Tin nổi bật ngày 5/11

Trong ngày 5/11, dư luận quan tâm đến hoạt động ứng phó với bão số 10; Đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên; Mở rộng khu cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú cho người nhập cảnh; Tiếp tục khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước hành vi lừa đảo qua điện thoại; Hà Nội chỉ đạo đảm bảo vận hành cho Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Kiểm soát chặt chẽ tàu, thuyền; xử phạt các chủ phương tiện không tuân thủ an toàn trong thiên tai

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu, thuyền, xử phạt nghiêm theo quy định những tàu, thuyền và các phương tiện không tuân thủ đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống thiên tai; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Lực lương chức năng kêu gọi tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão tại cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Kết luận cuộc họp ứng phó với bão số 10 sáng 5/11 tại Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 10 kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu, thuyền, xử phạt nghiêm theo quy định những tàu, thuyền và các phương tiện không tuân thủ đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống thiên tai; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 35/CĐ-TW ngày 2/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về chủ động ứng phó bão số 10.

Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Tiến yêu cầu các lực lượng chức năng và địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; tiếp tục công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão; giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, sẵn sàng ứng phó với bão và mưa lũ sau bão; đảm bảo an toàn công trình và hạ du các hồ đập thủy lợi, thủy điện, lưu ý đối với các hồ đập nhỏ, xung yếu; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê sông, đê biển, các công trình phòng, chống thiên tai, sạt lở, khôi phục hệ thống điện (lưu ý trước khi đóng điện trở lại cần thông báo cho các cơ quan và người dân để tránh xảy ra tai nạn).

Trước đó, ngày 19/10, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã ra quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với ông Bùi Văn Tám, chủ tàu cá QNg 90741 TS theo Khoản 2, Điều 7, Nghị định 104 ngày 14/9/2017 về hành vi yêu cầu cứu hộ khẩn cấp, nhưng không hợp tác khi lực lượng cứu hộ tiếp cận, tàu cá QNg 90741 TS không vào bờ tránh trú bão.

Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 5/11, vị trí tâm bão cách bờ biển Quảng Ngãi đến Phú Yên khoảng 280 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão. Từ chiều tối và đêm 5/11, trên đất liền ven biển Quảng Ngãi, Bình Định và Bắc Phú Yên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.

Từ 7 giờ ngày 5/11 đến 7 giờ ngày 6/11, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15 km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên; vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Đề phòng lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong ngày 5 và 6/11, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt; các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.

Từ đêm 5 đến ngày 7/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh, các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai ở mức báo động 1, báo động 2, có sông trên báo động 2; các sông từ Quảng Nam đến Bình Định có khả năng lên mức báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3.

Ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ở mức cấp 2.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: Mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, bảo đảm an toàn tính mạng.

Mở rộng khu cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú cho người nhập cảnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa có ý kiến về việc tiếp nhận cách ly công dân Việt Nam về nước trên các chuyến bay thương mại để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là Hà Nội, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng khu cách ly tại khách sạn, cơ sở lưu trú cho người nhập cảnh (kể cả người nước ngoài và người Việt Nam về nước) trên các chuyến bay thương mại, thông báo cho Bộ Y tế để phối hợp cùng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông Vận tải điều phối việc cách ly người nhập cảnh, vừa đảm bảo phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho hoạt động khách sạn, cơ sở lưu trú. Kinh phí cách ly do người cách ly tự chi trả.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 5/11/2020, Việt Nam có 1.207 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.069 ca được điều trị khỏi.

Tính đến 9 giờ ngày 5/11/2020, Việt Nam có tổng cộng 516 ca mắc COVID-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Hiện có 15.137 người đang thực hiện cách ly, trong đó 196 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 13.959 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 982 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Trong 24 giờ qua, nước ta có thêm 4 ca mắc mới COVID-19, đều là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay sau khi vào Việt Nam. Việt Nam đã có 64 ngày liên tiếp không có ca mắc mới tại cộng đồng.

Việt Nam nằm trong số các quốc gia thành công trong phòng, chống dịch COVID-19 kể từ đầu năm tới nay. Bạn bè và dư luận quốc tế đánh giá Việt Nam là một điểm sáng trong cuộc chiến chống COVID-19. Đó là nhờ Chính phủ phản ứng kịp thời, người dân đoàn kết-ủng hộ, cũng như nhờ sớm đưa ra chiến lược xét nghiệm cho phép truy vết các ca bệnh.

Tiếp tục khuyến cáo khách hàng cảnh giác trước hành vi lừa đảo qua điện thoại

Cuối năm là thời điểm "nóng" của hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại và mạng xã hội. Bởi vậy, Tập đoàn VNPT tiếp tục nâng cao mức độ cảnh giác trên toàn hệ thống, đồng thời khuyến cáo khách hàng thận trọng trước các cuộc gọi, tin nhắn bất thường để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, một phụ nữ ở Hà Nội đã đến cơ quan trình báo bị lừa 13 tỷ đồng sau khi nhận cuộc điện thoại từ người tự xưng là nhân viên cơ quan tư pháp. Đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ lừa đảo được người dân trình báo từ đầu năm 2020. Ước tính, tổng số tiền các nạn nhân bị lừa trên cả nước đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trước những diễn biến phức tạp của hành vi lừa đảo, đặc biệt vào thời điểm cuối năm, Tập đoàn VNPT tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hệ thống bảo mật và tuyên truyền, khuyến cáo đến khách hàng.

Theo đó, Tập đoàn VNPT đã chủ động rà soát, đảm bảo việc lưu trữ đầy đủ, chính xác và bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng. Cùng với đó, VNPT đã thực hiện nhiều biện pháp để loại bỏ tình trạng "sim rác", ngăn chặn tin nhắn "rác".

Tập đoàn VNPT cũng khuyến cáo khách hàng cần thận trọng trước những cuộc gọi, tin nhắn bất thường. Cụ thể, khách hàng cần bình tĩnh, cảnh giác khi nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn và đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Hà Nội chỉ đạo đảm bảo vận hành cho Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn

Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố (TP) Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Quốc Hùng tại cuộc họp xử lý, khắc phục ngay các tồn tại để đảm bảo công tác vận hành cho Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Chú thích ảnh
Hàng chục xe rác nối đuôi chờ đổ rác tại bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Để khắc phục các tồn tại hạn chế, đảm bảo công tác vận hành cho Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND TP xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ UBND TP xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ UBND TP giao.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo 2 phần việc cần tập trung xử lý nhanh chóng, dứt điểm công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

UBND TP giao UBND huyện Sóc Sơn chịu trách nhiệm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân. Trong đó có chính sách thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng. Ban Quản lý dự án (chủ đầu tư dự án) chịu trách nhiệm chi trả tiền theo đúng phương án đã được UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt theo quy định và theo thẩm quyền.

Ban Quản lý dự án và UBND huyện khẩn trương chi trả tiền đối với các phương án đã có quyết định phê duyệt, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.

Các trường hợp đã có kết luận rõ của Thanh tra Thành phố về việc cấp giấy chứng nhận sai quy định: UBND huyện Sóc Sơn thu hồi các giấy chứng nhận đã cấp sai; đồng thời phê duyệt phương án bồi thường đất ở theo đúng hạn mức quy định của pháp luật về đất đai.

Các trường hợp chưa đủ cơ sở để Thanh tra Thành phố ra kết luận (do UBND huyện Sóc Sơn không cung cấp được hồ sơ cấp giấy chứng nhận trước đây) thì UBND TP giao UBND huyện Sóc Sơn rà soát và xử lý theo hướng: Nếu đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận (với diện tích đất ở vượt hạn mức) theo đúng quy định thì bồi thường theo đúng diện tích đất ở ghi trên giấy chứng nhận.

Nếu không đủ điều kiện, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt phương án theo hạn mức đất ở quy định. Trường hợp các hộ vẫn có kiến nghị, đề nghị được bồi thường theo đúng diện tích đất ở ghi trên giấy chứng nhận, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt phương án theo giấy chứng nhận đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý các sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Các trường hợp đã chuyển nhượng hết phần diện tích đất ở trên giấy chứng nhận đã cấp, hiện đang ăn ở trên diện tích đất vườn ao liền kề còn lại: UBND huyện Sóc Sơn thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo đúng loại đất thu hồi và chính sách đã được UBND TP chấp thuận tại Văn bản số 2819/UBND-GPMB ngày 05/7/2019, đồng thời xét bố trí tái định cư cho các hộ theo quy định.

XC/Báo Tin tức
Thị trường lao động dần phục hồi nhưng khó đột biến dịp cuối năm
Thị trường lao động dần phục hồi nhưng khó đột biến dịp cuối năm

Những thành công trong phòng chống dịch COVID-19 lần 2 và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa đang dần trở lại bình thường đã giúp thị trường lao động phục hồi. Đặc biệt, những tháng cuối năm nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng, nhưng thường chỉ tập trung nhiều vào việc làm thời vụ, bán thời gian...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN