Thêm 8.982 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tại 56 địa phương
Từ 16 giờ ngày 11/11 đến 16 giờ ngày 12/11, Việt Nam ghi nhận 8.982 ca nhiễm mới, trong ngày có 10.263 ca khỏi bệnh. Trong số các ca nhiễm mới, có 6 ca nhập cảnh và 8.976 ca ghi nhận trong nước (tăng 831 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 4.180 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Đắk Lắk (giảm 162 ca), Tây Ninh (giảm 139 ca), Đồng Nai (giảm 117 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Tiền Giang (tăng 217 ca), TP Hồ Chí Minh (tăng 203 ca), Vĩnh Long ( tăng 125 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 8.033 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.009.879 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.250 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.004.879 ca, trong đó có 853.394 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (445.203 ca), Bình Dương (242.243 ca), Đồng Nai (76.656 ca), Long An (36.362 ca), Tiền Giang (20.150 ca).
Trong ngày 12/11, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 10.263 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 856.211 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.515 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 11/11 đến 17 giờ 30 ngày 12/11, cả nước ghi nhận 81 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 74 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.930 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca nhiễm.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong ngày 11/11, cả nước có 1.000.048 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 96.557.452 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 63.682.168 liều, tiêm mũi 2 là 32.875.284 liều.
Riêng Hà Nội, ngày 12/11 có thêm 165 ca F0 mới, trong đó 27 ca cộng đồng, 109 ca trong khu cách ly, 29 ca trong khu phong tỏa; phân bố tại 17/30 quận, huyện. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 5.778 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.202 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 3.758 ca.
Các địa phương tăng cường truy vết phòng dịch
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, sau khi ghi nhận 4 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng là nhân viên phục vụ tại quán karaoke An Hồng, địa chỉ tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, ngày 12/11, lực lượng chức năng đã phong tỏa các địa điểm liên quan và khẩn trương truy vết các F1. Bước đầu, lực lượng chức năng đã điều tra, truy vết gần 400 trường hợp F1; test nhanh cho tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ ở quán ăn, quầy tạp hóa, nhà hàng, quán karaoke, đền chùa, quán cà phê… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh đang khẩn trương phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An thông báo những điểm đến của các ca mắc COVID-19 để xác định nguồn lây, triển khai phương án phối hợp trong công tác phòng chống dịch giữa 2 tỉnh.
Tại tỉnh Phú Yên, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch mới cho học sinh trở lại trường, tỉnh đang áp dụng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tương ứng cấp độ 1 (mức nguy cơ thấp, bình thường mới) theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Riêng 9 xã, phường gồm: Phường 4 (TP Tuy Hòa); phường Xuân Thành, Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu); phường Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam (thị xã Đông Hòa); xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa); xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa); xã An Thọ và An Mỹ (huyện Tuy An) thực hiện phòng chống dịch ở cấp độ 2.
TP Hồ Chí Minh ngày 12/11 đã ra mắt đội đặc nhiệm kiểm dịch phòng chống dịch COVID-19, có nhiệm vụ giám sát, đánh giá nhanh mức độ nguy cơ tình hình dịch bệnh, từ đó, cùng với các quận, huyện, thành phố Thủ Đức xây dựng các biện pháp can thiệp cụ thể đối với từng ổ dịch. Hàng ngày, đội đặc nhiệm kiểm dịch sẽ có nhiệm vụ báo cáo, phân tích tình hình gửi về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và từ đó báo cáo với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhằm giúp cho ngành Y tế có nhận định sớm nhất.
Còn tỉnh An Giang đang chủ động ngăn chặn, không để dịch COVID-19 lây lan diện rộng trước diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng tăng tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố và xuất hiện nhiều ổ dịch mới ngoài cộng đồng, chưa xác định rõ nguồn lây, gây khó khăn trong việc truy vết, cách ly, khoanh vùng và dập dịch. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các cấp, ngành thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh theo Nghị quyết 128/NQ- CP của Chính phủ, tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch tương ứng với từng cấp độ, thực hiện nghiêm “5K" và thực hiện nghiêm các giải pháp cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả...
Riêng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 15-17 tuổi. Ngày 12/11, có 3/8 địa phương của tỉnh bắt đầu khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, trong đó, ưu tiên tiêm cho trẻ 15-17 tuổi trước...