Chủ động ứng phó với áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão
Ngày 7/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ban hành văn bản số 495/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện ở vùng biển phía Đông miền Trung Phi-líp-pin có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động. Hồi 13 giờ ngày 7/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,0 độ Vĩ Bắc; 126,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Phi-líp-pin khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Đến 13 giờ ngày 8/11, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 120,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Từ 13 giờ ngày 8/11 đến 13 giờ ngày 9/11, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão; vị trí tâm bão ở khoảng 12,5 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 160km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận theo dõi, cập nhật diễn biến áp thấp nhiệt đới qua các bản tin của cơ quan dự báo và các phương tiện thông tin đại chúng; thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Việt Nam đã có 66 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 7/11, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận. Việt Nam hiện có tổng cộng 1.213 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Đã có 66 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.
Số người mắc COVID-19 tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca, tại 15 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (389 ca), Quảng Nam (96 ca), Hải Dương (16 ca), Hà Nội (11 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (8 ca), Quảng Trị (7 ca), Bắc Giang (6 ca), Quảng Ngãi (5 ca), Lạng Sơn (4 ca), Đắk Lắk (3 ca), Đồng Nai (2 ca), Thái Bình (1 ca), Hà Nam (1 ca), Thanh Hóa (1 ca) và Khánh Hòa (1 ca).
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến thời điểm này, 1.070 bệnh nhân COVID-19 đã được chữa khỏi. Trong số các bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 9 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; có 11 người âm tính lần 2 và 8 người âm tính lần 3. Nước ta đã ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên nền bệnh lý trầm trọng và hiện nay không còn ca bệnh nặng nào.
Cả nước còn 14.064 người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 209 người được cách ly tại bệnh viện, 12.926 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác và 929 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Để phòng, chống dịch trong trạng thái "bình thường mới", Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, nhất là khi đi ra ngoài và khi về nhà.
Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân hãy hành động, thực hiện đúng và đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch - "Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh", tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt Thông điệp 5K là: Khẩu trang- Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung đông người - Khai báo y tế để giữ an toàn cho mình và xã hội trước đại dịch COVID-19.
Cháy lớn gây hư hại cho xưởng cưa và 3 phòng trọ tại thành phố Đà Lạt
Khoảng 10 giờ ngày 7/11, một vụ hoả hoạn đã xảy ra tại khu nhà số 48B đường Đống Đa (thuộc sở hữu của gia đình ông Võ Văn Thân, Phường 3, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, hiện khu nhà được dùng làm xưởng cưa và cho thuê trọ). Rất may vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi nhà kho chứa gỗ của xưởng cưa và hư hại cho 3 phòng trọ cùng nhiều đồ đạc bên trong.
Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên, ngọn lửa xuất phát từ một phòng trọ trong khu nhà trên, sau đó lan nhanh qua các phòng trọ khác và một nhà kho chứa gỗ của xưởng cưa. Do nhà kho có chứa nhiều gỗ là vật liệu dễ cháy nên ngọn lửa nhanh chóng bùng phát rất lớn, khói đen bốc cao cả chục mét.
Ngay khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Lâm Đồng) đã điều 3 xe chữa cháy chuyên dụng cùng hàng chục chiến sỹ, phối hợp với lực lượng của Phường 3 tham gia chữa cháy. Sau khoảng 30 phút, ngọn lửa đã được khống chế và dập tắt hoàn toàn.
Ghi nhận ban đầu, vụ cháy không gây thiệt hại về người do cả 3 phòng trọ đều không có người ở nhà. Tuy nhiên, nhiều đồ đạc, vật dụng bên trong 3 phòng trọ bị hư hại, riêng khu nhà kho chứa gỗ của xưởng cưa bị thiêu rụi hoàn toàn. Lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm kê thiệt hại và làm rõ nguyên nhân vụ hoả hoạn trên.
Kịp thời cấp cứu, đưa thuyền viên bị tai biến nguy kịch trên biển về bờ an toàn
Ngày 7/11, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực II tại thành phố Đà Nẵng (Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam) cho biết, lực lượng cứu hộ của Trung tâm vừa cấp cứu, đưa một thuyền viên bị tai biến nguy kịch khi đang cùng tàu đánh bắt thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ngãi về bờ an toàn tại Đà Nẵng, bệnh nhân được chuyển tiếp vào bệnh viện địa phương để tiếp tục điều trị.
Trước đó, trưa 6/11, tàu QNa 90269 TS khi đang hành nghề ngoài khơi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi tại vị trí cách mũi An Hòa khoảng 80 hải lý về phía Đông, thì trên tàu có thuyền viên Đỗ Hồng Dũng (sinh năm 1966, trú tại Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam) bất ngờ bị tai biến, liệt nửa người bên phải và hôn mê ngay sau đó. Nhận thấy tình huống nguy cấp đe dọa tính mạng thuyền viên trên tàu, Thuyền trưởng Lương Văn Tồn (sinh năm 1973, trú tại Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam) đã liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam yêu cầu hỗ trợ y tế khẩn cấp cho tàu.
Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng kết nối liên lạc qua hệ thống Đài Thông tin duyên hải để hướng dẫn các thuyền viên trên tàu sơ cứu cho anh Dũng, đồng thời hướng dẫn hải trình cho Thuyền trưởng khẩn trương chạy tàu về đất liền.
Qua chuẩn đoán sơ bộ, các y, bác sỹ cho biết bệnh nhân bị tai biến nghiêm trọng, hiện đã hôn mê sâu cần sớm được tiếp cận y tế để bảo toàn tính mạng và tránh các di chứng nguy hiểm về sau. Lúc này, thời tiết tại vị trí của tàu có diễn biến xấu, biển động dữ đội do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10 kết hợp gió mùa Đông Bắc, sóng cao 3-4 m, gió cấp 6 giật trên cấp 7, khiến tàu di chuyển khó khăn.
Đến 13 giờ 20 phút cùng ngày, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều động tàu SAR 412 hiện đang ứng trực tại Quy Nhơn khẩn trương rời bến đi cứu nạn, cấp cứu cho thuyền viên tàu QNa 90269 TS.
Sau nhiều giờ hành trình với tốc độ tối đa dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lúc 21 giờ 20 phút cùng ngày, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã tiếp cận được tàu QNa 90269 TS. Bệnh nhân Dũng sau khi trải qua ca cấp cứu tại chỗ, được đưa sang tàu SAR 412 tiếp tục chăm sóc y tế tích cực và khẩn trương đưa về đất liền.
Đến sáng 7/11, bệnh nhân Dũng đã được tàu SAR 412 đưa về đến Đà Nẵng an toàn và bàn giao cho cơ quan chức năng theo quy định. Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân và chuyển vào điều trị tại bệnh viện địa phương.