Tin giả hoành hành và vai trò của báo chí chính thống

“Tin giả” là loại tin mà không ai muốn tin, nhưng rất nhiều người vẫn nghe theo và thậm chí hành động theo thông tin không có thật ấy. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, tin giả càng có điều kiện hoành hành. Chính vì vậy, hơn khi nào hết, các cơ quan báo chí và các nhà báo cần phát huy hơn nữa vai trò, chức năng của mình để định hướng dư luận xã hội được tiếp cận với những luồng thông tin đúng đắn.

Một dòng tin sai, hậu quả khôn lường

Còn nhớ, tháng 7/2017, dư luận xôn xao với thông tin máy bay rơi tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), kèm theo hình ảnh nhốn nháo tại sân bay. Cùng thời điểm này, Hà Nội đang mưa rất to nên thông tin được lan truyền mạnh mẽ và nhiều người tin là thật. Nhưng đó là tin giả, họ đã đăng tải thông tin này để nhằm “câu like”, tăng lượt người theo dõi Facebook để phục vụ cho việc kinh doanh mỹ phẩm của mình…

Chú thích ảnh
Một chủ tài khoản Facebook thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi đã bị xử phạt 20 triệu đồng. Ảnh chụp màn hình.

Đầu năm, một tài khoản Facebook bán áo đầm bầu đăng thông tin dịch tả lợn châu Phi lan rộng có khả năng lây truyền sang người giữa bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Thông tin khiến rất nhiều người dân hoang mang, tẩy chay thịt lợn dù thực tế ngành thú y khẳng định dịch bệnh này không lây sang người. Chủ tài khoản sau đó đã bị xử phạt 20 triệu đồng.

Những năm gần đây, tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, đang bùng phát với số lượng lớn và trở thành vấn nạn chưa thể giải quyết. Thông tin thật và thông tin giả tồn tại đan xen nhau. Khi con người nhận ra nó là tin giả, thì không tin, không làm theo. Nhưng khi không nhận ra nó là tin giả, có thể họ sẽ bị “dắt mũi”.

Khi “báo chí công dân” nở rộ, nguồn thông tin từ các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube… gần như rất khó kiểm soát, thậm chí có xu hướng lấn lướt báo chí chính thống. Có trường hợp, báo chí còn khai thác nguồn tin mang tính chất “tin đồn”  từ mạng xã hội thì “tin giả” không còn là chuyện nhỏ nữa. Thông tin sai trên mạng xã hội đã nguy hại, khi nó được đưa lên mặt báo thì còn nguy hại hơn nữa.

Những tin giả lan truyền trên mạng xã hội thậm chí xuất hiện trên một số báo chí chính thống, đã gây nên những khủng hoảng truyền thông lớn cho đối tượng thông tin và chính các toà soạn báo. Dù cố tình hay vô ý, có những người làm báo đã chủ quan, bỏ qua một công đoạn quan trọng của tác nghiệp nhà báo là thẩm định thông tin.

Báo chí lẽ ra là lực lượng “làm sạch” thị trường thông tin hỗn độn, xác minh và đưa tới người đọc thông tin chính trực, thì có khi lại sa vào bẫy của mạng lưới thông tin trên Internet, vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của tin giả.

Khi thiếu sự cẩn trọng trong tác nghiệp, nhà báo có thể trở thành “tác giả” của “tin giả” mà không hề hay biết. Bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua, GS Nguyễn Anh Trí (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội) cho biết, mình cũng từng trở thành nạn nhân của một thông tin không đúng sự thật trên báo chí.

Chuyện là, khi thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông có phát biểu: “Đừng lấy ngày 27/7 như một ngày tri ân chung chung”, nhưng có báo đăng tải không đầy đủ, bỏ mất 2 chữ “chung chung” khiến rất nhiều cử tri bức xúc khi đọc tin.

Chú thích ảnh
GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ mình cũng từng là nạn nhân của tin giả. Ảnh: Hoàng Dương

Điều này khiến GS Nguyễn Anh Trí rất buồn lòng, ông phải gọi điện đến tòa soạn báo nhờ sửa tin, đồng thời có bài chia sẻ trên mạng xã hội cá nhân. Sau đại diện tòa soạn đã có lời xin lỗi giáo sư. “Có người hiểu tính tôi phải hỏi lại có đúng tôi nói như vậy không? Ý của tôi là ngày 27/7 đã được Bác Hồ chọn để tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người hi sinh xương máu cho đất nước. Nếu nói tri ân chung chung thì nó bình thường hóa ngày này”, GS Trí phân trần.

Với hiệu ứng của mạng xã hội, tác hại của một phát ngôn bị viết sai là vô cùng lớn, khiến ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Quốc hội cũng như cá nhân đại biểu. “Rất nhiều đối tượng xấu, phản động sẽ hùa theo thông tin sai, lồng vào 1 – 2 ý phản động gây hậu quả lớn”, GS Nguyễn Anh Trí lo ngại.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Google thời gian qua đã ngăn chặn, gỡ bỏ được gần 5.000 video clip xấu, độc trên trang YouTube theo yêu cầu của Bộ. Từ đầu năm 2018, Google đã đồng ý cơ chế hạ nguyên kênh có nội dung vi phạm thay vì hạ từng clip như trước đây. Facebook cũng gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Sự vào cuộc của báo chí chính thống

Giữa “cơn bão” thông tin xấu – đẹp, thật – giả trên môi trường mạng như hiện nay, vai trò của các cơ quan báo chí chính thống càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi những cơ quan đó sẽ đưa ra thông tin đúng mực, chuẩn xác, phản bác các thông tin sai sự thật, định hướng dư luận hiểu đúng và hành động đúng.

Là cơ quan thông tấn quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là cơ quan ngôn luận chính thống của Nhà nước, không chỉ đảm nhiệm vai trò là một ngân hàng tin mà còn thường xuyên đưa ra các thông tin phản hồi, phản biện trước những thông tin sai hay những vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. TTXVN như “phát ngôn viên” của Chính phủ, cung cấp thông tin chính xác về nhiều mặt đời sống cho người dân. TTXVN cũng đã hết sức chú trọng vai trò định hướng thông tin, đính chính thông tin sai sự thật, tin giả, cung cấp nguồn thông tin chính xác nhất.

Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh từng nhấn mạnh, trong khi truyền thông xã hội đang tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền thông, nó cũng mang đến nhiều hậu quả tiêu cực. Sự lan truyền nhanh chóng của “tin giả” -  một phần do xu hướng ưu tiên những thông tin mang tính “câu view” của các nền tảng mạng xã hội - đang trở thành một vấn nạn với những tác động ghê gớm, tạo ra những cuộc tranh luận trong công chúng.

“Việc phát tán tin giả, mà đôi khi chính những cơ quan báo chí chính thống cũng góp phần, khiến công chúng không thể phân định được sự thật, góp phần làm suy giảm lòng tin vào báo chí nói chung. Đối mặt với những thông tin bịa đặt và xuyên tạc, nhiều cơ quan báo chí đang tranh thủ chính cơ hội này để chứng tỏ giá trị gia tăng độc nhất của họ là nguồn thông tin và bình luận đáng tin cậy”, ông Lê Quốc Minh chia sẻ.

hoi bao
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình thăm gian trưng bày của TTXVN và xem bìa báo Tết Tuần Tin tức tại Hội báo toàn quốc 2019. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Trong việc chống tin giả, vai trò của báo chí chính thống rất quan trọng. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), đầu tiên, báo chí phải thận trọng để không trở thành “nguồn phát” tin giả. Thực tế chứng minh rằng, dù được đính chính kịp thời hay không, những tin giả trên báo chí là những “vết đinh” đã đóng lên tường, gỡ đi vẫn còn dấu vết.

Thứ hai, với những tin giả, tin sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội, báo chí phải là cơ quan phản biện, phủ nhận cái sai của thông tin, đồng thời đưa ra thông tin đúng cho độc giả nhằm định hướng dư luận.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng hết sức trăn trở về vấn nạn tin giả. Trong bài viết "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam" đăng trên các báo mới đây, ông viết: “Truyền thông xã hội, tin giả đã trở thành từ khóa làm nhiều người liên tưởng tới những cuộc xuống đường bạo động khiến cả châu Âu và thế giới đứng ngồi không yên suốt thời gian qua. Ngay tại Mỹ, sau những cuộc biểu tình chiếm phố Wall (năm 2011), giới chính trị gia đã chỉ trích đích danh Facebook, Twitter là “công cụ của bạo loạn”.

Ông Võ Văn Thưởng đề nghị phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng của báo chí trong thông tin tích cực. Báo chí cách mạng cần khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số. Dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm.

“Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của cơ quan báo chí trong thực hiện tôn chỉ, mục đích và nội dung thông tin, trong hợp tác hoạt động báo chí, trong đầu tư nền tảng công nghệ số cho sự phát triển vươn tầm của báo chí. Thực hiện ngay quy hoạch báo chí đã được phê duyệt trong năm 2019, rà soát cấp phép lại hoặc thu hồi giấy phép hoạt động đối với các tổ chức, cơ quan trong thời gian qua đã buông lỏng quản lý, có nhiều vi phạm trong hoạt động báo chí”, ông Võ Văn Thưởng viết.

Rõ ràng, những chế tài xử lý vi phạm là rất cần thiết. Nhiều ý kiến đề nghị nâng cao vai trò của cơ quan quản lý báo chí là Bộ Thông tin và Truyền thông. “Làm sao để quét hết rác trên môi trường mạng như Bộ trưởng đã nói. Giờ chỉ cần bấm vào một trang mạng là hàng loạt tin hiện ra, người dân lựa chọn được thông tin chính thống rất khó. Vai trò quản lý báo chí rất quan trọng, nhất là trong thời đại mạng xã hội bùng nổ ngày nay”, bà Hồ Thị Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đề nghị.

Trong các năm 2017, 2018 và đầu 2019, nhiều đối tượng tung tin thất thiệt đã bị công an triệu tập và chuyển cho các cơ quan liên quan xử lý. Trong “cuộc chiến” với tin tức giả, những động thái này của Việt Nam cũng như các quốc gia được đánh giá là tích cực và cần thiết.

Tuy nhiên, các định chế sẽ mãi chỉ là các quy định, nếu như chính người phát tán và người đón nhận tin chưa thực sự ý thức nguy cơ đáng sợ của tin giả, cũng như trách nhiệm của bản thân. Nhà báo Callum Borchers (Washington Post) từng nói: “Sự lừa dối tạo ra tin giả, sự cả tin làm lan truyền nó”. Điều này đặt ra yêu cầu đối với mỗi cá nhân, đơn vị trong việc có ý thức hơn khi lan truyền, tiếp nhận và sử dụng thông tin.

 

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả
Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019), ngày 19/6, Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức tọa đàm “Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN