Hơn 10.000 mẫu xét nghiệm lần 2 của Đại biểu và khối phục vụ Đại hội Đảng đều âm tính với virus SARS-COV-2
Tính đến 20 giờ ngày 24/1/2021 (tức 10 giờ trước khi diễn ra các hoạt động đầu tiên của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng), hơn 10.000 mẫu xét nghiệm COVID-19 lần 2 của các đại biểu tham dự Đại hội Đảng và tất cả cán bộ, nhân viên phục vụ Đại hội Đảng đều cho kết quả âm tính với virus SARS-COV-2.
Điều này đảm bảo môi trường an toàn để tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Theo quy định, tất cả các đại biểu tham dự Đại hội Đảng và những người phục vụ Đại hội Đảng đều phải trải qua hai lần xét nghiệm COVID-19: lần 1 trong vòng 7 ngày trước Đại hội và lần 2 trong vòng 1- 2 ngày trước Đại hội. Kết quả hai lần xét nghiệm của toàn bộ hơn 10.000 người đều âm tính.
Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp trên thế giới, vẫn cần phải tiến hành đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn cần thiết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo tinh thần Điện của Thường trực Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai đợt cao điểm phòng chống COVID-19. Các Bộ, Ngành và các địa phương đặc biệt chú trọng ngăn chặn việc xâm nhập các ca bệnh từ bên ngoài vào Việt Nam.
Mọi người dân cần đề cao cảnh giác, phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng những trường hợp không thực hiện cách ly để đảm bảo môi trường an toàn trong thời gian diễn ra Đại hội, góp phần vào thành công của Đại hội và đón Tết Tân Sửu bình an, hạnh phúc”.
Việt Nam sang ngày thứ 2 liên tiếp không ca mắc mới COVID-19
Ngày 24/1, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19; đã sang ngày thứ 2 liên tiếp không ca mắc mới.
Tính đến 18 giờ ngày 24/1, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 20.536 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 128 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 19.202 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.206 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 31 ca.
Đến nay, đã 53 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.
Truy tố 15 bị can trong vụ Nhật Cường
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra cáo trạng truy tố 15 bị can trong vụ án hình sự “Buôn lậu”; “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).
Trước đó, trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tách hồ sơ các hành vi “Rửa tiền” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” để xử lý sau, do Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) đang bỏ trốn và bị truy nã.
Nhóm bị can bị truy tố tội “Buôn lậu” theo Điều 188, Bộ luật Hình sự 2015 gồm: Trần Ngọc Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường); Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường); Đỗ Quốc Huy (Giám đốc bán hàng Công ty Nhật Cường); Nông Văn Lư (nhân viên Công ty Nhật Cường); Nguyễn Bảo Trung (lao động tự do); Trần Tất Khoa (Giám đốc Công ty Nhật Cường, chi nhánh tại Quảng Châu, Trung Quốc); Lê Hoài Phương (nhân viên Công ty Nhật Cường, chi nhánh tại Quảng Châu); Ngô Đức Tùng (lao động tự do); Ngô Tuấn Sửu (Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Sơn); Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple, Công ty Nhật Cường); Mai Tiến Dũng (Trưởng ngành hàng điện thoại cũ, Công ty Nhật Cường); Phạm Văn Hiệp (lao động tự do); Bùi Quốc Việt (nhân viên Công ty Nhật Cường); Đỗ Văn Dũng (lao động tự do).
Các bị can bị truy tố tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 221, Bộ luật Hình sự 2015 gồm: Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường); Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán Trưởng Công ty Nhật Cường).
Theo nội dung cáo trạng, từ tháng 5/2019, Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép tổng số 2.502 đơn hàng với 255.311 sản phẩm (các loại hiệu Iphone, Blackberry, HTC New One, Galaxy, hiệu YotaPhon; máy tính các loại hiệu Apple iPad, hiệu API các loại máy nghe nhạc hiệu Apple; đồng hồ thông minh hàng hiệu - các phụ kiện chuột Macbook, sạc, cáp, tai nghe), tổng giá trị 2.927 tỉ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hồng Kông, Trung Quốc.
Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy đã tiêu thụ được 254.364 sản phẩm, thu lợi bất chính 221 tỉ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận định, đây là vụ đồng phạm có tổ chức, có sự cấu kết giữa các bị can trong việc thực hiện hành vi phạm tội, trong đó, Bùi Quang Huy là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định truy tố ra trước Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử đối với 15 bị can; đồng thời phân công Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án.
Công bố danh sách cán bộ, lãnh đạo chủ chốt thành phố Thủ Đức
Chiều 22/1, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định cán bộ cho các lãnh đạo chủ chốt của thành phố Thủ Đức.
Theo đó, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Thủ Đức gồm 45 người, Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức gồm 14 người. Trong đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Bí thư Quận ủy quận 5, giữ chức Bí thư Thành ủy thành phố Thủ Đức; ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Thủ Đức và được HĐND thành phố Thủ Đức bầu làm chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức; ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Thủ Đức.
Tại buổi lễ, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã trao quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về chỉ định Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy Thủ Đức nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cũng đã trao quyết định của HĐND TP Hồ Chí Minh về việc phê chuẩn kết quả bầu chức danh Chủ tịch HĐND thành phố Thủ Đức nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Phước Hưng và chức danh Phó Chủ tịch HĐND thành phố Thủ Đức nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Thái Mỹ Diện (Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức cũ). Ông Nguyễn Phước Hưng, Bí thư Quận ủy quận 2 - tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ, giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Thủ Đức, được HĐND thành phố Thủ Đức bầu làm Chủ tịch HĐND thành phố Thủ Đức.
Ông Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh về việc phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Hoàng Tùng; chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức nhiệm kỳ 2016-2021 cho ông Nguyễn Kỳ Phùng (Phó Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ), ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng (Phó Chủ tịch UBND quận 2 cũ) và ông Nguyễn Hữu Anh Tứ (Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cũ).
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cũng đã trao quyết định thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Thủ Đức lâm thời và chỉ định Ủy viên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Thủ Đức nhiệm kỳ 2019-2024.
Tiêm thử nghiệm mũi 2 vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax cho 20 tình nguyện viên
Ngày 20/1, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) tiếp tục tiêm thử nghiệm mũi 2 nhóm liều 25 mcg của vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax cho 17 tình nguyện viên và mũi 2 nhóm liều 50 mcg cho 3 tình nguyện viên đầu tiên (đã tiêm thử mũi 1 vào ngày 26/12/2020 trước đó).
Cụ thể, 17 tình nguyện viên tiêm thử mũi 2 nhóm liều 25 mcg của vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax thuộc nhóm 1a, trong đó 3 tình nguyện viên đầu tiên của nhóm đã được tiêm liều nhắc lại vào ngày 14/1.
Hiện sức khỏe của cả 3 tình nguyện viên đều ổn định, không có phản ứng bất thường. Ngoài ra, 3 tình nguyện viên đầu tiên của nhóm 1b cũng được tiêm mũi 2 liều 50mcg trong ngày 20/1, sớm hơn 3 ngày so với dự kiến.
Như vậy đến nay, Việt Nam đã hoàn tất hơn nửa chặng đường thử nghiệm vaccine giai đoạn 1 đánh giá độ an toàn của vaccine. Cụ thể, liều 25mcg (nhóm 1a): Tiêm đủ 2 mũi cho toàn bộ 20 tình nguyện viên. Liều 50mcg (nhóm 1b): Tiêm đủ mũi 1 cho 20 tình nguyện viên, trong đó 3 tình nguyện đầu tiên tiêm mũi 2. Liều 75mcg (nhóm 1c): Tiêm đủ mũi 1 cho toàn bộ 20 tình nguyện viên.
'Thiếu tướng tự phong' Hoa Hữu Long bị phạt tù chung thân
Sau 3 ngày xét xử, chiều 20/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt các bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong đó, bị cáo Hoa Hữu Long (sinh năm 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển Long Nhật) bị tuyên phạt tù chung thân; bị cáo Cao Thị Kim Loan (sinh năm 1970, vợ bị cáo Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dược phẩm Nhật Mỹ) bị tuyên phạt 20 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Về cùng tội danh trên, bị cáo Trần Duy Hưng bị tuyên phạt 17 năm tù, bị cáo Nguyễn Minh Sơn 15 năm tù. Các bị cáo Lê Hồng Giang, Mạc Phúc Hải, Phạm Thế Hùng, Lê Chí Thành, Hoàng Văn Khải, Vũ Khắc Thư, Nguyễn Tân Mão, Hoa Bách Tùng bị tòa tuyên phạt từ 5 năm - 13 năm tù. Hai bị cáo Phùng Thị Thanh Huế và Ngô Tuấn Anh bị Tòa án tuyên phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ, trong quá trình xét xử, hầu hết các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Các bị cáo có lời khai cơ bản phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp giữa các bị cáo với nhau.