Ngày 9/3, cả nước có 109 ca tử vong do COVID-19, hiện 3.878 ca nặng đang điều trị
Tính từ 16 giờ ngày 8/3 đến 16 giờ ngày 9/3, Việt Nam ghi nhận 164.596 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 65.872 ca khỏi bệnh, 109 ca tử vong.
Trong số các ca nhiễm mới, có 20 ca nhập cảnh và 164.576 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.161 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 106.573 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Gia Lai (giảm 2.363 ca), TP Hồ Chí Minh (giảm 620 ca), Bình Dương (giảm 513 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Nghệ An (tăng 5.139 ca), Hải Phòng (tăng 2.924 ca), Bắc Ninh (tăng 2.858 ca).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 65.872 ca.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.855.214 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.878 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 8/3 đến 17 giờ 30 ngày 9/3, cả nước ghi nhận 109 ca tử vong
Thông tin chi tiết các ca mắc tại đây.
Long An: F0, F1 được đến cơ quan làm việc trên tinh thần tự nguyện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa vừa ký văn bản quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Quy định trên áp dụng với các trường hợp F0 (không triệu chứng), F1 là người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước và công ty, doanh nghiệp đang trong thời gian cách ly, điều trị.
Cụ thể, các trường hợp F0 (không triệu chứng), F1 là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong tổ chức, cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh được đến cơ quan làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị trên tinh thần tự nguyện và phải có sự đồng ý của thủ trưởng hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, nếu không bổ sung kịp thời sẽ không hoàn thành các hợp đồng giao hàng cho đối tác đúng thời gian quy định... được phép sử dụng lao động của công ty đang là F0 (không triệu chứng), F1 đang trong thời gian cách ly để làm việc.
Việc sử dụng lực lượng lao động này phải dựa trên tinh thần tự nguyện của người lao động, được sự đồng ý của chủ doanh nghiệp và theo hướng dẫn của Trung tâm Y tế cấp huyện hoặc cấp xã (khi được Trung tâm Y tế cấp huyện phân công).
Các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp có thể xem xét ưu tiên bố trí cho các trường hợp này thực hiện các công việc trực tuyến. Trường hợp không làm việc trực tuyến được sẽ được bố trí làm việc trực tiếp tại nơi làm việc, đảm bảo không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.
Nhiều xã, phường, thị trấn của Gia Lai ở mức độ 3, 4
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai, trong sáng 9/3, Gia Lai tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao với trên 2.632 trường hợp.
Trước sự bùng phát phức tạp của dịch COVID-19, nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh Gia Lai ở mức độ dịch cấp 3, 4. Cụ thể, cấp độ dịch ở cấp độ 2 có 9 huyện, thị xã gồm Mang Yang, Đăk Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện, Chư Pưh, Đức Cơ và huyện Chư Păh. Tỉnh có 7 đơn vị ở cấp độ 3 gồm thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Đăk Đoa, Kbang, Chư Sê và Chư Prông.
Toàn tỉnh có 66/220 xã phường thị trấn ở cấp độ 3 và 13/220 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 4 gồm phường Hòa Bình, Sông Bờ, Đoàn Kết và Cheo Reo (thị xã Ayun Pa); thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa); thị trấn Chư Prông, xã Thanh Hưng, Ia O, Thăng Hưng, Ia Boong, Ia Púch, Ia Đrăng (huyện Chư Prông); thị trấn Phú Hòa, xã Ia Nhin (huyện Chư Păh).
Để kịp thời kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội, tỉnh Gia Lai đã tạm dừng các loại hình hoạt động, dịch vụ, kinh doanh chưa thiết yếu đối với các địa phương huyện, thị xã, thành phố, phường, xã, thị trấn có mức cấp độ 3, 4.
Đối với các quán, nhà hàng, các điểm trên vỉa hè, đường phố, kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, cà phê, chỉ được bán mang về. Các điểm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, khu du lịch, nơi công cộng yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định của Bộ Y tế, đồng thời hoạt động không quá 50% công suất, người phục vụ phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh. Khách đến từ khu vực dịch ở cấp 3 phải có kết quả xét nghiệm SARS- CoV-2 âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ. Cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, hoạt động hạn chế giảm 50% quy mô khách hàng, đảm bảo phân luồng, giãn cách 2m khi tiếp xúc.
Ra mắt bộ sổ tay chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà
Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam vừa cho ra mắt bộ 3 sổ tay chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, gồm: "Sổ tay chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà", "Sổ tay sử dụng thuốc an toàn tại nhà" (cập nhật sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir), "Sổ tay chăm sóc sức khỏe thai phụ trong dịch COVID-19".
Nhằm hỗ trợ các bệnh nhân mắc COVID-19, đặc biệt là góp phần chăm sóc, bảo vệ khối đối tượng yếu thế, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã ban hành 3 bộ Sổ tay hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.
"Sổ tay chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà" do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương biên soạn, gồm 5 mục: Chuẩn bị khi điều trị cho trẻ mắc COVID-19 tại nhà; Hướng dẫn chăm sóc và theo dõi trẻ mắc COVID-19 hằng ngày; Hướng dẫn dùng thuốc điều trị cho trẻ mắc COVID-19; Dấu hiệu bất thường, dấu hiệu nguy kịch và Theo dõi Biến chứng hậu COVID-19.
"Sổ tay sử dụng thuốc an toàn tại nhà" do Liên Chi hội Dược sĩ trẻ Việt Nam - Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Khoa Dược (Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh" biên soạn, với sự hỗ trợ của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, được tái bản lần hai với bổ sung hướng dẫn sử dụng thuốc Molnupiravir đã được cấp phép lưu hành, với 3 mục chính: Thuốc kháng virus; Thuốc giảm triệu chứng và Thuốc dùng khi có dấu hiệu trở nặng.
"Sổ tay chăm sóc sức khỏe thai phụ trong dịch COVID-19" do các chuyên gia sản phụ khoa của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học (Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh) biên soạn, với 3 phần: Chăm sóc sức khỏe chủ động cho thai phụ trong dịch COVID-19; Ảnh hưởng COVID-19 tới thai phụ; Chăm sóc thai phụ mắc COVID-19.
Bộ tài liệu được phát hành rộng rãi dưới dạng file ảnh và file sách điện tử, có thể tải về tại địa chỉ: https://bit.ly/3vPXNxG hoặc trên facebook page và website của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Đắk Nông: Hơn 110.000 đối tượng được nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông vừa có báo cáo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, đến cuối tháng 2/2022, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt hỗ trợ hơn 110.000 đối tượng, với tổng kinh phí hơn 136 tỷ đồng. Trong số hơn 110.000 người trên, số lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) được nhận hỗ trợ nhiều nhất 27.331 đối tượng (tăng 84% so với dự kiến), với tổng số tiền gần 41 tỷ đồng. Tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt hỗ trợ cho gần 2.500 hộ kinh doanh, với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng; hỗ trợ cho hơn 24.000 đối tượng là người điều trị COVID-19 (F0) và cách ly y tế (F1) với số tiền hơn 24 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội tỉnh hỗ trợ giảm mức đóng cho gần 12.000 đối tượng với số tiền hơn 2 tỷ đồng…