Tình hình mưa lũ ngày 23/10: Lên phương án di dời dân ứng phó bão số 8

Theo dự báo, bão số 8 trên Biển Đông vẫn đang hướng về miền Trung nước ta. Đến chiều 25/10, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10.

Quảng Bình vẫn còn khoảng 2.000 ngôi nhà bị ngập

Chú thích ảnh
Nước vẫn ngập sâu ở nhiều nơi của huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Theo dự báo, bão số 8 (bão Saudel) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Bình. Trong khi đó, tại đây, nước lũ vẫn đang rút chậm, khi bão đổ bộ sẽ rất nguy hiểm và hoàn lưu bão gây mưa to, nguy cơ Quảng Bình tiếp tục ngập lụt rất dễ xảy ra.

Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chủ động triển khai các công tác; tham mưu, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc những biện pháp ứng phó với bão số 8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tuyến biển vận động chủ tàu hàng, tàu cá không neo đậu tàu thuyền tại các khu vực nguy hiểm và không ra khơi đánh bắt. Các đồn Biên phòng Roòn, Cửa khẩu Cảng Gianh, Nhật Lệ bắn pháo hiệu báo bão đến khi bão tan.

Cùng với đó, lực lượng Biên phòng tỉnh, các đơn vị trực thuộc khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đồng thời, lực lượng Biên phòng sẵn sàng các phương án ứng phó bão và mưa lũ; chủ động lên phương án di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có những diễn biến xấu của thời tiết; hỗ trợ, dự trữ lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân. 

Chú thích ảnh
Người dân thôn Phú Thọ (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nhận tiền cứu trợ trong dòng nước lũ vẫn ngập sâu. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Ngày 23/10, toàn tỉnh Quảng Bình còn khoảng 2.000 ngôi nhà ở các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, thị xã Ba Đồn bị ngập. Trong đó, riêng huyện Lệ Thủy chiếm hơn một nửa số ngôi nhà bị ngập, tập trung tại các xã: Lộc Thủy, An Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, Dương Thủy và thị trấn Kiến Giang... Đây là các địa phương vùng trũng nên nước rút chậm. 

Đến thời điểm này, tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn đến hơn 34 thôn, bản bị chia cắt và cô lập. Các thôn bản này chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng sát biên giới do giao thông độc đạo lại bị chia cắt do ngập lụt hoặc sạt lở gây ra. Công tác cứu trợ người dân đang được các cấp, các ngành triển khai khẩn trương.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 16 giờ ngày 23/10, vị trí tâm bão số 8 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (115 - 150 km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 260 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160 km tính từ tâm bão. Dự báo từ 16 giờ ngày 23/10 đến 16 giờ ngày 24/10, bão số 8 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10 - 15 km. Vị trí tâm bão lúc 16 giờ ngày 24/10, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 100 km về phía Nam Đông Nam. Từ 16 giờ ngày 24/10 đến 16 giờ ngày 25/10, bão số 8 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15 - 20 km. Vị trí tâm bão lúc 16 giờ ngày 25/10 ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10.

Vụ sạt lở tại Rào Trăng 3: Tìm thấy thi thể thứ 4

Chú thích ảnh
Hiện trường tìm kiếm ở thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Vào lúc 14 giờ ngày 23/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm 1 thi thể nạn nhân mất tích do sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Như vậy, đã có 4 thi thể trong số 17 công nhân mất tích do sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 ngày 12/10 được tìm thấy. Thi thể các nạn nhân được đưa về Bệnh viện Quân y 268 (thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế) để làm thủ tục xác định danh tính; sau đó bàn giao cho gia đình nạn nhân.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN có mặt tại hiện trường, thời tiết không mưa, thuận lợi cho công tác tìm kiếm, cứu nạn. Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh Quân khu 4 đang trực tiếp chỉ đạo công tác tìm kiếm tại hiện trường. Hiện có một khối lượng đất đá rất lớn gây khó khăn cho lực lượng tìm kiếm. Hai máy xúc cùng hàng chục cán bộ, chiến sỹ đang đào bới tìm kiếm tại khu vực suối Thủy điện Rào Trăng 3.

Theo đánh giá sơ bộ, các nạn nhân còn lại có khả năng bị trôi dạt hoặc bị vùi lấp ven suối, nơi đã tìm thấy 2 thi thể nạn nhân cùng ngày. Ven suối nơi đây có nước chảy lớn, vỉa đá non trôi dạt.

Trực thăng đưa 2 cán bộ bị thương ở xã bị cô lập Hướng Việt ra ngoài điều trị

Chú thích ảnh
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn vẫn bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 23/10, máy bay trực thăng của quân đội đã hạ cánh tại xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, để đưa 2 cán bộ của xã này bị thương nặng ra ngoài điều trị. Xã Hướng Việt vẫn đang bị cô lập hoàn toàn do con đường vào xã là đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở nghiêm trọng.

Hai cán bộ được đưa về Sân bay Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên – Huế gồm: Đại úy Lê Văn Dùy, cán bộ Đồn biên phòng Hướng Lập, Phó Bí thư Thường trực xã Hướng Việt và ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, bị thương nặng trong khi làm nhiệm vụ giúp dân ứng phó với mưa lũ từ chiều 17/10. Biên phòng Quảng Trị đã cử tổ quân y và xe cứu thương đến Sân bay Phú Bài để đón và đưa 2 cán bộ bị thương nặng về Bệnh viện Trung ương Huế điều trị.

Cùng ngày, huyện Hướng Hóa đã cử một tổ công tác vận chuyển thực phẩm, nước uống, xăng dầu, thuốc và vật tư y tế bằng xe ô tô đi tỉnh Quảng Bình, rồi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để tiếp cận cứu trợ người dân tại 2 xã đang bị cô lập hoàn toàn là Hướng Lập và Hướng Việt.

Trước đó, chiều 22/10, máy bay của quân đội cũng đã mang hơn 2 tấn hàng đến cứu trợ người dân hai xã đang bị cô lập này.

Tạm dừng thu phí trạm BOT qua Quảng Trị 

Chú thích ảnh
Các tổ chức thiện nguyện khắp cả nước chuyển hàng cứu trợ đến cho người dân vùng lũ miền Trung. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị, Cục Quản lý đường bộ II, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh liên quan việc tạm dừng thu phí đường bộ trên Quốc lộ 1 để tạo điều kiện cho các phương tiện cứu trợ người dân bị lũ lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu căn cứ tính hình thực tế, diễn biến của bão lũ, nhà đầu tư chủ động tạm dừng thu phí để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông khi qua trạm, bảo vệ thiết bị và tài sản trạm thu phí. Kịp thời tổ chức thu phí trở lại ngay sau khi đủ điều kiện thu phí.

Nhà đầu tư thực hiện việc miễn giảm phí cho các phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa qua trạm theo quy định tại Điều 4 Thông tư 33/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.

Cùng với đó, nhà đầu tư phối hợp với Cục Quản lý đường bộ II, Ban An toàn giao thông  tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức phân làn, phân luồng, hướng dẫn giao thông để các đoàn xe nêu trên lưu thông qua trạm thu phí nhanh nhất, trường hợp các phương tiện bị ùn tắc tại trạm thu phí, nhà đầu tư phải tổ chức xả trạm theo quy định.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu nhà đầu tư thực hiện việc tạm dừng thu, miễn phí cho các xe nêu trên phải được lập biên bản, ghi nhận sự việc và lưu trữ đầy đủ đúng quy định.

Nhóm PV TTXVN - Hoàng Linh (Tổng hợp)
Tình hình mưa lũ ngày 22/10: Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt
Tình hình mưa lũ ngày 22/10: Khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt

Ngày 22/10, vùng lũ Hà Tĩnh đã ngớt mưa, tại tỉnh Quảng Bình nắng đã xuất hiện trở lại, nước trên các sông đang xuống nhanh... nhưng nhiều khu vực vẫn bị chia cắt, cô lập do ngập sâu. Tranh thủ thời điểm này, công tác cứu trợ người dân vùng lũ được tích cực triển khai, nhằm sớm giúp đồng bào vượt qua hoạn nạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN