Vĩnh Phúc cũng tập trung triển khai các nhiệm vụ đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận tại Thông báo số 130-KL/TU ngày 10/5/2019 đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả, đó là sáp nhập các Trung tâm, sắp xếp lại các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước… Tỉnh tiếp tục thực hiện tinh giản tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Bên cạnh đó, tỉnh dành chỉ tiêu công chức, viên chức phù hợp để thu hút, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ về tỉnh làm việc; trong đó tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như y tế, giáo dục, xây dựng, giao thông, kinh tế, tài nguyên và môi trường...
100% cơ quan hành chính cấp tỉnh của Vĩnh Phúc và 100% cơ quan chuyên môn cấp huyện đã được quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Toàn tỉnh đã giảm 3 chi cục (Chi cục Thủy lợi, Chi cục Quản lý đất đai, Chi cục Bảo vệ môi trường); đặc biệt giảm 58 phòng chuyên môn thuộc sở, ngành, đơn vị thuộc sở; cấp huyện giảm 10 phòng. Toàn tỉnh giảm 106 đơn vị sự nghiệp công lập (Giáo dục - đào tạo giảm 49 đơn vị; Y tế giảm 14 đơn vị; Ban quản lý dự án các cấp giảm 16 đơn vị…).
Tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tiếp tục rà soát, quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của Chính phủ; sắp xếp các phòng, ban chuyên môn của đơn vị để hình thành các phòng đa chức năng, đa lĩnh vực. Vĩnh Phúc thực hiện nghiêm nguyên tắc mỗi sở, ban, ngành có từ 5 đầu mối trở lên và UBND về cơ bản giảm thêm ít nhất 1 đầu mối.
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức theo lộ trình. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã cắt giảm 1.349 chỉ tiêu; tinh giản biên chế 274 trường hợp, cho thôi việc theo Nghị quyết 31/2017/NQ-HĐND tỉnh là 774 trường hợp. Hiện Vĩnh Phúc đã có một số cơ quan, đơn vị hoàn thành đạt 100% chỉ tiêu tinh giản biên chế theo kế hoạch như: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Giao thông Vận tải, Liên minh Hợp tác xã…/.