Tổng hợp COVID-19 ngày 12/3: Thêm 168.719 ca mắc mới; F0 là trẻ em tại TP Hồ Chí Minh tăng mạnh

Ngày 12/3, mặc dù số ca tử vong do COVID-19 của Việt Nam giảm nhẹ nhưng số ca mắc mới vẫn trên 168.000 ca trong ngày. Đáng chú ý, số trẻ em mắc mới COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh tăng mạnh. Theo đó, TP Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn về việc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ em mắc COVID-19 tại các bệnh viện.

Trong ngày có 62 ca tử vong

Tính từ 16 giờ ngày 11/3 đến 16 giờ ngày 12/3, Việt Nam ghi nhận 168.719 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 62 ca tử vong do COVID-19.

Chú thích ảnh
Theo dõi sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: TTXVN.

Trong số các ca mắc mới, có 15 ca nhập cảnh và 168.704 ca ghi nhận trong nước (giảm 386 ca so với ngày trước đó). Hà Nội vẫn đứng đầu ca nhiễm với 30.693 ca, tiếp đến là các tỉnh Nghệ An (11.666), Phú Thọ (7.216), Bắc Ninh (5.669), Sơn La (4.872), Hưng Yên (4.492), Lạng Sơn (4.479), Hải Dương (4.460), Tuyên Quang (4.287), Hòa Bình (4.279)…

Trong ngày 12/3/2022, Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 195.000 ca, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 35.949 ca, Sở Y tế Hưng Yên đăng ký bổ sung 33.760 ca và Sở Y tế Phú Thọ đăng ký bổ sung 20.784 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Như vậy, các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Đắk Lắk (giảm 3.217 ca), Bình Dương (giảm 2.878 ca), Hà Nội (giảm 1.206 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Gia Lai (tăng 3.107 ca), Hà Giang (tăng 1.971 ca), Phú Thọ (tăng 864 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 159.273 ca/ngày, số tử vong là 81 ca. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 84.811 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 3.068.033 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.934 ca.

Trong ngày 11/3, cả nước có 686.126 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 199.963.718 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.045.027 liều gồm: Mũi 1 là 8.748.263 liều; mũi 2 là 8.296.764 liều.

Trước tình hình ca nhiễm vẫn phức tạp và tăng cao, Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 1195/BYT-DP về việc tăng cường tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, trong đó đẩy mạnh và thần tốc hơn vữa việc triển khai tiêm chủng mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo đến hết Quý I/2022 phải bao phủ mũi 3 cho những người đã đến lịch tiêm chủng.

Trẻ mắc COVID-19 tăng nhanh, TP Hồ Chí Minh sẵn sàng thu dung điều trị

Ngày 12/3, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết vừa có công văn khẩn gửi đến các cơ sở y tế trên địa bàn về việc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ em mắc COVID-19 tại các bệnh viện.

Chú thích ảnh
Trong những ngày gần đây số trẻ đến khám bệnh do nghi ngờ mắc COVID-19 tại các bệnh viện nhi liên tục tăng. Ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong những ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận số lượt trẻ đến khám tại các bệnh viện nhi do nghi ngờ mắc COVID-19 có xu hướng tăng. Theo báo cáo của các bệnh viện nhi, đặc điểm chung của những trẻ mắc COVID-19 là sốt, ho, đau đầu và rất ít các trường hợp có dấu hiệu nặng.

Để chủ động ứng phó với tình huống số ca mắc ở trẻ tăng cao, Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố tăng số giường bệnh điều trị tại khoa COVID-19 lên tối thiểu 300 giường, trong đó có 50 giường hồi sức. Các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện đa khoa có khoa nhi chủ động chuẩn bị cơ số giường nội trú ở khu vực điều trị COVID-19 tối thiểu 30% - 50% tổng số giường dành để điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 tại bệnh viện.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý các bệnh viện quận, huyện và bệnh viện đa khoa chỉ chuyển tuyến bệnh nhi trong các trường hợp trẻ có dấu hiệu chuyển nặng và hội chẩn với bệnh viện nhi trước khi chuyển viện. Giám đốc bệnh viện nhi chịu trách nhiệm quyết định cho những bệnh nhi mắc COVID-19 điều trị nội trú hoặc phòng cách ly ở các khoa lâm sàng khác tùy theo tình trạng bệnh lý của trẻ và phải đảm bảo công tác phòng chống lây nhiễm; đảm bảo công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và điều trị trẻ mắc COVID-19 theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em của Bộ Y tế cho các bệnh viện theo cụm điều trị đã được phân công.

Ứng phó với dịch COVID-19 lây lan mạnh

Trước tình hình số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng mạnh, các địa phương đang phải gồng mình ứng phó với dịch, nỗ lực đáp ứng quản lý điều trị f0, hướng tới giảm tử vong, tránh quá tải y tế. Theo đó, các địa phương đã áp dụng các hình thức quản lý F0 tại địa bàn, huy động các lực lượng hỗ trợ, cùng với triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý F0 để giảm tải…

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: TTXVN

Chẳng hạn như tại Hà Nội, hiện các địa bàn đã quản lý F0 thông qua tổ COVID cộng đồng tại các tổ dân phố bằng việc lập nhóm Zalo để hỗ trợ tư vấn điều trị, xác nhận thủ tục cách ly và khỏi bệnh; người dân có thể tự test nhanh tại nhà và gửi hình ảnh hoặc video kết quả đến nhóm quản lý F0 để được xác nhận; hay F0 khai báo thông tin trực tuyến qua các hệ thống như: chamsocsuckhoe. hanoi.gov.vn hay trang chamsocsuckhoe.yte.360.com được quản lý điều trị. Về điều trị người bệnh COVID-19, Hà Nội cũng triển khai tổng đài điện thoại 1022, huy động lực lượng mạng lưới Thầy thuốc đồng hành cùng tham gia để hỗ trợ chăm sóc, tư vấn cho F0 điều trị tại nhà…

Trong khi đó, "TP Hồ Chí Minh bố trí, sắp xếp lại đối với các cơ sở thu dung, điều trị ở tại các quận huyện, khu chế xuất, khu công nghiệp, các bệnh viện, khi cần có thể kích hoạt và các đơn vị hoạt động trong vòng 24 giờ. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ cao; chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà” cập nhật người thuộc nhóm nguy cơ, thực hiện xét nghiệm tầm soát để kịp thời phát hiện F0, từ đó chủ động điều trị; đồng thời phát hiện những trường hợp chưa tiêm vaccine để vận động người dân tiếp tục tiêm. Để hạn chế nguy cơ lây lan từ trẻ mắc COVID-19 sang những người thuộc nhóm nguy cơ, Sở Y tế thành phố có hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà. Với những gia đình không đủ điều kiện cách ly trẻ, gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ sẽ cho trẻ nhập viện điều trị”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không hoang mang; nắm chắc và bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp phòng, chống dịch tốt, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đồng thời tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, các biện pháp hiện nay tập trung vào việc tiếp tục ngăn chặn lây lan, kiểm soát hiệu quả rủi ro, hạn chế số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế… Cụ thể, kiểm soát các trường hợp nguy cơ cao, chuyển nặng, tử vong; tiếp tục thực hiện nghiêm và linh hoạt, hiệu quả công thức: “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp linh hoạt khác”.

Những lưu ý khi trẻ em mắc COVID-19

Chú thích ảnh
Cha mẹ không tự ý dùng thuốc kháng virus cho trẻ khi chưa có kê đơn của bác sĩ. Ảnh: TTXVN

Theo "Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19", Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng thuốc điều trị cho trẻ. Bộ Y tế hướng dẫn, cha mẹ có thể cho trẻ dùng các thuốc điều trị triệu chứng khi cần thiết. Cụ thể:

Khi sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ có thể cho trẻ dùng Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống hoặc đặt hậu môn), cách tối thiểu 4 - 6 giờ nếu cần nhắc lại, tổng liều thuốc không quá 60 mg/kg/ngày.

Nếu trẻ bị ho có thể dùng các thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc).

Nếu trẻ bị ngạt mũi, sổ mũi, cha mẹ xịt rửa mũi, nhỏ mũi cho trẻ bằng dung dịch natriclorua 0,9%.

Nếu trẻ xuất hiện tiêu chảy, có thể sử dụng men vi sinh, men tiêu hóa.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19: Ngày 11/3, Việt Nam đã có 3.990 ca nặng đang điều trị và thêm 74.857 bệnh nhân F0
Tổng hợp COVID-19: Ngày 11/3, Việt Nam đã có 3.990 ca nặng đang điều trị và thêm 74.857 bệnh nhân F0

Ngày 11/3, Việt Nam đã có 3.990 ca nặng đang điều trị và thêm 74.857 bệnh nhân F0; Đà Nẵng tháo gỡ khó khăn việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH cho F0 điều trị tại nhà; Quảng Trị nỗ lực vượt khó, bảo đảm dạy và học an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19... là những thông tin nổi bật được bạn đọc quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN