Thủ tướng: Ngăn chặn hiệu quả các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép
Sáng 22/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã Chính phủ đến thăm, kiểm tra công tác ứng trực sẵn sàng chiến đấu và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe báo cáo của các đồn Biên phòng tại 11 điểm cầu và tổ, chốt trên biên giới; thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên biên giới, đồng bào các dân tộc khu vực biên giới; tặng quà các đồn Biên phòng để cán bộ, chiến sĩ vui Xuân, đón Tết. Trong số các điểm cầu có 8 đồn biên phòng và 3 tổ chốt chống dịch COVID-19 gồm chốt số 1 của đồn biên phòng Tịnh Biên (An Giang), chốt mốc 938 của đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (Cao Bằng) và chốt mốc 252 của đồn biên phòng Thanh Thủy (Hà Giang).
Báo cáo với Thủ tướng về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, trong năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kịp thời nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên các tuyến biên giới, phục vụ hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Bộ đội Biên phòng đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV ban hành Luật Biên phòng Việt Nam đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, với tỷ lệ biểu quyết tán thành rất cao.
Bộ đội Biên phòng đã thành lập, duy trì nghiêm trên 1.608 tổ, chốt, với trên 10.000 cán bộ, chiến sĩ cùng với các lực lượng khác trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-9; điều động 8 đợt/3.157 lượt cán bộ, chiến sĩ, gần 100 lượt phương tiện, chó nghiệp vụ từ các học viện, nhà trường, đơn vị tuyến sau tăng cường cho các đồn Biên phòng tuyến biên giới đất liền phòng, chống dịch COVID-19.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ "kép” vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa tham gia tích cực, hiệu quả phòng, chống dịch; huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tổ chức ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan qua biên giới.
Qua đó đã phát hiện, xử lý 31.774 người nhập cảnh trái phép; tiếp nhận 11.668 người Việt Nam nhập cảnh, cư trú, lao động trái phép do các nước trao trả qua cửa khẩu, bàn giao cho địa phương cách ly theo quy định. Phối hợp với các lực lượng, cơ quan chức năng thực hiện thủ tục nhập cảnh tại các cửa khẩu và bàn giao 116.342 người cho lực lượng chức năng cách ly theo quy định. Điều tra, bắt giữ, khởi tố, xử lý hình sự 94 vụ/172 đối tượng tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Bên cạnh việc phòng, chống dịch COVID-19, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã đạt nhiều thành tích trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm với việc xác lập, đấu tranh thành công 104 chuyên án; chủ trì, phối hợp bắt 11.927 vụ/40.920 đối tượng, trong đó, Bộ đội Biên phòng bắt 569 vụ/968 đối tượng tội phạm ma túy, tang vật thu giữ 2,1 tấn ma túy; bắt 1.575 vụ/815 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, thu giữ 373 tấn than, 1,5 triệu lít dầu, 6 tấn pháo, 1,5 triệu bao thuốc lá, 215 m3 gỗ... Đồng thời, phối hợp với các lực lượng đấu tranh thành công 21 chuyên án, bắt 516 vụ/555 đối tượng; thu giữ 1 tấn ma túy, 13 khẩu súng, 2,7 tấn pháo, 1,2 triệu lít dầu, 103 tấn dược liệu...
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những nỗ lực, cố gắng của quân và dân trên các tuyến biên giới, đã vững vàng, kiên trì bám đất, bám biển bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng bào, đồng chí nơi biên cương, hải đảo luôn có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã hết sức quan tâm, chăm lo Tết chu đáo, nghĩa tình cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới. Phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, chăm lo cho các hộ nghèo, gia đình chính sách…
Về kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao lực lượng Bộ đội Biên phòng đã vượt qua khó khăn, gian khổ hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác Đối ngoại Biên phòng, xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra trên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Tiêu biểu, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã xung kích, nòng cốt, đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã thể hiện bản lĩnh, ý chí, trách nhiệm vượt qua khó khăn, gian khổ cùng với các lực lượng chức năng và nhân dân chốt chặn trên biên giới phòng, chống hiệu quả dịch bệnh COVID-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ "kép” vừa bảo vệ biên giới, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, vừa phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan qua biên giới, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
1.587 đại biểu về dự Đại hội XIII của Đảng, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc
Chiều 22/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức họp báo trước khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25/1 - 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước. Thông tin tại họp báo, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết: Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, tăng gần 80 đại biểu so với Đại hội XII, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Trong đó, đại biểu đương nhiên chiếm tỷ lệ 12,04%; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương chiếm tỉ lệ 87,02%; đại biểu chỉ định chiếm tỷ lệ 0,95%; đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 13,99%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 11,03%... Đại biểu khách mời có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao tại Hà Nội, đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu…
Bộ Chính trị đã quyết định thành lập 67 đoàn đại biểu và cử trưởng đoàn đại biểu; phân công 191 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (cả chính thức và dự khuyết) tham gia sinh hoạt tại 67 đoàn đại biểu; đồng thời chỉ định 15 đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.
Phát biểu tại họp báo, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa định hướng tương lai, từ đó tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước. Công tác chuẩn bị Đại hội đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao. Các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này đã được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo; là kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Ngay từ đầu tháng 10/2018, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng gồm: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Các Tiểu ban đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ, yêu cầu đặt ra. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến về đề cương các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII tại Hội nghị Trung ương 10 (tháng 5/2019); cho ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại các Hội nghị Trung ương 11 (10/2019) và Hội nghị Trung ương 13 (10/2020) trước khi công khai để lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tại Hội nghị Trung ương 14 (tháng 12/2020), Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua nội dung các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng gồm 5 tài liệu: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Tại Hội nghị Trung ương 15 (ngày 16-17/01/2021), Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Các tài liệu chính của Đại hội đã được gửi tới các đại biểu từ ngày 17/1/2021 để nghiên cứu. Tới nay, công tác chuẩn bị đã sẵn sàng mọi điều kiện với chất lượng cao nhất để tổ chức Đại hội thành công.
Khẳng định quá trình chuẩn bị văn kiện luôn luôn gắn liền với yêu cầu tổng kết thực tiễn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Dự thảo văn kiện trình Đại hội lần này có rất nhiều điểm mới, nhất là về cách tiếp cận, không chỉ nhìn nhận một nhiệm kỳ mà đánh giá những nét nổi bật của nhiệm kỳ này gắn liền với việc tổng kết. “Khi đưa ra tầm nhìn và định hướng phát triển cho đất nước thì không chỉ đặt ra cho 5 năm tới mà chúng ta đưa ra tầm nhìn và định hướng đến giữa thế kỷ, với khát vọng phát huy ý chí sức mạnh của người Việt Nam để chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Nội dung, chương trình của Đại hội tập trung kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011- 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045; kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Công tác tổ chức, phục vụ Đại hội lần này có một số điểm mới và được bổ sung để phù hợp với tình hình dịch COVID-19. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, toàn bộ các đại biểu tham dự Đại hội và khách mời được bố trí ăn, nghỉ theo đoàn, tập trung trong suốt quá trình diễn ra Đại hội tại các khách sạn, nhà khách gần địa điểm tổ chức hội nghị (Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội). Đại biểu không ăn, nghỉ ở bên ngoài hoặc nhà riêng, trừ một số trường hợp có quy định riêng.
Bắt tạm giam Chánh văn phòng Sở Y tế Tiền Giang
Chiều 22/1, Thượng tá Phạm Thế Kim, Phó Trưởng Công an thành phố Mỹ Tho cùng tổ công tác của Công an thành phố Mỹ Tho đến Sở Y tế Tiền Giang để tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Chánh văn phòng Sở này là Nguyễn Văn Nguyện (sinh năm 1964; ngụ tại xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), để điều tra về tội "Nhận hối lộ" được quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo thông tin ban đầu, vào tháng 2/2010, Nguyện giữ chức vụ Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ của Sở Y tế Tiền Giang. Vào thời điểm này, có nhiều bác sĩ được đào tạo theo địa chỉ do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cấp kinh phí đào tạo khi học xong phải về tỉnh công tác. Trong số này, có những bác sĩ sau khi ra trường vì điều kiện không thể về công tác nên làm đơn xin bồi thường kinh phí đào tạo. Nguyện đã tiếp nhận đơn và có hành vi gọi điện thoại “đòi chung tiền". Sau khi có đầy đủ chứng cứ, một số người đã tố cáo với Công an.
Sau khi thực hiện các thủ tục tố tụng theo quy định, trong chiều 22/1, cơ quan điều tra đã khám xét nơi làm việc và nhà riêng của bị can Nguyện.
Bí thư quận 5 được điều động làm Bí thư thành phố Thủ Đức
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Quận ủy quận 5, được Ban thường vụ Thành ủy điều động giữ chức Bí thư thành phố Thủ Đức nhiệm kỳ 2020-2025.
Chiều 22/1, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã trao quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về việc điều động ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Quận ủy quận 5 giữ chức Bí thư TP Thủ Đức, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, 45 tuổi, quê ở Bình Định, có trình độ là thạc sĩ quản lý giáo dục, cử nhân luật, cử nhân hành chính, cao cấp lý luận chính trị. Trước khi được điều động giữ chức Bí thư thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Hiếu từng giữ chức Bí thư Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, Bí thư Quận ủy quận 2.
Từ tháng 1/2016, ông Hiếu được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đến tháng 7/2016, ông Hiếu được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020. Từ 1/5/2020, ông Hiếu được Ban Thường vụ Thành ủy điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Quận ủy quận 5 nhiệm kỳ 2015-2020.
Lắp đặt camera trên tuyến biên giới để phòng, chống dịch COVID-19
Như vậy đến nay, thành phố Móng Cái có 126 camera giám sát ở các khu vực trọng điểm như biên giới, cửa khẩu, trung tâm hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 17 xã, phường, bến xe, bệnh viện, nút giao thông…
Đặc biệt, tại các điểm nóng khu vực Z1, Z2 thuộc địa bàn phường Hải Yên (phường Ka Long), khu bến Ngọc (xã Bắc Sơn), thành phố đã lắp đặt hệ thống camera AI hiện đại, có khả năng quét góc rộng, có hồng ngoại giám sát được cả ban đêm; có khả năng tổng hợp, truy xuất dữ liệu, thông tin đối với các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.
Toàn bộ dữ liệu camera được kết nối về Trung tâm điều hành thông minh thành phố Móng Cái và phòng làm việc của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo tỉnh. Thành phố Móng Cái chỉ đạo tổ làm việc tại Trung tâm điều hành thông minh thường trực báo cáo tình hình giám sát tại các khu vực trọng điểm cho lãnh đạo kịp thời xử lý khi có tình huống đột xuất.
Ngoài thành phố Móng Cái, 2 địa phương có tuyến biên giới là huyện Hải Hà và Bình Liêu cũng đang triển khai rà soát các vị trí cần lắp đặt camera giám sát phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép và vận chuyển, buôn hàng lậu qua biên giới.
Ngày 22/1, Việt Nam thêm 2 ca mắc mới COVID-19, tổng số 1548 ca
Tính đến 18 giờ ngày 22/1, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh đã được cách ly ngay; tổng số mắc hiện là 1548 ca.
Ca bệnh 1547 (BN1547) tại Long An: Nam, 52 tuổi, là chuyên gia, quốc tịch Ấn Độ. Ngày 19/1/2021, bệnh nhân từ Ấn Độ quá cảnh Dubai nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay EK392, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Long An. Kết quả xét nghiệm ngày 21/1/2021, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An.
Ca bệnh 1548 (BN1548) tại TP. Hồ Chí Minh: Nam, 27 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Ngày 20/1/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VJ8650, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại TP. Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 21/1/2021, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Tính đến 18 giờ ngày 22/1, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 18.603 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 119 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 17.272 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.212 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 31 ca.
Đến nay, đã 51 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 30 ca.