Xét xử ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm: Đầu tư dự án bất chấp các Nghị quyết của Chính phủ
Sáng 22/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng bị đưa ra xét xử với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1953) còn có 9 bị cáo, gồm: Phan Chí Dũng (sinh năm 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Lâm Nguyên Khôi (sinh năm 1955, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Văn Thanh (sinh năm 1962, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Quang Minh (sinh năm 1957, nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Chương (sinh năm 1974, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh), Trương Văn Út (sinh năm 1970, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Lan Châu (sinh năm 1975, nguyên chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh).
Trong đó, bị cáo Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Tám bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo quy định tại Điều 229, khoản 3, điểm b - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong số 10 bị cáo, bị cáo Nguyễn Hữu Tín có đơn xin được xét xử vắng mặt do tình trạng sức khỏe yếu, không thể di chuyển xa, có xác nhận của cơ quan y tế… Hội đồng xét xử đã chấp thuận đơn do xét thấy bị cáo Tín trước đó đã có lời khai tại cơ quan điều tra, nếu thấy cần thiết Hội đồng xét xử sẽ công bố lời khai này trước Tòa. Bị cáo Tín đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Thủ Đức (Bộ Công an) theo quyết định tại Bản án hình sự sơ thẩm số 522/2019/HSST ngày 31/12/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Với lý do sức khỏe yếu, bị cáo Vũ Huy Hoàng xin phép Hội đồng xét xử cho bị cáo được ngồi trình bày trong quá trình xét xử và xin được hỗ trợ chăm sóc y tế. Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc đề nghị này của bị cáo Hoàng trong quá trình xét xử.
Tại phiên tòa có mặt: đại diện Bộ Công Thương với tư cách là nguyên đơn dân sự; đại diện UBND Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; đại diện Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở Trung ương; giám định viên của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải vắng mặt. Khoảng 20 luật sư bào chữa cho các bị cáo có mặt tại phiên tòa.
Đại diện Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) có đơn xin xét xử vắng mặt. Trước đó, tại Cơ quan điều tra, Sabeco đã cung cấp lời khai, tài liệu, hồ sơ có liên quan đến vụ án và xin giữ nguyên những lời khai này trước Tòa.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được giao quản lý khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghế, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).
Quá trình quản lý Sabeco, Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất này để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê". Sau khi góp vốn liên doanh xong, các bị cáo đã tích cực chỉ đạo Sabeco thoái vốn, chuyển quyền quản lý tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.
Cáo trạng xác định, hầu hết các bị cáo là những người giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, cán bộ chủ chốt của Bộ Công Thương và UBND Thành phố Hồ Chí Minh, có trình độ chuyên môn và hiểu biết trong lĩnh vực công tác. Tuy nhiên vì những động cơ khác nhau, các bị cáo đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài, cố ý vi phạm các quy định về quản lý tài sản Nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Từ đó, chuyển dịch quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát cho Nhà nước với số tiền đặc biệt lớn là hơn 2.700 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhấn mạnh, từ năm 2011-2012, Chính phủ đã có các Nghị quyết yêu cầu các Bộ, ngành, Tổng Công ty Nhà nước không đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính, nhất là lĩnh vực bất động sản, tài chính… Khi Sabeco triển khai thực hiện dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, đơn vị này không bố trí được số tiền phải nộp để chuyển đổi mục đích sử dụng là hơn 1.236 tỷ đồng nhưng bị cáo Vũ Huy Hoàng vẫn quyết định cho đầu tư dự án, không chấp hành các Nghị quyết của Chính phủ.
Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 1 tuần.
Phạt tù Lê Thị Bình do sử dụng Facebook chống phá Đảng, Nhà nước
Ngày 22/4, Tòa án nhân dân quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) xét xử sơ thẩm và đã tuyên phạt Lê Thị Bình (sinh năm 1976, trú tại phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) 2 năm tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" được quy định tại Điều 331- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo cáo trạng, Lê Thị Bình tham gia mạng xã hội Facebook với các tài khoản sử dụng là “Binh Lê”, sau đó đổi tên thành “Lê Ngoclan Ct”, “Ngoc Lan CT Ngoc CT Le”, “Anna Nguyen”.
Trong thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 11/2020, Bình thường xuyên sử dụng các tài khoản Facebook này bằng điện thoại di động có kết nối internet để phát trực tiếp (livestream), đăng tải và chia sẻ các bài viết có nội dung nói xấu, xúc phạm, xuyên tạc, phỉ báng đối với tổ chức Đảng, Nhà nước và cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Trong quá trình điều tra, Công an quận Bình Thủy đã thu giữ nhiều vật chứng có liên quan, trong đó có 47 file video clip đã đăng và chia sẻ trên các tài khoản Facebook của Bình.
Nội dung trong file livestream và các file bài viết được cơ quan chức năng xác định là tuyên truyền tư tưởng, quan điểm xấu, phản động nhằm chống đối, chống phá, nói xấu, xúc phạm, xuyên tạc, phỉ báng đối với tổ chức Đảng, Nhà nước và cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; đòi xóa bỏ chế độ chính trị hiện nay…
Theo Hội đồng xét xử, bị cáo đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải các bài viết, livestream trên mạng xã hội nhiều nội dung thông tin làm mất uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, làm suy giảm lòng tin của người dân; các bài viết có nhiều người xem và bình luận…
Hành vi của Bình là vi phạm pháp luật; xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự, trị an tại địa phương.
Đề nghị truy tố cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh
Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) và 7 bị can khác về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3, Điều 356 - Bộ luật Hình sự.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, hành vi của nguyên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cùng dàn lãnh đạo Công ty BMS và đơn vị thẩm định giá đã dẫn đến hậu quả là làm tăng chi phí khám chữa bệnh, người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy cao hơn thực tế, gây thiệt hại với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng và gây bức xúc trong dư luận.
Theo kết luận điều tra, tháng 7/2009, Nguyễn Quốc Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Với lý do phát triển ngoại khoa để thu hút bệnh nhân từ các cơ sở y tế khác về khám, điều trị nhằm phát triển thương hiệu cho bệnh viện và tăng thu nhập cho người lao động, Nguyễn Quốc Anh đã cho thành lập các khoa ngoại chuyên sâu.
Biết chủ trương phát triển ngoại khoa của Bệnh viện Bạch Mai, tháng 5/2016, Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS) đến gặp Nguyễn Quốc Anh để bàn việc hợp tác cung cấp cho Bệnh viện Bạch Mai hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng đối với robot Rosa và 44 tỷ đồng với robot Mako. Sau khi gặp gỡ, Nguyễn Quốc Anh đề nghị Tuấn làm đề án liên doanh, liên kết để đặt máy tại bệnh viện, thủ tục và thẩm quyền sẽ do Bạch Mai quyết định, còn giá máy thì chỉ cần có chứng thư thẩm định để hợp thức hóa và Công ty BMS chịu trách nhiệm liên hệ với đơn vị thẩm định giá.
Qua vài lần trao đổi, Nguyễn Quốc Anh và phía Công ty BMS thống nhất về việc doanh nghiệp này không bán các hệ thống robot cho Bệnh viện Bạch Mai mà tham gia liên doanh, liên kết lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, sau khi thống nhất hình thức liên kết và giá robot Rosa là 39 tỷ đồng, Nguyễn Quốc Anh đã phân công cho cấp dưới hoàn thiện các thủ tục liên quan. Còn Phạm Đức Tuấn chỉ đạo nhân viên trao đổi, liên hệ và thông đồng với Trần Lê Hoàng (thẩm định viên Công ty VFS) và Phan Minh Dung (Tổng Giám đốc Công ty VFS) hợp thức hóa chứng thư thẩm định giá robot. Trong quá trình triển khai Nguyễn Quốc Anh và một số cựu cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện không đúng các quy định của pháp luật. Nhóm bị can là cựu lãnh đạo, nhân viên doanh nghiệp đã thỏa thuận cấp chứng thư xác định giá robot Rosa là 39 tỷ đồng trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty BMS lắp đặt robot để thu tiền của người bệnh.
"Hành vi của các bị can làm tăng chi phí khám chữa bệnh, khiến bệnh nhân phải trả chi phí khấu hao máy cao hơn thực tế, gây thiệt hại hơn 10,5 tỷ đồng", kết luận điều tra nêu rõ.
Trong vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đánh giá Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính trong việc gây thiệt hại cho người bệnh nhưng lại làm lợi cho Công ty BMS và nhóm lợi ích của Bệnh viện Bạch Mai. Các bị can còn lại đã giúp sức cho cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
Ba trường hợp nhập cảnh trái phép bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội đã âm tính lần 1
Sáng 22/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, nhóm ba người nhập cảnh trái phép từ Tây Ninh về TP Hồ Chí Minh rồi bay ra Hà Nội đã có kết quả âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2.
Hai trường hợp nữ nhập cảnh trái phép đón taxi từ Nội Bài về gia đình tại Định Hóa, Thái Nguyên đã được đưa vào khu cách ly tập trung và đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 vào tối 21/4.
Trường hợp người nam còn lại đã được cơ quan chức năng tìm thấy ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh và đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 vào sáng 22/4.
Trước đó, tối 21/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, nhóm ba người gồm 1 nam và 2 nữ, là lao động tự do tại Campuchia, đã cùng nhập cảnh về Việt Nam qua đường tiểu ngạch gần cửa khẩu tỉnh Tây Ninh lúc 1 giờ ngày 21/4; sau đó đến thị trấn Tân Biên bắt taxi về TP Hồ Chí Minh.
Khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, lái xe taxi chở 3 người vào một nhà nghỉ gần sân bay Tân Sơn Nhất. Trong quá trình trò chuyện, lái xe taxi biết đây là ba trường hợp nhập cảnh trái phép nên đã quay về thị trấn Tân Biên khai báo y tế.
Nhóm ba người này bắt taxi đến sân bay Tân Sơn Nhất, đi chuyến bay VJ134 ngày 21/4 về đến sân bay Nội Bài lúc 9 giờ10 phút. Hai người nữ trong nhóm đi xe taxi về gia đình tại Định Hóa, Thái Nguyên và đã được đưa vào khu cách ly tập trung lúc 14 giờ cùng ngày. Hai trường hợp này đã có kết quả âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2. Người nam còn lại đã được cơ quan chức năng tìm ra tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh vào tối cùng ngày.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Thành phố đang tiến hành điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc tại thành phố trong khi chờ kết quả xét nghiệm các lần tiếp theo.
Chiều 22/4, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19
Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 22/4, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19, đều được cách ly ngay sau nhập cảnh.
Tính đến 18 giờ ngày 22/4, Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 910 ca.
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) trên cả nước là 39.191 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 518 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 23.688 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14.985 người.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 40 ca.