Tổng cục Thuế 'giãi bày' về những quy định gây tranh cãi trong dự án Luật Quản lý thuế

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc “Kiểm toán bị đẩy ra ngoài”, thu hẹp quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước - khi thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chiều 15/11 và giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tranh luận của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc xoay quanh vấn đề này, ngày 16/11, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã thông tin rõ hơn về một số nội dung của dự thảo Luật.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp chiều 15/11. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chia sẻ thông tin người nộp thuế giữa cơ quan quản lý thuế và các bên liên quan

Trước những băn khoăn về quy định ngân hàng thương mại cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế có thể ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng và vấn đề bảo mật thông tin của người nộp thuế, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, dự thảo luật quy định chỉ áp dụng đối với ngân hàng thương mại.

Việc quy định cung cấp thông tin về số tài khoản của người nộp thuế là nhằm giảm thiểu thủ tục cho người nộp thuế, chia sẻ thông tin giữa cơ quan quản lý thuế và các bên liên quan theo cơ chế tự động.

Hiện nay, đã có 51 ngân hàng ký kết với cơ quan thuế về việc chia sẻ thông tin, trong đó có 49 ngân hàng đã triển khai. Thực tế, cơ quan thuế đang quản lý cơ sở dữ liệu về tài khoản của hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhưng chưa phát sinh trường hợp có ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin của ngân hàng.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế: Mẫu Luật Quản lý thuế của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); Luật Quản lý thuế của Hungary và báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về cải thiện quyền truy cập vào thông tin ngân hàng cho mục đích thuế; đa số các nước đều quy định các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan thuế biết về việc mở các tài khoản của người nộp thuế cùng mã số thuế do cơ quan thuế cấp.

Thậm chí, một số nước còn yêu cầu việc báo cáo tự động đối với việc đóng mở tài khoản, số dư tài khoản tại thời điếm cuối năm cũng như tiền lãi trên tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế. Như vậy, nội dung quy định như dự thảo Luật về nhiệm vụ, trách nhiệm của ngân hàng thương mại đã phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo việc trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước.

Cơ quan thuế chắc chắn phải bảo mật thông tin của người nộp thuế, ông Lưu Đức Huy khẳng định; cho biết đã có nhiều thông tin liên quan đến tài khoản của người nộp thuế được các cơ quan, đơn vị khác chuyển sang như thông tin về các giao dịch đáng ngờ được thanh tra Ngân hàng Nhà nước chuyển sang cho Tổng cục Thuế, hay thông tin về số tài khoản người nộp thuế đã đăng ký qua cơ quan đăng ký kinh doanh kết nối một cửa liên thông với cơ quan thuế…

Đối với quan tâm của nhiều đại biểu về vấn đề chống chuyển giá, chống thất thu, đặc biệt là vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhất là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Lưu Đức Huy thông tin, trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành các quy định chống chuyển giá tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP, trong đó cập nhật tương đối đầy đủ thông lệ quốc tế tốt nhất về chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung thêm cho đầy đủ, rõ ràng, đảm bảo thực hiện có hiệu quả. Một số nội dung về chính sách thuế sẽ được nghiên cứu, bổ sung tại luật về chính sách thuế trong thời gian tới.

Hầu hết các đơn vị có sai sót

Về phát ngôn của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trong phần tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng, “đối chiếu các doanh nghiệp ngoài quốc doanh 2 năm vừa rồi thất thu thuế 94%” (sau khi cơ quan quản lý thuế đã thanh tra, kiểm tra thuế, Kiểm toán nhà nước đối chiếu lại - pv) và việc chọn rủi ro không chính xác nên nhiều doanh nghiệp sau khi nằm trong diện quản lý rủi ro nhưng không thu được thêm thuế, ông Phạm Ngọc Lai, Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế khẳng định, khi kiểm toán ngân sách tại một địa phương sẽ có tổ kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế.

Trong quá trình kiểm toán cục thuế địa phương, Bộ Tài chính đã chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm toán. Ngay từ năm 2013, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thuế có văn bản về việc phối hợp với cơ quan kiểm toán trong hoạt động kiểm tra và đối chiếu về thuế. Hiện kiểm toán nhà nước khi tiến hành kiểm toán ngân sách tại địa phương đều đề nghị cơ quan thuế cung cấp hồ sơ của các đối tượng.

"Kết quả kiểm toán rất tốt, để tăng thu cho ngân sách, chúng tôi triệt để phối hợp và khai thác để thu hồi cho ngân sách nhà nước nhưng có một số nội dung, nếu gọi là sai phạm thì không đúng, vì trong luật thuế quy định được phép khai bổ sung nếu khai chưa đúng, chưa đủ" -  Phạm Ngọc Lai cho hay.

Ông cũng bày tỏ, con số thất thu thuế 94% là trên cơ sở các cơ quan thuế đã phân tích rủi ro. Việc quản lý thuế theo rủi ro không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của cán bộ thuế mà được thực hiện trên máy, dựa vào 16 tiêu chí rủi ro, máy sẽ tự phân tích và loại trừ, vì thế, khi đối chiếu, hầu hết các đơn vị có sai sót.

Do không nắm được chi tiết cách tính tỷ lệ của Kiểm toán Nhà nước nên Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế không bình luận về tỷ lệ trên, nhưng ông cũng thừa nhận, ngay cả khi cơ quan thuế tiến hành thanh tra cũng phát hiện một tỷ lệ sai phạm lớn lên tới 95-97%.

Phát sinh khoảng 250 vụ kiện hành chính về thuế

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về việc doanh nghiệp kiện cơ quan thuế và xung quanh lời khẳng định của Tổng Kiểm toán Nhà nước “gần 3 năm qua chưa có một trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên lụy đến cơ quan thuế do người nộp thuế kiện”, bà Lê Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế cho biết, không chỉ cơ quan kiểm toán, thanh tra, mà cơ quan thuế ngoài việc đấu tranh chống thất thu cũng phải ra tòa để phục vụ cho việc khiếu kiện, đôi lúc cơ quan này cũng bị thua.

Làm rõ hơn, ông Thành Xuân Lý, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, thuế là vấn đề nhạy cảm, xung đột lợi ích và ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, của nhà nước nên việc khiếu nại, khiếu kiện các quyết định xử lý thuế của cơ quan thuế, thanh tra, kiểm toán là bình thường.

Thực tế những năm 2013 - 2017, toàn ngành phát sinh khoảng 250 vụ kiện hành chính về thuế, trong đó, theo báo cáo nhanh, số vụ kiện phát sinh từ kiến nghị, kết luận của Thanh tra Chính phủ là 1 vụ (Cục Thuế Thừa Thiên - Huế) và từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước là 11 vụ (Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đắk Lắk).

Ông Thành Xuân Lý cho hay, hiện đã có 6 vụ kiện tại Đắk Lắk tòa tuyên doanh nghiệp thắng vì tòa kết luận cơ quan thuế ra quyết định trên cơ sở kiến nghị kiểm toán mà không đánh giá kiểm tra thì không có cơ sở pháp lý.

Vụ việc xảy ra tại Chi cục Thuế Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, cơ quan thuế đã kiến nghị doanh nghiệp phải nộp bổ sung số thuế 60 tỷ đồng và người nộp thuế khiếu kiện. Vụ việc này đã xử lý nhiều lần từ năm 2013 cho đến nay vẫn chưa xong.

“Về cơ bản trong quá trình kiểm toán hoạt động, Kiểm toán Nhà nước đã có đóng góp hữu ích, giúp thu thuế hiệu quả nhưng vẫn có sự áp dụng chưa đồng nhất quy định pháp luật, quan điểm xử lý có thể khác nhau dẫn đến sự phối hợp chưa đồng nhất”, ông Thành Xuân Lý nói.

Chính vì những tồn tại này, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đưa ra quan điểm kết luận của thanh tra và kiến nghị của kiểm toán về nguyên tắc cơ quan thuế phải thực hiện và cơ quan thuế ra quyết định cũng phải có cơ sở pháp lý để kiểm tra độ chính xác, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đảm bảo sự thi hành pháp luật của cơ quan này một cách chính xác, tránh khiếu kiện kéo dài, tòa hủy án, thất thu ngân sách, phát sinh trách nhiệm bồi thường của cơ quan thuế và các cơ quan liên quan.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chiều 15/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc giải trình và tranh luận khi có đại biểu đề cập đến việc Kiểm toán Nhà nước bị “đẩy” ra ngoài trong dự án Luật này.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích rằng, cơ quan quản lý thuế thời gian qua đã chấp hành rất nghiêm túc các kết luận của cơ quan thanh tra và kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai có những kết luận cơ quan thuế chấp hành rất nghiêm túc, thông báo cho người nộp thuế nộp thêm nhưng người nộp thuế thấy chưa thỏa đáng và đã kiện lại. Ông đề nghị cơ quan nào kết luận thì người đó phải chịu trách nhiệm giải trình trước tòa.

Tranh luận lại ngay sau đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định “Bộ trưởng có nói kiểm toán thực hiện đối chiếu sai nên các đối tượng nộp thuế kiện, liên luỵ đến cơ quan thuế. Tôi làm Tổng Kiểm toán gần 3 năm và chưa có trường hợp nào từ kết luận của Kiểm toán Nhà nước để liên luỵ đến cơ quan thuế”.

Theo ông, việc cơ quan thuế để sót, lọt nguồn thu là hết sức lớn. Kiểm toán Nhà nước nỗ lực kết sức mình khi được Quốc hội giao kiểm toán về hoạt động của cơ quan thuế, không chỉ tài chính công, tài sản công mà kể cả hoạt động của cơ quan thuế trong vấn đề thoái thu thuế và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Khắc phục những bất cập trong Luật Quản lý thuế 
Khắc phục những bất cập trong Luật Quản lý thuế 

Ngày 8/11 dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN