Sức ép khi doanh nghiệp tái cơ cấu
Thông số do Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, những tác động của dịch COVID-19 lên thị trường lao động khá lớn. Đến hết quý III/2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Trong đó, lao động bị giảm thu nhập là 68,9%; lao động phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên là gần 40% và lao động buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 14%.
Khi dịch COVID-19 đang được kiểm soát thị trường bước đầu đã ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc. Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong thời gian tới, thị trường lao động Việt Nam đang dần phục hồi tùy theo từng lĩnh vực.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: Doanh nghiệp đang dần thích ứng với hoạt động kinh doanh trong tình hình mới theo hướng tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc tái cơ cấu phòng ban, mô hình kinh doanh và sắp xếp lại lực lượng lao động. Do tác động của dịch COVID-9, một số ngành nghề co hẹp nhưng cũng có những ngày nghề mở rộng như công nghệ thông tin, thiết bị y tế, nhựa kháng khuẩn…
Tại Hà Nội, một trong những thị trường lao động lớn miền Bắc cũng đã “ấm dần”. Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Trong hai tháng gần đây, nhu cầu tuyển dụng qua sàn lao động việc làm giao động khoảng từ 6.000 – 6.800 lao động/tháng. Những tháng cuối năm, các đơn vị đăng ký tuyển lao động vẫn có nhưng không đột biến, chủ yếu là lao động bán thời gian. Chính vì vậy, từ nay đến cuối năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm mở các phiên lưu động tại các huyện ven đô để kết nối thị trường lao động.
Phụ thuộc nhiều công tác phòng dịch
Dù bước đầu ghi nhận những tín hiệu tốt, song khi đánh giá về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong những tháng còn lại của năm 2020, ông Vũ Quang Thành nhận định việc phục hồi thị trường lao động phụ thuộc vào các kịch bản phòng chống dịch.
Với kịch bản lạc quan nhất là Việt Nam kiểm soát và phòng chống dịch tốt, cùng sự mở cửa trở lại giao thương với các đối tác quốc tế sẽ thúc đẩy hoạt động lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp sôi động thì nhu cầu tuyển dụng cũng sẽ tăng lên song không đáng kể.
"Hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch, vì dù Việt Nam cơ bản đã khống chế được nhưng trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó, việc gia tăng tuyển lao động cuối năm chủ yếu là lao động thời vụ cho dịp lễ tết”, ông Vũ Quang Thành nhận định.
Dự báo, một số ngành nghề sẽ có nhiều nhu cầu lao động trong thời điểm này tập trung chủ yếu là khối thương mại dịch vụ, giao nhận hàng, thương mại điện tử, logistic và công nghiệp chế biến…
Về mức lương của lao động, ông Thành cho rằng sẽ khó có sự đột biến trong những tháng cuối năm. Qua khảo sát các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại sàn giao dịch việc làm, đại diện các doanh nghiệp cho biết mục tiêu trước mắt là giữ được việc làm cho người lao động.
Để phù hợp với công tác phòng dịch, hiện Sàn giao dịch việc làm tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày. "Có thể quy mô vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch, các phiên sẽ hoạt động từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần tại đồng bộ 15 điểm sàn trên toàn địa bản thành phố. Ngoài các phiên định kỳ, chúng tôi cũng sẽ tổ chức thêm một số phiên lưu động tại địa phương", ông Thành nói và cho biết thêm để phòng chống dịch sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong phỏng vấn online.
Trước mắt, doanh nghiệp có thể vẫn tập trung tại sàn việc làm, nhưng người lao động có thể ngồi ở bất kỳ đâu đều có thể truy cập vào hệ thống để phỏng vấn, việc này nhằm tận dụng tối đa nguồn lao động tại các địa bàn.
Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Nhà nước sớm triển khai, đưa các chính sách kích cầu, cắt giảm thuế, hỗ trợ vay trả lương cho lao động để thị trường lao động phục hồi. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là không được tăng chi phí cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, thậm chí là phải cắt giảm, đơn cử như kinh phí công đoàn 2% cũng nên xem xét trước mắt giảm xuống nhằm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.