Tin nổi bật trong tuần từ 16 đến 22/11

Tiếp tục tìm thấy nạn nhân trong vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3; Việt Nam không có ca mắc mới trong cộng đồng trong 81 ngày qua; Gia Lai khai trừ Đảng 6 cán bộ vì để mất đất rừng; chốt tháng 12/2020 vận hành thử toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông; hoàn tất kết luận điều tra vụ án 'Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước' tại Hà Nội... là những thông tin đáng chú ý, nổi bật trong tuần qua, từ ngày 16 đến 22/11.

Đã tìm thấy thêm một thi thể trong vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3

Ngày 22/11, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm một thi thể nạn nhân bị mất tích trong vụ sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường. Ảnh: TTXVN phát

Như vậy, tính đến nay, đã có 6 thi thể được tìm thấy trong tổng số 17 công nhân bị mất tích trong vụ sạt lở đất ngày 12/10, vẫn còn 11 thi thể chưa được phát hiện.

Trước đó, chiều tối 16/11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã họp bàn để nối lại hoạt động tìm kiếm 12 công nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3, sau khi cơn bão số 13 đi qua.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Anh Tuấn cho biết: Hiện nay, tuyến đường 71 từ xã Phong Xuân, huyện Phong Điền đi Thủy điện Rào Trăng 4 đã xuất hiện khoảng 5 điểm sạt lở. Trong ngày 17/11, ngành giao thông vận tải tỉnh sẽ huy động máy móc và nhân lực để khắc phục các điểm sạt lở nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa lực lượng tìm kiếm lên lại hiện trường Thủy điện Rào Trăng 3.

Sau 5 này ngăn đập, nắn dòng suối Rào Trăng thành công, sáng 22/11, trên 200 cán bộ, chiến sỹ bộ đội, dân quân tự vệ, công an, biên phòng và công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 cùng nhiều phương tiện có mặt tại hiện trường để chuyển sang giai đoạn mới - tìm kiếm 12 nạn nhân mất tích ở dưới lòng suối Rào Trăng sau vụ sạt lở đất ngày 12/10.

Dự kiến, ngày 23/11, các lực lượng cứu hộ sẽ đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm thi thể nạn nhân dưới lòng sông theo phương pháp đảo ngói. Theo đó, lực lượng cứu hộ được chia thành 2 mũi; một mũi tìm kiếm từ phía thượng lưu về hạ lưu và một mũi tìm kiếm theo hướng ngược lại.

Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế đánh giá cao quyết tâm tìm kiếm các nạn nhân từ phía lực lượng cứu hộ trong hơn một tháng qua. Để hoàn thành việc ngăn đập, nắn dòng như hiện nay, Ban Chỉ huy lực lượng cứu hộ đã huy động hàng trăm nhân lực và phương tiện cơ giới tham gia đào, bới, vận chuyển một khối lượng lớn rọ đá đến hiện trường. Nhờ đó, một dòng chảy mới được tạo nên với chiều sâu hơn 3m, rộng 5m và dài hơn 150m; còn đập ngăn suối dài 15m, cao hơn 3,5m và rộng 5m.

81 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng

Ngày 22/11, Việt Nam ghi nhận không có mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, nhưng có thêm 1 ca mắc mới nhập cảnh vào Việt Nam, nâng tổng số mắc lên 1.307 trường hợp.

Chú thích ảnh
81 ngày Việt Nam không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Ảnh : TTXVN phát

Ca bệnh 1307 (BN1307): Nam, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày 19/11/2020, BN1307 từ Philippines nhập cảnh Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VJ2527, được cách ly ngay tại tỉnh Tiền Giang. Kết quả xét nghiệm ngày 21/11/2020 tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Long Định, tỉnh Tiền Giang.

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 22/11, Việt Nam có tổng cộng 1.307 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 8.475 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 68 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 8.108 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 299 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 11 ca, lần 2 là 9 ca, lần 3 là 5 ca.

Gia Lai khai trừ Đảng đối với 6 cán bộ vì để mất đất rừng

Thông tin từ Thành ủy Pleiku (Gia Lai) cho biết, Đảng bộ thành phố Pleiku đã ra các quyết định khai trừ Đảng đối với 6 cán bộ sai phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ.

Theo Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân, việc khai trừ Đảng được tiến hành sau khi Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng có bản án phúc thẩm đối với 12 bị can, trong đó có 6 đảng viên thuộc Đảng bộ thành phố Pleiku. Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định: “Đảng viên bị hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên phải khai trừ ra khỏi Đảng” để áp dụng hình thức kỷ luật đối với các đảng viên có sai phạm.

Trước đó, ngày 15/9, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm vụ án sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. 12 bị cáo nguyên là lãnh đạo và cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Pleiku, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Pleiku, xã Trà Đa, xã Diên Phú…

Theo cáo trạng, từ năm 2010-2015, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ để xảy ra các sai phạm tài chính, gây thiệt hại ngân sách gần 1,5 tỉ đồng; làm mất gần 64.000 m2 đất rừng, trong đó hơn 47.000 m2 đất lâm nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái luật cho cán bộ thuộc Ban quản lý. Trong vụ án này, tổng mức án 12 bị cáo bị tuyên phạt là gần 200 tháng tù giam.

Tại phiên phúc thẩm, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Gia Lai và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai xem xét hành vi của ông Bùi Tiến Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch thành phố Pleiku. Lý do, ông Dũng đã ký cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân liên quan trong vụ án khi không đầy đủ thủ tục, điều kiện theo quy định, để một số đối tượng hợp thức hóa quyền sử dụng đất đối với các diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm. Sai phạm này là nghiêm trọng, có dấu hiệu lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại cho Nhà nước, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chưa xem xét xử lý theo quy định là xử lý vụ án chưa toàn diện, triệt để.

Chốt tháng 12/2020 vận hành thử toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Chú thích ảnh
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 nhà ga trên cao. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự kiến từ 18-21/11, nhóm chuyên gia Pháp gồm 7 người của Liên danh nhà thầu tư vấn đánh giá độc lập an toàn hệ thống (ACT) dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ bay sang Việt Nam để chuẩn bị cho vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày. Hiện Tổng giám đốc liên danh ACT đã có mặt ở dự án.

Cùng với nhóm chuyên gia trên, Tổng thầu EPC (Công ty TNHH Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc) đã đưa gần 100 người sang dự án. Trong đó, hơn 30 người sẽ hoàn thành cách ly để theo dõi y tế phòng dịch COVID-19 trong ba ngày tới.

“Các nhân sự của Tổng thầu đang làm việc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang tập trung khắc phục những chi tiết còn tồn tại được nêu ra trong hồ sơ nghiệm thu các hạng mục thành phần. Trong đó có hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan cấp chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy, làm hồ sơ hoàn công… Dự kiến sẽ bắt đầu vận hành thử toàn bộ hệ thống trong tuần đầu tháng 12/2020, thời gian vận hành 20 ngày”, Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin.

Y án sơ thẩm đối với các bị cáo trong vụ án gian lận thi cử tại Sơn La

Sáng 20/11, tại tỉnh Sơn La, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm đối với 4 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 xảy ra ở Sơn La.

Chú thích ảnh
Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên án. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

4 bị cáo có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm được đưa ra xét xử, gồm: Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La); Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La); Nguyễn Minh Khoa (nguyên Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La).

Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm cho rằng, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã đánh giá đúng người, đúng tội, xem xét các chứng cứ khách quan, phù hợp với các quy định của pháp luật. Ngoài ra, tại phiên xét xử phúc thẩm, các bị cáo Trần Xuân Yến, Lò Văn Huynh, Nguyễn Minh Khoa, Nguyễn Thanh Nhàn không đưa ra được các chứng cứ mới phù hợp với kháng cáo của các bị cáo.

Vì vậy, Hội đồng xét xử tuyên y án sơ thẩm đối với 4 bị cáo trên. Theo đó, Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm tuyên phạt: Bị cáo Trần Xuân Yến, 9 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, cấm đảm nhiệm chức vụ 5 năm và phạt tiền 50 triệu đồng. Bị cáo Lò Văn Huynh, 15 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ" và 5 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, tổng 21 năm tù. Bị cáo Nguyễn Minh Khoa, 8 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn, 30 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” và phạt tiền 20 triệu đồng.

Hội đồng xét xử cũng xem xét kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Thanh Sơn và bà Lê Thị Yến (là em vợ và vợ bị cáo Lò Văn Huynh). Không chấp nhận đề nghị trả lại số tiền 1 tỷ đồng, do đây là vật chứng của vụ án; đồng ý miễn án sơ thẩm.  

Hoàn tất kết luận điều tra vụ án 'Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước' tại Hà Nội

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh TTXVN

Ngày 20/11/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra bản kết luận điều tra vụ án "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" tại Hà Nội và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để truy tố về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” quy định tại Điều 337, Bộ luật hình sự, đối với 4 bị can.

Đó là: Nguyễn Đức Chung, sinh ngày 3/8/1967; cư trú tại số 88, phố Trung Liệt, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Phạm Quang Dũng, sinh ngày 16/7/1983; cư trú tại Phòng 3312, CT1, chung cư Ecogreen, đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội; nguyên cán bộ Công an.

Nguyễn Hoàng Trung, sinh ngày 28/7/1983; cư trú tại Phòng 1602, tòa nhà T2, chung cư Grand City, số 3 Lương Yên, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; chuyên viên Phòng thư ký biên tập.

Nguyễn Anh Ngọc, sinh ngày 20/5/1974; cư trú tại ngõ 104 Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội; nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập.

Kết luận điều tra đã được Cơ quan An ninh điều tra tống đạt tới các bị can theo đúng quy định của pháp luật.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp )
Tin nổi bật ngày 21/11
Tin nổi bật ngày 21/11

Hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” liên quan đến nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; cơ bản hoàn thành đắp đập, nắn dòng chảy suối Rào Trăng; UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị thu hồi 2 giấy phép với chủ đầu tư Dự án Thủy điện Thượng Nhật... là những thông tin nổi bật trong ngày 21/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN