Cả nước có 13.063 ca mắc mới, TP Hồ Chí Minh vẫn đứng đầu
Tính từ 16 giờ ngày 26/11 đến 16 giờ ngày 27/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.063 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, 148 ca tử vong.
Trong các ca nhiễm mới có 15 ca nhập cảnh và 13.048 ca ghi nhận trong nước (có 7.160 ca trong cộng đồng). TP Hồ Chí Minh vẫn đứng đầu ca nhiễm mới (1.773 ca), tiếp đến Cần Thơ (954 ca), Bình Dương (716 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (697 ca), Tây Ninh (672 ca), Đồng Tháp (604 ca), Bạc Liêu (574 ca), Đồng Nai (567 ca), Bình Thuận (562 ca), Vĩnh Long (539 ca), Sóc Trăng (449 ca), Kiên Giang (427 ca), Cà Mau (422 ca)…
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (giảm 236 ca), Bình Phước (giảm 132 ca), An Giang (giảm 63 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (tăng 88 ca), Bình Thuận (tăng 66 ca), Bình Định (tăng 65 ca).Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 11.667 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.197.404 ca nhiễm. Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.192.200 ca, trong đó có 954.107 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP Hồ Chí Minh (465.953 ca), Bình Dương (280.203 ca), Đồng Nai (85.631 ca), Long An (37.938 ca), Tiền Giang (24.483 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 144 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 24.692 ca, chiếm tỷ lệ 2,1% so với tổng số ca nhiễm, cao hơn trung bình của thế giới là 0,1%.
Trong ngày 26/11 có 1.359.412 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 117.691.092 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 69.309.495 liều, tiêm mũi 2 là 48.381.597 liều.
Ngày 27/11, Việt Nam tiếp nhận hơn 2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer do Mỹ tài trợ. Đến nay Mỹ đã trao tặng hơn 18 triệu liều vaccine thông qua cơ chế COVAX nhằm hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19.
Lo ngại dịch tăng nhanh, Bình Dương đẩy mạnh hoạt động y tế tại cơ sở
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, ngày 27/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 716 ca mắc mới qua xét nghiệm RT-PCR và đã có đầy đủ các thông tin dịch tễ. Số ca mắc toàn tỉnh tăng 1,3% so với ngày 26/11.
Các địa phương có số ca mắc tăng là huyện Dầu Tiếng, thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An và huyện Bắc Tân Uyên. Các ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa (64,8%) và qua sàng lọc cộng đồng (12,4%).
Đáng quan tâm, hiện có 434 bệnh nhân đang điều trị ở tầng 3; trong đó 32 bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC, 168 bệnh nhân thở oxy qua mặt nạ và oxy mũi. Trong ngày, ghi nhận thêm 11 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số lên 2.676 người tử vong do COVID-19.
Trước tình hình các ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu tăng, Sở Y tế tỉnh Bình Dương yêu cầu Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố rà soát, cập nhật, công bố công khai cho người dân tiếp cận thông tin đường dây nóng của các trung tâm y tế, trạm y tế, đặc biệt là trạm y tế lưu động. Qua đó, giúp người dân được tiếp cận thông tin y tế nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ những F0 điều trị tại nhà, tránh chuyển nặng, tử vong.
Đến nay, tỉnh Bình Dương có 162 trạm y tế lưu động. Trong đó, 99 trạm ở xã, phường, 43 trạm trong khu công nghiệp và 20 tổ y tế lưu động của quân y.
Sóc Trăng cấp bách phòng, chống dịch COVID-19
Tại Sóc Trăng, chỉ trong 3 ngày gần đây, toàn tỉnh có trên 1.800 ca mắc mới. Riêng ngày 27/11, có đến 714 ca mới với 486 ca là F0 sàng lọc trong cộng đồng. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Sóc Trăng có Công văn hỏa tốc về việc triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết. Phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền, người già, trẻ em, người chưa tiêm đủ liều vaccine hạn chế đến những nơi công cộng để phòng ngừa bị lây nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, tổ chức quản lý chặt chẽ các trường hợp F0, F1 tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế (có hồ sơ bệnh án, phát thuốc và hướng dẫn sử dụng, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm, căng dây, gắn bảng...); các Trạm y tế bố trí trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, xử lý các trường hợp F0, F1, đáp ứng kịp thời yêu cầu hỗ trợ y tế của nhân dân.
Tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ đạo tạm dừng hoạt động các chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra, vào địa bàn huyện, thị xã, thành phố; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch, việc tuân thủ thông điệp 5K; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đăng tải trên các phương tiện truyền thông để nhắc nhở mọi người.
Theo Sở Y tế Sóc Trăng, đến hết ngày 27/11, toàn tỉnh ghi nhận 15.656 ca mắc COVID-19, có trên 10.200 ca khỏi bệnh, 98 người tử vong. Tỉnh Sóc Trăng có gần 95% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 1 và hơn 78% được tiêm mũi 2.
Hải Phòng: Nhiều doanh nghiệp phát hiện ca mắc COVID-19
Theo thành phố Hải Phòng, huyện Tiên Lãng có 24 doanh nghiệp với 12.000 công nhân; hiện 5 doanh nghiệp đã xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2, bao gồm: Công ty S.V, thị trấn Tiên Lãng; Công ty O.V, xã Bắc Hưng; Xưởng may ông V.V.H, xã Toàn Thắng; Công ty EVG, xã Tiên Thắng; Xưởng may S.L, xã Toàn Thắng.
Ngày 27/11, huyện Tiên Lãng phát hiện thêm 65 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc từ ngày 22/11 đến nay là 125 ca, trong đó xã Tiên Minh 76 ca, xã Toàn Thắng 33 ca.
Huyện Tiên Lãng đang tích cực khoanh vùng, truy vết các trường hợp F1 và F2 liên quan đến các ca mắc COVID-19 trên địa bàn; theo dõi, giám sát, cách ly các trường hợp F1 và F2 tại địa phương theo đúng quy định; tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm cho những công dân có biểu hiện sốt, ho, khó thở...
Bình Định phát hiện 23 ca không rõ nguồn lây
Tính đến 6 giờ sáng 27/11, Bình Định ghi nhận thêm 186 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 3.652 người. Đặc biệt, xã miền núi cao Canh Liên của huyện Vân Canh phát hiện 23 ca mắc COVID-19 không rõ nguồn lây. Đây là số ca mắc COVID-19 mới ghi nhận trong ngày cao nhất từ trước đến nay ở tỉnh này. Phần lớn các ca COVID-19 này được phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng tại hàng chục ổ dịch nguy hiểm ở các địa phương.
Trong đó, thành phố Quy Nhơn nhiều nhất với 98 ca, thị xã An Nhơn 26 ca; huyện Tuy Phước 14 ca, huyện Phù Mỹ 13 ca… Đặc biệt, xã miền núi cao Canh Liên của huyện Vân Canh phát hiện 23 ca mắc COVID-19 (phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số) trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây.
Ngành y tế và chính quyền địa phương đã khẩn trương phong tỏa tạm thời xã Canh Liên, thực hiện xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho người dân toàn xã; đồng thời tăng cường lực lượng cán bộ y tế, thiết lập Trạm Y tế lưu động tại địa bàn làng Canh Tiến (xã Canh Liên), tiến hành truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời.
Sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị COVID-19 ở trong nước
Sáng 27/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, đơn vị nhằm rà soát lại tình hình và thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.
Theo Bộ Y tế, đến ngày 25/11, cả nước đã tiêm được khoảng 116,4 triệu liều vaccine phòng, chống COVID-19; trong đó có 69 triệu liều mũi 1 và 47,4 triệu liều mũi 2. Hiện nay, Việt Nam đang chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm các loại vaccine phòng COVID-19 gồm: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, Shionogi và một số loại vaccine của Cuba, Ấn Độ... Có 6 nhà máy nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19.
Đặc biệt, hiện nay có đơn vị đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1,2,3 đối với một số thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất phát từ các bài thuốc, vị thuốc cổ truyền để phòng và điều trị COVID-19. Kết quả giai đoạn 2 cho thấy các thuốc cổ truyền có tính an toàn, về hiệu quả cần được tiếp tục chứng minh trong các nghiên cứu giai đoạn 3 với cỡ mẫu lớn hơn.
Bộ Y tế và các bộ, ngành, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ để việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, diễn biến dịch COVID-19 còn rất phức tạp cả trên thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 thì một trong những yếu tố quan trọng là phải thực hiện phòng, chống dịch theo đúng công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các giải pháp khác”. Trong đó vaccine, thuốc điều trị có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm của Đảng, Nhà nước là sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị COVID-19 ở trong nước để chủ động phòng, chống dịch bệnh, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, trí tuệ, của con người Việt Nam, nhất là truyền thống sáng tạo của ngành dược, ngành y tế trong sản xuất vaccine, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân...