Ngày 2/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tổ chức tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, tại hai huyện biên giới Sốp Cộp và Sông Mã, tỉnh Sơn La.
Tại các buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo tới cử tri kết quả của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.
Cử tri tại các huyện Sốp Cộp và Sông Mã mong muốn sớm được Trung ương bố trí các nguồn vốn ngân sách để mở đường giao thông. Bởi tại huyện Sông Mã hiện còn 5/19 xã chưa có đường đến trung tâm xã đi được bốn mùa, trong đó xã Bó Sinh chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 - 2020. Xã Bó Sinh bị chia cắt bởi dòng sông Mã, đến nay việc đi lại phải đi qua cầu tạm nên nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân rất cao.
Tại huyện Sốp Cộp, cử tri đề nghị quan tâm, xem xét kế hoạch mở đường công vụ dọc theo tuyến biên giới (chưa được đầu tư theo Dự án 47), từ đó hình thành các tuyến đường đấu nối từ nội địa với đường tuần tra biên giới, tạo thành mạng lưới giao thông phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của các xã, bản biên giới huyện Sốp Cộp.
Cử tri huyện Sốp Cộp bày tỏ ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN |
Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tiếp thu ý kiến cử tri hai huyện Sốp Cộp và Sông Mã. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La sẽ gửi ý kiến của cử tri đến các cơ quan chức năng giải quyết trong thời gian tới.
Trước đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đã thăm, tặng quà gồm: 600 chăn ấm cho các em học sinh và 60 máy tính cho hai trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Mường Sai, huyện Sông Mã và Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tiếp xúc cử tri tại 2 huyện Trảng Bàng và Hòa Thành để thông báo kết quả Kỳ họp thứ 2 , Quốc hội khóa XIV; giải đáp những kiến nghị, lắng nghe và ghi nhận những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Tại huyện Trảng Bàng, cử tri phản ánh nhiều vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới , ô nhiễm môi trường, công tác phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, các chế độ đãi ngộ thu hút nhân tài của ngành y tế . Trong đó, nhiều cử tri quan tâm về lộ trình thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Xuân Lan nằm trên địa bàn huyện đã gây bức xúc và đã được phản ánh nhiều lần với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước đó.
Tại huyện Hòa Thành, cử tri kiến nghị các ngành, các cấp cần quan tâm sửa chữa lại một số tuyến đường liên huyện đang xuống cấp trầm trọng, gây bức xúc trong n hân dân, cần được đầu tư sửa chữa trong thời gian sớm nhất để người dân được đi lại thuận lợi hơn; cần hỗ trợ thêm kinh phí vào các chính sách khuyến học, khuyến tài, chính sách chế độ người công tác ở vùng sâu, vùng xa biên giới , người nghèo, người có công với cách mạng và một số chính sách hỗ trợ bà con nông dân sau lũ.
Các cử tri tỉnh Tây Ninh đặt câu hỏi, kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN |
Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giải đáp nhiều kiến nghị của các cử tri trong thời gian vừa qua. Trong đó, Đoàn báo cáo quy trình, cũng như quan điểm tỉnh trong vụ việc thống nhất xử lý thu hồi giấy phép khai thác khoảng sản của Công ty Xuân Lan; thông báo với cử tri một số nhiệm vụ quan trọng mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất tập trung thực hiện trong thời gian tới .
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình vừa kết thúc đợt tiếp xúc cử tri huyện Kim Bôi; vùng Đại Đồng, huyện Lạc Sơn gồm (Bình Cảng, Bình Chân, Tân Mỹ, Yên Nghiệp, Ân Nghĩa, Vũ Lâm) và 3 xã vùng Nam huyện Lương Sơn gồm (xã Hợp Châu, Long Sơn, Tân Thành).
Tại huyện huyện Kim Bôi, cử tri kiến nghị các vấn đề về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn khó khăn; thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc; xem xét lại các tiêu chí đánh giá, xếp loại hộ nghèo; thực hiện có hiệu quả các giải pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; có chính sách thu hút đầu tư vào địa bàn huyện để giải quyết việc làm cho người dân; giải quyết việc làm cho con em là người địa phương sau khi tốt nghiệp đại học, ra trường; có chính sách hỗ trợ đầu ra ổn định cho nông sản địa phương...
Cử tri vùng Đại Đồng, huyện Lạc Sơn mong muốn tỉnh, Trung ương quan tâm, tăng nguồn lực hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng các hạ tầng thiết yếu; quan tâm, có giải pháp cải thiện đời sống nhân dân; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng y tế, đầu tư công, giải quyết việc làm, chế độ cho các Chi hội trưởng các hội đặc thù...
Cử tri 3 xã vùng Nam huyện Lương Sơn đề nghị các cấp, ngành, đại biểu Quốc hội, nghiên cứu, tổng hợp, kiến nghị giải quyết phù hợp các vấn đề hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn khó khăn; có chính sách hỗ trợ đầu ra ổn định cho nông sản địa phương; đảm bảo môi trường khi triển khai các dự án đầu tư vào địa bàn; sắp xếp, tổ chức bộ máy cán bộ ở cơ sở; các chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức công tác ở vùng đặc biệt khó khăn...
Từ ngày 28/11-2/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn để báo cáo nội dung Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đánh giá cao chất lượng, kết quả Kỳ họp vừa qua của Quốc hội và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong thời gian qua đã kịp thời đưa các ý kiến, kiến nghị của cử tri đến với diễn đàn Quốc hội và nhận được những hồi âm tích cực từ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan.
Cử tri xã Hải Dương và Hải Quế, huyện Hải Lăng kiến nghị cần xây dựng một nhà máy sản xuất, thu mua, chế biến ớt để giúp tiêu thụ được bền vững; quan tâm đầu tư hệ thống giao thông trên địa bàn vùng cát, tạo điều kiện chuyển đổi nông nghiệp, khai hoang, phát triển kinh tế.
Cử tri hai xã Cam Thủy, Cam Hiếu của huyện Cam Lộ kiến nghị sớm có biện pháp khắc phục những bất cập trong việc xây dựng tuyến đường từ thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy qua xã Cam Hiếu. Người dân mong muốn tỉnh sớm có giải pháp tìm đầu ra bền vững cho nông sản trên địa bàn để tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân.
Cử tri các xã Đakrông, Hướng Hiệp, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông kiến nghị tỉnh xem xét lại việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp trên địa bàn, nếu không khả thi thì nên trả lại đất cho người dân sinh sống, sản xuất; sớm có giải pháp cung cấp nước sạch cho người dân; giải quyết triệt để việc tranh chấp địa giới hành chính giữa huyện Đakrông và huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế).
Cử tri phường 3, 4, thành phố Đông Hà kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ thi công cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu, tạo điều kiện đi lại cho người dân; xử lý hệ thống thoát nước trên 2 tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 9 qua địa bàn…
Tại các buổi tiếp xúc, nhiều kiến nghị của cử tri đã được các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các cấp ở tỉnh giải đáp trong phạm vi thuộc thuộc thẩm quyền. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng ghi nhận các ý kiến để tổng hợp, đề xuất Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét giải quyết theo thẩm quyền trong thời gian tới.