Đây là dịp để bạn đọc, nhà báo, chuyên gia giao lưu, trao đổi, chia sẻ quan điểm, góc nhìn về thông tin giả, tin không đúng sự thật đã và đang diễn ra trên các trang mạng xã hội, một số phương tiện thông tin đại chúng.
Theo ông Trần Minh Hùng, Tổng Biên tập Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, công nghệ thông tin, mạng internet đã và đang tạo ra nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng. Tuy nhiên, lợi dụng mạng xã hội, một số người đã vô tình hoặc cố ý đưa ra thông tin giả, bóp méo sự thật. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, tạo nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sự phát triển của một đơn vị, tổ chức hay một quốc gia.
Từ thực tế này, tọa đàm đặt ra trọng trách cho các cơ quan, đơn vị báo chí với vai trò định hướng dư luận, cập nhật thông tin chính xác, khách quan. Ở góc độ nhà báo, ông Trần Minh Hùng cho rằng, nếu người dùng không xác minh thông tin sẽ bị dẫn dắt bởi thông tin đó, nếu nhà báo lấy mạng xã hội làm nguồn tin tác nghiệp, chắc chắn sẽ bị nguồn tin không kiểm chứng dẫn dắt.
Về tác động tiêu cực của tin giả, Tiến sĩ Tâm lý học Lê Thị Linh Trang cho rằng thông tin giả, tin không đúng sự thật gây tổn hại uy tín tổ chức, cá nhân, định hình suy nghĩ, thái độ lệch lạc của con người, gây hoang mang, tạo dư luận xấu. Thông tin giả còn làm nhiễu thông tin nội bộ quốc gia, gây bất ổn chính trị, phân chia tôn giáo, sắc tộc, gây kích động bạo lực, thù địch, tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong mỹ tục…
Để khắc phục tình trạng này, Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang cho rằng, cần nâng cao vai trò giáo dục luật pháp, truyền thông cho người dân; tăng cường tuyên truyền, thông tin để người dân hiểu rõ hơn vấn nạn này, giúp họ có khả năng phân biệt được tin thật, tin giả, để có thể tự bảo vệ mình tốt hơn.
Cùng quan điểm, nhà báo Lê Thanh Phong (Báo Lao động) cho rằng, vai trò của báo chí là đưa tin đến bạn đọc nên cần phải định hướng thông tin, đưa tin trung thực, đúng sự thật, có trách nhiệm với thông tin của mình và cộng đồng xã hội. Cùng với báo chí, độc giả cũng có trách nhiệm chống tin giả bằng cách kiểm tra qua các nguồn khác, không like, share khi chưa xác định được nguồn tin. Doanh nghiệp cần tự tin, sử dụng pháp luật để chống lại những thông tin giả làm tổn hại đến doanh nghiệp, không được thỏa hiệp, dung dưỡng cho những người dùng tin giả, lợi dụng tin giả để hại mình.
Theo Tiến sĩ luật Đinh Thị Thanh Nga, hiện pháp luật có đầy đủ công cụ để chế tài những vi phạm này. Nếu doanh nghiệp mạnh dạn làm thì luật sư và hệ thống pháp luật đủ sức bảo vệ doanh nghiệp. Cụ thể, việc xử phạt tin giả được quy định như vi phạm hành chính (theo Nghị định 174/NĐ-CP/2013), phạt tiền, tước giấy phép, bồi thường thiệt hại dân sự, xử lý kỷ luật đối với cá nhân đưa thông tin, truy cứu trách nhiệm hình sự (cá nhân); chế tài theo điều 156, Bộ luật Hình sự về tội vu khống phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù giam.
Luật An ninh mạng mới đây cũng nghiêm cấm các hành vi xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.