Qua hoạt động chuyên môn, Kiểm toán Nhà nước phát hiện những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, từ đó đưa ra các kiến nghị để các đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính và minh bạch việc sử dụng ngân sách.
Để đạt được kết quả đó, những năm qua, Kiểm toán Nhà nước luôn chú trọng vào hoạt động đào tạo, xây dựng đội ngũ kiểm toán viên chuyên nghiệp, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong quá trình hội nhập.
Những kết quả đạt được
Kiểm toán Nhà nước góp phần làm minh bạch và lành mạnh các thông tin, các quan hệ kinh tế, tài chính. Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin kinh tế, trước hết là thông tin trên báo cáo tài chính của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị và bộ phận được kiểm toán.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã cơ bản hoàn thành kế hoạch kiểm toán với 257/257 cuộc kiểm toán được thực hiện theo kế hoạch, xét duyệt 273/282 báo cáo kiểm toán, phát hành 193/282 báo cáo kiểm toán.
Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 4/1/2018 là 43.660 tỷ đồng (trong đó tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước 32.609 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 11.051 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2016).
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên khẳng định, kiểm toán là một nghề nghiệp mang tính chuyên môn sâu, rộng và yêu cầu cao về đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp ứng xử.
Nhận thức được tầm quan trọng của chiến lược con người trong quá trình xây dựng, phát triển của Kiểm toán Nhà nước, hơn 24 năm qua, hoạt động đào tạo của Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều đổi mới rõ rệt cả về lượng và về chất góp phần nâng cao năng lực đội ngũ kiểm toán viên ngày càng chuyên nghiệp, hoạt động kiểm toán với những công nghệ cơ bản, hiện đại theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
"Công tác đào tạo, bồi dưỡng không chỉ chú trọng về chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại mà còn phải đào tạo, bồi dưỡng cả về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử để hình thành đội ngũ kiểm toán nhà nước theo phương châm: Công minh - chính trực - nghệ tinh - tâm sáng", Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Đình Hòa cho biết: Với kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Kiểm toán Nhà nước có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, từng bước chuyên nghiệp, tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp kiểm toán và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chức năng, nhiệm vụ và kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, và nhân dân đối với Kiểm toán nhà nước.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của Kiểm toán nhà nước, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên được chú trọng. Hiện nay, trường có 2 giảng viên là Phó Giáo sư, 1 giảng viên có trình độ Tiến sĩ và 2 giảng viên có trình độ thạc sĩ; đội ngũ giảng viên kiêm công chức gồm 41 người, là các chuyên gia, cán bộ quản lý am hiểu kiến thức lý luận và thực hành nghiệp vụ kiểm toán cả trong và ngoài Kiểm toán nhà nước.
Về nội dung chương trình đào tạo, theo ông Nguyễn Đình Hòa, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng được Hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng tương đối toàn diện cho đội ngũ kiểm toán viên gồm 4 chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn theo các ngạch kiểm toán viên nhà nước và 5 chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán theo lĩnh vực và cấp độ.
Bên cạnh việc trang bị các kiến thức lý luận nền tảng về tài chính, kế toán, kiểm toán, điểm nổi bật trong hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện nay là công tác bồi dưỡng các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán gắn với thực tiễn hoạt động của ngành theo từng loại hình và lĩnh vực kiểm toán tùy vào cấp độ từ cơ bản đến chuyên sâu.
Trong chương trình đào tạo, Kiểm toán Nhà nước cũng đặc biệt coi trọng đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp ứng xử cho đội ngũ kiểm toán viên; bước đầu tiếp cận và sử dụng những thành tựu của cách mạng 4.0 như các phần mềm kiểm toán, số hóa một số nội dung trong các hoạt động kiểm toán.
Các giải pháp trong tương lai
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên không chỉ có ý nghĩa chiến lược mà còn có ý nghĩa sống còn bởi hoạt động kiểm toán là hoạt động nghề nghiệp mang tính đặc thù có tính chuyên môn sâu và tính độc lập cao; năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của đội ngũ kiểm toán viên quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán, sự tồn tại và uy tín của Kiểm toán Nhà nước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán có nhiều khâu, giải pháp, nhưng có tính chất đột phá gồm 2 khâu quan trọng nhất là: Xây dựng chương trình đào tạo bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ giảng viên.
Từ thực tế đó, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đã xác định những giải pháp trong tương lai. Nhiệm vụ đầu tiên được đưa ra là phải tập trung xây dựng và hoàn thiện chương trình và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng.
Theo Quyền Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Nguyễn Đình Hòa, chương trình đào tạo là một yếu tố quan trọng của quy trình đào tạo bồi dưỡng, không có chương trình tốt, công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Vì vậy, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán sẽ tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và đổi mới chương trình theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất của kiểm toán viên, hài hòa giữa công tác dạy người và dạy nghề. Việc đổi mới nội dung đào tạo bồi dưỡng theo hướng tinh giản, hiện đại, hệ thống, thiết thực, phù hợp với trình độ năng lực của kiểm toán viên và thực tiễn Việt Nam cũng được chú trọng.
Ngoài ra, hoạt động đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cũng sẽ tăng cường việc thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, văn hóa giao tiếp ứng xử, tri thức pháp luật, công nghệ thông tin với thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 cho kiểm toán viên theo quy trình, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực kiểm toán quốc tế.