Thậm chí cơn bão tin giả còn đáng sợ hơn bão thiên nhiên ở chỗ, nó không chừa một không gian và thời gian nào, nó đổ bộ khắp nơi và cùng một lúc. Điều đó đặt toàn nhân loại vào thế bị tấn công, mà nếu không có ngay các biện pháp tiêu diệt nó thì chắc chắn thế giới sẽ bị chao đảo, khủng hoảng và thậm chí bị nhấn chìm. Việt Nam đương nhiên không nằm ngoài cơn bão đó và thực tế đã chứng minh nó đang ra sức hoành hành, ngày một bùng nổ, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, khó lường.
Con số có khoảng 60 triệu người Việt dùng Facebook, trong đó có 63% người đọc thông tin giả và 40% là nạn nhân hàng ngày. Mỗi ngày, có hàng nghìn trang mạng đang mọc lên “như nấm sau mưa” để cung cấp các tin giả và giật gân, đã cho thấy sự báo động đến mức nào!
Nhắc lại hậu họa của bão tin giả, để chúng ta một lần nữa nhận thức sáng rõ rằng: Việc chống lại, tiêu diệt tin giả không chỉ là nhiệm vụ toàn cầu, xa xôi ở đâu, mà ở ngay chúng ta, đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, khẩn trương và toàn diện hơn nữa. Hành động để chống lại bão tin giả cũng không phải là vấn đề vĩ mô tầm quốc gia, nhiệm vụ của riêng cơ quan đoàn thể nào, mà nó chính là nhiệm vụ của từng cá nhân khi tiếp nhận, sàng lọc, chia sẻ, sử dụng… thông tin!
Sớm nhìn ra mức độ nguy hiểm của bão tin giả, nhiều nước trên thế giới đã có những biện pháp rất mạnh mẽ, những hành động rất cụ thể để xử lý không khoan nhượng với vấn nạn này. Tại Nga, Tổng thống Putin vừa ký ban hành một đạo luật mới nhằm kiểm soát thông tin trên internet, phạt tới mức 1,5 triệu Rúp (tương đương 550 triệu đồng) nếu đưa tin sai sự thật, tin giả gây hậu quả nghiêm trọng. Tại Đức, Đạo luật NetzDG có hiệu lực từ ngày tháng 1/2018 đã chú trọng ngăn chặn tin giả kích động hằn thù trên mạng xã hội; MXH vi phạm nghĩa vụ xóa và kiểm soát thông tin sẽ bị phạt đến 50 triệu euro. Tại Anh, từ tháng 1/2018, đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm mang tên "Đơn vị truyền thông an ninh quốc gia" làm nhiệm vụ nhận dạng và xử lý tin giả. Nước Ý thì giao nhiệm vụ xử lý tin giả cho lực lượng cảnh sát bưu chính, thành lập một trang web riêng để công dân báo tin giả. Quốc hội Ý cũng đang xem xét dự luật về tin giả với mức phạt tù đến 2 năm. Trung Quốc cũng đã sớm mạnh tay siết chặt quá trình quản lý an ninh mạng để chống lại các thách thức an ninh cũng như sự nhiễu loạn từ thông tin giả với bộ máy kiểm duyệt có số nhân viên lên tới hàng chục ngàn người. Còn ngay tại các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines..., cũng đã cấp tập đưa ra hàng loạt điều luật và hành động thiết thực để chống lại “cơn bão tai quái” tin giả!
Việt Nam chúng ta cũng đã không chủ quan, không khoan nhượng với nạn tin giả, chủ động ứng phó và xử lý nghiêm tin giả. Chúng ta đã xây dựng được một hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý vấn đề tin giả, xấu độc, từ các quy định trong Bộ luật hình sự cho đến các quy định trong Luật An ninh mạng vừa thực thi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần trăn trở về việc phải nhanh chóng xây dựng MXH Việt Nam không kém MXH nước ngoài nhưng cũng phải quản lý chặt, lành mạnh hóa không gian mạng; có biện pháp chấn chỉnh mạnh, không để kéo dài tình trạng đưa tin sai sự thật. Với quan điểm nhất quán là tự do thông tin, không ngăn chặn MXH nhưng với bất kỳ vi phạm nào, nhất là loan truyền tin giả, sai sự thật, bịa đặt… thì đều phải xử lý nghiêm theo pháp luật.
Chúng ta cũng đã hình thành một bộ máy tổ chức có nhiệm vụ phát hiện, xử lý thông tin giả, xấu độc; đã phát hiện và xứ lý hàng trăm đối tượng đăng tải thông tin giả, sai sự thật, bịa đặt… trên MXH, internet theo quy định của pháp luật. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An đã phát hiện, xử lý tới 2.500 trang tin xấu độc, vi phạm quy định pháp luật. Bộ Thông tin Truyền thông cũng đã làm việc với các trang MXH, tiến hành tháo gỡ 4.500 clip xấu độc trên youtube và 3.000 link trên Facebook. Đã xây dựng Trung tấm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng…
Còn có nhiều việc đang trong quá trình chúng ta tiến hành hoặc ấp ủ nhằm hoàn thiện hệ thống cả về pháp luật, tổ chức bộ máy đến các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để quản lý tin giả, sai sự thật… Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức cho người dùng MXH, internet về nhận diện, chống lại, không tiếp tay cho tin giả; đẩy mạnh vai trò của các cơ quan báo chí chính thống trong việc cung cấp thông tin chính xác, cải chính thông tin sai lệch; xác định vai trò của mỗi nhà báo xịn trong cuộc chiến chống lại tin giả từ các “nhà báo công dân”…, cũng được mạnh mẽ nhận diện, thúc đẩy hơn bao giờ hết.
Thế nhưng, thẳng thắn mà nói, với mức độ đe dọa ngày càng nghiêm trọng của cơn bão tin giả, xấu độc đang lây lan càn quét hơn bất kỳ loại virus nào, thì những việc làm trên của chúng ta dường như vẫn chưa đủ, chưa mạnh, chưa nhanh, chưa tương ứng, chưa triệt để… và chưa thực sự tổng lực, nên hiệu quả chưa cao.
Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm vì chưa làm hoặc làm quá chậm so với cấp độ của bão tin giả. Đầu tiên phải kể đến việc phòng, ngăn chặn và sàng lọc tin giả của ta còn yếu ớt, chủ yếu vẫn tập trung xử lý hậu quả sau khi tin giả đã phát tán. Đấy là chưa kể, trong nhiều trường hợp xử lý những thông tin giả, có thể gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm, lúng túng, chưa bài bản, vẫn để một số thông tin giả lộng hành trong một thời gian đủ để tạo các hiệu ứng xấu, nguy hại trong xã hội. Cũng chưa thấy nhiều sự “ra quân” của các thông tin cải chính tin giả một cách rõ ràng, nhanh nhạy, quyết đoán từ các cơ quan báo chí chính thống, tin cậy để kịp thời định hướng dư luận. Và cũng chưa đưa việc phát hiện, ngăn chặn, cải chính tin giả thành nhiệm vụ bắt buộc, thường xuyên của các cơ quan báo chí, tuyên truyền , thậm chí đối với cả cơ quan quản lý nhà nước về công tác này.
Còn nữa, chúng ta cũng chưa hình thành được một bộ phận hay đơn vị nào chuyên biệt để phát hiện, kiểm chứng, xác minh thông tin giả. Và trong khi lực lượng không chuyên biệt đang còn quá mỏng thì chúng ta lại gần như bỏ phí việc sử dụng chính đội quân cư dân mạng đông đảo tham gia vào quá trình phát hiện tin giả. Chưa kể, một công cụ hỗ trợ hiệu quả và đắc lực cho kiểm soát fake news là các ứng dụng, công nghệ như phần mềm phát hiện tin giả; trang web đăng tải công khai tin giả và để nhận các phản ánh, phát hiện liên quan tin giả, xấu độc… cũng chưa hề có...
Trên thế giới và ngay cả trong nước, đã có không biết bao sự việc bị hậu quả nghiêm trọng do tin giả, xấu độc gây ra. Một cuộc bầu cử thất bại, một cuộc bạo động đẫm máu nổ ra từ tin giả, một thể chế bị lung lay hay nhỏ hơn là có thể giết chết một cá nhân, tàn phá một gia đình, thương hiệu, tổ chức… Vậy thì, không thể nào khác, để không phải đối mặt với những hậu quả nhãn tiền đó, chúng ta phải quyết làm tổng lực, bằng mọi giá, làm nghiêm và mạnh, để trả lại giá trị cho thông tin thật, để tiêu diệt bằng được cơ bão tin giả, trước khi nó biến thành “siêu bão”!