Tổng hợp COVID-19 ngày 11/11: Phủ nhanh mũi 1 vaccine cho tất cả các địa phương

Ngày 11/11, dư luận quan tâm đến các thông tin phòng dịch như: Kế hoạch tiêm bổ sung mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho người dân; Việt Nam ghi nhận 8.162 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; Hà Nội phát hiện thêm 146 ca F0; TP Hồ Chí Minh chấn chỉnh công tác chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà…

Khi nào Việt Nam tiêm bổ sung mũi 3 vaccine phòng COVID-19?

Bộ Y tế dự kiến triển khai tiêm bổ sung mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cho người dân vào tháng 12 tới.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay, Bộ Y tế mới lập kế hoạch tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 và chưa triển khai. Bộ Y tế dự kiến triển khai tiêm vào cuối tháng 12. Quan điểm là phải phủ rất nhanh mũi 1 cho tất cả các địa phương và trong 2 tuần đầu của tháng 11/2021, sẽ cố gắng phủ hết tất cả mũi 1 cho các địa phương, sau đó trả mũi 2, lúc đó mới bắt đầu tiêm mũi 3.

Chú thích ảnh
Hà Nội tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Việc bổ sung mũi 3 vaccine phòng COVID-19 sẽ tiêm cho đối tượng ưu tiên khác là những người cao tuổi, những người có bệnh lý nền.

Theo đó, hiện một vài địa phương đã đưa ra kế hoạch sẽ tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19, nhưng phải theo những hướng dẫn và chỉ đạo chung của Bộ Y tế để đảm bảo công bằng nhất định đối với việc phân bổ vaccine. Bởi vì sẽ có những địa bàn rất nóng, rất căng về dịch bệnh, phải dồn vaccine về cho địa bàn đó để đảm bảo tiêm phủ cho địa bàn.

Đến nay, Việt Nam đã có 94 triệu người được tiêm vaccine phòng COVID-19. Vừa qua, vaccine đã được phân bổ cho các địa phương dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ. Thực hiện Nghị quyết 128, Bộ Y tế đã có yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 1, phủ nhanh mũi 1 và đồng thời tiêm trả mũi 2 cho các địa phương. Dự kiến lượng vaccine về hoàn toàn đảm bảo đủ cho người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi và đảm bảo đủ cho người từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi.

Việt Nam ghi nhận 8.162 ca nhiễm mới SARS-CoV-2

Tính từ 16 giờ ngày 10/11 đến 16 giờ ngày 11/11, Việt Nam ghi nhận 8.162 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Tây Ninh là tỉnh có số mắc tăng cao nhất trong ngày.

Trong số các ca nhiễm mới, có 17 ca nhập cảnh và 8.145 ca ghi nhận trong nước (tăng 227 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 3.951 ca trong cộng đồng).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 7.821 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.000.897 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.159 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 995.903 ca, trong đó có 843.131 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (443.815), Bình Dương (241.589), Đồng Nai (75.843), Long An (36.252), Tiền Giang (19.516).

Từ 17 giờ 30 ngày 10/11 đến 17 giờ 30 ngày 11/11 ghi nhận 84 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.849 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

Hà Nội phát hiện thêm 146 ca F0

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 10/11 đến 18 giờ ngày 11/11, Hà Nội ghi nhận 146 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó có 9 ca trong cộng đồng, 107 ca trong khu cách ly, 20 ca trong khu phong tỏa.

Các ca nhiễm mới phân bố tại 17/30 quận, huyện gồm: Nam Từ Liêm (28), Ba Đình (27), Gia Lâm (20), Hoàng Mai (10), Hà Đông (8), Mê Linh (7), Cầu Giấy (7), Thanh Xuân (6), Thanh Trì (4), Ba Vì (4), Bắc Từ Liêm (4), Đống Đa (4), Long Biên (4), Hoài Đức (2), Phú Xuyên (2), Chương Mỹ (1), Hai Bà Trưng (1).

Trong số các ca nhiễm mới, có 19 ca cộng đồng phân bố theo chùm:

Chùm liên quan sàng lọc ho sốt (4); chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (9); ổ dịch Phú Đô, Nam Từ Liêm (1); liên quan các tỉnh có dịch (thứ phát) (1); ổ dịch Trần Duy Hưng (1), ổ dịch Chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (3).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 5.612 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.175 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 3.437 ca.

TP Hồ Chí Minh chấn chỉnh công tác chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức sau 24 giờ kể từ khi tiếp nhận thông tin, phải cấp túi thuốc điều trị COVID-19 cho tất cả các trường hợp F0 đang được chăm sóc, cách ly tại nhà và cơ sở cách ly trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Số F0 điều trị cách ly tại nhà đang tăng ở nhiều quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh.

Đó là một trong những nội dung trong văn bản khẩn được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh gửi đến Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh và Giám đốc Trung tâm y tế các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, chỉ đạo chấn chỉnh công tác chăm sóc, quản lý F0 tại nhà.

Thời gian gần đây, Sở Y tế TP đã nhận được phản ánh của người dân qua đường dây nóng về việc đã được xác định là F0, người dân tự xét nghiệm và có kết quả dương tính, nhưng không liên hệ được trạm y tế phường, xã, thị trấn để được tư vấn, cấp phát túi thuốc điều trị COVID-19.

Trước thực trạng này, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường phổ biến, kiểm tra, giám sát hoạt động chăm sóc, quản lý F0 cách ly tại nhà do trạm y tế phường, xã, thị trấn và các trạm y tế lưu động thực hiện.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu, tất cả trường hợp F0 đang cách ly tại nhà và cơ sở cách ly trên địa bản phải được cấp phát túi thuốc điều trị COVID-19 trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận. Túi thuốc điều trị COVID-19 tại nhà phải đúng thành phần theo hướng dẫn của Sở, đặc biệt lưu ý tuân thủ chỉ định và cấp phát thuốc Mulnopiravir theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng Nai: Có quy trình quản lý, điều trị F0 trong cộng đồng

Theo Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai, hiện nay các ổ dịch ở cộng đồng trên địa bàn tỉnh đa phần có nguồn lây liên quan đến các doanh nghiệp sản xuất và người về từ vùng có dịch, tạo thành nhiều ổ dịch lây nhiễm thứ phát rải rác trong cộng đồng.

Trong vài ngày qua, bình quân mỗi ngày, tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 200 ca nhiễm trong cộng đồng, tập trung ở thành phố Biên Hòa và các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Thống Nhất.

Tính từ ngày 10/11 đến sáng 11/11, Đồng Nai ghi nhận 930 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh lên hơn 75,8 ngàn ca. Trong số các ca mắc mới có 309 ca sàng lọc tại các cơ sở y tế, 302 ca trong các khu phong tỏa ở cộng đồng, 319 ca trong các khu cách ly tập trung. Đáng chú ý, số ca mắc ở cộng đồng tăng 29,3% so với ngày trước đó, xuất hiện ở cả 11 huyện, thành phố.

Để kịp thời phát hiện, theo dõi, quản lý, điều trị người mắc COVID-19 ở cộng đồng, tỉnh Đồng Nai khẩn trương triển khai hướng dẫn tạm thời quy trình xử lý người mắc COVID-19 trong cộng đồng trên địa bàn của tỉnh.

Lâm Đồng hủy các lễ hội cuối năm để chống dịch COVID-19

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn, tỉnh Lâm Đồng đã hủy các lễ hội dự kiến diễn ra dịp cuối năm 2021, trong đó có Festival hoa Đà Lạt 2021 (lần thứ 9) dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 12, Mùa hội cỏ hồng Langbiang vào cuối tháng 11.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, dù không tổ chức Festival hoa Đà Lạt nhưng tỉnh sẽ thay thế bằng các chương trình, sự kiện phù hợp với tình hình dịch bệnh để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân địa phương và du khách nhân dịp đón năm mới 2022. Tỉnh sẽ chuyển kinh phí tài trợ cho tổ chức Festival hoa Đà Lạt 2021 đến Quỹ Hỗ trợ học sinh khó khăn để thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” tại địa phương.

Trước đó, theo kế hoạch, Festival hoa Đà Lạt năm 2021 sẽ diễn ra vào cuối tháng 12 với hàng chục chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật xuyên suốt. Để chuẩn bị cho lễ hội hoa quan trọng này, Lâm Đồng chỉnh trang đô thị, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, mở rộng các nút giao thông trọng điểm và lắp đặt đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt… Đến nay đang các công trình nói trên đang dần được hoàn thiện.

Ngày 11/11, UBND huyện Lạc Dương cho biết, “Mùa hội cỏ hồng Langbiang” năm nay sẽ bị hủy bỏ do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Mặc dù không tổ chức mùa hội nhưng huyện Lạc Dương vẫn tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, tham quan, chụp ảnh tại khu vực đồi cỏ hồng, rừng thông và hồ Đan kia - Suối Vàng.

XM/Báo Tin tức
Đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu khoảng 35% lực lượng lao động có bằng cấp, chứng chỉ
Đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu khoảng 35% lực lượng lao động có bằng cấp, chứng chỉ

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng. Đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu khoảng 35% lực lượng lao động có bằng cấp, chứng chỉ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN