Tình hình mưa lũ ngày 24/10: Nỗ lực tìm kiếm 12 nạn nhân còn lại tại Rào Trăng 3

Tính đến chiều 24/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 5 thi thể nạn nhân mất tích do sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế).

Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 5 tại Thủy điện Rào Trăng 3

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ đưa thi thể nạn nhân thứ 5 ra khỏi hiện trường. Ảnh: TTXVN phát

Chiều 24/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm một thi thể nạn nhân mất tích do sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), xảy ra vào ngày 12/10. Đây là thi thể thứ 5 được tìm thấy, còn 12 nạn nhân khác vẫn đang mất tích.

Trong ngày 24/10, tận dụng thời tiết tạnh ráo, lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân. Tại vị trí sạt lở vùi lấp các công nhân có một số khối bê-tông cốt thép lớn cần giải phóng mặt bằng để thực hiện công tác tìm kiếm. Tranh thủ thời gian giao ca giữa trưa, các chiến sỹ công binh Quân khu 4 thực hiện kỹ thuật nổ om làm nứt vỡ kết cấu các khối bê-tông để tránh ảnh hưởng nền đất phía dưới, đề phòng có thi hài nạn nhân bị vùi lấp.

Chú thích ảnh
Ngày 24/10, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân tại Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: TTXVN phát

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu đã đến hiện trường vụ sạt lở, trực tiếp kiểm tra, khảo sát và chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3. Khoảng 10 phương tiện xe múc, xe ủi, xe ben và chó nghiệp vụ đã được đưa vào Thủy điện Rào Trăng 3 để đẩy nhanh, hỗ trợ công tác tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích tại đây.

Tại hiện trường, tận dụng các phương tiện cơ giới của nhà máy hiện có, trên 100 cán bộ, chiến sỹ và các chuyên gia địa chất khẩn trương, tích cực tìm kiếm. Bên cạnh việc nỗ lực tìm kiếm, các lực lượng tham gia cũng được nhắc nhở đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Chiều 24/10, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết: Lực lượng chức năng cùng người nhà các nạn nhân đã tìm thấy thêm 3 thi thể vụ núi lở vùi lấp 4 người trong lán trại trên địa bàn huyện.

Trước đó, chiều 23/10, UBND huyện Bố Trạch nhận được thông tin từ xã Hưng Trạch về việc có bốn người quê ở thôn Bồng Lai 2 đi rừng từ trước ngày 15/10 đến nay chưa về, thông tin không liên lạc được, nghi mất tích. UBND huyện chỉ đạo lực lượng chức năng cùng với xã Hưng Trạch và thân nhân những người mất tích đi tìm kiếm trong rừng. Sau khi đi bộ nhiều tiếng đồng hồ địa hình núi cao, khe sâu đoàn, đến vị trí trong vùng rừng sâu Bồng Lai. Khi đoàn tìm đến một lán trại thì thấy hiện trường tan hoang, bới tìm trong đất đá thì thấy một nạn nhân.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 8

Chú thích ảnh
Bản đồ đường đi của bão số 8. Ảnh: TTXVN phát

Lúc 16 giờ ngày 24/10, vị trí tâm bão số 8 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 100 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90 - 100 km/giờ), giật cấp 12. Dự báo bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, đến 16 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão cách đất liền các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 140 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10. Từ tối 25 đến trưa 26/10, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15 - 20 km, đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão số 8, từ tối và đêm 24/10, trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 2 - 4 m; biển động mạnh. Gần sáng và trong ngày 25/10, ở vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9; biển động mạnh. Từ đêm 24 đến ngày 26/10, ở các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50 - 150 mm/đợt. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.

Chú thích ảnh
Đến ngày 24/10/2020, xã biên giới Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vẫn bị cô lập hoàn toàn do đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dẫn vào xã bị sạt lở nghiêm trọng. Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã băng rừng 30 km để tiếp cận xã Hướng Việt nhằm hỗ trợ người dân địa phương bị cô lập và nắm tình hình lũ quét xảy ra ở địa phương trong những ngày mưa lũ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vừa qua. Trong ảnh: Nhà của người dân xã Hướng Việt bị đổ sập do lũ quét. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 24/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão và mưa lũ cần tập trung vào việc theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 8 và mưa lũ; rà soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn đối với tàu thuyền đang hoạt động trên biển và neo đậu tại nơi tránh trú; quản lý chặt chẽ các tàu thuyền ra khơi, chủ động quyết định việc cấm biển; hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu vận tải, tàu vãng lai, các hoạt động du lịch, sản xuất nuôi trồng thủy hải sản.

Các tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu đối với những gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có nhà bị sập, mất tài sản, kiên quyết không để người dân bị đói, rét; tổ chức, huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân dọn vệ sinh nhà ở, trường lớp, xử lý môi trường; sửa chữa, khắc phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, nhất là công trình giao thông, y tế, điện, nước; kiểm tra an toàn hồ đập, đê điều, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, khu vực sạt lở; chủ động điều tiết các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy nước đảm bảo an toàn công trình, đồng thời dành dung tích phòng lũ để sẵn sàng ứng phó với đợt mưa lũ do bão số 8 gây ra.

Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn, nhất là các hộ dân đang ở tại nhà có kết cấu yếu, khu vực ven biển, vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập lụt, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; tổ chức chằng chống nhà cửa, cây lớn có nguy cơ gãy đổ, chặt tỉa cành cây.

Thủ tướng trực tiếp thị sát công tác khắc phục hậu quả mưa lũ

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm trường Mầm non Hiền Ninh, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tính đến 17 giờ ngày 24/10, đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 6 đến 24/10 tại khu vực Trung Bộ đã làm 123 người chết, 19 người mất tích; 813 nhà bị hư hỏng, 362 nhà bị ngập; 716 ha lúa bị ngập, 3.962 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 6.168 con gia súc và 740.796 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Trước tình hình diễn biến lũ lụt nghiêm trọng và khốc liệt tại các tỉnh miền Trung, sáng 24/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp thị sát công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình - tỉnh bị ngập nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua.

Thủ tướng đã tới thăm, tìm hiểu đời sống, hoạt động dạy và học của cô và trò Trường mầm non Hiền Ninh, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh - một trong những huyện bị ngập nặng nhất. chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình. Tiếp đó, Thủ tướng đã tới thăm, tìm hiểu khó khăn, thực trạng đời sống, sinh hoạt và công việc của bà con nhân dân thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh.

Chia sẻ khó khăn của bà con, Thủ tướng tặng quà và chỉ đạo các lực lượng chức năng, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, huyện Quảng Ninh tập trung mọi nhân vật lực tái thiết cơ sở hạ tầng, nhà cửa, đảm bảo nhu yếu phẩm, đặc biệt là sớm ổn định lại trường lớp, để học sinh nhanh chóng trở lại trường học; sớm ổn định, khôi phục đời sống của bà con, nhân dân trong vùng.

Thủ tướng gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chia sẻ sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến đồng bào, cán bộ chiến sỹ miền Trung; đồng thời bày tỏ mong muốn chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục tốt hơn nữa hậu quả bão lũ, sớm ổn định đời sống nhân dân. 

Chú thích ảnh
Niềm vui của đồng bào dân tộc Vân Kiều (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) khi nhận được những món hàng cứu trợ đầu tiên. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Về những kinh nghiệm cần rút ra sau mưa lũ, Thủ tướng chỉ rõ yêu cầu tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, người dân và doanh nghiệp về thiên tai; trong đó nhận thức của người dân về tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là nhu cầu cấp thiết về việc tăng cường năng lực dự báo thiên tai, nhất là tăng cường ứng dụng công nghệ dự báo, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong vấn đề này. Thủ tướng cũng chỉ đạo lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, nghiêm túc thực hiện cắt giảm khí thải nhà kính.

Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu cần nhanh chóng đảm bảo cuộc sống bình thường cho nhân dân trong vùng lũ lụt. Đi liền với đó là đảm bảo sinh kế cho người dân, nhất là thời vụ, giống cây trồng… cần được cấp phát sớm để người dân canh tác kịp thời. Bên cạnh đó là vận động cả hệ thống chính trị “xắn tay áo” hỗ trợ người dân trong tái thiết cuộc sống. 

Chú thích ảnh
Lực lượng quân đội tham gia dọn dẹp, vệ sinh môi trường tại khu vực hành chính huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành trung ương xác định trách nhiệm cụ thể hỗ trợ các địa phương vùng lũ trong các mặt: Sản xuất, nông nghiệp, y tế; không được để người dân thiếu đói, dịch bệnh, “màn trời chiếu đất” và phải sớm để trẻ em trở lại trường học. Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động trong ngành giáo dục cả nước huy động sách giáo khoa cho trẻ em vùng lũ đến trường. 

Thủ tướng cũng đề cập đến yêu cầu phát triển thủy điện theo quy hoạch, an toàn, hạn chế không phát triển thêm cơ sở mới. Đẩy mạnh trồng rừng với các loại cây có rễ bám sâu, khổ lớn để giảm thiểu hậu quả thiên tai; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để đối phó với sạt lở đất, thông tin kịp thời hơn đến người dân.

Chú thích ảnh
Sáng 24/10, gần 60.000 chiếc bánh chưng gù - đặc sản của đồng bào vùng cao Hà Giang, đã được chuyển vào các tỉnh miền Trung. Trong ảnh: Ông Tô Văn Chương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, đang kiểm tra từng nồi bánh chưng. Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN

Khẳng định, Chính phủ sẽ bổ sung thêm nguồn lực cho các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, Thủ tướng cho biết, tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, các nhà tài trợ, giao Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi các nghị định liên quan về một số điểm còn bất hợp lý để tạo điều kiện cho các hoạt động  tài trợ. Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà tài trợ trực tiếp đến các địa bàn bão lũ để cứu trợ; đồng thời cũng lên án những hành vi đánh bóng hình ảnh trong vấn đề này.

* Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp 500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 bổ sung kinh phí cho 5 tỉnh miền Trung để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ, chính sách của Nhà nước. Các tỉnh được bổ sung kinh phí gồm Quảng Bình 100 tỷ đồng, Quảng Trị 100 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế 100 tỷ đồng, Quảng Nam 100 tỷ đồng, Hà Tĩnh 100 tỷ đồng.

* Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1650/QĐ-TTg giao Bộ Y tế xuất cấp không thu tiền 6,7 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Bộ Y tế để cấp cho các đơn vị phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, tỉnh Quảng Trị 1 triệu viên; tỉnh Quảng Ngãi 0,2 triệu viên; tỉnh Quảng Nam 1 triệu viên, tỉnh Hà Tĩnh 1,5 triệu viên và Bộ Y tế 3 triệu viên.
Nhóm PV TTXVN - Bảo An
Theo dõi chặt diễn biến bão số 8, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Theo dõi chặt diễn biến bão số 8, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Các địa phương cần tập trung vào việc theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 8 và mưa lũ; rà soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn đối với tàu thuyền đang hoạt động trên biển và neo đậu tại nơi tránh trú; quản lý chặt chẽ các tàu thuyền ra khơi, chủ động quyết định việc cấm biển...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN