Đã tìm thấy 14 thi thể cán bộ, chiến sỹ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337
Khoảng 1 giờ ngày 18/10, tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) đã xảy ra vụ sạt lở đất khiến 22 cán bộ, chiến sỹ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 thuộc Quân Khu IV bị vùi lấp.
Trong điều kiện trời mưa to và việc tiếp cận hiện trường hết sức khó khăn, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn được tích cực triển khai với tinh thần khẩn trương nhất và quyết liệt nhất. Đến 17h30 ngày 18/10, lực lượng chức năng đã tìm kiếm được 14 thi thể tại hiện trường sạt lở đất ở thôn Cợp.
Lúc 18 giờ cùng ngày, theo Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - trực tiếp chỉ đạo cứu hộ ở Trạm chỉ huy tiền phương đóng tại xã Hướng Phùng, nếu thời tiết thuận lợi, lực lượng cứu hộ cứu nạn sẽ tổ chức tìm kiếm xuyên đêm các cán bộ, chiến sỹ còn mất tích trong vụ sạt lở đất tại thôn Cợp.
Đến tối 18/10, tại xã Hướng Phùng vẫn có mưa to gây rất nhiều khó khăn cho công tác khắc phục các vị trí sạt lở để thông đường vào hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn Cợp. Mưa to cũng có nguy cơ gây sạt lở ở gần hiện trường vụ sạt lở đất. Do đó, lực lượng cứu hộ, cứu nạn cũng cân nhắc các phương án tìm kiếm, để đảm bảo an toàn cho lực lượng và phương tiện tham gia tìm kiếm các nạn nhân.
Trước đó, lực lượng công binh dẫn theo chó nghiệp vụ đi bộ từ điểm sạt lở gây tắc đường vào thôn Cợp, xã Hướng Phùng, đã vào được hiện trường vụ sạt lở đất. Lực lượng này đã đi bộ khoảng 2 km đến hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn Cợp, để tiến hành tìm kiếm nạn nhân còn mất tích.
Dự kiến, sáng 19/10, tuyến đường vào hiện trường sạt lở được thông xe, lực lượng chức năng sẽ đưa thi thể các nạn nhân ra ngoài; sau đó, dùng xe chuyên dụng đưa về một bệnh viện tại thành phố Đông Hà.
Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị chìm trong biển nước
Tại Hà Tĩnh, theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, đến 20 giờ ngày 18/10, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa rất to. Tại thành phố Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài cùng với việc Hồ Kẻ Gỗ xả tràn từ chiều 18/10 đã khiến nhiều địa bàn bị ngập lụt. Nhiều nhà dân xung quanh các tuyến đường như Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng…, nước tràn vào nhà từ 0,5 m đến 1 m.
Mưa lũ kéo dài đã gây ngập lụt, xói lở, chia cắt ở một số địa bàn như: huyện Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh. Tại huyện Cẩm Xuyên, chính quyền đã lên phương án di dời hơn 2.000 hộ dân ở hạ lưu hồ Kẻ Gỗ, bao gồm các xã: Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Thạch, Cẩm Vịnh. Địa phương thực hiện di dời những hộ dân ở vùng ngập sâu đến các nhà dân ở vùng cao, nhà 2 tầng kiên cố hoặc các trường học, trạm y tế trên địa bàn.
Ghi nhận của phóng viên tại huyện Hương Khê vào chiều tối 18/10, mưa lớn đã khiến hàng trăm tuyến đường, công trình thủy lợi bị ngập, hư hỏng nặng.
Tại Quảng Bình, đến tối 18/10, mưa to liên tục xảy ra trên diện rộng. Lượng mưa đo được tại Trường Sơn là 1.022mm, Minh Hóa 960mm, Đồng Tâm 870mm, Tuyên Hóa 711mm, Mai Hóa 528mm. Mưa to gây lũ lớn, đã khiến 2 người ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy tử vong (bị lật đò khi đang đi tránh lũ); hơn 57.000 ngôi nhà bị ngập lụt. Người dân vùng lũ nhiều nơi trong tỉnh đang rất cần cứu hộ.
Công tác ứng cứu, hỗ trợ người dân di chuyển ra khỏi nơi nguy hiểm, ngập lụt, sạt lở được chính quyền địa phương và các lượng lực khẩn trương triển khai ngay trong đêm tối 18/10.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, mưa to đã khiến cả 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ngập lụt. Trong đó, huyện Lệ Thủy có khoảng 30.000 nhà bị ngập nước ở hầu hết các xã thuộc huyện; huyện Quảng Ninh có trên 13.000 nhà; huyện Bố Trạch có hơn 4.000 nhà; huyện Minh Hóa có gần 1.100 nhà; huyện Tuyên Hóa có 615 nhà; thị xã Ba Đồn có hơn 6.000 nhà; huyện Quảng Trạch có gần 1.100 nhà và thành phố Đồng Hới có gần 1.160 nhà bị ngập nước.
Tại Quảng Trị, theo báo cáo nhanh Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến tối 18/10, mưa lũ trên diện rộng đã khiến 37 người chết, 19 người mất tích, 15 người bị thương.
Từ ngày 6 - 17/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có mưa với cường suất lớn trên diện rộng, tập trung trong thời gian ngắn theo từng đợt. Mưa lớn đã khiến lũ trên các sông lên nhanh và đạt đỉnh phổ biến ở mức xấp xỉ báo động 3 và trên báo động 3. Đặc biệt, sông Hiếu vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983, sông Ô Lâu vượt đỉnh lũ năm 2009.
Lũ lên nhanh khiến 80/124 xã, phường, thị trấn với trên 53.700 hộ/175.300 người bị ngập lụt, trong đó các lực lượng chức năng đã triển khai sơ tán trên 11.00 hộ/34.700 người đến các địa điểm an toàn. Mưa lũ lớn trên diện rộng cũng đã khiến hơn 316 ha lúa bị ngập, bồi lấp; hơn 1.300 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, trôi; nhiều điểm sạt lở tại Quốc lộ 9D, Quốc lộ 15D, tuyến Quốc lộ 49C, tuyến Quốc lộ 9, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 18/10 đến ngày 20/10, ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa từ 400 - 600 mm; ở Nghệ An 100 - 200 mm, riêng phía Nam có nơi trên 300 mm. Trong ngày 18/10, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục lên rất nhanh, các sông ở Quảng Trị dao động ở mức cao (trên báo động 3). Đêm 18/10 và ngày 19/10, trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị mực nước sẽ lên vượt mức báo động 3, lũ đặc biệt lớn sẽ xuất hiện, không ngoại trừ các sông tiếp tục lên vượt mức lịch sử. Dự báo mưa lũ ở Trung Bộ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.
Tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1411/CĐ-TTg ngày 18/10/2020 về việc tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế và tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Công điện nêu rõ: Gần một tháng nay, mưa lũ đặc biệt lớn kéo dài nhiều ngày trên diện rộng đã gây ngập lụt sâu, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại một số địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhất là tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, làm nhiều người tử nạn, hàng chục người còn mất tích và chưa thể liên lạc được. Trong đó, sự cố sạt lở đất tại Tiểu khu 67 Trạm Quản lý bảo vệ rừng sông Bồ đã làm 13 cán bộ, sỹ quan, chiến sỹ hy sinh; 15 công nhân vẫn còn mất tích tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3. Đặc biệt, vào lúc 1 giờ 25 sáng ngày 18/10 tiếp tục xảy ra sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị làm 22 cán bộ, chiến sỹ bị vùi lấp.
Trước những đau thương, mất mát to lớn trên, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, những người bị tử nạn do thiên tai, chia sẻ những lo âu của gia đình có người còn bị mất tích.
Những ngày tới, mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên ở mức cao. Để hạn chế thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo Quân khu 4 và các đơn vị liên quan khẩn trương tập trung mọi nguồn lực, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân còn đang bị mất liên lạc tại Thủy điện Rào Trăng 3 và các cán bộ, chiến sỹ đang bị vùi lấp tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 bảo đảm nhanh nhất, khẩn trương nhất và an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Ngày 18/10, Đoàn công tác Trung ương do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đến tỉnh Quảng Trị chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Tại đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp thị sát, thăm hỏi, động viên nhân dân tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Phó Thủ tướng chỉ đạo, nhiệm vụ cấp bách lúc này là phải tập trung tìm kiếm những cán bộ, chiến sĩ bị mất tích trong vụ sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế quốc phòng 337.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 18 giờ ngày 18/10, đã có 84 người chết, 38 người mất tích, 52.933 nhà bị ngập; 24.734 nhà bị hư hỏng, sập đổ; 924 ha lúa, 106.616 ha hoa màu, 461.627 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 12 tuyến Quốc lộ, 17.409 m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố đã sơ tán được 11.575 hộ/35.787 người tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế.
Đưa tiễn các liệt sĩ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3
Ngày 18/10, Lễ viếng 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Bệnh viện 268, Cục Hậu cần Quân khu 4, đường Mang Cá, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gửi vòng hoa viếng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu Đoàn Đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã vào viếng 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3.
Trong sổ tang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng viết: “Vô cùng thương tiếc các đồng chí đã hy sinh anh dũng khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn những người dân mất tích tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các đồng chí là những tướng lĩnh, các bộ lãnh đạo chính quyền, các sỹ quan, chiến sỹ và nhà báo. Sự hy sinh của các đồng chí là biểu tượng cao đẹp của truyền thống dân tộc, biểu tượng của tinh thần dũng cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ vì nước, vì dân. Những hành động quên mình cứu dân của các đồng chí là tấm gương sáng ngời và còn mãi với người dân và các thế hệ mai sau...".
Trưa 12/10, nhận được tin báo qua điện thoại của một công nhân về sự cố sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, qua xác minh có 17 công nhân tại đây mất tích, Lãnh đạo Quân khu 4 và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập Đoàn công tác gồm 21 người để tiếp cận hiện trường ngay trong ngày. Khi đi đến khu vực có gầm tràn sâu trên đường 71, xe ô tô không qua được, Đoàn để lại xe và đi bộ vào Thủy điện Rào Trăng 3 còn cách đó khoảng 13 km. Đến khoảng 21 giờ ngày cùng ngày, do mưa quá lớn, nước chảy xiết, đường đi trơn trượt, nguy hiểm, Đoàn phải dừng chân, nghỉ tại khu nhà của Trạm Kiểm lâm sông Bồ. Khoảng 24 giờ cùng ngày, bất ngờ đất đá đổ xuống đè lên khu nhà Đoàn đang nghỉ, chỉ có 8 người thoát khỏi khu vực sạt lở.