Đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong sai sót của bộ sách giáo khoa lớp 1
Tại phiên họp thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước... sáng 4/11, là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng nếu chấp nhận một bộ sách đầy những mảng chắp vá được phát hành thì đó là thái độ thỏa hiệp rất nguy hại và cần làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng bộ phận chứ không chỉ dừng lại ở việc rút kinh nghiệm.
Trước các ý kiến của đại biểu Quốc hội về bộ sách giáo khoa lớp 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong Luật giáo dục (sửa đổi), điều 32 khoản 3 quy định rất rõ, trách nhiệm trực tiếp ở đây là của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Luật quy định rất rõ, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về sách giáo khoa ở tất cả các khâu đó.
"Cá nhân tôi nhiều lần từng gặp các đồng chí, các thầy cô giáo, sơ bộ đúng như đại biểu quốc hội nói. Bộ trưởng Nhạ cũng nói với tôi là Bộ trưởng không hề có kiến thức và kinh nghiệm dạy ngữ văn lớp 1. Qua các lần làm việc, tôi có thể nói, bộ sách giáo khoa đã được biên soạn nhưng cuốn Tiếng Việt của nhóm Cánh Diều đã được Bộ thẩm định, phê duyệt là có lỗi, có sai sót, có sạn. Lỗi này cần được tiếp thu tiếp thu rất cầu thị, khoa học", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những việc không hiểu cần có sự trao đi đổi lai một cách cởi mở, trên hết là cầu thị. Bộ trưởng đã nhìn nhận rõ có sai sót, trách nhiệm thuộc về Bộ và Bộ trưởng cũng đã có những bước chỉ đạo về việc này như thay Chủ tịch hội đồng thẩm định...
"Trước đây chúng ta là một chương trình, một bộ sách, gần như không phân biệt và gần như bắt buộc. Còn hiện nay, một bộ sách hay nhiều bộ sách thì chất lượng phải bằng hoặc tốt hơn ngày xưa. Việc đó là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ không hoàn thành được nếu không có sự đóng góp của đông đảo đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục, đặc biệt là toàn thể nhân dân. Chúng tôi đã chỉ đạo Bộ cần tận dụng công nghệ thông tin, đưa các bản thảo sách giáo khoa lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định để mọi người dân sẽ góp ý, qua đó tiếp thu, chắt lọc ý kiến đúng. Tất cả đều vì tương lai đất nước đều vì con cháu", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Bão số 10 sẽ đổ bộ vùng biển Quảng Ngãi đến Khánh Hòa từ chiều 5/11, miền Trung mưa lớn
Dự báo chiều 5/11, vị trí tâm bão ở trên vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 70 km/giờ), giật cấp 10. Các tỉnh miền Trung có mưa lớn, gió giật mạnh.
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, cho biết: "Bão số 10 có diễn biến phức tạp với đặc điểm là vùng mây đối lưu lệch về phía Tây nên khả năng xảy ra hiện tượng mưa dông, lốc và gió giật mạnh ở vùng ven biển và đất liền. Điều này gây mối nguy cơ cao đối với tàu, thuyền và các lồng bè nuôi trồng thủy sản ven bờ".
Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm cảnh báo, từ đêm 4/11 đến ngày 6/11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt; các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt. Từ ngày 5-7/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
* Để chủ động ứng phó bão số 10, có khả năng gây mưa lớn và sạt lở nhiều nơi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản; công tác di dời hoàn thành trước 11 giờ ngày 4/11.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, loa phóng thanh về phương án ứng phó thiên tai đến cộng đồng để nhân dân biết, chủ động ứng phó; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của của nhân dân.
Ông Nguyễn Như Công, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) cho biết: Bão số 9 gây thiệt hại nặng trên địa bàn huyện, nhà cửa của người dân bị hư hại nhiều. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là di chuyển toàn bộ người dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi ở an toàn, đồng thời chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu để cung cấp cho đồng bào.
Khách sạn TP Hồ Chí Minh đồng loạt giảm giá để kích cầu du lịch
Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa thành phố từ nay đến cuối năm, hàng loạt khách sạn từ 2-5 sao sẽ giảm giá từ 20-60% để thu hút nhiều du khách đến thành phố.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết tham gia kích cầu du lịch nội địa từ nay đến cuối năm, các khách sạn tại TP Hồ Chí Minh đang áp dụng giảm giá sâu từ 20-60%. Tuy nhiên, dù giảm giá sâu nhưng các khách sạn vẫn cam kết giữ nguyên chất lượng phục vụ cho khách lưu trú. Đồng thời, để tăng nguồn thu trong mùa dịch và tạo thêm việc làm cho người lao động, nhiều khách sạn trên địa bàn cũng chủ động đăng ký làm điểm cách ly có trả phí cho các chuyên gia nhập cảnh, người lao động về nước... khi nhập cảnh về nước có nhu cầu.
Bên cạnh đó, hàng loạt khách sạn, resort nghỉ dưỡng cao cấp tại các tỉnh, thành khác cũng đang đồng loạt triển khai nhiều chương trình ưu đãi để kích cầu du lịch, kích thích nhu cầu đi du lịch nội địa của du khách. Các gói ưu đãi thường kết hợp giá vé máy bay giữa TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội với những điểm du lịch nổi tiếng như: Phú Quốc, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Quảng Nam… và giá phòng khách sạn cũng giảm mạnh 30-60% so với ngày thường.
Hai người tiếp xúc gần với BN 1203 đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1
Chiều 4/11, Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội do ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp trực tuyến với các địa phương.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 1 ca bệnh từ nước ngoài được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cụ thể, bệnh nhân 1203 sinh năm 1960, là chuyên gia người Israel nhập cảnh ngày 31/10, trên chuyến bay QR976 (ghế 30C) từ sân bay Doha - Qatar.
Bệnh nhân 1203 này được cách ly tại khách sạn Mường Thanh Grand Centre (quận Hoàn Kiếm) ngay sau khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 3/11, bệnh nhân dương tính với virus SARS-COV-2 và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 để điều trị.
Đại diện quận Hoàn Kiếm cho biết, có 2 người tại khu cách ly tại khách sạn có tiếp xúc với bệnh nhân 1203, đến nay hai người này đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Để bảo đảm an toàn, quận Hoàn Kiếm đã yêu cầu những người phục vụ trong khu cách ly khi tiếp xúc với người nước ngoài nhập cảnh vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là phải mặc đồ bảo hộ khi cần tiếp xúc.
* Trước tình trạng chủ quan, lơ là của người dân như 50% số người ra vào chung cư không đeo khẩu trang; khu vực phía ngoài cổng bến xe nhiều người không đeo khẩu trang nhưng không có lực lượng để nhắc nhở..., tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội chiều 4/11, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, thành phố sẽ ra quân kiểm tra, xử lý những trường hợp không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch. "Chỉ cần một trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng là mọi kết quả trước đó đều đổ bể", ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.