Ngày 1/12, Việt Nam có 14.508 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, thêm 196 ca tử vong
Tính từ 16 giờ ngày 30/11 đến 16 giờ ngày 1/12, Việt Nam ghi nhận 14.508 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có thêm 196 ca tử vong, có 2.704 bệnh nhân khỏi bệnh.
Trong số các ca nhiễm mới có 2 ca nhập cảnh và 14.506 ca ghi nhận trong nước (tăng 540 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 8.081 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh với số mắc như sau: TP Hồ Chí Minh (1.675), Cần Thơ (989), Sóc Trăng (757), Bà Rịa - Vũng Tàu (756), Tây Ninh (729), Bình Dương (642), Đồng Tháp (610), Vĩnh Long (585), Bình Thuận (584), Bình Phước (515), Đồng Nai (509), Cà Mau (507), Kiên Giang (479), Hà Nội (467), Bến Tre (419), Bạc Liêu (402), Khánh Hòa (365), Đắk Lắk (342), Hậu Giang (291), An Giang (244), Trà Vinh (240), Bình Định (234), Lâm Đồng (222), Tiền Giang (142), Thừa Thiên Huế (141), Hải Phòng (141), Bắc Ninh (106), Thanh Hóa (104), Đà Nẵng (99), Long An (82), Đắk Nông (82), Thái Nguyên (79), Nghệ An (78), Ninh Thuận (76), Hà Giang (68), Hưng Yên (67), Phú Thọ (64), Quảng Nam (56), Nam Định (52), Phú Yên (51), Quảng Ngãi (50), Gia Lai (47), Hải Dương (46), Hà Tĩnh (31), Thái Bình (30), Quảng Bình (29), Tuyên Quang (29), Vĩnh Phúc (26), Quảng Ninh (23), Yên Bái (22), Lạng Sơn (21), Hòa Bình (18), Quảng Trị (17), Kon Tum (15), Cao Bằng (15), Hà Nam (11), Bắc Giang (11), Điện Biên (8 ), Lào Cai (4), Sơn La (2).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Bạc Liêu (giảm 135 ca), Bà Rịa – Vũng Tàu (giảm 104 ca), Tiền Giang (giảm 58 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Đắk Lắk (tăng 202 ca), TP Hồ Chí Minh (tăng 178 ca), Cà Mau (tăng 130 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 13.390 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.252.590 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.707 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.247.358 ca, trong đó có 989.235 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Yên Bái, Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (472.133 ca), Bình Dương (282.873 ca), Đồng Nai (87.755 ca), Long An (38.323 ca), Tiền Giang (29.357 ca).
Trong ngày 1/12, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 2.704 ca.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 992.052 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.497 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 30/11 đến 17 giờ 30 ngày 1/12, cả nước ghi nhận 196 ca tử vong tại các địa phương:
Tại TP Hồ Chí Minh có 68 ca, trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến gồm: Long An (2), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), An Giang (1), Quảng Bình (1), Bình Định (1).
Tại các tỉnh, thành phố khác gồm: Đồng Nai (20), Bình Dương (19), An Giang (17), Tây Ninh (13), Kiên Giang (13), Tiền Giang (8 ), Đồng Tháp (6), Cần Thơ (6), Bạc Liêu (5), Bình Thuận (4), Long An (4), Vĩnh Long (3), Sóc Trăng (2), Bến Tre (2), Cà Mau (2), Hà Nội (1), Phú Thọ (1), Trà Vinh (1), Khánh Hoà (1).
Triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại vaccine phòng COVID-19 từ tháng 12/2021
Ngày 1/12, Bộ Y tế ban hành văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế (Bộ Công an); Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Công văn của Bộ Y tế cho biết, thực hiện chiến lược tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, công tác tiêm chủng đã được triển khai tại Việt Nam từ tháng 3/2021 cho các đối tượng ưu tiên và mở rộng ra cho các đối tượng khác.
Đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 120 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi, trong đó đã có hơn 94% người được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và gần 68% người tiêm đủ 2 liều; một số tỉnh, thành phố đã tiêm đủ 2 mũi cho khoảng 80 - 90% số người trên 18 tuổi trên địa bàn.
Theo Bộ Y tế, để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, theo khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
Uu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
Tiêm liều bổ sung vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine). Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV. Người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng... Loại vaccine tiêm cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA.
Về khoảng cách, tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine.
Tiêm liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng sau: Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền. Người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế. Người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.
Loại vaccine nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA;nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA.
Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine véc tơ virus (vaccine Astrazeneca)
Khoảng cách: tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.
Theo Bộ Y tế, vaccine sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Liều lượng vaccine để tiêm bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép.
Triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12/2021 căn cứ vào tiến độ cung ứng vaccine
Tiếp nhận sớm, điều trị F0 tại nhà chặt chẽ để giảm số ca tử vong do COVID-19
Chiều 1/12, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Y tế, một số bệnh viện trung ương và các địa phương khu vực phía Nam gồm: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang… về công tác điều trị, giảm tử vong do dịch COVID-19.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Tính đến 17 giờ ngày 30/11, cả nước ghi nhận 1.243.512 ca mắc COVID-19, trong đó, trên 1 triệu ca khỏi bệnh, chiếm 80,5% tổng số ca; 101.405 ca theo dõi và điều trị tại nhà; trên 99.000 ca điều trị tại các bệnh viện. Số ca nặng, nguy kịch cần thở oxy là 4.056 ca (chiếm 4%) tổng số ca đang điều trị; 1.014 ca thở máy, chiếm 1,9% tổng số ca đang điều trị. Về đặc điểm lâm sàng, số ca triệu chứng nhẹ, không triệu chứng chiếm tỷ lệ tương đối cao 85%; mức độ nặng, nguy kịch chiếm khoảng 5,8% (hơn 5.700 ca).
Hiện có 25.365 ca tử vong tại 46 tỉnh, thành phố, trong đó, TP Hồ Chí Minh cao nhất với 18.046 ca (71%); Bình Dương 2.733 ca (10,8 %), Đồng Nai 752 ca (3%), Long An 615 ca (2,4%), Tiền Giang 237 ca (2,1%)… “13% số ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh chuyển thẳng từ các địa phương về, không điều trị hoặc nhập viện tại địa phương. Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện quản lý tiếp nhận, thu dung điều trị chặt chẽ theo phương châm tại chỗ, tránh đổ dồn về TP Hồ Chí Minh nhiều”, ông Nguyễn Trọng Khoa nêu.
So với thế giới, tỷ lệ chết/mắc công bố của Việt Nam 2%, tương đương trung bình của thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong đứng thứ 9/49; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương bảo đảm đầy đủ trang thiết bị bảo hộ an toàn cho đội ngũ nhân viên y tế cũng như chế độ, chính sách. Trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, bên cạnh thuốc điều trị, cần lưu ý đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng, động viên, chăm sóc về tinh thần.
Bộ Y tế khẩn trương phân bổ thuốc điều trị, nhất là thuốc kháng virus cho các địa phương; hoàn thiện quy trình điều trị tại nhà, trong đó có cơ chế giám sát y tế đến từng bệnh nhân, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm.
Phó Thủ tướng yêu cầu, không để bệnh nhân ở nhà mà không được thăm khám từ xa mà phải kết hợp với chăm sóc trên thực địa. Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở, trung tâm điều trị đủ lớn, nhiều tầng trong tình huống ca bệnh tăng lên để khắc phục bất cập trong công tác chuyển tuyến giữa các bệnh viện khác nhau.
Phó Thủ tướng đề nghị, các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm vét vaccine cho đối tượng người già, người có bệnh nền. Bộ Y tế lên kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3; khẩn trương tham khảo ý kiến của các chuyên gia, tổ chức y tế quốc tế về khoảng thời gian tiêm giữa mũi 2 và mũi 3.
Đại diện WHO tại Việt Nam nói gì về việc gia hạn sử dụng vaccine phòng COVID-19 của Pfizer
Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam vừa có trả lời về việc gia hạn sử dụng vaccine phòng COVID-19 Pfizer.
Ngày 31/12/2020, WHO đã phê duyệt vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19 và đưa vào Danh sách Sử dụng khẩn cấp của WHO. Đây là vaccine đầu tiên được WHO phê duyệt.
Ngày 8/1/2021, WHO đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng và các yêu cầu bảo quản đối với vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19 như sau: Vaccine dùng cho người từ 16 tuổi trở lên; hai liều cách nhau từ 21 đến 28 ngày; mỗi liều dung tích 0,3 ml, hàm lượng 30 microgram, tiêm bắp ở cơ Delta; bảo quản trong môi trường tủ âm sâu tới 6 tháng. Những khuyến nghị này dựa trên dữ liệu khoa học có được vào thời điểm đó.
Nhà sản xuất đã tiếp tục nghiên cứu và phát triển sau giai đoạn phê duyệt ban đầu. Các cơ quan quản lý vaccine quốc gia đã cập nhật các điều kiện phê duyệt sau khi xem xét các bằng chứng và dữ liệu khoa học mới do nhà sản xuất cung cấp.
Cập nhật gồm có: Mở rộng nhóm tuổi tiêm từ 16 tuổi trở lên thêm nhóm từ 12 tuổi trở lên; tăng hạn sử dụng từ 6 tháng lên 9 tháng.
WHO đã xem xét và phê duyệt các điều kiện cập nhật này. WHO đồng ý phê duyệt gia hạn sử dụng vào tháng 8/2021 và việc gia hạn sử dụng lên 9 tháng áp dụng với tất cả các loại vaccine Pfizer được sản xuất kể từ khi được phê duyệt đầu tiên vào cuối tháng 12 năm 2020.
Thanh Hóa: Đưa 80 học sinh phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 nhập viện theo dõi
Tối 1/12, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Hoằng Hóa cho biết: Trong 2 ngày 1 và 2/12, huyện Hoằng Hóa tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho 6.690 học sinh ở độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi tại 37 xã, thị trấn.
Sau ngày tiêm đầu tiên, tại địa phương này ghi nhận 86 học sinh có phản ứng sau tiêm, phải nhập viện theo dõi.
Theo đó, có 38 học sinh được theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa (thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa), 44 học sinh theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Hải Tiến (xã Hoằng Ngọc), 4 học sinh theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Hàm Rồng (xã Hoằng Quý).
Được biết, sau tiêm, các em học sinh này có biểu hiện phổ biến là buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, ớn lạnh nên các nhà trường và gia đình đã đưa các em đến các cơ sở y tế gần nhất. Sau khi được chăm sóc y tế, hiện sức khỏe và tâm lý của các em đã ổn định. Các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Hoằng Hóa sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe cho các em học sinh, bảo đảm an toàn, hiệu quả tiêm phòng.
Được biết trong 2 ngày 1 và 2/12, tỉnh Thanh Hoá đồng loạt triển khai tiêm 117.000 liều vaccine Pfizer phòng COVID-19 cho trẻ từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Do các đối tượng tiêm chủng chủ yếu là học sinh tại các trường trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nên các địa phương đều bố trí các điểm tiêm lưu động tại các trường học. Riêng học sinh có bệnh lý nền sẽ được tổ chức tiêm tại cơ sở y tế.
Nhiều địa phương triển khai các giải pháp khi phát hiện ca mắc mới và số ca mắc tăng cao
Trung tâm chỉ huy phòng, chống COVID-19 tỉnh Lào Cai cho biết, ngày 1/12, Lào Cai ghi nhận thêm 4 ca mắc mới, trong đó, có 2 ca bệnh chưa rõ nguồn lây, đều là giáo viên trên địa bàn huyện Mường Khương.
Liên quan đến 4 ca bệnh này, lực lượng chức năng đã truy vết, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm được 355 trường hợp F1.
Tại Bình Định, ngày 1/12, UBND thành phố Quy Nhơn đã có thông báo về việc áp dụng các biện pháp hành chính trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tương ứng với cấp độ dịch trên địa bàn thành phố (cấp độ 3 – vùng vàng).
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn Nguyễn Phương Nam, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Định nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch gắn với việc tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất trên địa bàn, UBND thành phố Quy Nhơn quyết định tạm ngừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: karaoke, massage, internet, trò chơi điện tử, làm đẹp, gym, fitness, yoga, aerobic, khiêu vũ, bida… từ 0 giờ ngày 2/12 cho đến khi có thông báo mới.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Định, trong ngày 1/12, tỉnh Bình Định ghi nhận thêm 195 ca bệnh mới (riêng thành phố Quy Nhơn có 70 ca, nâng tổng số ca mắc lên 1.648 ca). Tính từ ngày 28/6/2021, đến nay, tỉnh Bình Định ghi nhận 4.418 người mắc COVID-19, trong đó 2.686 người đã khỏi bệnh, 23 người tử vong và 1.709 người đang điều trị.
Tại TP Hồ Chí Minh, theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở vừa có công văn gửi đến UBND TP Hồ Chí Minh, Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh về việc tiếp tục hỗ trợ lực lượng y tế thuộc Bộ Quốc phòng tham gia Trạm y tế lưu động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến hết tháng 12/2021.
Hiện nay, ngành y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện và TP Thủ Đức đang xây dựng lộ trình đảm bảo nhân sự tại chỗ để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình Trạm y tế lưu động khi lực lượng quân y rời khỏi thành phố.
Tuy nhiên, đến ngày 29/11/2021 vẫn còn nhiều quận, huyện và thành phố Thủ Đức có số ca F0 đang cách ly tại nhà ở mức tương đối cao, tập trung cao nhất là thành phố Thủ Đức với 20.522 người; kế đến là huyện Hóc Môn (8.147 người), huyện Bình Chánh (7.166 người), Quận 12 (6.327 người), Bình Tân (4.210 người), Gò Vấp (3.973 người), Tân Phú (4.829 người) và huyện Nhà Bè (1.181 người).
Trước tình hình trên, Sở Y tế kiến nghị UBND Thành phố đề xuất Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ duy trì hoạt động 85 trạm y tế lưu động với số lượng 153 nhân viên y tế trên địa bàn thành phố đến hết tháng 12/2021.
Tại Bình Phước, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước vừa ký ban hành phân loại cấp độ dịch trên địa bàn từ ngày 1/12. Theo đó, toàn tỉnh ở cấp độ 2; có 3/11 huyện ở cấp độ 3. Đáng chú ý, 15 xã ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), tăng 7 xã so với lần điều chỉnh trước đó vào ngày 24/11.
Theo Trung tâm Chỉ huy công tác phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Phước, từ ngày 23-30/11, trên địa bàn ghi nhận 2.871 ca mắc, tăng 1.249 ca so với tuần trước. Đặc biệt, có đến 1.316 ca được phát hiện qua sàng lọc trong cộng đồng.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường đề nghị, các cấp, ngành kiểm soát chặt việc thực hiện quy định phòng, chống dịch; triển khai rộng việc cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà để giảm áp lực cho hệ thống y tế.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tính đến trưa 1/12 là 8.597 ca, trong đó có 4.638 ca đang điều trị.
Tại Trà Vinh, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa quyết định thành lập thêm 3 cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 nhẹ và không có triệu chứng ở huyện Cầu Kè, với tổng quy mô 190 giường bệnh.
Các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè phụ trách chuyên môn, được đặt tại Trường Tiểu học Tam Ngãi, Trường Mầm non Tam Ngãi (xã Tam Ngãi) và Trường Tiểu học Phong Thạnh A (xã Phong Thạnh).
Trước đó, tỉnh Trà Vinh đã thành lập 10 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải và thành phố Trà Vinh.
Gần 1 tháng nay, số ca mắc COVID-19 ở Trà Vinh liên tục ở mức cao, khiến khả năng điều trị tập trung tại các bệnh viện dã chiến và các cơ sở, khu thu dung điều trị của tỉnh quá tải. Hơn 10 ngày gần đây, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện điều trị F0 tại nhà, với tổng số trên 1.800 bệnh nhân.
Tại Đà Nẵng, chiều 1/12, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng xác nhận, trên địa bàn thành phố ghi nhận một trường hợp nữ giáo viên dương tính với SARS-CoV-2.
Theo đó, giáo viên này dạy bộ môn tiếng Anh tại Trường Trung học Phổ thông Trần Phú, quận Hải Châu.
Trong ngày 29 và 30/11, nữ giáo viên trên giảng dạy trực tiếp tại hai lớp 10 và hai lớp 11 của trường. Đến ngày 1/12, khi có kết quả dương tính, cô giáo này đã thông báo với nhà trường. Ban giám hiệu Trường Trung học Phổ thông Trần Phú đã tạm thời chuyển 4 lớp học nói trên sang hình thức học trực tuyến từ sáng cùng ngày.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết thêm, học sinh thuộc 4 lớp này sẽ được ngành Y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nơi cư trú.
Ngoài ra, một số giáo viên của trường có tiếp xúc với cô giáo trên được xét nghiệm và thực hiện một số biện pháp theo dõi sức khỏe theo khuyến cáo của ngành y tế.