Đã có gần 39.000 ca khỏi bệnh
Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 3/3 đến 16 giờ ngày 4/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 125.587 ca mắc mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 125.568 ca ghi nhận trong nước (tăng 6.788 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 79.992 ca trong cộng đồng).
Ngày 4/3/2022, Sở Y tế Bắc Ninh đăng ký bổ sung 29.074 ca và Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 18.970 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (2.734 ca), Lai Châu (2.637 ca), Bình Dương (919 ca). Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 101.812 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 4.059.262 ca mắc, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 41.093 ca mắc).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 38.911 ca; Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.589.436 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.246 ca.
Số bệnh nhân tử vong trong ngày là 97 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 97 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.644 ca, chiếm tỷ lệ 1% so với tổng số ca mắc. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Hà Nội tăng cường hướng dẫn, tư vấn chăm sóc, điều trị tại nhà
Từ 18 giờ ngày 3/3 đến 18 giờ ngày 4/3, Hà Nội ghi nhận 21.396 ca F0, trong đó có 8.870 ca tại cộng đồng; 12.526 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 532 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Nam Từ Liêm có 1.117 ca; Mê Linh có 1.046 ca; Thanh Trì có 1.023 ca… Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4/2022 đến nay) là 343.618 ca. Đến hết ngày 2/3, toàn thành phố có 641.242 ca F0 đang điều trị, trong đó có 634.109 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm gần 99%); 1.163 người cách ly tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố và của quận, huyện, thị xã; 5.970 người điều trị tại bệnh viện tầng 2 và tầng 3 của thành phố; 360 người điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Đến nay, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi tại Hà Nội là 517.398 người. Nhằm phục vụ tốt hơn công tác hướng dẫn, chăm sóc cho các F0 tại nhà, ngày 4/3, Sở Thông tin và Truyền thông đã điều chỉnh các nhánh của Tổng đài 1022.
Theo đó, thành phố Hà Nội điều chỉnh các nhánh 1, 2 và 3 của Tổng đài 1022: Nhánh 1 (bấm phím 1) - kết nối tới đường dây nóng Sở Y tế Hà Nội để hỗ trợ thông tin F0; Nhánh 2 (bấm phím 2) - kết nối đến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành để được tư vấn, chăm sóc F0 tại nhà; Nhánh 3 (bấm phím 3) sau đó chọn bấm tiếp: Phím 1 nếu có nhu cầu kết nối đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để hỗ trợ, tư vấn về xét nghiệm và công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phím 2 kết nối đến Trung tâm cấp cứu 115 để được hỗ trợ cấp cứu và xe cấp cứu. Các nhánh 4, 5, 6 và 7 của Tổng đài 1022 vẫn được giữ nguyên.
Trong đó, nhánh 4 (bấm phím 4) -kết nối đến Sở Thông tin và Truyền thông để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch COVID-19. Nhánh 5 (bấm phím 5) - kết nối đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được giải đáp về các vấn đề an sinh xã hội. Nhánh 6 (bấm phím 6) - kết nối đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội để yêu cầu giúp đỡ, hỗ trợ nhu yếu phẩm khi gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhánh 7 (bấm phím 7) - kết nối đến Sở Thông tin và Truyền thông để hướng dẫn, hỗ trợ về thủ cụ hành chính, dịch vụ công trực tuyến của thành phố.
Để gọi đến một trong các nhánh thuộc Tổng đài 1022 của Hà Nội, người dân Thủ đô có thể gọi bằng cách quay trực tiếp đến số 1022 khi sử dụng thuê bao cố định nội hạt; quay số 024.1022 khi gọi từ thuê bao liên tỉnh, di động; tiếp đó nhấn phím tương ứng với nhánh người dân có nhu cầu kết nối, liên hệ.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, tổng đài điện thoại 1022 thành phố Hà Nội luôn sẵn sàng tiếp nhận phản ánh từ công dân, tổ chức 24/7 để hỗ trợ, xử lý nhanh nhất những thông tin liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tổng đài 1022 là kênh kết nối, tiếp nhận phản ánh, giải đáp kiến nghị của công dân được Hà Nội chính thức hoạt động từ ngày 19/8/2021. Hiện tổng đài 1022 của Hà Nội tập trung tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19.
TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch
Chiều 4/3, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
UBND TP đề nghị UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tăng cường phối hợp hiệu quả, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, khu công nghiệp, trường học; phối hợp tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 “thần tốc hơn nữa”, đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12 - 17 tuổi; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn; tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.
UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong trường học và cơ sở sản xuất kinh doanh.
Đối với Sở Y tế, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu; thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung điều trị hiệu quả ở các tuyến; cung ứng và bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ...
Đặc biệt cung cấp đầy đủ ô-xy y tế tại các cơ sở điều trị, không để xảy ra tình trạng người mắc COVID-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị. Sở Y tế chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, nhất là tại bệnh viện và xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19.
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm 5K, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, tiếp xúc với người xung quanh; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết; tiêm vaccine mũi 3 phòng COVID-19 đầy đủ, không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.
Hiện nay dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là gia tăng các ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron chiếm ưu thế, ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội của Thành phố trong đó có hoạt động giáo dục trực tiếp cho học sinh.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, từ 7/2 đến 2/3, toàn thành phố ghi nhận 3.689 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nghi mắc COVID-19 (phát hiện tại trường là 318 ca), 40.385 học sinh nghi mắc COVID-19 (2.160 ca phát hiện tại trường).
Riêng tại các trung tâm giáo dục chuyên biệt hòa nhập ghi nhận khoảng 70% học sinh trở lại học tập và tỷ lệ nghi mắc COVID-19 tại trung tâm rất thấp. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu 13 địa phương có dịch cấp độ (vùng cam) hạn chế hoạt động bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke.
Tuần qua, TP Hồ Chí Minh có 222 phường, xã đạt cấp 1 (vùng xanh), 77 phường, xã cấp 2 (vùng vàng) và 13 địa phương tăng lên cấp độ 3 (vùng cam).