lập tổ chuyên ngành, trong đó có Sở Ngoại vụ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế… xem xét, kiểm tra chặt chẽ để xác định đúng đối tượng chuyên gia hay nhà đầu tư được nhập cảnh vào TP Hồ Chí Minh làm việc hay không.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong một tháng qua, Thành phố phát hiện 108 người nhập cảnh trái phép. Sắp tới, Thành phố sẽ có khu cách ly dành cho những người nhập cảnh trái phép tại huyện Nhà Bè.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, đã 75 ngày kể từ ngày 10/2/2021, Thành phố không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp khi chủng virus mới tại một số nước có tốc độ lây lan nhanh; đáng chú ý các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia có số ca nhiễm tăng nhanh, tỷ lệ tử vong cao nên TP Hồ Chí Minh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Đặc biệt, việc nhập cảnh trái phép có nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.
Mặt khác, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Campuchia khiến các bệnh viện đang quá tải, vì vậy người Việt ở đó sẽ tìm cách về Việt Nam, trong đó sẽ có những người đang mắc COVID-19. Đây là mối đe dọa mới cho các địa phương nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Theo đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện siết chặt kiểm soát khai báo y tế, tuyên truyền người dân tuân thủ khai báo y tế thành thật, đặc biệt kiểm soát việc chấp hành tuyệt đối đeo khẩu trang trong bệnh viện.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, so với nhiều địa phương, TP Hồ Chí Minh là một đô thị lớn, dân cư đông nhất nhưng thời gian qua, khi phát sinh dịch bệnh đã thực hiện dập dịch rất nhanh. Hiện nay, dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, tiếp tục gia tăng người mắc và số người tử vong, các nước láng giềng đã bùng phát dịch trở lại. Vì vậy, Thành phố phải kiên trì chống dịch, không được lơ là theo phương châm “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” như trước đây trong thời chiến.
Cụ thể, thành phố phải quán triệt, triển khai quyết liệt chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19, Thủ tưởng Chính phủ. Đồng thời, phải chuẩn bị mọi thứ thuốc men, thiết bị, các phương án chống dịch và sẵn sàng chi viện cho các địa phương khác khi dịch bệnh xảy ra. Thành phố cần rà soát, phân công, phân cấp phòng chống dịch, phối hợp các bộ phận trong khu cách ly, không để lây nhiễm chéo; đặc biệt phải đẩy mạnh hoạt động kiểm tra phòng chống dịch, chú ý nơi đông người, nhà ga, bến xe, nhà trọ, khu vui chơi, giải trí….
Báo cáo với Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, để tăng cường phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới, Thành phố đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, khu vui chơi giải trí, cơ sở y tế; tiến hành xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang.
Chỉ trong ngày 27/4, TP Hồ Chí Minh đã xử phạt tổng cộng 12 triệu đồng đối với nhiều trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.