Thêm một ca mắc COVID-19 được cách ly sau khi nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 20/11, Việt Nam ghi nhận 1 ca mắc COVID-19 mới, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Thái Bình. Bệnh nhân 1305 (nam, 38 tuổi, quốc tịch Việt Nam), có địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội. Ngày 19/11/2020, bệnh nhân từ Đức nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5036, được cách ly tại tỉnh Thái Bình ngay sau khi nhập cảnh.
Kết quả xét nghiệm ngày 19/11/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, bệnh nhân dương tính với SAR-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Như vậy, tính đến chiều 20/11, Việt Nam có tổng cộng 1305 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số người mắc COVID-19 tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca, tại 15 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (389 ca), Quảng Nam (96 ca), Hải Dương (16 ca), Hà Nội (11 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (8 ca), Quảng Trị (7 ca), Bắc Giang (6 ca), Quảng Ngãi (5 ca), Lạng Sơn (4 ca), Đắk Lắk (3 ca), Đồng Nai (2 ca), Thái Bình (1 ca), Hà Nam (1 ca), Thanh Hóa (1 ca) và Khánh Hòa (1 ca).
Cũng trong ngày 20/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Quảng Ninh. Phó Thủ tướng lưu ý: Quảng Ninh là địa bàn trọng yếu, có đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, đồng thời có sân bay Vân Đồn thường xuyên đón các công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về, nhiều khách sạn vẫn đang là địa điểm cách ly cho người nhập cảnh về Việt Nam, do đó công tác phòng, chống dịch COVID-19 phải luôn được đặt lên hàng đầu.
Tỉnh Quảng Ninh cần tuyệt đối tuân thủ việc cách ly người nhập cảnh về Việt Nam qua sân bay Vân Đồn, không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Tỉnh Quảng Ninh cần triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện. Tỉnh Quảng Ninh cũng cần nhanh chóng hoàn thiện, cập nhật bản đồ an toàn COVID-19.
Kiểm tra tại Khách sạn Xuân Hồng, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ những khó khăn mà các khách sạn nói chung gặp phải khi dịch COVID-19 xảy ra. Phó Thủ tướng lưu ý Khách sạn Xuân Hồng cũng như các khách sạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cần làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19; thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay, giữ vệ sinh tốt và khử khuẩn buồng, phòng; có các bảng thông tin hoặc tờ hướng dẫn công tác phòng chống dịch để du khách biết. Mỗi khách sạn làm tốt công tác phòng chống dịch sẽ góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện.
Tại Phòng khám đa khoa quốc tế The MedCare, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngoài việc thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh theo quy định, phòng khám cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, tránh lây lan ra cộng đồng. Phòng khám cần chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, vật tư y tế, khẩu trang để phục vụ công tác phòng chống dịch và hỗ trợ có hiệu quả cho tỉnh để công tác phòng chống dịch được tốt hơn.
Kiểm tra tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long, Phó Thủ tướng đánh giá cao cố gắng của nhà trường trong công tác chống dịch, tổ chức dạy và học. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến thầy cô, cán bộ, nhân viên nhà trường nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Trong thời gian tới, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch cho học sinh, khuyến khích các em đeo khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên rửa tay, tạo dựng môi trường học tập lành mạnh, an toàn, bếp ăn sạch sẽ, vệ sinh, nơi ở gọn gàng, sạch sẽ. Toàn ngành giáo dục Quảng Ninh cần chung tay cùng tỉnh, cùng Nhà nước đẩy lùi dịch COVID-19.
Quyết tâm tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3
Từ sáng 20/11, tranh thủ thời tiết nắng ráo, các lực lượng cứu hộ tập trung hoàn chỉnh việc nắn dòng chảy và bắt đầu phân thủy. Lực lượng quân đội tập kết toàn bộ rọ đá, thu gom đá xuống hiện trường gần khu vực đắp đê quai để bắt đầu đắp đập nắn dòng vào ngày 21/11. Hiện các lực lượng đã đào nắn dòng chảy mới sâu hơn 3m, rộng khoảng 5m và dài hơn 150m. Với quyết tâm cao của các lực lượng, trong ngày 20/11, công tác khơi thông dòng chảy, ngăn đập, nắn dòng sẽ hoàn tất.
Dự kiến ngày 22/11, các lực lượng cứu hộ sẽ chuyển qua giai đoạn tìm kiếm các nạn nhân ở dưới lòng suối Rào Trăng. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ thuộc Trường Trung cấp 24 Biên phòng cũng tổ chức cho 3 chú chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm các nạn nhân. Thượng úy Phạm Văn Bằng, giáo viên Khoa Giám biệt nguồn hơi - Trường Trung cấp 24 Biên phòng cho hay, chó nghiệp vụ được đưa vào thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm gặp khó khăn vì thi thể của các nạn nhân đã bị vùi lấp lâu ngày, do vậy mùi hơi lan tỏa trên bề mặt hầu như còn rất ít. Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích giai đoạn 3 tại Thủy điện Rào Trăng 3 cũng gặp nhiều trở ngại do giao thông phức tạp, một số điểm sạt lở, hệ thống thông tin liên lạc khó khăn chủ yếu sử dụng bộ đàm.
Đại úy Nguyễn Thành Trung, Trợ lý Ban Tác huấn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tổ chức điều động lực lượng, phương tiện, vật chất, trang bị để đảm bảo công tác tìm kiếm đạt hiệu quả cao nhất. Nỗ lực tham gia tìm kiếm, Binh nhất Phan Hoài Đức, Đại đội 17 Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế tâm sự: “Trong những ngày qua, điều kiện làm việc, tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 rất vất vả. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để sớm đưa những nạn nhân còn lại trở về với người thân, gia đình”.
An Giang triệt xóa sới bạc, bắt giữ 37 đối tượng
Chiều 20/11, Thượng tá Đỗ Văn Mười Bốn - Trưởng Công an huyện Châu Thành (An Giang) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh triệt phá thành công sới bạc tại ấp An Phú, xã An Hòa, huyện Châu Thành, bắt giữ 37 đối tượng liên quan, thu giữ trên 40 triệu đồng.
Theo đó, vào khoảng 10 giờ 20 phút ngày 20/11, Công an huyện Châu Thành phối hợp cùng Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh An Giang bất ngờ ập vào khu đất trống thuộc ấp An Phú, xã An Hòa, huyện Châu Thành, bắt quả tang 37 đối tượng đang sát phạt nhau bằng hình thức đá gà ăn tiền. Tại hiện trường, lực lượng Công an thu giữ: 4 con gà, 18 điện thoại di động, 9 xe mô tô và hơn 43 triệu đồng trên chiếc bạc và trong người các đối tượng cùng nhiều tang vật liên quan khác.
Khai thác nhanh các đối tượng bị bắt giữ tại hiện trường cùng chứng cứ có được, bước đầu cơ quan chức năng xác định, sới bạc trên do Lê Hoàng Tâm Em, sinh năm 1976, trú tại ấp An Phú, xã An Hòa, huyện Châu Thành đứng ra tổ chức lấy tiền xâu. Theo Thượng tá Đỗ Văn Mười Bốn, đây là tụ điểm đã nhiều lần bị lực lượng Công an triệt xóa, tuy nhiên sau một thời gian ngưng hoạt động các đối tượng lại tái diễn, thu hút các con bạc từ nhiều nơi đến tham gia, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Việc Công an huyện Châu Thành phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh An Giang kịp thời triệt phá sới bạc trên được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Công an huyện Châu Thành đang điều tra, xác minh làm rõ vai trò của từng đối tượng, xử lý theo quy định của pháp luật.
Y án sơ thẩm đối với các bị cáo trong vụ án gian lận thi cử tại Sơn La
Sáng 20/11, tại tỉnh Sơn La, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm đối với 4 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018 xảy ra ở Sơn La.
4 bị cáo có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm được đưa ra xét xử, gồm: Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La); Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La); Nguyễn Minh Khoa (nguyên Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La); Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La).
Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm cho rằng, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã đánh giá đúng người, đúng tội, xem xét các chứng cứ khách quan, phù hợp với các quy định của pháp luật. Ngoài ra, tại phiên xét xử phúc thẩm, các bị cáo Trần Xuân Yến, Lò Văn Huynh, Nguyễn Minh Khoa, Nguyễn Thanh Nhàn không đưa ra được các chứng cứ mới phù hợp với kháng cáo của các bị cáo.
Vì vậy, Hội đồng xét xử tuyên y án sơ thẩm đối với 4 bị cáo trên. Theo đó, Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm tuyên phạt: Bị cáo Trần Xuân Yến, 9 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, cấm đảm nhiệm chức vụ 5 năm và phạt tiền 50 triệu đồng. Bị cáo Lò Văn Huynh, 15 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ" và 5 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, tổng 21 năm tù. Bị cáo Nguyễn Minh Khoa, 8 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn, 30 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” và phạt tiền 20 triệu đồng.
Hội đồng xét xử cũng xem xét kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Thanh Sơn và bà Lê Thị Yến (là em vợ và vợ bị cáo Lò Văn Huynh). Không chấp nhận đề nghị trả lại số tiền 1 tỷ đồng, do đây là vật chứng của vụ án; đồng ý miễn án sơ thẩm.
Trước đó, bị cáo Trần Xuân Yến kháng cáo cho rằng bản thân không phạm tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ như quy kết, nên đã làm đơn kháng cáo.
Bị cáo Lò Văn Huynh kháng cáo cho rằng, bị cáo không nhận hối lộ số tiền 1 tỷ đồng từ bị cáo Nguyễn Minh Khoa và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Nguyễn Minh Khoa kháng cáo với nội dung bị cáo không đưa hối lộ số tiền 1 tỉ đồng cho bị cáo Lò Văn Huynh, không có chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, bản án sơ thẩm có những sai sót nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, thu thập bổ sung, đánh giá toàn diện các chứng cứ để chứng minh bị cáo không phạm tội.
Bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn kháng cáo với nội dung bị cáo chỉ giữ vai trò giúp sức trong vụ án đồng phạm, nhưng không có vai trò đáng kể, bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn, không phải là người thực hành, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét cho bị cáo được hưởng hình phạt khác nhẹ hơn hình phạt quy định tại khoản 1, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị Thanh Yến và ông Lê Thanh Sơn đều có kháng cáo với nội dung: yêu cầu xem xét trả lại vật chứng (tiền trong vụ án), vì đây không phải là tranh chấp dân sự; Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng quy định về án phí có giá ngạch trong vụ án dân sự đối với bà Yến, ông Sơn là không chính xác.