Tổng hợp COVID-19 14/7: TP Hồ Chí Minh lập kỷ lục mới với 2.229 ca mắc

Trong ngày 14/7, Việt Nam ghi nhận 2.934 ca mắc mới, riêng TP Hồ Chí Minh lập kỷ lục mới với 2.229 ca; Pfizer cam kết cung ứng bổ sung 20 triệu liều vaccine COVID-19 cho trẻ 12 - 18 tuổi; F0 có tải lượng virus thấp mới được cách ly tại nhà; TP Hồ Chí Minh bác bỏ thông tin phong toả toàn thành phố từ 0 giờ ngày 15/7… là những thông tin nổi bật trong ngày 14/7.

Trong ngày 14/7, cả nước ghi nhận 2.934 ca mắc mới, TP Hồ Chí Minh lập kỷ lục với 2.229 ca

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN

Tính từ 18 giờ ngày 13/7 đến 6 giờ ngày 14/7 có 909 ca mắc mới (BN34501-35409) gồm 4 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bình Định và 905 ca ghi nhận trong nước tại: TP Hồ Chí Minh (666 ca), Đồng Nai (80 ca), Khánh Hoà (44 ca), Bến Tre (43 ca), Bà Rịa – Vũng Tàu (19 ca), Phú Yên (18 ca), Vĩnh Long (17 ca), Ninh Thuận (4 ca), Tây Ninh (4 ca), Kiên Giang (2 ca), Huế (2 ca), An Giang (2 ca), Bắc Ninh (2 ca), Sóc Trăng (1 ca), Bình Định (1 ca). Trong đó, 688 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Xem chi tiết các ca mắc tại đây.

Từ 6 giờ đến 12 giờ 30 phút ngày 14/7, Việt Nam có 1.196 ca mắc mới COVID-19 (BN35410-36605), đều là ca ghi nhận trong nước tại: TP Hồ Chí Minh (971 ca), Tiền Giang (115 ca), Đồng Tháp (91 ca), Phú Yên (8 ca), Bến Tre (3 ca), Bắc Giang (2 ca), Huế (1 ca), Vĩnh Phúc (1 ca) Lào Cai (1 ca), Lâm Đồng (1 ca), Nghệ An (1 ca), Hà Nội (1 ca). Trong đó, 1.095 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Xem chi tiết các ca mắc tại đây.

Từ 12 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút ngày 14/7, Việt Nam có 829 ca mắc mới COVID-19 (BN36606-37434) gồm 6 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thanh Hóa (3 ca), Quảng Nam (2 ca), Hà Nội (1 ca) và 823 ca ghi nhận trong nước tại: TP Hồ Chí Minh (592 ca), Bình Dương (73 ca), Đồng Tháp (42 ca), Đồng Nai (38 ca), Đà Nẵng (15 ca), Sóc Trăng (12 ca), Bình Thuận (9 ca), Kiên Giang (9 ca), Cần Thơ (8 ca), Phú Yên (6 ca), Hà Nội (4 ca), Quảng Ngãi (4 ca), Nghệ An (3 ca), Trà Vinh (2 ca), Hà Tĩnh (1 ca), Cà Mau (1 ca), Bắc Giang (1 ca), Bắc Ninh (1 ca), Lạng Sơn (1 ca), Bình Phước (1 ca). Trong đó, 726 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả. Xem chi tiết các ca mắc tại đây.

Cũng trong ngày 14/7, cả nước có thêm 71 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 9.624 ca; 3 ca tử vong.

Số ca đang điều trị âm tính với SARS-CoV-2 là 502 ca.

Có 11 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình.

Có 7 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Bắc Kạn, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đắk Nông, Quảng Nam, Nam Định, Lào Cai.

Tổng cộng đến nay, cả nước đã thực hiện tiêm chủng 4.079.066 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó: Số người đã được tiêm 1 mũi là 3.795.182 người; số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 283.884 người.

Pfizer cam kết cung ứng bổ sung 20 triệu liều vaccine COVID-19 cho trẻ 12 - 18 tuổi

Bộ Y tế và Pfizer Việt Nam đã đạt được thoả thuận về việc Pfizer cung ứng bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine COVID-19 để tiêm chủng cho trẻ em từ 12 -18 tuổi.

Sáng ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc trực tuyến với ông John Paul Pullicino - Tổng giám đốc Công ty TNHH Pfizer Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và các đại biểu tại điểm cầu Bộ Y tế. Ảnh:Trần Minh

Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã thoả thuận, đàm phán ban đầu với Pfizer về việc cung ứng, bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin COVID-19 để tiêm chủng cho trẻ em từ 12 -18 tuổi. Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu trẻ em trong độ tuổi này.

Phía Pfizer cam kết đảm bảo cung ứng 20 triệu liều vắc xin này trong quý IV/2021 để Việt Nam kịp thời triển khai tiêm chủng. Bộ Y tế đánh giá đây là tín hiệu tốt trong tình hình hiện nay. Thông tin từ cuộc họp cũng cho biết, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 1 triệu liều vắc xin COVID-19 trong tháng 7; 3,4 triệu liều trong 2 tháng 8 và 9. Tiếp đó, khoảng 27 triệu liều vắc xin còn lại sẽ được cung ứng trong quý IV/2021. Như vậy, cùng với 20 triệu liều vắc xin COVID-19 bổ sung để tiêm cho trẻ em, tổng cộng trong quý IV/2021, Pfizer sẽ cung ứng khoảng 47 triệu liều vắc xin COVID-19 cho Việt Nam.

Với lượng vắc xin COVID-19 cung ứng nhiều trong quý IV rất lớn, Bộ Y tế đề nghị Pfizer sớm cung ứng đủ 31 triệu liều vaccine trong hợp đồng đã ký kết ngay trong quý III/2021 để đáp ứng nhu cầu hiện nay, đồng thời giảm tải cho công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong quý IV/2021.

TP Hồ Chí Minh bác bỏ thông tin phong toả toàn thành phố từ 0 giờ ngày 15/7

Trưa 14/7, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, những thông tin về việc TP Hồ Chí Minh sẽ phong toả toàn thành phố dẫn đến khan hiếm thực phẩm là sai sự thật, xuyên tạc. Người dân cần cảnh giác trước các thông tin này.

Trước đó, ngày 13/7 trên mạng xã hội lan truyền những hình ảnh được cho là của người nhà bác sĩ đang trực tiếp tham gia điều trị COVID-19 và tin nhắn của cán bộ UBND TP Hồ Chí Minh nhắn ra bên ngoài với nội dung "tình hình dịch TP Hồ Chí Minh không thua Ấn Độ và hai tuần nữa sẽ rất thê thảm, dặn người nhà trữ thêm đồ ăn và ở yên trong nhà".

Ngoài ra, còn có một số thông tin lan truyền như: "TP Hồ Chí Minh sẽ đóng cửa "thiết quân luật" không cho người dân ra đường và dừng toàn bộ nhà máy sản xuất từ 0 giờ ngày 15/7". Những tin nhắn này đang khiến một bộ phận người dân hoang mang và đã đổ xô đi mua trữ hàng hóa trong sáng 14/7.

Không chỉ thế, thông tin còn cho rằng lãnh đạo thành phố bị nhiễm COVID-19... Tuy nhiên, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy khẳng định những thông tin trên đều sai sự thật, xuyên tạc.

Gần 1.000 nhân viên y tế cùng vaccine Pfizer bay vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã quyết định cử các đoàn công tác tình nguyện vào thành phố để cùng người dân tham gia công tác phòng chống dịch.

Chú thích ảnh
Gần 1.000 nhân viên y tế cùng vaccine Pfizer bay vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, gần 1.000 y bác sĩ từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế… bay vào TP Hồ Chí Minh từ ngày 12/7 đến ngày 20/7/2021 để tham gia hỗ trợ vào các công tác xét nghiệm tầm soát, tiêm chủng và phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, nhằm nâng cao hiệu suất tối đa công tác điều trị.

Các y bác sĩ sẽ được chuyên chở trên các chuyến bay Vietjet từ khắp cả nước đến TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ các hỗ trợ của hãng cùng Chính phủ, Bộ Y tế và người dân phòng chống dịch.

Trong ngày 13/7, chuyến bay VJ165 của Vietjet từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh cũng mang theo những lô vaccine Pfizer, đây là số vaccine được phân bổ cho TP Hồ Chí Minh để nhanh chóng thực hiện mục tiêu tiêm chủng trong giai đoạn cao điểm. Tại buổi làm việc chiều 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu rõ sẽ ưu tiên khoảng 25% tổng số vaccine phòng COVID-19 của cả nước cho TP Hồ Chí Minh, để đến hết tháng 7/2021 tiêm ít nhất khoảng 2 triệu liều cho người dân thành phố.

TP Hồ Chí Minh: Siêu thị hết hàng cục bộ là do có tình trạng đầu cơ, tích trữ

Theo đại diện các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, hiện lượng khách đến mua hàng tại các siêu thị đã giảm hơn so với hai ngày đầu thành phố thực hiện giãn cách. Tuy nhiên, một số cửa hàng tiện lợi vẫn hết hàng cục bộ do xuất hiện tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh cam kết cung cấp đủ hàng hoá cho người dân trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Ngày 13/7, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, dù chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong công tác vận tải, vận chuyển, xét nghiệm, khó khăn hàng hóa và nhân sự nhưng những ngày qua, đơn vị không tăng giá hàng hóa, để chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người dân. Tuy nhiên, lợi dụng việc giá cả siêu thị bình ổn và nhu cầu tiêu dùng tăng cao, một số cá nhân đã mua gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán để trục lợi. Điều này khiến một vài mặt hàng hết cục bộ, không bổ sung kịp, làm người dân có nhu cầu thật sự lại không mua được hàng.

Điển hình, nhiều cá nhân vào siêu thị gom hàng mặt hàng trứng gà ra ngoài bán giá gấp đôi, gấp ba. Do đó, các siêu thị buộc phải treo bảng hạn chế số lượng trứng được mua trong một lần để giúp càng nhiều người mua được hàng.

Trong chiều 14/7, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày qua có phát sinh tình trạng một số cá nhân mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả... tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hoặc mua hàng nông sản của thương lái các tỉnh, mua lại tiểu thương của chợ đầu mối sau đó bán tại lề đường, đầu hẻm, tuyến phố gần chợ truyền thống, khu dân cư với giá cao. Điều này làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn thành phố, gây bức xúc trong nhân dân và vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch.

Đặc biệt các hành vi này vi phạm quy định phòng dịch tại thành phố, có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch. Điều này được quy định xử phạt tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thuộc thẩm quyền xử phạt của lực lượng Quản lý thị trường.

Để ngăn chặn tình hình nêu trên và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh yêu cầu Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường chủ động và phối hợp lực lượng chức năng làm việc ngay với Ban Quản lý các trung tâm thương mại, siêu thị, người quản lý cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đang hoạt động, về tình hình nêu trên để phối hợp ngăn chặn và xử lý.

Đồng thời, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh yêu cầu Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường thông tin, niêm yết số điện thoại đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và một số điểm công cộng để kịp thời tiếp nhận thông tin, xử lý theo quy định. Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường cần chủ động phối hợp ngay với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng để tuyên truyền, vận động người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ; vận động doanh nghiệp và người buôn bán không tăng giá bất hợp lý; kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch nêu trên.

Hà Nội triển khai 22 chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại các cửa ngõ lớn ra vào Thủ đô

Sáng 14/7, công an thành phố Hà Nội chủ trì phối hợp với Sở Giao thông, Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai 22 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa ngõ lớn ra vào Thủ đô.

Chú thích ảnh
Lực lượng CSGT kiểm tra giấy tờ chủ phương tiện giao thông đi từ tỉnh ngoài muốn vào TP Hà Nội tại Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Km188), huyện Thanh Trì. Ảnh: TTXVN

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình, diễn biến mới, sáng 14/7/2021, công an thành phố chủ trì phối hợp với Sở Giao thông, Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai 22 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa ngõ lớn ra vào Thủ đô.

Việc lập các chốt này để kiểm soát toàn bộ lưu lượng phương tiện vận tải hành khách, gắn với di biến động của lực lượng lao động, người dân giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt các tỉnh, thành phố đang có dịch nhưng không gây ách tắc phương tiện vận tải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức cao nhất trong điều kiện dịch bệnh.

Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại chốt số 2 (Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ); chốt số 6 (Đê Bát Tràng, huyện Gia Lâm); chốt số 8 (Nút giao quốc lộ 5B - Cổ Linh, quận Long Biên); chốt số 12 (Km422+057 đường Hồ Chí Minh, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ)... cho thấy, nhiều xe ô tô đi từ vùng có dịch đến, đã phải quay đầu do thiếu các giấy tờ theo quy định về phòng, chống dịch. Cũng nhiều trường hợp lái xe khi kiểm tra tại chốt có nhiệt độ bất thường, đều được lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại chỗ.

Hà Nội chuẩn bị kỹ cho đợt tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Hà Nội đang tích cực triển khai các hoạt động trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, với các biện pháp để đảm tiến độ và an toàn.

Về phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hà Nội cho biết: “Hà Nội đã xây dựng phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên quy mô lớn theo phương châm "tiêm chủng sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất", trong đó mục tiêu an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu. Hà Nội cũng đã chuẩn bị phương án sẵn sàng 1.200 dây chuyền tiêm. Nếu nguồn cung vaccine bảo đảm, Hà Nội phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày, đồng thời, huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm”.

Theo đó, Hà Nội dự kiến số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (từ 18- 65 tuổi) là trên 5,1 triệu người, và mở rộng sang các đối tượng khác. Các đối tượng tiêm được chia thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vaccine.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, theo quy định, vaccine phòng COVID-19 chỉ tiêm cho đối tượng từ 18- 65 tuổi. Tuy nhiên, người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng. Những trường hợp này nên lưu ý, khi đăng ký tiêm chủng trực tuyến cần điền thông tin cụ thể vào cột (trên 65 tuổi) trong phiếu.

F0 có tải lượng virus thấp mới được cách ly tại nhà

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, với những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nhưng có tải lượng virus thấp có thể đưa về nhà để theo dõi, điều trị; vì những trường hợp này khả năng lây nhiễm ra những người xung quanh là rất thấp.

Chú thích ảnh
F0 có tải lượng virus thấp mới được cách ly tại nhà. Ảnh: TTXVN

Ngày 14/7, trao đổi về việc rút ngắn thời gian điều trị đối với bệnh nhân F0 không triệu chứng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng chống dịch COVID-19 cho biết: "Hiện số trường hợp mắc mới COVID-19 tăng nhanh tại nhiều địa phương. Chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh đến nay đã có hơn 16.000 ca và có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Điều này tạo nên áp lực rất lớn cho công tác thu dung, điều trị các bệnh nhân COVID-19. Thực tế cho thấy việc thu dung các trường hợp F0 tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các trung tâm y tế, các bệnh viện được chỉ định điều trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng đều ở trong tình trạng có rất nhiều bệnh nhân".

Theo đó, việc triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà sau thời gian 10 ngày nằm viện đã được đưa ra dựa trên kết quả theo dõi khoảng 70-80% trường hợp F0 không có triệu chứng trong thời gian qua. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã đưa ra khuyến cáo về giảm thời gian điều trị tại các cơ sở y tế đối với các F0. Bộ Y tế cũng vừa ban hành công văn số 5599 gửi các tỉnh thành và hướng dẫn cách ly F0 tại nhà sau thời gian điều trị tại các cơ sở y tế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, cấn đề cách ly F0 tại nhà sau thời gian nằm viện được rút ngắn, được Bộ Y tế đưa ra dựa trên các căn cứ thực tiễn, khoa học và trong đó tiêu chí tối cần thiết là đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Theo đó, các trường hợp F0 sau 10 ngày được thu dung điều trị tại các cơ sở y tế sẽ được xét nghiệm 2 lần bằng phương pháp Realtime RT-PCR nếu kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được chuyển về cách ly tại nhà theo quy định. Ngoài ra với những trường hợp dương tính nhưng có tải lượng virus thấp (giá trị CT>=30) cũng có thể đưa về nhà để theo dõi, điều trị tại nhà vì những trường hợp này khả năng lây nhiễm ra những người xung quanh là rất thấp.

Các trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được theo dõi y tế theo quy định. Đồng thời đối với những trường hợp này, Bộ Y tế cũng đưa ra những hướng dẫn, khuyến cáo về tự theo dõi sức khỏe, liên hệ chặt chẽ với các đơn vị y tế; khuyến cáo sử dụng một số loại thuốc như thuốc hạ sốt, các sản phẩm có tác dụng hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, các loại multivitamin; uống nhiều nước và uống nước nhiều lần trong ngày để đảm bảo độ ẩm cho hệ thống hô hấp.

Cùng ngày, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly F1 tại nhà

Theo đó, căn cứ vào thực tiễn, tham khảo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam; để đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19 kịp thời, hiệu quả, Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung liên quan đến thời gian cách ly y tế, thí điểm cách ly y tế tại nhà cho đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) và quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19 (F0). Cụ thể:

Giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1 và người nhập cảnh (trừ trường hợp người nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh cách ly theo quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế), tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo.

Về thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch COVID-19 cho đối tượng F1 thay thế cho Hướng dẫn ban hành kèm theo Công văn số 5152/BYT-MT ngày 27/6/2021 của Bộ Y tế.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà; căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương có thể điều chỉnh Hướng dẫn cho phù hợp; tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc triển khai (thông qua video clip, tài liệu truyền thông...); chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện.

Tỉnh Quảng Ngãi nới lỏng giãn cách xã hội từ 0h ngày 15/7

Ngày 14/7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ký Quyết định số 1046/QĐ-UBND nhằm áp dụng biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Từ 0h ngày 15/7, toàn tỉnh Quảng Ngãi giảm từ áp dụng biện pháp hành chính tương ứng "Nguy cơ rất cao" xuống mức “Nguy cơ” trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Quảng Ngãi dừng các hoạt động hội họp, sự kiện trên 30 người (trừ các cuộc họp cần thiết, cấp bách); dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh không thiết yếu dễ bị lây nhiễm. Không tập trung từ 20 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện khoảng cách tối thiểu 1,5m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Quảng Ngãi yêu cầu tuyệt đối không phục vụ tại chỗ cho lái xe, hành khách tuyến đường dài đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa, nguyên vật liệu đường dài được phép đi qua nhưng không dừng đón, trả khách, hàng hóa, nguyên vật liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi…

Tất cả người về từ vùng dịch (theo Bản đồ dịch tễ của Bộ Y tế công bố) phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trong vòng 48 giờ đối với xét nghiệm nhanh kháng nguyên, 72 giờ đối với xét nghiệm RT-PCR kể từ khi lấy mẫu). Người về từ các địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện cách ly y tế tập trung theo thời gian quy định và tự trả chi phí cách ly.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 13/7: Ưu tiên xét nghiệm cho lái xe vận tải hàng hóa; thêm 2.301 ca mắc mới
Tổng hợp COVID-19 ngày 13/7: Ưu tiên xét nghiệm cho lái xe vận tải hàng hóa; thêm 2.301 ca mắc mới

Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 trong ngày 13/7 thu hút sự quan tâm của dư luận gồm: Ưu tiên xét nghiệm COVID-19 cho lái xe, giảm ùn tắc vận tải hàng hóa; thêm 2.301 ca mắc mới; yêu cầu các địa phương sẵn sàng phương án tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng; danh sách 22 chốt chặn và test nhanh COVID-19 cho người về Hà Nội; Nhật Bản tiếp tục viện trợ cho Việt Nam thêm 1 triệu liều vaccine COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN