Quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung
Chia sẻ, hướng về người dân vùng khi gặp thiên tai là nét đẹp nhiều đời nay của nhân dân ta. Trong những ngày này, khắp mọi miền trên Tổ quốc, mỗi cơ quan, đoàn thể, mỗi tổ chức, cá nhân, bằng nhiều cách, người góp công, người góp của để quyên góp, ủng hộ, nhằm chia sẻ mất mát, khó khăn với người dân miền Trung.
Sáng nay 20/10, trong diễn văn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã xúc động nói: “Trong những ngày qua, nhiều tỉnh miền Trung của chúng ta vẫn đang phải oằn mình gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ gây ra. Trong đó, có sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Quốc hội chia sẻ trước những đau thương, mất mát to lớn này và xin gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, chiến sĩ vùng bị nạn, cùng lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân bị tử nạn”. Bên lề Quốc hội, các đại biểu cũng chia sẻ những mất mát với đồng bào miền Trung, kêu gọi cả nước hướng về miền Trung ruột thịt.
Cũng trong sáng nay, tại Giao ban Báo chí thường kỳ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ.
"Một miếng khi đói bằng một gói khi no", Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đề nghị lãnh đạo các cơ quan báo chí tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có điều kiện giúp đỡ; cổ vũ, quan tâm, tạo đồng thuận xã hội để có thêm nhiều các hoạt động hỗ trợ sớm nhất, hiệu quả nhất để đồng bào các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm phục hồi sản xuất và ổn định đời sống.
Tiếp đó, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các cơ quan chủ quản; Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập các cơ quan báo chí đã quyên góp ủng hộ, hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung.
Tại nhiều địa phương trong cả nước, việc quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục khó khăn được thực hiện nhanh chóng.
Cụ thể, tại Hà Nội, ngày 20/10, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức tiếp nhận lần 1 quyên góp ủng hộ nhân dân miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ, nhằm góp phần chia sẻ, hỗ trợ đồng bào sớm ổn định cuộc sống.
Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiếp nhận đăng ký và ủng hộ của 55 tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền là hơn 22 tỷ đồng và các hàng hóa gồm 700 thùng sữa Ecolean, 500 kg xúc xích, 2 tấn gạo.
Ngay tại chương trình, sau khi tiếp nhận ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã trao hỗ trợ đợt 2 cho tỉnh Quảng Bình 1 tỷ đồng, tỉnh Hà Tĩnh 1 tỷ đồng, để góp phần giúp nhân dân hai địa phương này vơi bớt khó khăn do bão lũ gây ra.
Tại Quảng Nam, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã kêu gọi toàn thể cán bộ công nhân viên Tổng công ty đóng góp ít nhất một ngày lương cơ bản ủng hộ nhân dân tại 4 tỉnh tại miền Trung chịu thiệt hại nặng sau bão số 6 và ngập lụt trong những ngày qua gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và Quảng Nam. Từ nguồn kinh phí đóng góp của cán bộ, công nhân viên công ty và nguồn Quỹ phúc lợi, Tổng công ty Điện lực miền Trung có tổng cộng hơn 2,8 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ.
Ngày 20/10 đại diện Tổng công ty Điện lực miền Trung đã đến trao trực tiếp số tiền 2 tỷ đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 4 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam, mỗi tỉnh 500 triệu đồng; 810 triệu đồng còn lại sẽ được trao cho cán bộ công nhân viên ngành điện trong khu vực bị thiệt hại nhà cửa do lũ lụt gây ra.
Tại Bình Dương, cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận số tiền trên 7,6 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Tại Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã ký quyết định số 4286/QĐ-UBND về việc hỗ trợ kinh phí cho đồng bào bị lũ lụt tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt. Theo đó, tỉnh Bình Định hỗ trợ 3 tỷ đồng cho 4 tỉnh đang bị lũ lụt nặng, gồm: Tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình mỗi tỉnh 500 triệu đồng; tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên – Huế mỗi tỉnh 1 tỷ đồng. Số kinh phí trên được tỉnh Bình Định sử dụng từ nguồn ngân sách dự phòng (2 tỷ đồng) và từ Quỹ Cứu trợ của Ban Cứu trợ thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định (1 tỷ đồng).
Và còn nhiều nữa những nghĩa cử cao đẹp của người dân các địa phương đang hướng về miền Trung, những đợt quyên góp sẽ còn tiếp tục được thực hiện nhằm giúp người dân miền Trung vượt qua khó khăn.
Bánh chưng xanh ấm lòng đồng bào vùng lũ
Không chỉ quyên góp, ủng hộ, mỗi người dân bằng cách của mình đều đang chung tay sẻ chia khó khăn với đồng bào miền Trung.
Hai ngày qua, người dân làng La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) miệt mài gói những chiếc bánh chưng để tiếp tế tới bà con miền Trung. Đến ngày 20/10, người dân La Phù đã gói được khoảng 2.000 chiếc bánh trưng và đang chờ luộc chín, để gửi đi cứu trợ.
Trước đó, hơn 100 tăng ni, phật tử tại chùa Đình Quán (thôn Đình Quán, xã Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng chung tay gói hàng nghìn chiếc bánh chưng chay để gửi tới người dân Thừa Thiên - Huế.
Tại Nghệ An, cảm động biết mấy khi tại nhiều làng quê nghèo nhiều người dân đã gác lại công việc gia đình, thức trắng đêm để gói và nấu bánh chưng gửi theo xe vào cho người dân vùng lũ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Từ ngày 19/10, người dân hai xã Thanh Dương, Cát Văn (huyện Thanh Chương, Nghệ An) mua 300 kg gạo nếp để gói bánh, trong ngày 20/10 nấu xong. Số bánh chưng này được chuyển đến vùng lũ tỉnh Quảng Bình.
Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Lữ đoàn phòng không 283 (Quân khu 4) tổ chức chương trình "Bánh chưng xanh ấm lòng đồng bào vùng lũ"... Chỉ sau một đêm phát động và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cá nhân đã có trên 1,5 tấn nếp, 50 kg đậu, hàng chục ngàn lá dong phục vụ cho việc gói và nấu bánh chưng để chuyển vào cho người dân vùng lũ lụt.
Và còn nhiều nữa những tấm lòng cao cả từ muôn trái tim người dân đất Việt đang hướng về đồng bào vùng lũ. Nhiều cá nhân đã lập các nhóm zalo, facebook hoặc điện thoại trực tiếp cho nhau kêu gọi cùng chung tay, đóng góp, chia sẻ với người dân vùng lũ bằng các việc làm thiết thực. Những dòng tin trên mạng xã hội: "Hội anh em xe cẩu thành phố Vinh, Nghệ An đang rảnh rỗi, chúng tôi nhận chở hàng cứu trợ miễn phí cho các tổ chức, cá nhân đến các vùng miền Trung bị lũ lụt. Chúng tôi có các loại xe từ 3,5 tấn đến 15 tấn sẵn sàng xông pha vào những nơi khó khăn nhất. Hãy gọi cho chúng tôi nếu các bạn cần" đã khiến nhiều người cảm động.
Vợ chồng anh Trương Công Giáp, một doanh nhân ở xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc đã lập nhóm zalo, kêu gọi 107 người là bạn bè, đồng nghiệp, anh em họ hàng tham gia. Số tiền gửi vào tài khoản cá nhân được anh cập nhật đầy đủ, công khai trong nhóm cùng với chương trình, kế hoạch đi cứu trợ. Đến nay, số tiền ủng hộ đã lên đến gần 200 triệu đồng. Vợ chồng anh đã trích 20 triệu đồng gửi tới người dân vùng lũ làng An Mô, xã Triệu Phong, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; phúng viếng, chia sẻ nỗi đau mất mát đến các gia đình liệt sỹ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ ở Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế); trao quà cứu trợ ở các xã ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên- Huế)… Vợ chồng anh đang tiếp tục kêu gọi, có kế hoạch đến những vùng ngập lụt, nơi có người dân bị thiệt hại để trao tiền và quà…
Những nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng tương thân tương ái, đó là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, chia ngọt sẽ bùi, từ xưa đến nay của người Việt Nam. Bất kể khi nào gặp khó khăn, nhân dân cả nước lại sát cánh bên nhau để giúp đỡ, chia sẻ, tất cả đều mong cho người dân miền Trung vượt qua hoàn cảnh khó khăn này.
Tìm cách “sống chung với lũ”
Sau gần ba ngày nước lũ “đổ bộ”, mọi tuyến đường tại thành phố Hà Tĩnh đều chìm trong biển nước. Điện, nước không có; giao thông, liên lạc bị chia cắt; lương thực, thực phẩm thiếu, người dân thành phố Hà Tĩnh đang nỗ lực tìm cách “sống chung” với trận lũ mà theo họ là chưa từng có trong lịch sử.
Ngày 20/10, chỉ có hai siêu thị lớn ở thành phố Hà Tĩnh là Vincom và CO.OP Mart mở cửa nên rất đông người dân vượt nước lũ đến để mua những nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, nước uống, gas, nến... Tuy nhiên, quãng đường để đến được siêu thị không hề đơn giản, người dân phải vượt qua nhiều tuyến đường ngập sâu nguy hiểm.
Trong những ngày này, tình người lại tỏa sáng hơn bao giờ hết. Tại các đường phố ở thành phố Hà Tĩnh, hàng chục chủ xe ben đã tự nguyện mang xe đến để “trung chuyển” miễn phí người dân đi mua hàng dọc các tuyến đường như Phan Đình Phùng, Hà Huy Tập…
Anh Ngô Văn Hùng, lái xe ben trú ở Tổ dân phố 12 (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết: Khu vực nhà tôi ở tuy không bị ngập nhưng những ngày này ở nhà rất nóng ruột, tôi mang xe vào đây, tự đổ dầu để cứu trợ giúp người dân. Từ chiều 19/10 đến nay, tôi di chuyển theo cung đường từ vòng xuyến BMC đi dọc đường Hà Huy Tập, người dân có nhu cầu sẽ lên xe để tôi “trung chuyển” đến tận nơi miễn phí.
Có mặt trên thùng xe ben của anh Hùng, anh Trần Quốc Hoàng (trú ở khối phố 3, phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh) xúc động nói: Mưa lụt, nhà toàn phụ nữ và trẻ nhỏ, tôi phải bất chấp nước to, lội từ trong ngõ ở đường Hà Huy Tập ra để mua đồ dùng thiết yếu. May mắn là gặp được những anh xe ben tốt bụng nên quãng đường di chuyển được dễ dàng hơn.
Dọc các tuyến đường như Phan Đình Phùng, Hà Huy Tập… còn có nhiều đội nhóm thiện nguyện dùng những chiếc xuồng hơi chất đầy các nhu yếu phẩm cần thiết như: mì tôm, sữa, nước, bánh ngọt… được chia thành từng túi nhỏ, kéo đi dọc các tuyến đường để cứu trợ cho người dân bị cô lập, thiếu thốn nhu yếu phẩm cần thiết.
Ngày 20/10, trước diễn biến phức tạp của lũ lụt, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chức năng trong tỉnh xây dựng kế hoạch, thiết lập mạng lưới phân phối, cấp phát nhằm đảm bảo lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân để không xảy ra tình trạng người dân đói rét trong thời điểm khó khăn như hiện nay.
Trước mắt, trong ngày 20/10, tỉnh Quảng Bình thiết lập mạng lưới phân phối lương thực, thực phẩm (gồm các loại giản đơn, dễ tổ chức vận chuyển đến như lương khô, mì gói, nước mắm...) đến với bà con vùng ngập lũ lụt nặng tại hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Với các địa phương khác như vùng Nam thị xã Ba Đồn và các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, mạng lưới phân phối lương thực sẽ được triển khai sớm…
Cũng tại Quảng Bình, lúc 19 giờ ngày 19/10, tại km 137+100, đường 12A, mái taluy dương phía Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đã xảy ra sạt lở đất, đá với khối lượng lớn, lấp hết một đoạn Quốc lộ 12A, gây ách tắc giao thông. Sạt lở, sụt lún đã làm bức tường rào và dãy nhà ở cán bộ, chiến sỹ, Nhà Chỉ huy Đồn Biên phòng bị sập hoàn toàn…
Tại thời điểm trên, địa bàn Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo có mưa rất lớn, lũ lên nhanh khiến đất núi bị ngấm no nước, có thể việc sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra. Qua thị sát và kiểm tra, lực lượng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo phát hiện quả đồi bên phía taluy dương bên trái Quốc lộ 12A hướng từ nội địa lên Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo tại Km137+150 bị sụt lún, cả quả đồi sạt lở xuống Quốc lộ 12A và lấp suối Cha Lo với khối lượng hàng ngàn m3, làm nước suối dâng cao khoảng hơn 2m, Quốc lộ 12 A đoạn từ Km137+150 đến Km139 bị chia cắt.
Xác định nguy cơ sụt lún, sạt lở đất tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, đe dọa đến tính mạng, tài sản của đồng bào dân tộc ở bản Cha Lo gần đó, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời khẩn cấp 34 hộ với 127 khẩu trong bản Cha Lo về bản Bãi Dinh, Ka Vàng thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa để đảm bảo an toàn.
Cũng trong chiều 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại tỉnh Quảng Bình, thăm và động viên người dân nơi đây.
Sau khi đi thị sát khu vực ngập lụt tại thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ với những khó khăn, mất mát của người dân, nhất là những gia đình có người bị chết, bị thương do mưa lũ. Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác ứng phó của cấp ủy, chính quyền các địa phương tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là hỗ trợ, di dời người dân đến nơi an toàn.
Thời gian tới, mưa lũ còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng mong muốn bà con đoàn kết, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Chính phủ, chính quyền các địa phương quyết tâm không để ai bị đói và rét do thiên tai.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Bình tiếp tục quan tâm đến đời sống của người dân, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết, nước sạch để bà con yên tâm ổn định cuộc sống sau mưa lũ. Tỉnh không được lơ là, chủ quan, tiếp tục rà soát các khu vực xung yếu, nguy cơ mất an toàn để sơ tán người dân; đồng thời huy động tối đa lực lượng để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại ngay sau khi lũ rút.
133 người chết và mất tích do mưa lũ
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 17 giờ ngày 20/10, mưa lũ từ ngày 6 - 20/10 đã làm 133 người chết và mất tích, trong đó có 106 người chết; 371 ha lúa bị ngập, 6.989 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 5.876 con gia súc, 685.225 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 16 tuyến quốc lộ, 163.150 m đường quốc lộ, 161.880 m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Hiện đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tỉnh Quảng Bình còn 7 vị trí ngập, sạt lở và nhiều tuyến đường nội tỉnh đang ngập lụt, chia cắt. Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh còn bị ngập.
Quyết tâm thông tuyến lên Rào Trăng 4 để cơ động lên Rào Trăng 3
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với lực lượng công binh thực hiện phá nổ tảng đá lớn nặng khoảng 20 tấn do sạt lở đang án ngữ trên đường 71 và triển khai các phương án thông đường, quyết tâm sớm thông tuyến lên Rào Trăng 4 để cơ động lên Rào Trăng 3.
Hiện nay, lực lượng cứu hộ đang ở vị trí cách Thủy điện Rào Trăng 4 khoảng 1 km và cách Thủy điện Rào Trăng 3 hơn 10 km. Tuyến đường 71 đi vào Thủy điện Rào Trăng 3 có nhiều điểm sạt lở mới do mưa lớn tại km 13 gây chia cắt con đường và 1 tảng đá lớn nặng khoảng hơn 20 tấn đã án ngữ tại km 18. Ngoài ra, trên đường 71 còn có 3 ngầm tràn lớn, trong đó 1 ngầm tràn ngập 1,2 m, có 2 đoạn bị trôi luôn cả đường nên việc thi công bằng cơ giới thông đường 71 lên Thủy điện Rào Trăng 4, Rào Trăng 3 gặp rất nhiều khó khăn. Khối lượng sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3 rất lớn, được phân làm 3 tầng với bề dày mỗi tầng 3-4 m. Khoảng 2 triệu m3 đất đá bị sạt lở tại đây.
Trên tuyến đường 71 hiện đang có 10 xe múc, xe ủi sẵn sàng triển khai nhiệm vụ mở đường khi điều kiện thời tiết thuận lợi; ngoài ra có 5 xe múc, xe ủi đã tập kết tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền sẵn sàng tham gia công tác khôi phục tuyến đường 71. Bên trong khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 hiện cũng có 2 máy ủi, máy xúc, lực lượng cứu hộ đang cố gắng sử dụng phương tiện tại chỗ này để đào bới, tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Viettel Thừa Thiên - Huế, - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, cũng đang tập trung thiết lập hệ thống thông tin liên lạc vào Thủy điện Rào Trăng 3 để phục vụ công tác tìm kiếm, cứu hộ nạn nhân mất tích, phấn đấu hoàn thành trong ngày 20/10.