Tour Tết Nguyên đán 2021 có xu hướng theo từng nhóm nhỏ

Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội, từ khi xảy ra dịch COVID-19, thói quen lựa chọn tour của du khách đã thay đổi theo hướng đi nhóm nhỏ, gia đình và đặt dịch vụ lẻ. Đây cũng là xu hướng đặt tour Tết Nguyên đán 2021.

Tour ngắn ngày chiếm ưu thế

Chị Nguyễn Thanh Huyền (Thanh Xuân, Hà Nôi) chia sẻ: “Do kỳ nghỉ tết kéo dài 7 ngày, nên gia đình lựa chọn đi tuyến ngắn ngày. Năm trước đã đi tuyến Đông Bắc, năm nay gia đình lựa chọn đi tuyến biển Cát Bà (Hải Phòng) – Hạ Long (Quảng Ninh). Gia đình chủ yếu lựa chọn hình thức nghỉ dưỡng trong dịp Tết này.

Chú thích ảnh
Du khách trải nghiệm tại khu nghỉ dưỡng tại Cát Bà.

Từ thực tế tư vấn khách đặt tour Tết, bà Vũ Thị Bích Huệ, đại diện Flamingo Redtours cho biết: “Sau một năm nhiều biến động, xu hướng của khách hàng cũng đã thay đổi. Theo đó, khách có xu hướng lựa chọn các điểm đến an toàn, thuận tiện cho việc di chuyển, gần gũi với thiên nhiên, có nhiều hoạt động trải nghiệm. Bên cạnh đó, khách có xu hướng lựa chọn các tour ngắn ngày với độ dài tour từ 3 - 4 ngày, các ngày khởi hành đẹp (mùng 2, mùng 3 Tết)".

Bên cạnh đó, các tour đường bộ lễ hội đầu năm Đông, Tây Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, SaPa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La) cũng thu hút khách hàng. Đối với các tour đường bay, các điểm đến nắng ấm như Phú Quốc, Tây Nguyên trở thành các điểm đến nhiều lựa chọn.

“Do thói quen của khách Việt Nam đến sát ngày mới đặt dịch vụ, nên đến thời điểm này Flamingo Redtours đã đạt được khoảng 70% so với kế hoạch đề ra”, bà Vũ Thị Bích Huệ chia sẻ.

Trong khi đó, đại diện Vietravel Hà Nội cho biết, tỉ lệ bán tour Tết tại Vietravel vào khoảng 65%. Các điểm đến được lựa chọn nhiều có đường bay là tuyến: Phú Quốc, Quy Nhơn, Phú Yên, Buôn Mê Thuột - Pleiku, Huế - Đà Nẵng, Cần Thơ - Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng…. Còn đường bộ là SaPa, Mộc Châu, Mộc Châu - Sơn La, Hà Giang, Hạ Long - du thuyền 5 sao hoặc tắm Onsen, bay thủy phi cơ… Mặc dù Tết, nhưng giá tour nội địa năm nay tiết kiệm từ 15 - 30% so với Tết 2020, do năm nay chủ yếu là phục vụ khách nội địa.

Có sản phẩm phù hợp với thị trường nội địa

“Nhu cầu đi du lịch của người tiêu dùng cũng đang dần thay đổi theo hướng cá nhân hoá, tự lựa chọn hành trình của mình, chủ động về thời gian di chuyển, nghỉ dưỡng… để đảm bảo yếu tố riêng tư và an toàn. Bên cạnh tour trọn gói, đơn vị mở bán thêm riêng vé máy bay hoặc combo vé máy bay và khách sạn cho du khách có nhu cầu du lịch tự túc”, bà Hà Anh, đại diện Vietravel cho biết.

Chú thích ảnh
Trải nghiệm gói bánh chưng truyền thống tại điểm du lịch Công viên Nhỏ (Hà Nội).

Đó là lý do các doanh nghiệp du lịch đang nghiên cứu tạo các sản phẩm theo từng phân khúc thị trường. Với nhóm khách lẻ theo hai hướng rõ nét là nghỉ dưỡng dịch vụ cao cấp và trải nghiệm gắn với nhóm và gia đình. Do đó, du lịch trải nghiệm nông thôn mới vùng ngoại thành đô thị hoặc bản làng miền núi kết hợp với thư giãn trong khu cảnh thiên nhiên sẽ phát triển. Hiện các doanh nghiệp và Sở quản lý du lịch địa phương triển khai xây dựng sản phẩm để thu hút khách dựa trên thay đổi này”, ông Lương Duy Doanh, đại diện CLB lữ hành UNESCO Hà Nội chia sẻ.

Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, từ góc độ địa phương, Hà Nội phát triển nhóm sản phẩm du lịch di sản: Phát triển và hoàn thiện các sản phẩm mới tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ ở Đường Lâm...; các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh kết hợp trải nghiệm tại chùa Hương, cụm di tích đền Tản Viên Sơn Thánh, K9, Cổ Loa, đền Sóc... Hà Nội tiếp tục phát triển những sản phẩm nhóm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, làng nghề truyền thống (gắn với giáo dục, nông nghiệp) nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Với tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, thì ngành du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác thị trường nội địa, khuyến khích người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Do đó, Tổng cục Du lịch cùng với các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần nghiên cứu kỹ phân khúc từng thị trường khách nội địa để có sản phẩm du lịch phù hợp. Bắt đầu từ cuối năm 2020, các đơn vị đang thực hiện cơ cấu lại tổ chức để tạo dựng sản phẩm mới phù hợp với từng đối tượng khách..

Theo đánh giá của Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, từ dịp Tết năm 2021 sẽ đánh dấu một bước chuyển mới trong việc tổ chức hoạt động của các doanh du lịch trong cả nước. “Những doanh nghiệp còn tồn tại đều phải tự tổ chức lại theo cách làm mới, sự liên kết sẽ đi vào thực chất hơn”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam nhận định.

Bài và ảnh: XC/Báo Tin tức
Nhu cầu tuyển nhân lực ngành công nghệ thông tin gia tăng
Nhu cầu tuyển nhân lực ngành công nghệ thông tin gia tăng

Ngày 21/1, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đã tổ chức phiên giao dịch việc làm chuyên đề công nghệ thông tin (CNTT) và triển khai hoạt động Cổng thông tin Dịch vụ việc làm Việt Nam (ESIP) tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN