70.902 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, 86 ca tử vong
Tính từ 16 giờ ngày 7/3 đến 16 giờ ngày 8/3, Việt Nam ghi nhận 162.435 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội trên 32.000 ca, trong ngày có 86 ca tử vong.
Trong số các ca nhiễm mới, có 20 ca nhập cảnh và 162.415 ca ghi nhận trong nước (tăng 15.080 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 104.353 ca trong cộng đồng). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Gia Lai (giảm 2.363 ca), Hồ Chí Minh (giảm 620 ca), Bình Dương (giảm 513 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Nghệ An (tăng 5.139 ca), Hải Phòng (tăng 2.924 ca), Bắc Ninh (tăng 2.858 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 134.041 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 4.776.873 ca nhiễm, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 48.357 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 4.769.355 ca, trong đó có 2.786.525 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (554.540), Hà Nội (460.001), Bình Dương (318.635), Bắc Ninh (194.520), Quảng Ninh (131.222).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 70.902 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.789.342 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.258 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 7/3 đến 17 giờ 30 ngày 8/3, cả nước ghi nhận 86 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 91 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.977 ca, chiếm tỷ lệ 0,9% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Thuốc Molnupiravir sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu điều trị
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu 37.610.540 viên Molnupiravir để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (khoảng 940.000 liệu trình điều trị).
Ngày 17/2/2022, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) ký quyết định ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Về khả năng cung ứng thuốc này, năng lực sản xuất của 3 đơn vị trong nước đã được cấp phép tổng công suất sản xuất thuốc Molnupiravir có thể đạt 280 triệu viên/tháng tương ứng với 11 triệu liệu trình/tháng.
Như vậy, sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu điều trị và giá thành hiện tại cho một liệu trình điều trị khoảng 300.000 đồng (hiện rẻ nhất so với các nước khác trên thế giới). Để có nhiều nguồn cung thuốc kháng virus điều trị COVID-19 đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, kịp thời cho nhu cầu của cơ sở khám chữa bệnh theo cơ chế cấp phát miễn phí cho người bệnh và theo hình thức người bệnh tự chi trả, duy trì tính cạnh tranh, hạ giá thành thuốc lưu hành trên thị trường, Bộ Y tế sẽ thông báo công khai và hướng dẫn các đơn vị nhập khẩu (nếu có nhu cầu nhập khẩu các thuốc nước ngoài chứa hoạt chất Molnupiravir) nộp hồ sơ theo Điều 66 của Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định cấp phép nhập khẩu thuốc chứa dược chất đã có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị.
Để đảm bảo việc người bệnh dễ dàng tiếp cận với các thuốc kháng virus điều trị COVID-19 trong bối cảnh số mắc tăng cao những ngày gần đây, đồng thời đảm bảo kiểm soát chặt chẽ theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung về việc cấp phát thuốc.
Cụ thể, đối với việc cấp phát thuốc điều trị miễn phí, có thể giao các địa phương, cơ sở y tế thực hiện mua sắm thuốc điều trị COVID-19 (trong đó có thuốc Molnupiravir đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam) theo quy định để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị của đơn vị.
Về quy định kê đơn cho người bệnh mắc COVID-19, Bộ Y tế nêu rõ: Người được kê đơn (tại quầy thuốc, nhà thuốc) cần có xác nhận từ cơ sở y tế (bao gồm cơ sở xét nghiệm, cơ sở khám chữa bệnh, trạm y tế) có dương tính với SARS-CoV-2, kể cả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh; hoặc người bệnh tự quay clip quá trình thực hiện test kháng thể tại nhà gửi cho người phụ trách chuyên môn của nhà thuốc, quầy thuốc để chứng minh kết quả test dương tính.
Hướng dẫn cũng đề xuất người phụ trách chuyên môn về dược tại cơ sở bán lẻ thuốc căn cứ vào kết quả xét nghiệm, xác định được ít nhất 1 nguy cơ chuyển nặng của bệnh nhân. Người mua thuốc hoặc bệnh nhân phải ký một bản cam kết, trong đó có các thông tin về người bệnh, ngày test, kết quả test, việc sử dụng thuốc theo mẫu, kèm bản sao chứng minh thư của người bệnh. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết đề xuất này chỉ áp dụng đối với thuốc kháng virus điều trị COVID-19 dùng đường uống và tại các địa bàn có tình hình dịch bệnh tăng cao, hệ thống cơ sở y tế quá tải, không thể thực hiện hiệu quả việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn cho người bệnh theo quy định.