Thêm 78 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 65 ca trong cộng đồng
Trong số 78 ca mắc mới COVID-19 mới ghi nhận, có 13 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Tĩnh (1 ca), Hà Nội (4 ca), Cần Thơ (3 ca), TP Hồ Chí Minh (1 ca), An Giang (3 ca), Đà Nẵng (1 ca) và 65 ca mắc ghi nhận trong nước tại Quảng Ninh (1 ca), Bắc Giang (1 ca), Hưng Yên (3 ca), Hà Nội (22 ca), Hải Dương (1 ca), Bắc Ninh (17 ca), Thái Bình (1 ca), Vĩnh Phúc (7 ca), Hải Phòng (1 ca), Huế (1 ca), Đà Nẵng (8 ca), Nam Định (1 ca), Quảng Nam (1 ca).
Cụ thể, 13 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh gồm: Ca bệnh 3170, 3205, 3176, 3177, 3178, 3179, 3199, 3202 , 3206, 3212, 3213, 3214, 3225, 3166, 3167, 3168 , 3169, 3215, 3165, 3171, 3172, 3173, 3174, 3175, 3180, 3181, 3182, 3192, 3193, 3194, 3198, 3223, 3226, 3227, 3228, 3210, 3211, 3221, 3229, 3230.
Các ca ghi nhận trong nước gồm: BN3153- BN3164, BN3191, BN3197. Đây là 14 trường hợp ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (10 người nhà và 4 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện).
Với các ca bệnh 3183-3190, 3200-3201, 3203-3204, 3207-3209, đây là các trường hợp có địa chỉ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và có liên quan dịch tễ đến các trường hợp mắc trước đó tại ổ dịch xảy ra tại đây. Kết quả xét nghiệm ngày 7/5/2021 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Ca bệnh từ BN3216-BN3220, BN3222, BN3224 ghi nhận tại thành phố Đà Nẵng; có liên quan dịch tễ với BN3131. Kết quả xét nghiệm ngày 7/5/2021 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 8/5, Việt Nam có tổng cộng 1.811 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 241 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 42.293 người, trong đó: Cách ly tập trung tại Bệnh viện 685 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 22.810 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 18.998 người.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch COVID-19
Chiều 7/5/2021, tại trụ sở của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự cuộc họp có: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn trên cả nước.
Sau khi nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia báo cáo tình hình và một số biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo như sau:
Tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới, đặc biệt là ở một số nước có chung đường biên giới với nước ta với số ca mắc bệnh và tử vong ngày càng tăng. Virus biến chủng mới xuất hiện có đặc điểm mạnh hơn, lây nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Trong nước, sau hơn 30 ngày không có ca nhiễm cộng đồng, hiện đã xuất hiện trên 160 ca nhiễm tại một số địa phương, thậm chí tại bệnh viện tuyến Trung ương.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy Đảng cần phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý của chính quyền và huy động sự tham gia của nhân dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc, chủ động phát huy nội lực với tinh thần: “Phòng” là cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định; “Chống” là cấp bách, quyết liệt, nhanh chóng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chuyển từ trạng thái phòng ngự là chủ yếu sang trạng thái kết hợp hài hòa, hợp lý giữa phòng ngự và tấn công, trong đó lấy tấn công là chủ yếu, quan trọng; tăng cường ứng dụng công nghệ để giám sát, kiểm tra; thực hiện nghiêm phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.
Các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo tinh thần cấp trên kiểm tra cấp dưới, tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra thôn, bản, ấp; thôn, ấp, bản kiểm tra dòng họ, gia đình theo tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để phải trả giá đắt về mọi mặt thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Người đứng đầu cần đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch. Quan điểm của Chính phủ là: ghi nhận, biểu dương, kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống dịch; đồng thời xử lý nghiêm theo đúng quy định, kể cả xem xét xử lý hình sự các trường hợp vi phạm, lơ là, thiếu trách nhiệm, không nể nang, né tránh.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 phải cụ thể hóa rất rõ phạm vi trách nhiệm, chủ thể chịu trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ giám sát và dễ đánh giá.
Đà Nẵng phát thẻ đi chợ nhằm phòng, chống dịch COVID-19
Sau khi ghi nhận thêm 2 ca dương tính với SARS-CoV-2 ngày 8/5, nâng số ca nhiễm lên 12 ca, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Lê Trung Chinh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị và cả hệ thống chính trị thành phố tập trung triển khai quyết liệt hơn nữa; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các văn bản của Trung ương và thành phố.
Cụ thể, chủ tịch UBND thành phố giao Sở Công Thương và UBND các quận, huyện chủ động tổ chức, kích hoạt, phân chia tần suất đi chợ từ ngày 8/5 theo hình thức “thẻ đi chợ”; Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện việc dừng hoạt động vận chuyển khách trên các tuyến sông, vịnh trên địa bàn để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ được phát 5 thẻ vào chợ/15 ngày (trung bình cứ 3 ngày thì đi chợ một lần). Mỗi thẻ vào chợ có giá trị sử dụng 1 lần tại tất cả các chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ ngày 8/5.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng cũng ban hành Công văn số 2035/SGTVT-QLVTPTNL về việc tạm dừng hoạt động vận chuyển khách bằng phương tiện thủy nội địa trên các tuyến sông, vịnh Đà Nẵng từ ngày 8/5 cho đến khi có thông báo mới.
Các đơn vị tham gia kiểm soát hoạt động tại cảng sông Hàn gồm: Công ty Cổ phần cầu đường, Cảng vụ đường thủy nội địa, Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng sông Hàn phân công người trực tại cảng nhằm đảm bảo công tác trật tự, an toàn giao thông; kiên quyết không để tàu rời cảng khi chưa được cấp giấy phép rời cảng.
Kích hoạt lại Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc
Thời gian thực hiện bắt đầu từ 18 giờ 00 ngày 7/5/2021 cho đến khi có thông báo mới của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc được thực hiện theo Quyết định số 280/QĐ-UBND ngày 13/2/2020 của UBND tỉnh về việc thành lập Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc.
Bệnh viện được thiết lập tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc (cũ), nằm ở đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên. Bệnh viện có nhiều phòng và khuôn viên rộng cùng đầy đủ cơ sở vận chất, cơ bản đáp ứng yêu cầu của một bệnh viện dã chiến với quy mô lớn, phục vụ yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sở Y tế tỉnh đã bố trí nhân lực cho bệnh viện dã chiến dựa trên các tổ phản ứng nhanh, trong đó nòng cốt và chịu trách nhiệm vận hành là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã đình chỉ bốn doanh nghiệp do vi phạm quy định phòng, chống dịch; phê bình, nhắc nhở nhiều cơ quan, đơn vị khác. Các cơ quan chức năng đã cảnh cáo 37 công dân, xử phạt gần 300 người vi phạm về đeo khẩu trang, thu giữ gần 500 triệu đồng tiền phạt; xử phạt một số hộ kinh doanh không tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh chỉ đạo kiểm tra, đánh giá việc đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh y tế của tất cả các cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, UBND thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) quyết định thiết lập vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền Vĩnh Phúc do có nhiều trường hợp là F1 của các ca mắc COVID-19 trước đó. Thời gian thực hiện từ 00 giờ ngày 8/5/2021 đến khi có thông báo mới.
Đã có 1.200 mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện K âm tính
Tính đến trưa 8/5, đã có 1.200 mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện K có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tính đến hiện tại, tại Bệnh viện K đã ghi nhận 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, là người bệnh và người nhà người bệnh, chưa có nhân viên y tế nào mắc bệnh. Bệnh viện đã triển khai cách ly y tế từ sáng ngày 7/5 để phòng dịch COVID-19.
Hiện, công tác truy vết, khoanh vùng dập dịch vẫn được triển khai quyết liệt, khẩn trương để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo tại bệnh viện.
An Giang khẩn trương truy vết các trường hợp tiếp xúc gần 2 ca tái dương tính
Sau khi ghi nhận 1 trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2, là một nam giới, sinh năm 1993, quốc tịch Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Trước đó, ngày 29/3/2021, người này từ Philippines về Việt Nam, nhập cảnh tại sân bay Cần Thơ, được đưa đi cách ly tập trung tại tỉnh Bến Tre. Trường hợp này được xác định mắc COVID-19 và cách ly điều trị tại Bến Tre (bệnh nhân 2606).
Sau khi được công bố khỏi bệnh, bệnh nhân tự cách ly tại nhà từ ngày 23/4/2021 đến ngày 6/5/2021. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 29/4/2021 âm tính; ngày 7/5/2021, lấy mẫu xét nghiệm lần 2 kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và được đưa đi cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Liên quan đến ca bệnh này, cơ quan chức năng đã đưa 3 trường hợp F1 (gồm bố, mẹ và cháu) đi cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Đồng thời, thực hiện chốt chặn 4 điểm, phong tỏa khu vực tổ 10 và tổ 14, ấp Bình Trung, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nơi bệnh nhân sinh sống (có khoảng 30 hộ dân) để phun khử khuẩn và điều tra dịch tễ.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, chiều 8/5, UBND tỉnh An Giang đã phát đi thông báo tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao trong nhà (gym, fitness, billiards…), chợ đêm, hội chợ; hàng quán ăn uống theo mô hình buffet, karaoke dưới mọi hình thức; các sự kiện tập trung đông người ở nơi công cộng kể từ 18 giờ ngày 8/5/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Những lĩnh vực được phép hoạt động phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Các sự kiện, hoạt động khi được phép tổ chức phải đảm bảo thực hiện giãn cách, tiến hành đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và khử khuẩn, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Sơn La tạm thời phong tỏa Khách sạn Mường Thanh (Mộc Châu) do liên quan đến Bệnh nhân 3147
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, trong ngày 1 và 2/5, bệnh nhân Nguyễn Xuân T (Bệnh nhân 3147) đã di chuyển từ tỉnh Bắc Ninh đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và ngược lại. Trong đó, tại tỉnh Sơn La, BN 3147 dừng nghỉ tại nhiều địa điểm như: Khách sạn Mường Thanh Mộc Châu, Mai Sơn, Thuận Châu… và tiếp xúc với nhiều người.
Đến 12h30 phút ngày 8/5, Trung tâm y tế huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La phối hợp với các ban, ngành của huyện, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thị trấn Nông Trường Mộc Châu đã điều tra, rà soát được 11 trường hợp F1 và 32 trường hợp F2, tiến hành phun khử khuẩn và tạm thời phong tỏa khách sạn Mường Thanh nơi Bệnh nhân 3147 lưu trú.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La đề nghị những ai là người nhà, người quen, người có tiếp xúc với bệnh nhân này khẩn trương khai báo với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hoặc gọi vào đường dây điện thoại nóng 02123.666.115 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID - 19 tỉnh Sơn La.
Các tỉnh tạm dừng các hoạt động không thiết yếu
Tiền Giang tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí từ 0 giờ ngày 9/5. Theo đó, tỉnh tạm dừng các hoạt động như Câu lạc bộ bida, karaoke, quán bar, vũ trường, điểm massage, các tụ điểm hát với nhau, rạp chiếu phim, rạp hát, câu lạc bộ khiêu vũ, phòng tập gym, các điểm truy cập Internet và chơi điện tử.
Các điểm kinh doanh thức ăn, nước uống, cơ sở lưu trú, khách sạn trên địa bàn tỉnh được yêu cầu thực hiện giãn cách và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 (nhất là đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn).
Trong khi đó, An Giang tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu từ 18 giờ ngày 8/5. Cụ thể, ngoài các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đã tạm dừng từ ngày 3/5/2021 như: quán bar, karaoke, vũ trường, phòng game, cơ sở mát-xa, rạp chiếu phim, tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tạm dừng các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao trong nhà như: gym, fitness, billiards…, chợ đêm, hội chợ; hàng quán ăn uống theo mô hình buffet, karaoke dưới mọi hình thức; các sự kiện tập trung đông người ở nơi công cộng.
Tại Bắc Ninh, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ra văn bản số 1322/UBND-KGVX về việc cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn tỉnh tiếp tục dừng đến trường để phòng, chống dịch.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, trong vòng 4 ngày từ 5/5 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 46 ca dương tính với SARS-CoV-2 ở 5/8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát, thống kê 957 trường hợp F1, 6.026 trường hợp F2 và 5.670 trường hợp F3. Tỉnh đang cách ly y tế đối với 8.924 trường hợp, trong đó có 97 trường hợp cách ly tại các cơ sở y tế, 996 trường hợp cách ly tại cơ sở tập trung, 1.480 trường hợp cách ly tại khách sạn và hơn 6.300 trường hợp cách ly tại nhà.
Hải Dương tạm dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; yêu cầu không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng từ 0h ngày 8/5.
Hải Dương cũng tạm dừng các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, văn hóa, thể thao, giải trị tại các địa điểm tập trung từ 20 người trở lên; tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như: khu di tích, vui chơi, giải trí, giải thi đấu thể thao, phòng tập gym, yoga, cơ sở làm đẹp, gội đầu, karaoke, phòng trà, quán hát, giao lưu văn nghệ, massage, quán bar, vũ trường, quán game, rạp chiếu phim... Đồng thời, vận động người dân tạm dừng tổ chức đám cưới, tổ chức đám tang nhanh gọn; nhà hàng, quán ăn không phục vụ tại chỗ.
Từ ngày 10/5, Hải Dương tạm dừng việc đến trường của trẻ mầm non, học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Các nhà trường tập trung kiểm tra kết thúc học kỳ 2 trực tiếp và chuyển sang tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh từ cấp Tiểu học trở lên.
Phú Yên giảm 34 điểm tiếp xúc cử tri vận động bầu cử để phòng, chống dịch
Ngày 8/5, Ủy ban Bầu cử tỉnh Phú Yên tổ chức phiên họp lần thứ 5 cho ý kiến về việc giảm các điểm tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII nhiệm kỳ 2021-2026 theo kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; rà soát triển khai công tác chuẩn bị bầu cử.
Tại phiên làm việc, các đại biểu đã thống nhất với đề xuất của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, giảm 8 điểm tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và 26 điểm tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII.
Theo các đại biểu, giảm các điểm tiếp xúc cử tri theo phương án trên không ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của các ứng cử viên, phù hợp với bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 hiện tại. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các ứng cử viên, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch các địa phương cần bố trí các điểm tiếp xúc tại hội trường rộng, sân nhà văn hóa thôn, khối phố, tránh tập trung đông người, chuẩn bị sẵn phương án giãn cách trong phòng, chống dịch.
Xử phạt 10 triệu đồng một trường hợp F2 không chấp hành cách ly tại nhà
Ngày 8/5, ông Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một trường hợp trốn cách ly y tế tại nhà.
Theo đó, trường hợp bị phạt là Võ Nhật Trường, 35 tuổi, ngụ thôn Suối Nghệ, xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức do có hành vi trốn tránh việc áp dụng các biện pháp cách ly y tế của UBND xã Suối Nghệ. Mức xử phạt là 10 triệu đồng theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 11, của Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Trước đó, khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, Công an huyện Châu Đức đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Suối Nghệ đi kiểm tra công tác cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F2.
Tại thời điểm kiểm tra, Võ Tấn Trường và con gái Võ Ngọc Bảo Trân (7 tuổi) là F2 cùng chuyến tham quan, du lịch Đà Nẵng (chung với 12 người F1 do tiếp xúc với bệnh nhân 2999) không có mặt tại địa chỉ cách ly.
Công an huyện Châu Đức đã yêu cầu gia đình gọi Trường và con gái trở về cách ly theo đúng quy định, đồng thời trình UBND huyện Châu Đức ra quyết định xử phạt hành chính đối với trường hợp này.