Tin nổi bật ngày 18/1

Ngày 18/1, các thông tin “nóng” được dư luận quan tâm là: Lực lượng công an thiết lập trạng thái “sẵn sàng mới” để bảo vệ an ninh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Tròn 48 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-trong cộng đồng; Triệt phá cơ sở bán rượu giả đóng trong bình hình linh vật năm Tân Sửu; Đề nghị tạm dừng hoạt động tại công trình Panorama...

Bảo vệ Đại hội Đảng từ sớm, từ xa

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Công an đã có những bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, với hàng trăm kế hoạch, phương án, bố trí lực lượng, tổ chức các biện pháp công tác chặt chẽ, nhiều vòng, nhiều lớp.

Chú thích ảnh
Lực lượng Cảnh sát cơ động biểu diễn, huấn luyện võ thuật, diễn tập giải quyết các tình huống gây rối. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Công an, Thường trực Tiểu ban An ninh, trật tự Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng), để bảo đảm an ninh, an toàn cho Đại hội Đảng, Bộ Công an đã xác định nhiệm vụ và ban hành Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ, thành lập Tiểu ban An ninh, trật tự. Lãnh đạo Bộ trực tiếp tham gia Tiểu ban để thống nhất chỉ huy, chỉ đạo; phân công trách nhiệm cụ thể của Công an từng đơn vị, địa phương; ban hành một phương án tổng thể, 9 phương án cụ thể về xử lý các tình huống khủng bố, tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, an toàn phòng cháy, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng.

Công tác bảo đảm an ninh, an toàn triển khai toàn diện không chỉ tại Hà Nội mà đồng bộ trên phạm vi cả nước, trên tất cả các mặt công tác, chặt chẽ ngay từ khâu phòng ngừa, sẵn sàng cao nhất để tổ chức thành công Đại hội.

Sau Lễ xuất quân và diễn tập phương án bảo đảm an ninh, trật tự Đại hội XIII của Đảng vào sáng 10/1/2021, lực lượng Công an cả nước đã bước vào trạng thái "sẵn sàng mới" để bảo vệ an ninh, an toàn phục vụ Đại hội XIII của Đảng. So với trạng thái bình thường, ở trạng thái này, toàn lực lượng sẽ tổ chức trực, ứng trực ở cấp độ cao nhất, tất cả các đơn vị, địa phương trọng điểm tổ chức trực 100% quân số; các hoạt động tuần tra vũ trang, rà quét phát hiện, ngăn chặn tội phạm, vi phạm pháp luật được thực hiện với tần suất dày hơn, liên tục, nhất là tại những địa bàn tiềm ẩn phức tạp. Công an bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tạo thành nhiều vòng, nhiều lớp với thế trận chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt nơi tổ chức Đại hội và địa điểm lưu trú của đại biểu dự Đại hội; triển khai các phương án kiểm soát an ninh, điều tiết phân luồng giao thông, bảo đảm an toàn phòng cháy…, loại trừ mọi nguyên nhân, điều kiện có thể dẫn đến sơ suất trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

Lực lượng Công an đã ban hành các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh mạng, an ninh thông tin, truyền thông; tích cực tham gia công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo đảm an ninh mạng, ngăn chặn, vô hiệu hóa thông tin xấu, độc, sai sự thật, thông tin giả…. qua đó đã vô hiệu hóa, làm giảm hoạt động chống phá của các đối tượng trên không gian mạng. Các biện pháp này sẽ tiếp tục được triển khai quyết liệt trước, trong và sau thời gian diễn ra Đại hội.

Tròn 48 ngày Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng

Từ 18 giờ ngày 17/1 đến 18 giờ ngày 18/1, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh. Hôm nay cũng là ngày thứ 48, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.

Như vậy, đến 18 giờ ngày 18/1, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 17.954 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 135 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 16.466 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.353 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 18/1, có thêm 22 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Đến nay, đã 48 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 30 ca.

Triệt phá cơ sở sản xuất rượu giả đựng trong bình hình trâu

Chú thích ảnh
Các chai rượu giả đóng trong bình hình linh vật năm Tân Sửu khi được bán ra thị trường có giá hàng triệu đồng. Ảnh: LP

Sau thời gian theo dõi, ngày 18/1, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường chủ trì, phối hợp cùng cùng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, Công an quận Hà Đông và Công an phường Yên Nghĩa đã triệt phá một cơ sở sang chiết, đóng chai rượu giả tại địa chỉ LK-U13 Khu đô thị mới Dương Nội, phường Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội).

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ rất nhiều vỏ hộp, tem nhãn, chai lọ và hàng trăm sản phẩm rượu đã đóng chai chuẩn bị đưa đi tiêu thụ có dấu hiệu là hàng giả, hàng nhái.

Những sản phẩm rượu này có tem thể hiện là rượu có xuất xứ từ nước ngoài. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã làm rõ đây là rượu giả được sang chiết, đóng hộp từ rượu thủ công và rượu nhãn hiệu Black của Lào...

Cán bộ Cục Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết: Các đối tượng nhận thấy thị trường nổi lên nhu cầu rượu đóng chai hình con giáp năm Tân Sửu nên đã tìm mua chai thủy tinh, chai sứ hình trâu và tem nhãn trên mạng xã hội, sau đó mua loại rượu Black Lào không có nguồn gốc xuất xứ để làm giả sản phẩm thật có nguồn gốc từ Armenia, Moscow... và bán ra thị trường.

Đề nghị tạm dừng hoạt động tại công trình Panorama

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cho biết: Sở vừa có văn bản số 1015/SXD-QLXD trình UBND tỉnh về việc kiểm tra thực tế công tác cải tạo công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc và đề xuất tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh tại đây cho tới lúc hoàn tất công tác cải tạo công trình.

Chú thích ảnh
Công trình xây dựng nhà nghỉ, nhà hàng Panorama trái phép ở đỉnh đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ảnh: TTXVN

Qua kiểm tra thực tế việc cải tạo công trình Panorama trên đèo Mã Pì Lèng, Sở Xây dựng xác định một số hạng mục sau khi cải tạo không tuân thủ đúng phương án kiến trúc đã được phê duyệt.

“Qua kiểm tra cho thấy, công tác cải tạo công trình của chủ đầu tư không tuân thủ đúng theo phương án kiến trúc đã được duyệt. Hiện tại chủ đầu tư đã trình thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công để cải tạo công trình”, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Giang nêu.

Trong khi công tác thẩm định hồ sơ được thực hiện theo quy định, Sở Xây dựng Hà Giang có 3 kiến nghị: Đề nghị UBND huyện Mèo Vạc yêu cầu chủ đầu tư tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh cho đến khi hoàn tất việc cải tạo công trình.

Sau khi có báo cáo kiểm tra của Sở Xây dựng, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản giao Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay mọi hoạt động tại công trình; thực hiện tháo dỡ toàn bộ phần công trình xây vượt chiều cao so với phương án cải tạo được duyệt hoàn thành trước ngày 20/1/2021. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện, lập hồ sơ thiết kế cải tạo công trình theo đúng phương án đã được hội nghị tư vấn ngày 12/3/2020 thông qua (riêng đối với vật liệu lợp mái có thể thay đổi cho phù hợp với điều kiện thi công thực tế) gửi Sở Xây dựng trước ngày 15/1/2021; thành lập tổ công tác đôn đốc, giám sát hộ gia đình thực hiện cải tạo công trình, bảo đảm theo đúng hồ sơ được phê duyệt, hoàn thành trong quý I/2021.

Kỷ luật Đảng nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá)

Ngày 18/1, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa có Thông báo số 18-TB/UBKTTU về kết quả xem xét, xử lý kỷ luật Đảng đối với 2 đảng viên vi phạm pháp luật do liên quan đến vụ đánh bạc tại huyện Hậu Lộc.

Theo đó, căn cứ bản án hình sự sơ thẩm số 04/2020/HS-ST ngày 15/9/2020 của Tòa án quân sự Quân khu 4; Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; Quy định 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; qua xem xét, nhận thấy: Hành vi đánh bạc của đồng chí Nguyễn Văn Long, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện và đồng chí Lê Duy Hưng, nguyên Huyện ủy viên, nguyên Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch, UBND huyện Hậu Lộc, là nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị nơi đồng chí sinh hoạt và công tác.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân vi phạm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Long, đồng chí Lê Duy Hưng bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng (theo Quyết định số 335-QĐ/TU và Quyết định số 336-QĐ/TU ngày 11-1-2021). Cùng với việc xử lý kỷ luật về Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy Hậu Lộc chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính đối với 2 đồng chí theo quy định.

Trước đó, như TTXVN đã đưa tin vào khoảng 2 giờ ngày 1/6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã bất ngờ ập vào trụ sở UBND huyện Hậu Lộc, bắt quả tang Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc là ông Nguyễn Văn Long cùng 3 người đang đánh bài ăn tiền, thu giữ trên chiếu bạc 92 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều tang vật khác có liên quan.

Ngoài ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, còn có ông Lê Duy Hưng (sinh năm 1967), Trưởng phòng Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Hậu Lộc và 2 chủ doanh nghiệp là Trần Văn Hùng (sinh năm 1974), ở thị trấn Hậu Lộc và Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1973), ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc.

Ngày 4/9/2020, tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân huyện Hậu Lộc nhiệm kỳ 2016-2021 đã thông qua tờ trình miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện đối với ông Nguyễn Văn Long.

Xác nhận nguồn gốc cây đào, mai nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường bảo vệ rừng và quản lý, truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Theo đó, việc khai thác cây đào, cây mai và một số cây trồng ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên do tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn trồng do chủ rừng quyết định việc khai thác theo quy định của pháp luật.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND cấp tỉnh tăng cường chỉ đạo, quản lý tại cơ sở; tuyên truyền, vận động không để lợi dụng chặt, phá cây rừng; tùy theo điều kiện cụ thể địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hợp pháp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đảm bảo khả thi đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn để áp dụng thống nhất trong cả nước.

PVBáo Tin tức
Đảm bảo điều kiện tác nghiệp cho phóng viên tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII
Đảm bảo điều kiện tác nghiệp cho phóng viên tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Chiều 18/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh cùng Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã kiểm tra việc hoàn thiện cơ sở vật chất của Trung tâm này tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia để chuẩn bị khai trương vào ngày 22/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN