Xét xử Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Hầu hết các bị cáo thừa nhận hành vi vi phạm
Sáng 24/4, phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và 9 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" chuyển sang phần tranh luận.
Đại diện Viện Kiểm sát đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 2 bị cáo: Vũ Huy Hoàng (Cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương) mức án từ 10-11 năm tù, Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) từ 7-8 năm tù về cùng tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị các mức án đối với 8 bị cáo: Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh) từ 5-6 năm tù, tổng hợp với bản án 7 năm tù trước đó đối với bị cáo Tín về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Tín là từ 12-13 năm tù; Lâm Nguyên Khôi (nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) từ 4-5 năm tù; Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) từ 4-5 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó 6 năm 6 tháng "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Kiệt là 10 năm 6 tháng đến 11 năm 6 tháng tù; Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) bị đề nghị từ 3-4 năm, tổng hợp với bản án 4 năm tù trước đó đối với bị cáo Thanh về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", buộc bị cáo Thanh phải chấp hành chung hai bản án là 7-8 năm tù; Lê Quang Minh (nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh) từ 3-4 năm tù; Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh) từ 3-4 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó 3 năm tù đối với bị cáo Chương về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", buộc bị cáo Chương phải chấp hành chung hai bản án là từ 6-7 năm tù; Trương Văn Út (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) bị đề nghị từ 3-4 năm tù, tổng hợp với bản án 5 năm tù trước đó về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", buộc bị cáo Út phải chấp hành chung hai bản án là 8-9 năm tù; Nguyễn Lan Châu (nguyên chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) bị đề nghị từ 2-3 năm tù về cùng tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo quy định tại Điều 229, khoản 3, điểm b – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài án phạt tù, đại diện Viện Kiểm sát còn đề nghị Hội đồng xét xử tuyên yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh hủy bỏ Quyết định cho thuê đất và các văn bản liên quan trái pháp luật đối với khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh); giao cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, đồng thời quan tâm giải quyết quyền lợi cho bên thứ ba ngay tình.
Chiều 24/4, trong phần tranh tụng tại phiên xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm, các bị cáo đã tham gia tranh luận và đưa ra nhiều luận điểm phân tích hành vi nhằm làm giảm nhẹ hình phạt cho mình. Hầu hết các bị cáo thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh đều thừa nhận hành vi vi phạm và mong Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc vai trò, mức độ hành vi vi phạm để cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, các bị cáo: Nguyễn Hữu Tín, Lâm Nguyên Khôi, Đào Anh Kiệt, Lê Văn Thanh, Lê Quang Minh, Nguyễn Thanh Chương, Trương Văn Út và Nguyễn Lan Châu là các cán bộ, lãnh đạo tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có các hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai; việc giao cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và thuê khu đất có diện tích 6.080m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh với giá trị quyền sử dụng đất (cho thuê 50 năm) tại thời điểm quyết định cho thuê ngày 30/6/2015 là hơn 1.075 tỷ đồng, không đúng đối tượng và không thông qua đấu giá là trái quy định của pháp luật và gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Sáng 26/4, phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát.
Đề nghị truy tố cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh
Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) và 7 bị can khác về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3, Điều 356 - Bộ luật Hình sự.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, hành vi của nguyên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cùng dàn lãnh đạo Công ty BMS và đơn vị thẩm định giá đã dẫn đến hậu quả là làm tăng chi phí khám chữa bệnh, người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy cao hơn thực tế, gây thiệt hại với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng và gây bức xúc trong dư luận.
Theo kết luận điều tra, tháng 7/2009, Nguyễn Quốc Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Với lý do phát triển ngoại khoa để thu hút bệnh nhân từ các cơ sở y tế khác về khám, điều trị nhằm phát triển thương hiệu cho bệnh viện và tăng thu nhập cho người lao động, Nguyễn Quốc Anh đã cho thành lập các khoa ngoại chuyên sâu.
Biết chủ trương phát triển ngoại khoa của Bệnh viện Bạch Mai, tháng 5/2016, Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS) đến gặp Nguyễn Quốc Anh để bàn việc hợp tác cung cấp cho Bệnh viện Bạch Mai hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng đối với robot Rosa và 44 tỷ đồng với robot Mako. Sau khi gặp gỡ, Nguyễn Quốc Anh đề nghị Tuấn làm đề án liên doanh, liên kết để đặt máy tại bệnh viện, thủ tục và thẩm quyền sẽ do Bạch Mai quyết định, còn giá máy thì chỉ cần có chứng thư thẩm định để hợp thức hóa và Công ty BMS chịu trách nhiệm liên hệ với đơn vị thẩm định giá.
Qua vài lần trao đổi, Nguyễn Quốc Anh và phía Công ty BMS thống nhất về việc doanh nghiệp này không bán các hệ thống robot cho Bệnh viện Bạch Mai mà tham gia liên doanh, liên kết lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, sau khi thống nhất hình thức liên kết và giá robot Rosa là 39 tỷ đồng, Nguyễn Quốc Anh đã phân công cho cấp dưới hoàn thiện các thủ tục liên quan. Còn Phạm Đức Tuấn chỉ đạo nhân viên trao đổi, liên hệ và thông đồng với Trần Lê Hoàng (thẩm định viên Công ty VFS) và Phan Minh Dung (Tổng Giám đốc Công ty VFS) hợp thức hóa chứng thư thẩm định giá robot. Trong quá trình triển khai Nguyễn Quốc Anh và một số cựu cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện không đúng các quy định của pháp luật. Nhóm bị can là cựu lãnh đạo, nhân viên doanh nghiệp đã thỏa thuận cấp chứng thư xác định giá robot Rosa là 39 tỷ đồng trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty BMS lắp đặt robot để thu tiền của người bệnh.
"Hành vi của các bị can làm tăng chi phí khám chữa bệnh, khiến bệnh nhân phải trả chi phí khấu hao máy cao hơn thực tế, gây thiệt hại hơn 10,5 tỷ đồng", kết luận điều tra nêu rõ.
Trong vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đánh giá Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính trong việc gây thiệt hại cho người bệnh nhưng lại làm lợi cho Công ty BMS và nhóm lợi ích của Bệnh viện Bạch Mai. Các bị can còn lại đã giúp sức cho cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Nhiều địa phương long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021
Ngày 21/4 ( tức ngày 10/3 âm lịch) nhiều địa phương trên cả nước đã trang trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021 nhằm bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng; qua đó giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục lòng yêu nước, giúp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc...
Tại Phú Thọ, sáng 21/4 (tức ngày 10/3 âm lịch), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ thay mặt đồng bào cả nước đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự và dâng hương.
Trong giờ phút lắng đọng hồn thiêng sông núi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Phú Thọ đã thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ, tri ân công đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước, cầu cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, đất nước ngày càng vững mạnh, hùng cường.
Trước anh linh các Vua Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang, chủ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu 2021 đã đọc Chúc văn tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng. Chúc văn khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ tổ Hùng Vương; ca ngợi, khắc ghi công đức cha Rồng, mẹ Tiên, công lao trời biển của các vua Hùng; ca ngợi tinh thần quật khởi, kiên cường của các bậc tiền nhân giữ gìn đất nước. Bản Chúc văn cũng kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tại TP Hồ Chí Minh, sáng 21/4 (mùng 10 tháng 3 âm lịch), tại Khu tưởng niệm các vua Hùng thuộc công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, thành phố Thủ Đức, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu - 2021....
Tạm giữ đối tượng trộn cần sa vào trà sữa bán qua mạng
Trưa 19/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công an thành phố Đà Lạt bất ngờ kiểm tra chiếc xe ô tô đang dừng trước một khách sạn trên đường Tô Hiến Thành (Phường 3, thành phố Đà Lạt).
Chiếc xe này do Nguyễn Thị Thái Dung (23 tuổi, trú tại Phường 8, thành phố Đà Lạt) điều khiển. Qua kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện trên thùng xe có 1 thùng xốp chứa 15 chai trà sữa nghi có chất ma túy. Tiến hành kiểm tra nhanh, cả 15 chai trà sữa này đều cho phản ứng dương tính với chất ma túy.
Tại cơ quan công an, Nguyễn Thị Thái Dung khai nhận học cách pha chế và mua cần sa từ người bạn, sau đó về xay pha trộn với trà sữa bán kiếm lời. Khách hàng của Dung là những thanh niên trên địa bàn; trong đó, có cả khách du lịch. Mỗi ngày, đối tượng bán khoảng 20 chai với giá từ 150 đến 200 ngàn đồng/chai bằng cách đăng quảng cáo trên facebook và qua bạn bè giới thiệu.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Cảnh giác cao độ trước nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập
Đến ngày 25/4, đã hơn 1 tháng, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Campuchia và Lào đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ dịch xâm nhập vào trong nước đang rất đáng lo ngại.
Gần đây, Việt Nam cũng đã ghi nhận một số bệnh nhân mắc COVID-19 nhập cảnh trái phép. Đây là nguy cơ rất lớn dễ làm dịch lây lan ra cộng đồng.
Để tăng cường kiểm soát khu vực biên giới, vừa qua Bộ Y tế liên tục tổ chức cử các Đoàn công tác tới những tỉnh có đường biên giới như: Đồng Tháp, Kiên Giang; các tỉnh có nguy cơ cao như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau...để kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, tại các cửa khẩu, những trường hợp công dân Việt Nam từ Campuchia trở về được kiểm soát chặt. Tuy nhiên, lực lượng chức năng ở các chốt chặn đường sông, chốt chặn đường dân sinh đã phát hiện rất nhiều người nhập cảnh trái phép và tổ chức nhập cảnh trái phép. Tất cả các trường hợp đều lợi dụng đêm tối đi đường sông hoặc đường mòn.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước tình hình như hiện nay, chỉ cần buông lỏng, lơ là, để xảy ra trường hợp nhập cảnh làm lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, nhất là những trường hợp mắc biến chủng virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh, Nam Phi thì việc kiểm soát dịch tại cộng đồng là vô cùng khó khăn.
Chiều 25/4, Việt Nam có thêm 10 ca mắc mới COVID-19
Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 25/4, Việt Nam ghi nhận thêm 10 ca mắc mới COVID-19, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Tính đến 18 giờ ngày 25/4, Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 40.846 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 514 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 25.360 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14.972 người.
Bắt giữ 7 người nhập cảnh trái phép về Việt Nam
Ngày 25/4, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) đã phát hiện và bắt giữ 7 người nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Cụ thể, vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 25/4, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại khu vực thuộc địa phận xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, phát hiện 7 người (trong đó có 4 người lớn và 3 trẻ nhỏ) có hành vi nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Ngay sau khi bắt giữ, Tổ tuần tra đã lập biên bản và yêu cầu các trường hợp trên về Trạm kiểm soát biên phòng A Pa Chải (Đồn Biên phòng A Pa Chải, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) để điều tra, xác minh.
Tại cơ quan chức năng, bước đầu các trường hợp nêu trên khai nhận là người trong 2 gia đình, lo sợ cách ly nên đã tìm cách nhập cảnh trái phép về Việt Nam.
Sau khi tiến hành lấy lời khai, Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) đã tiến hành các thủ tục phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức bàn giao các trường hợp trên cho cơ quan chức năng đưa đi cách ly theo quy định.